Wednesday, December 21, 2011

Quân đội Triều Tiên nguyện trung thành với ông Kim Jong-un


(TNO) Vị tướng trẻ Kim Jong-un sẽ phải chia sẻ quyền hành với người dượng và quân đội sau cái chết của ông Kim Jong-il trong lúc đất nước chuyển sang chế độ lãnh đạo tập thể, theo nguồn tin độc quyền của Reuters hôm 21.12.
Hãng Reuters dẫn một nguồn tin thân cận với Bình Nhưỡng và Bắc Kinh cho biết, quân đội CHDCND Triều Tiên đã nguyện trung thành với “người thừa kế vĩ đại” Kim Jong-un, con trai và là người kế nhiệm ông Kim Jong-il.

 Ông Kim Jong-un (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) cùng các lãnh đạo cao cấp của đảng và quân đội đến viếng linh cữu ông Kim Jong-il ở Cung tưởng niệm Kumsusan hôm 20.12 - Ảnh: AFP/KCNA
Nguồn tin cũng nói Bắc Kinh chỉ được báo trước về cái chết của ông Kim vào sáng thứ hai, 19.12, cùng ngày đài truyền hình nhà nước CHDCND Triều Tiên phát đi thông báo. Ông Kim Jong-il vốn qua đời vào hôm 17.12.
Theo Reuters, nguồn tin này từ chối tiết lộ danh tính song từng dự đoán chính xác các sự kiện trong quá khứ. Cụ thể, nguồn tin từng tiết lộ với Reuters về vụ thử hạt nhân đầu tiên của CHDCND Triều Tiên vào năm 2006 trước khi vụ thử diễn ra.
Theo nguồn tin, tình hình ở CHDCND Triều Tiên có vẻ ổn định sau khi quân đội cam kết ủng hộ ông Kim Jong-un.
Khi được hỏi về khả năng xảy ra một cuộc đảo chính của quân đội, nguồn tin nói: “Điều này rất khó xảy ra. Quân đội đã nguyện trung thành với ông Kim Jong-un”.
Tuy nhiên, vì không có một lãnh đạo có uy quyền tuyệt đối, CHDCND Triều Tiên sẽ được đặt dưới một ban lãnh đạo tập thể, gồm ông Kim Jong-un cùng người dượng và quân đội, theo nguồn tin.
Vào năm 2009, ông Jang Song-thaek, người em rể 65 tuổi của ông Kim Jong-il và là dượng ông Kim Jong-un, đã được bầu vào Hội đồng Quốc phòng, cơ quan lãnh đạo tối cao do ông Kim Jong-il làm chủ tịch trước khi qua đời.
Nguồn tin cũng nói CHDCND Triều Tiên đã bắn thử tên lửa vào hôm 19.12 để cảnh báo Mỹ không thực hiện hành động chống lại nước này. Trước mắt, Bình Nhưỡng cũng chưa có kế hoạch thử nghiệm tên lửa thêm nữa trừ khi có leo thang căng thẳng.
“Với vụ thử tên lửa, CHDCND Triều Tiên muốn phát đi một thông điệp rằng họ có khả năng bảo vệ chính mình”, nguồn tin nói.
Tuy nhiên, CHDCND Triều Tiên “không chắc sẽ thử hạt nhân trong tương lai gần trừ khi bị khiêu khích”, theo nguồn tin.
Chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên là nguồn gốc của nhiều căng thẳng với cộng động quốc tế. Bình Nhưỡng từng thử hạt nhân vào năm 2006 và 2009. Nước này từng rời bỏ bàn đàm phán sáu bên với Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga về chương trình hạt nhân của họ.
Sơn Duân


No comments:

Post a Comment