Tác giả: BẠCH DƯƠNG
Bài đã được xuất bản.: 18/03/2011 05:00 GMT+7
Trận động đất vừa qua sẽ đặt ra nhiều sức ép về kinh tế đối với Nhật Bản, nhưng một câu hỏi quan trọng là tác động tới hệ thống chính trị sẽ thế nào.
Những hình ảnh đến từ Nhật Bản thật khủng khiếp. Hollywood khó mà tạo ra một bản sao với các hiệu ứng đặc biệt về những cảnh tan hoang, hủy diệt sau khi trận động đất mạnh 9 độ Richter kèm theo sóng thần đổ bộ bờ biển phía Đông Bắc nước này hôm 11/3, cuốn tung làng mạc, tàu bè và phương tiện giao thông như những món đồ chơi trẻ em, rồi quét sạch ra biển.
Không ai biết rõ thảm họa kép ấy đã cướp đi sinh mạng của bao nhiêu người, nhưng ước tính có tới 10.000 đã thiệt mạng - con số khiến ai cũng phải rùng mình! Hơn một triệu người sống sót nhưng đang trong tình trạng không đủ đồ ăn, nước uống và điện sưởi ấm.
Chưa hết, thêm vào những kinh hoàng gây ra bởi Mẹ Thiên nhiên là nỗi khiếp sợ vì nguy cơ rò rỉ phóng xạ hạt nhân từ các lò phản ứng của một trong các nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima, nơi đã hứng chịu trận động đất thiên niên kỷ vừa qua.
Không ai biết mức độ nhiễm xạ sẽ thế nào, bởi vì cuộc khủng hoảng an toàn hạt nhân mới chỉ bắt đầu. Hàng nghìn người đã phải sơ tán; trong khi khoảng 140.000 người sống ở bán kính 30km quanh nhà máy điện được khuyến cáo nên ở trong nhà, đóng chặt cửa.
Tác động về kinh tế và năng lượng
Công bằng mà nói, từ trước khi xảy ra động đất, toàn cảnh kinh tế Nhật đã rất xám xịt. Nền kinh tế chỉ dự báo đạt tăng trưởng ở mức 1,7% vào năm 2011. Các gói tài chính mới nhằm kích thích kinh tế được tung ra trong bối cảnh thâm hụt ngân sách đã ở mức cao. Với mức xấp xỉ 200%, tỷ suất nợ/GDP của nước này cao thứ hai thế giới chỉ sau của Zimbabwe, dù nợ ròng bằng một nửa mức này và chi phí dịch vụ thấp.
Trước khi xảy ra thảm họa thiên tai kép, Hạ viện Nhật Bản đã bế tắc trong cuộc tranh luận về ngân sách cho tài khóa tiếp theo khi phải cân nhắc các ưu tiên về chính sách giữa mức tăng trưởng lẹt đẹt và gánh nặng nợ nần. Chính phủ của Thủ tướng Naoto Kan đứng bên bờ vực sụp đổ vì bế tắc này, không được lòng dân một cách thậm tệ và đã phải mất vị Ngoại trưởng của mình do dính líu tới một vụ bê bối gây quỹ.
Cuộc tranh cãi về ngân sách đã được hâm nóng lại trong vài ngày qua, với việc các nhà hoạch định chính sách sẵn sàng cam kết một loạt kích thích tài chính mới và mạnh tay. Ngoài các biện pháp chi tiêu, những can thiệp vào chính sách tiền tệ cũng đang được tiến hành nhằm đối phó với khủng hoảng. Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã hành động gần như ngay lập tức sau trận động đất nhằm thúc đẩy đầu tư và niềm tin của người tiêu dùng.
Giống như bất kỳ cú sốc tiêu cực nào, tác động tức khắc của trận động đất và sóng thần vừa qua chắc chắn là sự sụt giảm các hoạt động kinh tế và dòng vốn đầu tư tư nhân. Nhưng trong ngắn và trung hạn, hoạt động này có thể bật nảy bởi các nguồn vốn và nhân lực đã được nhanh chóng huy động.
Tuy nhiên về lâu dài, cần phải giải quyết vấn đề chi phí cho công tác tái thiết. Nếu chỉ nói đến hậu quả động đất và sóng thần, đã có rất nhiều đường sá, cầu, cảng đã bị hư hại nặng hoặc bị phá hủy hoàn toàn, một con đập lớn đã bị vỡ. Nhật Bản sẽ làm thế nào để tài trợ cho việc xây dựng lại hệ thống cơ sở hạ tầng này? Nỗ lực tái thiết chắc chắn sẽ tác động lớn tới nền kinh tế quốc gia. Đó là chưa nói tới công tác xử lý hậu quả của cuộc khủng hoảng an toàn hạt nhân tại Fukushima vì hiện chưa thể nói chính xác nó sẽ lớn đến mức nào.
