Thế nhưng, trong những ngày qua, có một số động thái cho thấy dường như Kim Jong Un đã khẳng định được quyền lực của mình bên trong đảng Lao động Triều Tiên cũng như trong quân đội. Theo giới quan sát, những nhân vật chủ chốt của chế độ Bình Nhưỡng có nhu cầu bảo đảm quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra một cách yên ổn.
Chuyên gia Paik Hak Soong, thuộc Học viện Sejong ở Seoul giải thích : « Jong Un đã có một sự kiểm soát vững chắc đối với quân đội và cơ quan tình báo, kể từ khi nhân vật này được chỉ định làm người kế thừa chính thức, hồi tháng Chín 2010 ».
Một số nhà phân tích tại Hàn Quốc cho AFP biết là dường như trước khi qua đời, ông Kim Jong Il đã thỏa thuận, dàn xếp được quá trình chuyển giao quyền lực cho con mình. Đến mức là trước khi có thông báo chính thức về việc lãnh đạo Bắc Triều Tiên từ trần, chính Kim Jong Un đã ra lệnh cho quân đội ngừng chương trình tập trận và rút về các doanh trại.
Một nguồn tin thân cận với Bắc Kinh và Bình Nhưỡng nói với Reuters là «khó có thể » xẩy ra đảo chính, bởi vì quân đội đã cam kết trung thành với Kim Jong Un.
Theo chuyên gia Paik, Kim Jong Un được chỉ định làm lãnh đạo số một Bắc Triều Tiên ngay hôm thứ Hai, 19/12, cùng lúc với việc thông báo ông Kim Jong Il qua đời. Bộ máy tuyên truyền ở Bình Nhưỡng đã nhanh chóng xưng tụng tân lãnh đạo Bắc Triều Tiên là « đồng chí Kim Jong Un vĩ đại và kính mến », « người kế thừa vĩ đại ». Đây là một trong những bằng chứng cho thấy Kim Jong Un đã nhanh chóng khẳng định được quyền lực của mình trong bộ máy lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Nhân vật này cũng sẽ khẩn trương kế thừa tất cả những chức vụ của người cha, như Tổng bí thư đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng. Qua hai chức vụ này, khi còn sống, ông Kim Jong Il đã nắm quyền kiểm soát Đảng và quân đội, hiện có 1,2 triệu binh sĩ.
Giáo sư Kim Yong Hyun, thuộc đại học Dongguk, Seoul nhận định là « người kế thừa vĩ đại » sẽ phải sớm chiếm giữ hai chức vụ chiến lược nói trên, nhất là nhân vật này chưa có được uy quyền như cha.
Trước đây, ông Kim Jong Il đã phải chờ đợi 3 năm, sau khi người cha là Kim Nhật Thành qua đời vào năm 1994, thì mới có thể thâu tóm được tất cả các chức vụ và quyền lực vào trong tay. Hoàn cảnh bây giờ khác, Kim Jong Un có nhu cầu gấp rút trở thành nhân vật số một của chế độ.
Cố lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Il đã phải chờ đợi trong vòng 20 năm, giữ nhiều chức vụ khác nhau, trước khi lên lãnh đạo đất nước. Trong khi đó, Kim Jong Un mới chỉ có khoảng 3 năm để « học việc » bên cạnh người cha.
Cùng với thời gian, tân lãnh đạo Bắc Triều Tiên sẽ củng cố vị trí của mình. Kim Jong Un còn có được sự ủng hộ nặng ký của bà cô ruột, đại tướng Kim Kyong Hui và chồng bà ta, ông Jang Song Thaek, được coi là người có thế lực nhất tại Bắc Triều Tiên chỉ sau Kim Jong Il.
Tuy vậy, giới phân tích cho rằng, trong một vài năm tới, Kim Jong Un chưa thể thâu tóm mọi quyền lực, độc quyền lãnh đạo như người cha và ông ta phải chia sẻ quyền lực với quân đội. Vừa qua, trong một báo cáo trình lên Quốc hội, cơ quan tình báo Hàn Quốc cho rằng Bắc Triều Tiên có thể sẽ đặt dưới sự lãnh đạo của một tập thể trong đảng Lao động mà đứng đầu là Kim Jong Un.
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20111221-kim-jong-un-duong-nhu-khang-dinh-duoc-vai-tro-lanh-dao-tai-bac-trieu-tien
No comments:
Post a Comment