February 4, 2012
Phan Ba dịch
Một năm sau cuộc Cách mạng, đất nước này đã có một đại diện cho nhân dân, nhưng vẫn còn lâu mới có được dân chủ. Những người Hồi giáo và Hội đồng Quân đội có chống lại những người nổi dậy trẻ tuổi hay không?
Vào ngày đầu tiên là đại biểu, Siad al-Elaimi đứng ở nơi bắt đầu tất cả, quảng trường Tahrir. Ông ấy mặc một chiếc áo khoác nhung đã phồng ra với huy hiệu đại biểu trên ve áo và một cái túi nhựa trong tay. Ông đã ngủ gần ba tuần trên quảng trường này trong lúc cuộc cách mạng diễn ra.
Ông của ông đã ở tù dưới thời của Gamal Abd al-Nasser, cha mẹ ông dưới thời Anwar al-Sadat, chính ông bị giam cầm dưới thời Husni Mabarak, chỉ một tháng, nhưng đủ để gãy một chân và một cánh tay. Ba nhà thống trị, ba thế hệ bị đàn áp cần phải được chấm dứt vào ngày này, vào ngày mà Elaimi, 31 tuổi, luật sư, nhà cách mạng và đại biểu nhân dân, đi vào Quốc hội. Vấn đề chỉ là ngay chính ông ấy cũng còn chưa thể tin vào điều đấy được.
Một năm sau cuộc Cách mạng, Ai Cập đã có một Quốc hội, được bầu một cách tự do và công bằng như chưa từng bao giờ có. Hơn hai phần ba đại biểu là người Hồi giáo, đảng nhà nước NDP [Đảng Dân chủ Quốc gia của Mubarak] trước đây cũng đã chiếm nhiều ghế giống như thế. Có tám phụ nữ ngồi trong Quốc hội này, 13 người nguyên là đảng viên của NDP và chỉ một ít nhà cách mạng trẻ tuổi. Họ cần phải cùng nhau soạn thảo một Hiến pháp, và vào cuối tháng 6, khi tổng thống được bầu, Hội đồng Quân đội phải trao trả quyền lực lại cho một chính phủ dân sự.
Đó là một cuộc thử nghiệm đôi, và kết quả sẽ có tác động đến toàn bộ thế giới Ả Rập. Một đất nước, thêm vào đấy là một đất nước Hồi giáo, có thể một mình tìm đến dân chủ qua bầu cử tự do hay không? Hay là để làm được việc đấy, nó phải cần đến một cuộc cách mạng thứ hai, quét sạch đi tất cả các thể chế tham nhũng, cảnh sát, đài truyền hình quốc gia, cơ quan nhà nước, những cái vẫn còn hoạt động theo các quy luật cũ?
Khi các đại biểu cùng nhau hiệp lại, khi họ tạo áp lực lên giới quân đội với sự giúp sức của quần chúng, thì rồi các tướng lĩnh sẽ hầu như không thể nào chống cự lại được. Nhưng khi họ cố thực hiện chương trình nghị sự riêng của họ và dàn xếp với giới quân đội để làm được việc đó, thì rồi Quốc hội sẽ vẫn là cái nó luôn luôn đã là: một nơi mà những người đại diện nhân dân hội họp từ 146 năm nay, nhưng không đại diện cho nhân dân.
Cuộc cách mạng bây giờ nằm trong tay của các đại biểu. Nhà dân chủ xã hội Siad al-Elaimi là một người trong số đó, một Joschka Fischer [cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức] của Ai Cập, nhận thức được quyền lực của mình và đầy mong muốn thay đổi. Nhưng ở đấy cũng là những người như Chalid Hanafi, 50 tuổi, người của Huynh Đệ Hồi giáo, người đã chờ đợi một ghế trong Quốc hội từ 20 năm nay rồi. Hay như Ahmed Chalil theo đạo Hồi Sunni, 33 tuổi, người vì bộ râu của mình mà không được phép giảng dạy trong ngôi trường tư nhân của chính mình.
Họ không có gì là cùng chung nhau cả, ngoại trừ việc cả ba người đã biểu tình trên Tahrir, thế nhưng bây giờ họ phải cùng nhau định nghĩa: Chúng ta muốn một nhà nước như thế nào? Và chúng ta hiểu dân chủ là gì?