Ảnh vệ tinh chụp nhà máy điện hạt nhân Fukushima I của Nhật. Lò phản ứng số 3 bốc khói trong vụ nổ hôm 14/3
Bàn về kinh tế không thể bỏ qua yếu tố năng lượng. Nhật Bản hiện là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, và cũng là nền kinh tế công nghiệp lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc. Vấn đề của Nhật Bản là các nhà máy công nghiệp khổng lồ của họ mọc lên tại một quốc đảo hầu như không có tài nguyên khoáng sản. Họ phải nhập khẩu gần như tất cả các kim loại cần cho sản xuất và cả năng lượng để làm ra các sản phẩm công nghiệp. Họ có lượng dự trữ, nhưng khi các kho dự trữ cạn kiệt và không có nguồn nhập khẩu, thì Nhật Bản sẽ không còn là một cường quốc công nghiệp.
Nhật Bản luôn phải nhập khẩu gần 100% lượng dầu phục vụ nhu cầu trong nước. Nếu họ cắt giảm tiêu dùng 90%, họ sẽ vẫn phải nhập khẩu gần 100% nhu cầu. Nói rộng ra, nền kinh tế Nhật cần có dầu và rất dễ bị tổn thương trước các sự kiện tại vùng Vịnh Persic. Bởi nếu nguồn cung về kim loại ở nơi này bị ngừng lại, Nhật Bản có thể tìm đến những nơi khác; nhưng đối với dầu lửa thì chỉ có một nơi có thể đáp ứng được nhu cầu về dầu khổng lồ của Nhật, đó là Vịnh Persic. Tình trạng bạo loạn ở vùng Vịnh gần đây làm dấy lên lo ngại về sự ngưng trệ nguồn cung dầu cho phần còn lại của thế giới.
Năm 1973, các nước Arập áp đặt cấm vận dầu lửa đối với thế giới. Nhật Bản, vốn hoàn toàn phụ thuộc vào dầu nhập khẩu, đã bị tác động nặng nề không chỉ bởi giá cao mà còn bởi thực tế là không thể kiếm đủ nhiên liệu để duy trì hoạt động sản xuất. Trong khi lệnh cấm vận chỉ kéo dài 5 tháng, "cú sốc dầu lửa" - từ mà Nhật Bản dùng để nói tới sự kiện này - đã đe dọa khả năng công nghiệp của nước này và khiến họ thấy rõ tính dễ bị tổn thương của mình. Nhật Bản đã dựa vào Mỹ để đảm bảo nguồn cung về dầu.
Để giảm thiểu nguy cơ khi phụ thuộc về dầu lửa, Nhật Bản đã sử dụng hai nguồn nhiên liệu thay thế: họ trở thành nước nhập khẩu lớn nhất về than đá và nhà sản xuất điện hạt nhân lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Pháp về tổng sản lượng. 1/3 lượng điện sản xuất của Nhật đến từ các nhà máy điện hạt nhân. Điện hạt nhân có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cả ngành công nghiệp và chiến lược an ninh quốc gia của Nhật Bản.
Chính trong bối cảnh này, chúng ta càng hiểu tuyên bố của Thủ tướng Naoto Kan rằng Nhật Bản đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử của mình kể từ sau cuộc chiến tranh thế giới II. Trận động đất gây ra những hư hại đối với các lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima 1 đang gây ra tình trạng thiếu năng lượng về dài hạn, ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế.
Tác động về chính trị
So sánh với chiến tranh thế giới II đúng ở chỗ cuộc chiến này cũng bắt đầu bằng một cuộc khủng hoảng năng lượng. Nhật Bản khi đó chiếm Trung Quốc, và sau khi Hà Lan (chiếm Indonesia hiện nay) và Pháp (kiểm soát Đông Dương) bị thất thế, Nhật Bản đã lo ngại rằng các thỏa thuận với Pháp và Hà Lan không được thực hiện. Đông Dương cung cấp cho Nhật cao su và thiếc cùng nhiều nguyên liệu đầu vào khác. Vùng Đông Ấn dưới ách đô hộ của Hà Lan khi đó cung cấp dầu mỏ.
