Friday, March 18, 2011

Chuyện bí bầu và những con hạc giấy

Hướng về nạn nhân động đất – sóng thần ở Nhật Bản

SGTT.VN - Đã một tuần trôi qua từ khi sóng thần và động đất ập đến Nhật Bản, dữ dội và khủng khiếp nhất trong lịch sử động đất ở đảo quốc này. Đã một tuần, nhưng không có bản tin thời sự nào trên truyền hình quốc gia và quốc tế lại không đưa tin tức Nhật Bản lên hàng đầu và đưa rất chi tiết.

Theo truyền thuyết Nhật, con hạc giấy mang lại điềm lành, gấp 1.000 con hạc giấy sẽ biến điều ước thành thật. Có lẽ ai cũng muốn cầu chúc người Nhật sớm vượt qua thảm hoạ động đất, sóng thần vừa qua. Ảnh: TL internet

Không có cách xử lý nào đúng hơn thế. Bởi vì khắp nơi trên trái đất, dù màu da gì, dù mức thu nhập cao ngất hay thấp tè, người ta hết thảy đều nghĩ và hỏi nhau mỗi khi có thể: “Nhật Bản hôm nay thế nào rồi? Có bao nhiêu người đã được cứu sống thêm? Đã có thêm bao nhiêu người thiệt mạng vì không kịp chờ cứu hộ? Những người ở nhà tạm có đủ cái ăn, thức uống không?”, vân vân và vân vân. Cơn giận dữ khủng khiếp của thiên nhiên đã làm cho hơn 15.000 người chết và mất tích. 380.000 người bị mất nhà cửa phải lưu trú tại các nhà tạm. Để khắc phục hậu quả bằng tái thiết, phải cần đến ít nhất hơn 180 tỉ USD!

Iwate, Miyagi, Fukushima… những địa danh hứng chịu cùng lúc thảm họa kinh hoàng do sóng thần, động đất và các vụ nổ lò phản ứng hạt nhân ập tới. Đau đớn, mất mát giăng đầy. Đã thế, tuyết còn tả tơi phủ trắng những gì còn lại của cái trước đây là nhà cửa, trường học, cửa hàng…

Điện thoại bị cắt hoặc bị hỏng. Vẫn may còn mạng. Những tiếng gọi nhau thảng thốt qua email “Qua ơi, Chánh ơi, Thọ ơi, Phước ơi, Thái Minh ơi… các anh các chị đang ra sao mau cho chúng tôi biết tin tức, dù chỉ một vài chữ cũng được. Nóng ruột quá”. Và đáp lại sau nhiều giờ nín lặng là những dòng mail “Quả day. Đang ở Niigata (trung tam tran dong dat). Dong dat ap toi luc 2h46pm ngay 10.3. Miyagi, Aomori, Hokkaido rung lac du doi. Richter 7,9 do. Hang ngan xe hoi va tau thuy da bi cuon phang ra bien. Dien thoai khong lien lac duoc. Co le day la tran dong dat lon nhat trong hon 40 nam toi o Nhat. ". “Phuoc day. 18h30 ngay 11.3, dang du hop cong ty phien toan quoc o tang 8 Tokyo Office thi dong dat den. Rung du doi ca chieu tren va chieu duoi. Xe dien ngung chay. Tau dien ngam khong hoat dong. Duong oto ket cung. Dem nay thu sau co le phai ngu lai van phong. Ngay mai thu bay thung thang ve nha cung duoc. ".

