Monday, 4. August 2008, 15:14
Nguyên Giao
Vào những năm 1960 – 1962 ở trường trung học Chu Văn An (có biệt danh Chuồng Ngựa) ở Ngã Sáu Sài Gòn, tôi đã có may mắn được học nhạc với giáo sư Nguyễn Đức Tiến, tức nhạc sĩ Chung Quân.
Nhạc sĩ Chung Quân nổi tiếng vì là tác giả bản nhạc 'Làng Tôi' đã trúng giải của công ty điện ảnh kiêm tuồng cải lương Kim Chung ở Hà Nội năm 1952 để làm bản nhạc nền cho cuốn phim có tiếng nói đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam; Đó là phim 'Kiếp Hoa'.
Vào những năm 1960 – 1962 ở trường trung học Chu Văn An (có biệt danh Chuồng Ngựa) ở Ngã Sáu Sài Gòn, tôi đã có may mắn được học nhạc với giáo sư Nguyễn Đức Tiến, tức nhạc sĩ Chung Quân.
Nhạc sĩ Chung Quân nổi tiếng vì là tác giả bản nhạc 'Làng Tôi' đã trúng giải của công ty điện ảnh kiêm tuồng cải lương Kim Chung ở Hà Nội năm 1952 để làm bản nhạc nền cho cuốn phim có tiếng nói đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam; Đó là phim 'Kiếp Hoa'.
Khi thông báo tuyển nhạc được quảng bá, các nhạc sĩ 'bậc thầy' nổi tiếng thời đó đua nhau gửi những 'đứa con tinh thần' về công ty điện ảnh mong được trúng giải. 'Cậu' Nguyễn Đức Tiến – lúc đó mới 16 tuổi - cũng dự thi với bản Làng Tôi. Bản nhạc có lời như sau:
'Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh
Có sông sâu lờ lững vờn quanh
Eâm xuôi về Nam
Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau
Bóng tre ru bên mấy hàng cau
Đồng quê mơ màng
Nhưng than ôi
Có một chiều thu, lá thu rơi
Có một chiều thu, lá thu rơi
Oâm súng nhìn quê, tôi thầm mơ bóng ngày về
Mơ trong bóng ngày về
Quê tôi chìm chân trời mờ sương
Quê tôi là bao nguồn yêu thương
Quê tôi là bao nhớ nhung se buồn
Là bao vấn vương tâm hồn, người bốn phương'
Chung Quân Nguyễn Đức Tiến đã đánh bại các bậc đàn anh - lúc đó xuất sắc với nhiều sáng tác cho tân nhạc, và không phải là ít - với chỉ một bản nhạc có lẽ là đầu tay! Bản nhạc được chấm nhất vì có tiết điệu êm đềm, bình dị, đặc biệt là rất dễ hát, dễ thuộc, và khi hát lên là người nghe cảm thấy có một cái gì đó thiết tha, trìu mến (Tương tự như bản 'Lòng Mẹ' của cố nhạc sĩ Y Vân). Làng Tôi lập tức được công bố, thu thanh và làm nhạc nền cho phim Kiếp Hoa!
Vì là phim có tiếng nói đầu tiên kể từ năm 1937 khi ngành phim ảnh Việt Nam được khai sinh, Kiếp Hoa nổi tiếng khiến bản nhạc Làng Tôi và tác giả của nó cũng nổi tiếng theo, cả nước đều biết.
Hai năm sau, 1954, thanh niên Nguyễn Đức Tiến 18 tuổi, di cư vào Nam, gia đình định cư ở vùng Khánh Hội. Các trường Chu Văn An từ Hà Nội, Nguyễn Trãi ở Hải Phòng cũng lục tục di cư vào Nam.
Do danh tiếng của mình từ khi đoạt giải ở Hà Nội, cộng thêm các giấy tờ đã học sư phạm chuyên ngành về Nhạc, nhạc sĩ trẻ tuổi Chung Quân được Bộ Quốc Gia Giáo Dục của Đệ Nhất Cộng Hòa ưu đãi, cho dạy môn nhạc tại hai trường trung học Chu Văn An, và Nguyễn Trãi, ăn lương theo ngạch giáo sư trung học đệ nhất cấp, tương đối là cao. Trên thực tế, về bằng cấp giáo dục, thầy Tiến lúc đó chỉ mới có bằng trung học, học trường sư phạm theo ngạch hương sư.