Khi người Nhật xâm lược Đông Dương, Mỹ đã ngừng mọi chuyến tàu chở dầu từ nội địa và bắt đầu mua dầu từ vùng Đông Ấn của Hà Lan để ngăn Nhật Bản tiếp cận với nguồn nhiên liệu này. Nhật Bản phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ kinh tế và đã gây chiến với Mỹ. Họ đã chọn Vịnh Con Lợn.
Hiện chưa rõ những hư hại tại các lò phản ứng hạt nhân sẽ gây ra hậu quả thế nào, nhưng tình hình dường như đang ngày một tệ hơn. Điều rõ ràng là cuộc khủng hoảng tiềm ẩn tại vùng Vịnh, cộng thêm hư hại tại các lò phản ứng hạt nhân và mức phóng xạ tăng cao sẽ làm ảnh hưởng tới niềm tin của người Nhật. Các lò phản ứng này vốn là "bảo bối" của Nhật Bản chống lại một thế giới biến động khôn lường. Chúng giúp Nhật Bản kiểm soát được phần lớn sản lượng điện của mình.
Một phụ nữ đứng nhìn đống đổ nát được bao phủ bởi tuyết ở Minamisanriku, Miyagi. Ảnh: Chinaview
Dù họ vẫn phải nhập khẩu than đá và dầu mỏ, nhưng ít nhất họ có thể kiểm soát một phần cấu trúc năng lượng của mình. Lĩnh vực điện hạt nhân dường như là không thể bị tổn thương, điều mà không cấu trúc năng lượng nào khác có được. Đối với Nhật Bản, nước từng tham chiến với Mỹ vì năng lượng và đã bại trận, thì đây là điều không hề nhỏ. Nhật Bản đã có một mạng lưới an toàn.
Nhưng tình trạng hư hại tại một loạt các lò phản ứng sau động đất không chỉ gây ra nguy cơ thiếu năng lượng và rò rỉ phóng xạ, nó còn nhấn mạnh đến tính dễ bị tổn thương có thực, đang hủy hoại mọi thành công của Nhật Bản.
Nhật Bản không kiểm soát được nguồn dầu mỏ của mình, họ không kiểm soát được các tuyến đường biển mà than đá và các nguyên liệu đầu vào khác được nhập khẩu về, và họ không thể chắc chắn rằng các lò phản ứng hạt nhân sẽ không bị hư hại bất cứ lúc nào. Nhật Bản đang sống trong mối nguy hiểm thường trực, từ thiên nhiên và cả từ địa chính trị.
Trận động đất vừa qua sẽ đặt ra nhiều sức ép về kinh tế đối với Nhật Bản, nhưng một câu hỏi quan trọng là tác động tới hệ thống chính trị sẽ thế nào. Từ sau chiến tranh thế giới II, Nhật Bản đã đương đầu với sự dễ bị tổn thương của mình bằng việc tránh những cái bẫy quốc tế và dựa vào quan hệ với Mỹ. Họ đôi khi tự hỏi liệu Mỹ, với những chiến dịch quân sự đôi khi không thể lường trước, phải chẳng còn nguy hiểm với Nhật hơn là trong vai trò một người bảo trợ.
Không phải nguy cơ mất các lò phản ứng hạt nhân sẽ khiến Nhật Bản chao đảo nhất, mà chính là việc đánh mất sự chắc chắn rằng các lò phản ứng này đang hoạt động an toàn ở mức độ nào đó, cộng với gánh nặng đè lên nền kinh tế. Câu hỏi đặt ra là hệ thống chính trị sẽ giải quyết thế nào.
Đối với vùng Vịnh, liệu Nhật Bản có tiếp tục "nằm dưới chướng" của Mỹ hay sẽ quyết định giành quyền kiểm soát lớn hơn và đi theo con đường của riêng mình? Nhiều khả năng sự tự tin sẽ khiến Nhật Bản thận trọng hơn và có thể sẽ càng dễ tổn thương hơn. Nhưng sẽ thú vị khi nhìn vào lịch sử nước Nhật và nhận thấy rằng đôi khi Nhật Bản đã dùng chính sự bất an như một động lực để tự khẳng định mình.
Trận động đất vừa qua không chỉ bất thường về cường độ mà còn về các tác động có thể có đối với thế giới quan của Nhật Bản. Nước này đã cố tự thuyết phục mình rằng họ đã có một phép tính an toàn là các nhà máy điện hạt nhân và một liên minh với Mỹ. Nhưng sau trận động đất thiên niên kỷ và tình hình bạo loạn ở vùng Vịnh, mọi thứ đang được tính toán lại./.
No comments:
Post a Comment