Ở Việt Nam, Hồng Lê Thọ - chủ blog Người lót gạch, Việt kiều Nhật hồi cư nhiều năm nay cứ vài giờ lại gửi mail thông báo cho bạn bè gần xa: “Anh Trần Văn Thọ và vợ là chị Quỳnh Chi đã bình an tại Tokyo, nhà bị rung lắc, đổ vỡ đố đạc chút đỉnh nhưng an toàn. Đã có tin anh Huỳnh Trí Chánh (nguyên chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản) rồi đây. Anh Chánh bình an. Phải ở nhà tạm trú nhưng có được cấp phát cơm ăn nước uống. Anh Chánh đã viết vôi vài dòng mail nhắn cho bạn bè yên tâm. Không dám viết dài vì sau lưng có hàng trăm người xếp hàng chờ gửi tin về cho gia đình. Lại có tin của anh Chánh đây: Tình hình ở Nhật Bản đến hôm nay (16.3) vẫn rất căng thẳng, dư chấn đang tiến gần đến Tokyo, các chuyên gia dự báo (xác suất 70%) vào ngày 18.3 sẽ có dư chấn 7 – 8 độ richter. Giao thông vẫn tắc nghẽn. Thức ăn, thức uống thiếu nghiêm trọng. Xăng dầu rất khan hiếm. Điện không bảo đảm liên tục. Không mua được gạo và lương khô”. Vợ của tiến sĩ Trần Văn Thọ - chị Quỳnh Chi thì gửi vội cho bè bạn những dòng ghi chép về cái ngày thứ sáu 11.3 kinh hoàng ấy từ Tokyo, nơi vợ chồng chị cư ngụ “Hai vợ chồng đang ở trong nhà, anh Thọ pha trà và đưa cho tôi một tách. Bỗng dưng nhà chao lắc mạnh, sách báo, vật dụng trên kệ và tủ rơi cả xuống đất. Điện cúp. Không bật được ti vi. May quá tìm được cái radio cũ kỹ và bốn cục pin. Thì ra động đất và sóng thần rất lớn đang đổ xuống Nhật Bản. Chạy chân không ra khỏi nhà. Xung quanh ai nấy đều đổ ra đường. Học sinh tiểu học đi học về, em nào cũng trùm đầu một chiếc khăn có lót bông dùng những khi có động đất. Học sinh nào ở Nhật Bản cũng có chiếc khăn này. Thường ngày, khăn ấy mắc vào sau ghế ngồi học hoặc dưới gầm ghế, hễ xảy ra chuyện thì trùm ngay lên đầu. Sáng thứ bảy 12.3, ra đường mới giật mình: tất cả các cửa hàng thực phẩm đều trống trơn hoặc đóng cửa. Không cơm hộp, cơm nắm, thịt cá, sữa và bất cứ món thực phẩm nào. Không có hàng để mà bày bán nữa!”.

Từ Việt Nam, từ Mỹ, từ Pháp, từ Bỉ và Úc… bao nhiêu là mail đã gửi đi hỏi thăm bè bạn Việt Nam và Nhật Bản đang khốn khó, căng thẳng lo âu trong cơn thảm họa. Hoàng Tụy, Trần Hà Anh, Nguyễn Lân Dũng, Phạm Chi Lan, Lê Đăng Doanh, Hà Dương Tường, Bùi Văn Nam Sơn, Đỗ Tấn Sĩ, Nguyễn Ngọc Giao, Ngô Thanh Nhàn, Ngô Vĩnh Long v.v… Ai cũng mong bè bạn và nhân dân nước bạn bình yên, vượt qua được cơn khốn khó trời giáng. Ai cũng hỏi và nhắn: “Cần gì xin cứ bảo nhé. Tụi này đang tìm mọi cách tạo sự giúp đỡ và chuyển mọi sự giúp đỡ đến các anh chị đây”. Anh Lê Văn Tâm (Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản) đang có mặt ở Việt Nam, người đã âm thầm gấp từ nhiều năm nay được 10.000 con hạc giấy, ngày 20.3 tới đây sẽ đem về Nhật Bản để trao tận nơi những người bị mất ở vùng động đất sóng thần. Anh Hồng Lê Thọ, anh Nguyễn Trí Dũng và nhiều anh chị khác đang vận động đóng góp mì ăn liền, cháo ăn liền và nhiều thứ thiết yếu khác cho đời sống để gửi sang Nhật giúp những người khó khăn. Các ca sĩ Kasim Hoàng Vũ, Hà Anh Tuấn, Tùng Dương, Hồng Hạnh sẵn sàng tham gia đêm giao lưu nghệ thuật “Gửi tình sang xứ Phù Tang” đang được chuẩn bị tổ chức để gây quỹ giúp đỡ nhân dân vùng bị nạn ở Nhật Bản. Nhiều người dân Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã hỏi nhau từ mấy ngày nay “Bao giờ và ở đâu đóng góp cho nạn nhân động đất sóng thần Nhật Bản thì ới một tiếng nha. Tham gia liền”.
Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Bầu ơi thương lấy bí cùng. Chẳng có gì tả thấu niềm xúc động khi chứng kiến các cảnh tượng nhân văn ấy. Chợt nhớ đã đọc ở đâu trên mạng: “Nhật Bản là nước viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam (chiếm 30% tổng vốn ODA mà cộng đồng quốc tế cam kết giúp Việt Nam). Từ 1991 đến 2011, con số viện trợ của Nhật Bản cho Việt Nam là 15 tỉ USD). Nhớ để mà nhớ. Chứ cho dù không có con số đáng nhớ ấy thì người Việt Nam mình vẫn có truyền thống lâu đời và đẹp đẽ “Lá lành đùm lá rách”.


Nguyễn Thế Thanh


http://sgtt.vn/Ban-doc/141861/Chuyen-bi-bau-va-nhung-con-hac-giay.html

No comments:

Post a Comment