Siad al-Elaimi, nhà dân chủ xã hội, đi từ Tahrir đến Quốc hội. Ông ấy dẫm lên cát, ở đấy, nơi những người biểu tình đã nạy đá lót đường lên, bước ngang qua Mugamma, ngôi nhà khổng lồ của bộ máy hành chính, và qua Institut d’Egypte, cái từ tháng 12 chỉ còn là một đống đổ nát. Ở phía sau đó là Quốc hội, nhưng bây giờ có một bức tường bằng những khối bê tông vuông vức và dây thép gai chắn đường đi. Elaimi phải đi vòng.
Ngôi nhà mà nền dân chủ của Ai Cập sẽ sống ở trong đó nằm sau một hàng rào với những mũi nhọn óng ánh vàng. Dây thép gai được kéo ra ở phía sau đấy, có lính đứng canh. Những dãy đất trồng hoa đã được làm mới, tường mới được quét vôi. Người ta không còn nhìn thấy rằng trước đây một tháng còn có người chết ở đây, rằng quân nhân ném những kệ đựng hồ sơ xuống đám đông, chính từ một ngôi nhà mà ở trên đó có dòng chữ: “Dân chủ bảo đảm quyền lực của nhân dân”.
Nhà dân chủ xã hội Elaimi, người Hồi giáo Sunni Chalil, Huynh Đệ Hồi giáo Hanafi: Chúng ta hiểu dân chủ là gì?
|
Elaimi cũng có mặt trong cái ngày đấy, ông đã được bầu, nhưng điều đấy không ngăn cản được quân cảnh đánh đập ông. “Đừng tin rằng Quốc hội có thể bảo vệ được mày trước bọn tao”, một người đã chế diễu. Ông nhớ mãi câu nói đấy, câu nói chỉ cho ông thấy ai vẫn còn luôn là người quyết định trong đất nước này. Ông đã gặp một vài tướng lĩnh quân đội, ba tuần sau khi Mubarak bị lật đổ. Họ muốn các nhà hoạt động hãy ngưng biểu tình. “Những người này không thương lượng đâu. Và nhất là họ sẽ không tự nguyện rời bỏ quyền lực.”
Rồi ông bước vào Quốc Hội, giơ thẻ chứng minh ra, thẻ mà ngày hôm trước ông đã phải chờ nó năm giờ đồng hồ. Không có văn phòng làm việc cho đại biểu trong Quốc Hội kỳ lạ này, cũng không có ngân sách cho nhân viên, chỉ có một thư viện bụi bặm. Và khắp mọi nơi đều có nhiều hình đắp nổi và đá hoa cương, những bức tranh sơn dầu bị treo nghiên và đèn treo trong những hành lang cao vợi. Nó là một trong những thể chế đấy của Ai Cập cũ, những cái để cho con người cảm nhận được sự bất lực của chính mình.
Trong lúc đó, những người theo Hồi giáo Sunni đang reo mừng ở bên ngoài. “Đảng Ánh Sáng” của họ chiếm được 121 ghế, gần một phần tư của Quốc Hội. Ahmed Chalil là một trong số những người lãnh tụ của họ, họ khiêng ông ấy đi qua đám đông như một cầu thủ bóng đá vừa ghi được bàn quyết định. Chalil đã ép mình vào trong một bộ comlê màu vàng nhạt cho ngày này, bộ râu được cắt tỉa cẩn thận, trong tay ông ấy cầm một chiếc smartphone đang nhấp nháy. Ông ấy là người đại biểu kiểu mẫu của những người Hồi giáo Sunni, nhưng ông ấy chỉ hiện đại ở vẻ ngoài: Ông ấy không nói chuyện với phụ nữ, quan điểm của ông ấy là quan điểm của một người cực kỳ bảo thủ.
Trước đây một tuần, ông ấy còn ngồi với các đại biểu khác trong một sảnh khách sạn, trong khi một nhà chính trị học giải thích công việc của Quốc hội cho họ. Các ủy ban, quy trình ban hành luật lệ, nó là một khóa học cấp tốc về thể chế Đại nghị. Phần lớn những người Hồi giáo Sunni chẳng hiểu biết gì về chính trị cả, cho tới nay họ còn cho rằng bầu cử là báng bổ.
