Củng Lợi Người ta thường gọi Chương Tử Di là "Củng Lợi mới" bởi muốn nói đến một biểu tượng cũ quá nổi tiếng, quá chói sáng mà tên tuổi cũng như sự nghiệp phim ảnh của cô đều là những dữ liệu đáng để đời. Củng Lợi sinh ngày 31/12/1965 ở Trần Dương, Liên Ninh, Trung Quốc. Cô là con gái cưng của một giáo sư kinh tế đồng thời ông cũng là một thương gia. Ước mở trở thành ca sĩ nhưng số phận lại đưa Củng Lợi đến với điện ảnh. Cô nộp đơn vào Học viện điện ảnh Bắc Kinh, bất ngờ thi đỗ và đến năm 1989 thì tốt nghiệp. Ngay từ những năm còn ngồi trên ghế giảng đường, Củng Lợi và Trương Nghệ Mưu đã có mối quan hệ đặc biệt. Giữa họ, ngoài tình yêu dành cho nhau, họ cùng có tình yêu dành cho điện ảnh. Đó là cơ sở cho mối quan hệ bền vững, lâu dài và triển vọng. Cô đã được đạo diễn Trương Nghệ Mưu giao vai chính trong phim Cao lương đỏ (Red Sorghum - 1987). Với vai diễn đầu tiên này, Cũng Lợi bắt đầu tạo được ấn tượng mạnh mẽ và lôi cuốn được sự chú ý của khán giả. Đối với Củng Lợi khi đó, đạo diễn Trương là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất. Hầu hết những phim do Trương Nghệ Mưu đạo diễn khoảng đầu những năm 90 đều dành vai diễn cho Củng Lợi. Nhờ đó, Củng Lợi tiếp tục tỏa sáng. Cô giành được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Có thể kể đến là phim Cúc đậu (Ju Dou - 1990), Củng Lợi đã nhận giải Nữ diễn viên chính xuất sắc của Liên hoan phim Quốc tế Venice lần thứ 49 và Đèn lồng đỏ treo cao (Raise the Red Lantern - 1992)... Không ai có thể phủ nhận rằng thành công mà Củng Lợi có được ngày hôm nay có một phần đóng góp và dìu dắt tận tình của đạo diễn Trương Nghệ Mưu ngay từ những bước đi chập chững đầu tiên. Sau bộ phim đầu tiên cộng tác với đạo diễn Trương, cô còn tham gia phim Teracotta Warrior, The Puma Action (1989), The Banquet, Back to Shanghai (1991) của các đạo diễn Trần Khải Ca, nhận giải Cành cọ vàng trong Liên hoan phim Cannes và Củng Lợi được nhận giải New York Film Critics - một giải quốc tế khởi đầu cho chặng đường rạng rỡ trong cuộc đời cô. Củng Lợi có một tiềm năng diễn xuất vô cùng đa dạng: từ vai diễn một cô gái nhà quê, chất phác (Cao lương đỏ, Phải sống) cho tới vai làm gái điếm (Shanghai Triad, Chinese box), từ cành vàng lá ngọc ngây thơ (Thích Khách Tần Vương) cho tới một bà chủ ghê gớm (Đèn lồng đỏ treo cao). Trong A Terracotta Warror, Củng Lợi vào ba vai với ba tâm trạng tính cách khác nhau: một khuê các cao quý, một cô nàng lợi dụng và một nữ sinh ngây thơ. Còn vai diễn trong Bá vương biệt cơ lại thể hiện nét khám phá riêng trong vai diễn xuất thần của cô. Một cô gái lầu xanh lẳng lơ nhưng khi lấy chồng thì giữ chọn đạo hạnh, đối xử nhân hậu, rộng lượng với người em kết nghĩa suốt ngày gây sự của chồng. Trong những năm sau, Củng Lợi còn tham gia một số phim nhưTemptress Moon (1996), Breaking the Silence (1999) và thành công liên tiếp thành công. Lịch làm việc của cô