Monday, December 5, 2011

05/12 Chống biến đổi khí hậu: Chông gai đoạn đường Kyoto đến Durban


Ngày 05.12.2011, 07:51 (GMT+7)
SGTT.VN - Hội nghị của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu diễn ra ở Durban (Nam Phi) trong 12 ngày kể từ 28.11, tuy chưa kết thúc nhưng kết quả có thể dự đoán được. Từ khi có Nghị định thư Kyoto năm 1997 đến Durban năm 2011, lượng khí thải không giảm mà còn tăng lên, một số nền kinh tế lớn vẫn chưa thông qua nghị định thư này.
Một người phản đối đứng trước biển quảng cáo bên ngoài hội nghị ở Durban, 28.11. Tới ngày 9.12, kết thúc hội nghị gồm 200 nước tham dự, song kết quả có thể dự đoán trước.Ảnh: Reuters
Vào thời điểm chính phủ các nước gặp khó khăn với các vấn đề trước mắt như kinh tế suy giảm, đồng euro chưa rõ tương lai, thì vấn đề dài hạn như biến đổi khí hậu vẫn được để mắt đến. Theo số liệu từ Liên hiệp quốc, đến năm 2020 lượng khí thải lên mức 11 tỉ tấn, gấp đôi lượng phát thải của tất cả các xe buýt, xe hơi và xe tải trên thế giới năm 2005. Như vậy, khả năng giữ sự nóng lên của trái đất không quá mức 2°C trở thành nhiệm vụ bất khả thi.
Nội dung chủ yếu được thảo luận ở Durban lần này là về gia hạn Nghị định thư Kyoto năm 1997, với yêu cầu các nước phát triển cắt giảm lượng khí thải theo ấn định đến năm 2012. Trên thực tế, lượng khí thải đã tăng hơn 1/4 ở các nước đang phát triển vốn không bị ràng buộc theo nghị định thư. Mỹ, nước phát thải lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc, từ chối phê chuẩn hiệp ước. Nga, Nhật Bản và Canada, bằng cách này hay cách khác sẽ từ bỏ nghị định khi các quy định đã ký hết hiệu lực vào cuối năm tới. Điều này đặt Liên minh châu Âu (EU) vào thế khó khi trở thành khối phát thải lớn nhất phải xem xét cắt giảm khí thải bắt buộc nhằm kéo dài sự tồn tại cho Nghị định thư Kyoto thêm năm năm nữa. Trưởng đoàn Nhật Bản Masahiko Horie cho rằng, họ sẽ không đồng ý gia hạn nghị định thư nhưng “tiếp tục tham gia các cuộc thảo luận toàn cầu như đề xuất của EU”.
Hiện EU chịu trách nhiệm 14% trong tổng số lượng khí phát thải và nếu ký cam kết giai đoạn hai, EU có thể đạt mục tiêu cắt giảm thêm 21% tổng lượng khí thải ra vào năm 2020. Trung Quốc, Ấn Độ và phần còn lại của thế giới đang chống ý tưởng này từ phía châu Âu. Khó lòng kêu gọi các nước đang phát triển cắt giảm lượng khí thải khi nền kinh tế của họ đang tăng trưởng nhanh. Trở ngại lớn cho Durban lúc này là việc cân bằng trách nhiệm. Dường như đến với một hội nghị về biến đổi khí hậu nhưng mối quan tâm chính của tất cả các nước vẫn là nền kinh tế phát triển nhanh chóng chứ không phải là đối phó hậu quả của sự nóng lên toàn cầu.
Hội nghị của Liên hiệp quốc về tình trạng biến đổi khí hậu khai mạc từ ngày 28.11 tại Durban, Nam Phi. Với sự góp mặt của gần 200 quốc gia, hội nghị lần này đặt mối quan tâm vào việc liệu các nước công nghiệp hoá sẽ đồng ý gia hạn Nghị định thư Kyoto, với một thoả thuận có tính pháp lý về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính hay không khi nó hết hiệu lực năm 2012. Trung Quốc (thải 6,7 tỉ tấn CO2 năm 2007) và Mỹ (thải 5,8 tỉ tấn CO2 năm 2007) đang là hai nước thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới.
Trong khi EU đồng ý tiếp tục giai đoạn hai nghị định thư nếu các nước chịu cưỡng chế pháp lý, thì Mỹ cho rằng, họ sẽ không tham gia ký kết trừ phi các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ chia sẻ gánh nặng này. Chính quyền Bắc Kinh cho rằng các nước phát triển tạo ra phần lớn những vấn đề liên quan đến khí hậu, các nước đang phát triển không thể cùng chịu chung gánh nặng này. Trung Quốc cũng đề xuất phát triển quỹ khí hậu xanh trong đó các nước giàu đóng góp 100 tỉ USD hàng năm (từ năm 2020) hỗ trợ cho các nước nghèo đối phó với biến đổi khí hậu.
Nhiều người cho rằng một phần nguyên nhân khiến hoạt động chống biến đổi khí hậu khó thành công là do những thay đổi trong điều hành nền kinh tế công nghiệp rất khó. Một số chính trị gia có cái nhìn sai lệch rằng nghiên cứu khoa học về sự ấm lên toàn cầu do con người gây ra là không vững chắc. Còn với những người khác, trong giai đoạn khó khăn họ không muốn chi tiêu tiền cho những mối đe doạ không chắc chắn và xa xôi, đặc biệt là khi những người xung quanh họ chẳng hành động gì.
Không ai nghĩ một thoả thuận như Nghị định thư Kyoto có thể đảo ngược vấn đề biến đổi khí hậu, khi mà thuỷ triều cứ tiếp tục tăng và các nước vẫn phải thích ứng với nhiều thay đổi do sự nóng lên toàn cầu. Điểm tích cực cần nhìn nhận là tất cả mọi người đều nhận thấy trách nhiệm hành động. Điểm tiêu cực là các đề nghị cụ thể như đánh thuế trên các giao dịch tài chính như một phần góp vào quỹ 100 tỉ USD cho dự án chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu không xuất hiện trong dự thảo do Liên hiệp quốc gửi tới 200 đoàn đại biểu thảo luận. Tove Ryding, đến từ tổ chức Hoà bình xanh nhận xét: “Thật sự nguy hiểm khi vấn đề tài chính không xuất hiện trong văn bản trên”.
NGỌC KHANH (ECONOMIST, REUTERS)


No comments:

Post a Comment