07-01-2012
Những gánh hàng rong thân thương Hà Nội |
Chắc hẳn có những cuộc tình sẽ mãi cùng ta theo từng năm tháng mà dòng chảy thời gian không thể làm phai tàn những yêu thương. Trong mỗi trái tim của những người con thủ đô cũng có một cuộc tình như vậy, một tình yêu gắn bó với chúng ta rất đỗi thân thương nhưng cũng vô cùng bình dị. Có lẽ không cuộc tình nào nên thơ như mối tơ duyên giữa Hà Nội phố và những gánh hàng rong.
Buối sáng mẹ đèo ra chợ cóc mua một nắm xôi nóng hổi, đôi tay con trẻ đến tận bây giờ vẫn thoang thoảng thơm mùi lá chuối xanh nõn. Nhớ trưa hè nắng chang chang học sinh ùa ra cổng trường đón lấy miếng kẹo dẻo ngọt lịm từ bàn tay nhăn nhúm vết thời gian của một bà già tóc đã bạc trắng. Mái tóc bạc ấy rồi cũng về nghỉ, cất nồi kẹo dẻo vào góc bếp, cuốn cả một góc phố tuổi thơ, một phần Hà Nội về ngóc ngách mang tên kí ức.
Đôi khi về đêm nghe con gió trườn qua những khe cửa không khăng khít, tưởng chừng ai vừa đi ngang thật nhẹ, như người ấy năm xưa: “Bánh khúc ơi!“ Mùa đông Hà Nội, gió lùa vào trong chăn, đâu đâu cũng chạm phải rét mướt, nhưng chỉ thoảng nghe tiếng rao quen thuộc đã thấy ấm áp trong lòng, nóng ran môi má thèm thuồng. Đó là những bước chân thật nhẹ, những giọng nói rất khẽ bên thềm cuộc sống thường ngày, từ tinh mơ tới tối mịt. Chút hồn Hà Nội, chút tình Hà Nội in dấu theo từng gót chân người tứ xứ tìm về đây kiếm kế sinh nhai.
Hà Nội phố đặc biệt cũng nhờ những gánh rong ấy. Gánh gánh, gồng gồng, thúng thúng, sọt sọt, đi xa mấy ta cũng chẳng thể quên. Vẻ đẹp Việt Nam thường được tôn vinh trên các phương tiện thông tin đại chúng như hình ảnh thiếu nữ trong tà áo dài cổ truyền dân tộc, dịu dàng dáng đứng Việt Nam. Vậy mà riêng tôi, trong kí ức mong manh của một đứa trẻ mới lớn, không có áo dài, tóc dài thướt tha, không bước đi vừa thanh, vừa duyên bên Hồ Tây trong nắng chiều ngả tím, ngược lại chỉ có bà, có cô, có chị, khăn vấn, nón rách, giương đôi vai yếu ớt gánh những gánh hàng. Phải chăng đó mới là Việt Nam? Phải chăng đó mới là Hà Nội? Phải chăng đó mới là người phụ nữ của đời thường nhưng đáng được tôn vinh?
Gánh gánh gồng gồng bằng đôi vai yêu thương, ảnh: yume.
Cái thúng bằng lạt mà bền lắm nhé, ngày nào cũng đi khắp 36 phố phường, buổi trưa hè thúng trước lộ ra đứa trẻ con theo mẹ đi chợ co quắp ngủ say, thúng đằng sau có khi là nồi bún riêu sáng chưa bán hết vẫn còn sôi, còn thơm mùi dấm bỗng. Hình như chỉ Việt Nam quê hương mình mới có những hình hảnh khắc khổ mà nên thơ đến vậy, gánh nặng thế nhưng đôi chân vẫn thoăn thoắt nhẹ tựa cơn gió đang đùa trên mặt hồ liễu rủ tóc thề, gánh nặng thế mà chỉ đàn bà, con gái mang trên tấm lưng cũng đã không còn trẻ trung. Bởi vì trai tráng, đàn ông không gánh gánh gồng gồng, trông như thế thì ngược đời quá.
Phái mạnh có những phương tiện bán rong khác nhưng những mảnh đời thì cũng chẳng tươm tất hơn. Gương mặt ướt đẫm mồ hôi giấu dưới chiếc mũ cối xanh màu bộ đội, áo sơ mi nâu đất, quần xắn gấu ống thấp, ống cao cùng bàn chân trần trong đôi dép tổ ong, dép cao su giản dị là họ đấy. Ai đội thúng bánh mì nóng hổi trên đầu? Xe ai gắn thêm hai chiếc sọt tre bên yên, gà qué ở trong cứ quang quác đòi ra? Ông già nào ngồi tỉ mỉ nặn bột gạo thành Tôn Ngộ Không, Chư Bát Giới đỏ đỏ, xanh xanh? Họ đâu hết rồi nhỉ? Phố phường Hà Nội nhớ lắm chứ. Nỗi nhớ in trên cây bàng lá đỏ, cây sấu quả xanh, cây hoa sữa thơm ngọt, hòa trong cơn gió mùa.