Thật ra Ahmed Chalil không cần đến buổi học đấy. Ông là tiến sĩ về kinh tế nhà máy và lãnh đạo một trường trung học tại Alexandria. Ông biết cách kìm chế lời nói của mình, vì thế mà người ta được phép nói chuyện với ông. Ông có sẵn hai câu trả lời cho những đề tài khó xử như phụ nữ và áo tắm hai mảnh. Một câu là những người Hồi giáo Sunni không trấn áp phụ nữ mà bảo vệ họ. Họ đã soạn thảo cả một loạt luật lệ, Chalil nói, để chống mù chữ, nghèo nàn và bất công. Nhưng không vì thế mà ông là một người đấu tranh cho bình quyền của phụ nữ, ông cũng cho rằng chiếc khăn trùm đầu và sự ngăn cách giới tính được nghĩ ra là vì hạnh phúc cho người phụ nữ. Ông cũng không hề chống du lịch tắm biển, nhưng không phải lúc nào cũng buộc phải là bãi biển đâu, Chalil nói. Đi xe Jeep xuyên sa mạc và trượt cát trong sa mạc cũng là những lựa chọn tốt đẹp cho thời gian rảnh rỗi.
Vào buổi sáng đấy trước Quốc Hội, ông nói: “Sharia [Luật đạo Hồi] và dân chủ cần phải được hợp nhất với nhau, rồi thì sẽ tốt đẹp. Chính điều đó đang xảy ra ngay bây giờ.” Khi luật lệ dân chủ vi phạm Sharia thì tất nhiên là Sharia có hiệu lực. Những người Hồi giáo Sunni quảng bá mình đặc biệt là với cuộc đấu tranh chống tham nhũng, nhưng họ cũng biết rằng không thể nhanh chóng chiến thắng cuộc đấu tranh đấy được. Điều có thể thực hiện nhanh chóng là một Hiến pháp Hồi giáo.
Khi Quốc hội bắt đầu họp, các hàng ghế của những người Hồi giáo Sunni trông giống như đang có một nhóm dân tộc truyền thống đang ngồi ở đó vậy. Khăn xếp, mũ nỉ, râu và áo dài truyền thống của đàn ông Ai Cập, và tất nhiên là mỗi người đều có một vết dập vì tụng kinh trên trán, dấu hiệu nhận dạng của những người cực kỳ sùng đạo.
Một điểm trong chương trình của một trong những Quốc hội tự do đầu tiên: Tất cả 508 đại biểu phải tuyên thệ với tổ quốc, với nền cộng hòa và hiến pháp, mặc dù thật ra là chính hiến pháp thì chưa có. Họ lần lượt thề, bốn giờ liền, được truyền trực tiếp đi khắp nơi trên thế giới.
Siad al-Elaimi đứng lên và bổ sung rằng ông muốn thỏa mãn các yêu cầu của những nhà cách mạng. Một người Hồi giáo Sunni không muốn tuyên thệ với nền cộng hòa, mà là trên “học thuyết của Allah”, những người khác thêm vào đấy: cho tới chừng nào không đi ngược lại ý muốn của Thượng Đế. Đấy chỉ là một lời thề, một nghi thức, nhưng đã có thể thấy được những đường nứt gãy đầu tiên.
Đại biểu Quốc Hội ở Cairo: “Xin cảm ơn quân đội và Hội đồng Quân đội cao cả” |
Sau đấy họ bầu ra Chủ tịch Quốc hội, và tất nhiên là Mahammed Saad al-Katatni thắng cử, Tổng thư ký của Đảng Huynh Đệ “Tự do và Công bằng”. Đó là vị trí có ảnh hưởng nhiều nhất mà một người của Huynh Đệ Hồi giáo từng nắm giữ, và Katatni biết rằng ông ấy phải cảm ơn ai: “Xin cảm ơn quân đội và Hội đồng Quân đội cao cả đã tạo khả năng cho những cuộc bầu cử”.
Vào ngày hôm sau đấy, nhà cách mạng Siad al-Elaimi ngồi trong nhà ăn của Quốc hội trên một cái sofa viền vàng theo kiểu Barock-Pharaon và hút thuốc liên tục. Hội đồng Quân đội vừa hủy bỏ tình trạng thiết quân luật, cái đã có hiệu lực ba thập niên liền và đã trả tự do cho 2000 tù nhân. Nhà dân chủ xã hội nhìn đấy là một sự tiến bộ, nhưng không đủ: “Huynh Đệ Hồi giáo và Hội đồng Quân đội đã thỏa hiệp với nhau. Trong lần bầu cử tổng thống, các Huynh Đệ Hồi giáo sẽ ủng hộ ứng cử viên của giới quân đội. Như thế, họ có thể nắm quyền mà không phải công khai nhận lĩnh trách nhiệm. Có là điều tốt nhất có thể đến với họ”.