Tôi còn nhớ khoảng năm 1955-56, vào một hôm trời mưa như trút nước, tôi được đi xem một đại nhạc hội của các học sinh trường trung học Nguyễn Trãi tổ chức tại rạp Thanh Bình. Tiết mục đáng nhớ nhất là hợp xướng 'Sông Bến Hải' do nhạc sĩ Chung Quân, đồng thời là giáo sư âm nhạc, sáng tác và tập cho các học sinh của trường. Đây là một trường ca có giá trị nghệ thuật cao, nói về một dòng sông chia đôi đất nước, và tâm trạng phải bỏ nơi chôn rau, cắt rốn của người di cư năm 1954. Hợp xướng này nghe rất hay và chắc chắn không dễ tập, nhất là với mấy cậu học trò có kiến thức âm nhạc rất 'căn bản'! Mãi đến sau này, khi được học nhạc với thầy Nguyễn Đức Tiến ở Chu Văn An, tôi mới được biết một, hai 'bí quyết' đọc nhạc của thầy.
Thật là điều đáng tiếc khi không hiểu vì sao, trường ca Sông Bến Hải sau này không thấy được phổ biến, và giới yêu nhạc chỉ biết nhạc sĩ Chung Quân qua bản Làng Tôi!
Thầy Tiến dáng dong dỏng cao, hay đeo kính mát gọng vàng, và có thể nói là đẹp trai. Chỉ nói nhỏ nhẹ khi thật cần thiết, mực thước và rất nghiêm nghị, ít khi người ta thấy thầy cười thành tiếng. Học với thầy hai, ba năm mà chưa bao giờ tôi thấy thầy la mắng một đứa học trò nào.
Các giáo sư thời ấy đi dạy ăn mặc rất sang trọng. Trời nắng chang chang đổ mồ hôi nhưng cụ hiệu trưởng Trần Văn Việt vẫn luôn luôn mặc com-lê trắng, đeo cravát. Các giáo sư và các vị giám thị, tuy không bằng cụ hiệu trưởng, cũng đeo cravát, mặc áo sơ mi dài tay cài nút măng-sét. Trông các thầy thật 'oai'! Trong các giáo-sư, người ăn mặc đẹp nhất, sang nhất, và đúng mốt nhất vẫn là thầy Tiến. Đặc biệt, khi đi dạy ở Chu Văn An, người ta đã thấy thầy lượn xe Vespa – lúc đó là cả một gia tài! - rất sớm so với các giáo sư khác.
Vì là giáo sư âm nhạc, thầy Tiến đã phải 'biểu diễn dẫn giải' (demo) bằng ca hát cho đám học trò non dại chúng tôi, nên nhờ vậy, chúng tôi đã nhiều lần được nghe thầy hát 'nhạc sống' thật … sống động! Mỗi khi thầy cất tiếng hát – chắc chắn to hơn khi thầy nói! - cả lớp chúng tôi đều lắng tai nghe và mong thầy hát thật lâu để chúng tôi được thưởng thức. Tôi còn nhớ rõ những lúc thầy trịnh trọng gõ thanh nĩa chuẩn âm, trước khi say sưa đơn ca bài Hòn Vọng Phu:
'Nơi phía nam giữa núi mờ
Ai bế con mãi đứng chờ
Như nước non xưa đến giờ
Đường chiều mịt mù,
Cát bay tỏa bước ngựa phi đường trường
Nếp tàn y hùng cường
Vẫn còn bay trong gió
Bóng chàng xa, sắp dần qua'
(Lê Thương)
trước mặt đám học trò ngẩn người, yên lặng lắng nghe - không phải một, mà nguyên cả ba - bài hát đầy những hình ảnh lịch sử này. Không có nhạc đệm mà qua tiếng thầy hát, tôi có thể như hình dung ra các hình ảnh ngựa phi, qua sông vượt núi, và tiếng đao khiên loảng choảng nơi chiến trường …
Cho đến giờ này tôi vẫn còn có thể lẩm bẩm được những nốt nhạc của một bài dân ca phổ thông của Ý Đại Lợi, cũng do thầy Chung Quân dạy:
'Sòn sòn, đố đố si si
Phà phà, lá lá son son
Mì lá son son, phà phà
Pha mi rề lá son'
Mê nghe, và hát tân nhạc, nhưng tôi rất dốt, và lười về nhạc lý. Nếu không nhờ thầy Tiến chỉ dậy, có lẽ chẳng bao giờ tôi biết sự khác nhau, cũng như cách đánh nhịp 2/4 ("Một xuống, một lên!"), ¾ ("Một, hai, ba!" theo ba cạnh của tam giác có một góc vuông), và 4/4 (tức C: "Một, hai, ba bốn!" theo hình số 8 nhọn).