Hà Nội có bốn mùa rõ rệt. Đầu xuân ra đường nhớ dáng ai bán hoa chơi Tết, nhớ cái yên xe ai trở cây quất trĩu hạt bán mùa mới thật rẻ. Hà Nội độ này có cơn mưa nhè nhẹ tựa mắt ai đang rơm rớm khóc, không phải hạt mưa, mà là giọt nước mắt, giọt lệ thì nồng và ấm lắm, lăn tròn má môi, xua giọt mồ hôi mệt nhọc trên màu da sạm nắng ánh vàng, làn da Việt Nam.
Đến mùa hè, Hà Nội phố mát rượi, ẩn mình dưới những vòm cây cổ thụ, ngồi bên vỉa hè trên cái ghế con con, chờ cô bán hàng đang quạt quạt mực nướng thơm thơm. Chiếc quạt nan đã toe tua, mới thấy Hà Nội yên bình quá, cái quạt nan kia rách rưới nhưng lòng người thì vẹn nguyên, tựa tán lá cây xanh mát che nắng trên đâu, chở che cho những đứa con tới từ khắp mọi miền trên Tổ Quốc.
Tán lá ấy đẹp lắm khi thu về, trời chiều nhuộm vàng màu nhớ, Hà Nội phố liêu xiêu quán cóc vỉa hè. Ngồi bên Hồ Tây chờ xe đạp nào mang tới gói cốm xanh đượm hương đóa sen hồng. Thu đến nhanh, đi vội, chẳng để lại một lời, nhường đông về hoang dại. Phải đến mùa đông mới thấy thương thương thân phận người bán rong. Hà Nội đông lạnh lắm, cái lạnh cắt da, cắt thịt, thế mà những mảnh đời khổ sở ấy vẫn đi, vẫn lang thang trên đường phố bên từng cái cây khẳng khiu đang run run trước gió mùa. Lạnh tím tái đôi tay, bàn chân chẳng tái tê bằng sắc màu đang ẩn sâu trong lòng. Người Hà Nội ngồi suýt soa bát phở nóng, còn lẳng lặng ngoài phố, người ta vẫn đi rong. Cuộc đời là vậy. Ngọn gió đông đôi khi là tiếng thở dài.
Mùa đông Hà Nội hợp với chén trà. Nói chuyện bên chén trà về Hà Nội thì phải ngồi lâu lắm. Nói ra để biết thủ đô mùa nào, giờ nào cũng có những gánh hàng rong. Việt Nam mình còn nghèo thì người ta vẫn còn phải lang thang như thế, cái sự lang thang mấy chục năm nay đi vào tiềm thức, như một thói quen, thấy thì thương mà không thấy thì nhớ. Tình yêu hình như cũng là một thói quen, không thể một lúc mà hết thương, hết nhớ, không thể một lúc mà cắt đứt cuộc tình.
Hà Nội phố và những gánh hàng rong là cuộc tình đi cùng năm tháng, in dấu yêu thương lên tâm hồn người Hà Nội, để lại bao nhung nhớ cho những đứa con đi xa. 36 phố phường giờ đây, quán nước lu mờ sau những quán cà phê mới mẻ, màu mè, chợ cóc chui vào ngõ ngách, nhường chỗ cho những siêu thị hiện đại, sáng loáng, rồi cả những gánh hàng rong cũng sắp bị cấm, bị đuổi, cho sạch đẹp mỹ quan đô thị. Sạch đẹp hay là hết sạch nhỉ? Hết sạch những giá trị văn hóa của một thời, một phần cuộc đời, bao thế hệ con người.
Rồi một ngày gần đây Hà Nội sẽ sạch lắm, sẽ trơn tru, thoáng mát như đô thị của một nước hiện đại, không còn bóng dáng của sự nghèo khổ, khốn khó. Ôi những cuộc tình nồng nàn, những bước chân dịu dàng sẽ đi về đâu? Hà Nội phố rồi sẽ chỉ còn là cuộc hẹn hò thiếu vắng những người tình.
Nghiêm Trang – vietinfo.eu
No comments:
Post a Comment