Trong một lá đơn, ông vừa yêu cầu phải đưa Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra trước Quốc hội để tra hỏi. “Và sếp của Hội đồng Quân đội!” – đó là một ý định táo bạo, nhưng ông hy vọng có thể khích lệ được những đại biểu khác phá vỡ sự thỏa thuận giữa giới quân đội và những người đạo Hồi.
Vào ngày thứ tư, ngày kỷ niệm cuộc Cách mạng, quảng trường Tahrir đầy người, còn nhiều hơn cả vào ngày lật đổ Mubarak. Các Huynh Đệ Hồi giáo đã dựng cái sân khấu lớn nhất, đối diện ngay với sân khấu của giới trẻ cách mạng. Họ đã lắp đặt hàng chục cái loa phóng thanh, phát rè rè ra từ đấy là những bài ca yêu nước, to đến mức chúng át cả tiếng của những người khác. Thông điệp của họ: Hãy ăn mừng cuộc Cách mạng và để chính trị lại cho chúng tôi.
Đứng trên bục là Chalid Hanafi, 50 tuổi, một bác sĩ nhãn khoa với bộ râu rối bù và chiếc áo khoác len đan, người mà người ta không thể quy cho ông ấy rằng ông ấy trông giống như một người Hồi giáo dữ tợn. Trong cuộc Cách Mạng, Hanafi đã chăm sóc cho những người bị thương trong một bệnh viện dã chiến ở Tahrir, ông vừa mới được bầu vào trong Quốc Hội với 150.000 phiếu. Người Huynh Đệ Hồi giáo này đã cố gắng thử một lần, đó là năm 1995, sau đấy ông ngồi tù một năm. Lúc đầu, ông bị tra tấn, nhưng rồi sau đấy, sau đấy là thời gian tốt đẹp nhất trong cuộc đời của ông ấy. “Tôi chưa từng bao giờ được học hỏi nhiều như thế, chúng tôi toàn là giáo sư và kỹ sư.”
Người bác sĩ treo ảnh từ bệnh viện dã chiến của ông ấy trước khán đài. Người ta nhìn thấy ông đang băng bó cho những người bị thương và ngủ trên nền đất. Đó là về tính đáng tin cậy của Cách mạng, Hanafi đáng tin cậy nhiều lắm. Khi ông đứng trên bục sân khấu và nói rằng Cách mạng đã qua rồi và Hội đồng Quân đội sẽ rút lui khỏi chính trường vào ngày 30 tháng 6, thì nhiều người tin ông ấy.
Có một thỏa thuận giữa Hội đồng Quân đội và Huynh Đệ Hồi giáo hay không, như nhiều người khẳng định? Gương mặt vui vẻ của ông ấy trở nên nhăn nhó, ông ấy giật vào cái khăn choàng màu hồng của mình và nói: Không, không bao giờ! Đó chỉ là tin đồn, được những người muốn gây rối loạn tung ra!
Các Huynh Đệ Hồi giáo không thích những cuộc biểu tình cho lắm, vì chúng ngày càng quay lại chống họ. Đối với họ, Cách mạng là quá khứ, đối với những người biểu tình, nó là tương lai. Vào ngày thứ tư, hàng trăm nghìn người đã diễu hành về đến Tahrir, như cách đấy một năm. Hàng chục nghìn người đã phản đối vào ngày thứ sáu, ngày mà họ đã tuyên bố trở thành “Ngày Thịnh nộ”. Và những người biểu tình bây giờ không chỉ hô to: “Đả đảo Hội đồng Quân đội!”, mà cả: “Chúng tôi không muốn có một nhà nước Hồi giáo”!
Vào tối thứ tư lại có lều được dựng trên Tahrir. Nhiều người biểu tình đã ở lại, cả Siad al-Elaimi. Bây giờ ông lại muốn ngủ ở lại trên quảng trường và mỗi buổi sáng đi từ đây vào Quốc hội. Cũng không xa cho lắm.
J.V.M., V.W.
P.B. dịch từ báo Der Spiegel, số 5/2012 (30/01/2012)
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN
No comments:
Post a Comment