Vì nhạc lý là môn học khô khan, nhất là phần nhớ các bộ khóa đầu bản nhạc, và làm sao tìm ra giai âm chính của bản nhạc đó, thầy Tiến đã sáng chế ra một bài lục bát thật độc đáo và hữu dụng cho đủ và đúng 7 nốt nhạc. Đó là:
'Nhất Sòn, Nhị Rế, Tam La,
Tứ Mi, Ngũ Sí, Lục Pha, Thất Đồ!'
Có nghĩa là nếu thấy ở đầu bản nhạc có một dấu thăng, thì bài ấy có âm giai Sol là chính; Nếu có hai dấu thăng thì là âm giai Rê, v.v.
Chung Quân Nguyễn Đức Tiến có lối tập hợp xướng rất công phu, một phần có lẽ vì thầy ngày trước có học nhạc ở Chủng viện nên đã được huấn luyện chuyên nghiệp về hòa âm, và hợp xướng. Tôi nhớ trong năm học Đệ Ngũ, chúng tôi được thầy tập cho hợp xướng bài 'Hè Về' của nhạc sĩ Hùng Lân để trình diễn trong buổi văn nghệ cuối niên học. Thầy tuyển được đâu 40 học sinh có giọng tốt từ trầm đến bổng để hát 4 bè. Thầy cũng tìm được ba giáo sư có giọng, hay giỏi đàn nhạc trong trường, để mỗi thầy làm trưởng một bè.
Bốn nhóm bè, lúc tập thì tập riêng, chỉ hát phần bè của mình mà không biết ba nhóm kia hát gì. Sau khi cả bốn nhóm đã nhuần nhuyễn, 'Oâng bầu' Chung Quân cho ráp lại bốn nhóm hát cùng một chỗ, và chung một lúc: Tất cả 40 học sinh trong đoàn hợp ca không thể nào nghĩ rằng tiếng hát của mình lại có thể vừa hay, vừa 'quan trọng' như được tham dự một ban hợp xướng bốn bè, nghe có vẻ nghệ thuật không khác gì các ban hợp xướng chuyên nghiệp của Sài Gòn Hoa Lệ.
Có mấy ai đi học miễn phí mà lại may mắn được đi nghe và được dạy các kỹ thuật của âm nhạc thuộc loại thính phòng quốc tế như tụi tôi?
Thầy Tiến viết chữ trên bảng rất đẹp. Nhiều khi hết giờ của thầy, học trò chúng tôi không nỡ xóa đi lời các bản nhạc thầy đã viết trên bảng. Chưa kể thầy còn có tài 'vung' phấn trên bảng đen, chỉ với một nét, thầy đã tạo được cả năm dòng kẻ nhạc, và khóa Son cùng một lúc từ đầu bên kia bảng, sang bên này bảng, thẳng tắp, và đều đặn tưởng như có dùng thước hay máy vẽ! Có lần chúng tôi hỏi, thầy trả lời nho nhỏ như không có gì đáng để ý, 'Làm nhiều thì quen tay; Vậy thôi!'
Tính thầy hòa nhã nhưng rất nghiêm khắc.Tuy say sưa dạy nhạc nhưng hình như thầy không biết tên chúng tôi - không biết tên bất cứ một học sinh nào cả - có thể vì dạy quá nhiều lớp, hay trí nhớ của thầy đã đầy những dữ kiện khác cần, và đáng nhớ hơn. Giữa thầy và trò, chúng tôi vẫn cảm thấy có một bức tường nào đó!
Thế mà chúng tôi vẫn mến phục thầy dù rằng ở ban B (tức là Ban Toán), nhạc chỉ là môn học phụ, có hệ số điểm thấp nhất là 1, mỗi tuần chỉ học có một giờ (giống như Vẽ, Sử, Địa, Thể Dục, Hán, v.v.). Bù lại, khác với các giáo sư các môn khác, lớp của tôi được học thầy Tiến suốt 4 năm liền của Trung Học Đệ Nhất Cấp.