ngày một dày đặc và những vai diễn xuất sắc đã đưa tên tuổi Củng Lợi ngày một nổi tiếng. Không đơn giản, dễ dàng cho một nữ diễn viên Châu Á như Củng Lợi có được vinh dự tham gia Liên hoan Cannes 5 lần và được mời vào vị trí Ban giám khảo, làm Chủ tịch Ban giám khảo tại các Liên hoan Venice (2002) và Tokyo (2003). Thành công hôm nay là nhờ vào những cố gắng và nỗ lực rất nhiều ngay từ ngày đầu nhập học và những vai diễn đầu tiên. Ít ai biết rằng cô từng phải trải qua 7 tiếng hóa trang kéo dài và làm việc 40 giờ liền không ngủ để vào vai diễn. Cô tâm sự: "Những hy sinh ấy không đáng kể gì so với niềm vui có một vai diễn hoàn thiện nhất được khán giả đón nhận. Chính những vai diễn đã dạy tôi rằng phải luôn sống thoải mái và tự tìm cơ hội đến với phong cách riêng của bản thân". Bởi vậy, Củng Lợi đã tạo ra kỳ tích trong điện ảnh thế giới về sự "tung hoành" của diễn viên điện ảnh Trung Quốc. Cô là người Trung Quốc đầu tiên đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc tại Venice lần thứ 49, là một nữ diễn viên hàng đầu Trung Quốc vượt ra khỏi phạm vi Châu Á. Củng Lợi được giải đặc biệt trong liên hoan phim Cannes, trở thành ngôi sao quốc tế trẻ nhất và nữ diễn viên Trung Quốc đầu tiên nhận vinh dự này. Ngoài nỗ lực rèn luyện khả năng diễn xuất, Củng Lợi khá may mắn khi mang một vẻ đẹp tự nhiên, đặc trưng của phụ nữ phương Đông. Hình ảnh của người phụ nữ mà cô thể hiện trên phim đã cho khán giả một góc nhìn đúng đắn về lòng nhân đạo. Cô là diễn viên Trung Quốc đầu tiên làm người đại diện cho hãng mỹ phẩm L'Oreal của Pháp và hãng thời trang nổi tiếng của Trung Quốc. Sau một thời gian cống hiến, Củng Lợi vinh dự được nhận Huân chương danh dự của hãng mỹ phẩm và Huân chương Bắc đẩu bộ tinh của Bộ Văn hóa Pháp. Năm 1998, cô được tạp chí People của Mỹ bình chọn là một trong 50 người đẹp nhất thế giới. Năm 2005, cô cũng góp phần tạo cho hai bộ phim Trung Quốc có mặt và tranh giải tại Liên hoan phim Cannes. Đó là The Journey (Lộ trình), bộ phim Trung Quốc duy nhất được đề cử ở thể loại phim dài của đạo diễn Dương Siêu và 2046 của đạo diễn Vương Gia Vệ dự tranh giải Cành cọ vàng. Không chỉ "làm mưa làm gió" điện ảnh Châu Á, Củng Lợi đã chiếm được cảm tình của khán giả châu Âu khi cô tham gia một loạt phim Hồi ký của một Geisha (do Steven Spielberg đạo diễn), Miami Vicea (Michael Mann). Năm nay cô tiếp tục tham gia tập thứ 4 của series phim Silence of the Lambs (Sự yên lặng của bầy cừu) của đạo diễn Peter Weber. Trong bộ phim này, Củng Lợi sẽ đóng cặp với Collin Farrel và Jamie Foxx - người từng đoạt giải Nam diễn viên xuất sắc của giải Oscar trước đây. Hiện nay, Củng Lợi là nữ diễn viên có sự nghiệp được ngưỡng mộ nhất Trung Quốc, cô luôn là thần tượng của các nữ diễn viên trẻ. Kinh nghiệm diễn cùng vẻ đẹp mặn mà, nữ tính của cô luôn làm cho các đồng nghiệp thán phục. (Theo Ngày Nay) |
|
No comments:
Post a Comment