Một lần đọc báo của Sứ Quán Việt Nam ở Wellington, Tân Tây Lan, tôi thấy tin thầy Nguyễn Đức Tiến đã tốt nghiệp Tiến sĩ Văn chương ở Anh quốc, trong một chương trình học bổng, và đã được nhà trường giữ lại, mời làm giáo sư diễn giảng. Tôi ngồi suy nghĩ: Như vậy thầy Tiến đã phải đi học lại từ lớp Đệ Tam ở Sài Gòn; Và trước khi có thể trình luận án tiến sĩ, chắc chắn thầy cũng phải có ít nhất tương đương cao học văn chương Anh. Văn chương Anh đâu phải là môn dễ học cho một người Việt Nam, để lấy được văn bằng cao nhất như thế? Tưởng thầy chỉ có biệt tài về Nhạc, bây giờ mới biết thầy còn có nhiều khả năng khác ít người biết …
Ngoài ra, tôi cũng được nghe phong phanh, những mảnh tin tức có khi hơi mâu thuẫn nhau - và chưa phối kiểm được (có thể vì thầy chọn lối sống rất riêng tư) - về thầy Nguyễn Đức Tiến, như:
– 'Trước năm 1975, tôi nghe nói thầy Tiến đang học Sử học ở New York!'
– 'Tôi nghe ai nói ông Chung Quân được học bổng du học về ngành Khảo cổ ở Texas!'
– 'Tiến sĩ/Giáo sư Nguyễn Đức Tiến từ Anh về lại Việt nam, ở cùng với mẹ già sau năm 1975; Nhà vẫn ở khu Khánh-Hội!'
– Theo một anh bạn - trước cũng là học sinh của thầy ở trường Nguyễn Trãi - thì thầy
Tiến đã qua đời.
Gửi bản thảo bài viết này cho một số thân hữu, tôi đột nhiên nhận được thư điện toán của một anh bạn đàn anh, thân hồi còn du học ở Tân Tây Lan, từ bên Uùc gửi qua:
"Tôi có dạy học cùng với anh Tiến ở Đại Học Huế sau năm 1975. Anh Tiến đã mất năm 1988 sau khi bị đứt gân máu trên đầu, trong lúc đang đánh cờ tướng với người anh vợ, mê man, và bất tỉnh (coma). Tôi có lại thăm anh trên giường bệnh trong bệnh viện, nhưng chỉ có nhà tôi đến đám táng của anh (vì lúc đó tôi đang vượt biên).
Anh Tiến là một người thông thái, nhân ái, và có tư cách. Anh ấy đã nhiều lần can đảm công khai phê phán những sai trái của các cán bộ cộng sản trong trường, nên đã bị cho bãi nhiệm khỏi ban giáo sư của Ban Văn khoa - Đại Học Huế."
Qua đời lúc 52 tuổi thì không biết trong cáo phó, tang gia đã đề như thế nào: 'Hưởng Dương' hay 'Hưởng Thọ'?
Đối với tôi, thầy Nguyễn Đức Tiến chẳng bao giờ phai mờ trong trí nhớ, nhất là khi tình cờ nghe tiếng ai hát bài Làng Tôi trên xứ người …
Tôi viết bài này để ghi lại những kỷ niệm đẹp chúng tôi, đám học sinh ở trường trung học Chu Văn An những năm 1960 – 1962 ở Sài Gòn, đã được may mắn có chung với thầy:
Chung Quân Nguyễn Đức Tiến, một nhạc sĩ tài hoa, đa năng đồng thời một vị giáo sư yêu nghề, và tận tụy với học trò.
Nguyên Giao
San Diego, Hoa Kỳ * 11 August 2005
.
__,_._,___
From: Dzung T <dzungthedinh@yahoo.com>
To: ""Exryu-ww-Forum@yahoogroups.com"" <Exryu-ww-Forum@yahoogroups.com>; exryu vannghe <exryu-ww-vannghe@yahoogroups.com>
Sent: Wednesday, November 9, 2011 7:00 PM
Subject: [Exryu-ww-Forum] Fw: [trunghocnguyentraisg] Fw: Giáo sư Nhạc CHUNG QUÂN
Sent: Wednesday, November 9, 2011 7:00 PM
Subject: [Exryu-ww-Forum] Fw: [trunghocnguyentraisg] Fw: Giáo sư Nhạc CHUNG QUÂN
----- Forwarded Message -----
From: Quan-Dieu <
To:
Sent: Friday, August 12, 2011 9:41 PM
Subject: Fw: Giáo sư Nhạc CHUNG QUÂN
Chuyển đến :
- Các Anh Chị Chu Văn An và Nguyễn Trãi xưa - những học trò của Thày Chung Quân .
- Riêng gửi các bạn TV B4 ( học nhờ Nguyễn Trãi 2 năm ) để nhớ thày CHUNG QUÂN và những giờ Nhạc thích thú ( với trường ca Hội Trùng Dương , Ôi Quê Xưa , Đường Ra Biên Ải ... Đặc biệt là Thày không bao giờ dạy nhạc của Thày , ngoài những đoạn rất ngắn để thí dụ cho mỗi bài học )
LHDiệu
No comments:
Post a Comment