Cập nhật: 13:26 GMT - thứ sáu, 21 tháng 10, 2011
Trang mạng của Bộ Ngoại giao vào thời điểm 18h30 ngày 21 tháng Mười, tức là khoảng 24 tiếng đồng hồ sau diễn biến, vẫn chỉ thấy thông báo của người phát ngôn Bộ này tại cuộc họp báo thường kỳ lần thứ 16 năm 2011.
Hơn một ngày sau khi cựu lãnh đạo Libya, Đại tá Muammar Gaddafi, thiệt mạng ở Sirte, Chính phủ Việt Nam vẫn chưa đưa ra tuyên ngôn chính thức nào.
Nhiều cơ quan của Đảng và Nhà nước, từ Văn phòng Chính phủ tới hãng thông tấn quốc gia, không có thông báo gì về phản ứng của chính quyền trước sự kiện quốc tế đang là tin nóng toàn cầu, mặc dù có sự khác biệt trong mức độ và cách đưa tin, bình luận thời sự của nhiều báo chí và truyền thông chính thức.
Các bài liên quan
Chủ đề liên quan
Trong số năm nội dung thông báo, bao gồm hai mục đầu là các chuyến thăm cấp cao Philippines của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang và thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, không có nội dung nào bình luận về cái chết của ông Gaddafi, kể cả phần hỏi đáp.
Cổng thông tin của Chính phủ Việt Nam tới đầu giờ buổi tối thứ Sáu không có mục nào cho hay phản ứng chính thức của Chính phủ về sự kiện, mục tin hàng đầu đưa tin về kỷ niệm 50 năm đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.
"Rất nhiều phân tích được đưa ra, song đều có chung nhận định, Libya vẫn chưa yên bình sau cái chết của ông Gaddafi."
Website Đài Tiếng nói Việt Nam
Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) cũng đi đầu bằng tin trên và trong mục tin quốc tế đưa năm tin liên quan tới Nga, Ấn Độ, Iran, Hàn Quốc (hai tin), trong khi không có đăng tải nào về phản ứng chính thức của đảng và nhà nước về cái chết của nhà độc tài.
Tuy vậy, trước đó, buổi tối thứ Năm, TTXVN đã đăng một bài dưới dạng tin tường thuật "Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia của Libya (NTC) tuyên bố "ông Cađaphi đã chết."
Mục tin quốc tế của TTXVN điểm tin tức, phản ứng của Chính phủ lâm thời Libya, Bộ Ngoại giao Mỹ và dẫn lại tin Tòa án Tội phạm Quốc tế (ICC) phát lệnh truy nã ông Gaddafi cùng nhiều nhân vật quan chức khác của chế độ, nhưng không cho biết quan điểm của chính quyền Hà Nội.
'Khác biệt truyền thông'
Tuy nhiên, phản ứng của một số phương tiện truyền thông Nhà nước cũng có những nét khác biệt so với các cơ quan công quyền hoặc cơ quan thông tấn.
Báo Nhân dân phiên bản điện tử đăng ngay trên trang nhất, mục đầu tiên, bài viết dưới 500 từ của phóng viên với tựa đề "Tổng thư ký Liên hiệp quốc: Ông Gaddafi chết, phía trước Libya đầy chông gai, thách thức," dẫn nguồn của Tân Hoa Xã và BBC.
Ảnh ông Gaddafi được chọn đăng là một bức hình từ Tân Hoa Xã trong đó ông có vẻ như đang dự một hội nghị quốc tế, với trang phục truyền thống bộ lạc "khá lộng lẫy," nhưng bài báo ở mục Quốc tế không cho hay bất cứ phát ngôn nào từ lãnh đạo Việt Nam.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đăng lại tin đã đề cập ở phần trên của TTXVN mà không bình luận gì thêm ở toàn trang.
"Cái chết của ông Gaddafi chưa hẳn đã chấm dứt mọi chuyện khi vẫn còn những chia rẽ sâu sắc trong xã hội Libya, cũng như những tính toán của Mỹ và phương Tây ở quốc gia Bắc Phi này."
Đài Tiếng nói Việt Nam
Tờ Quân Đội Nhân Dân của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng đăng lại một bài từ đầu giờ sáng ngày thứ Sáu của tờ báo mạng Vietnam+ với tựa đề dưới dạng câu hỏi "Ông Gaddafi bị bắt sống rồi mới bị NTC bắn chết?," và cũng không có bình luận gì thêm.
Báo Công an Nhân dân điện tử đăng một bài viết chi tiết đầu buổi sáng 21/10 với tựa đề "NTC đã bắt được ông Gaddafi," trong đó tường thuật cụ thể về việc vị cựu lãnh đạo Libya 69 tuổi bị bắt sống và thiệt mạng ra sao.
Bài báo cũng cho biết khá chi tiết phản ứng của "dư luận quốc tế" nhưng không đả động gì tới phản ứng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Tờ ViệtBáo.vn, một phiên bản truyền thông mạng có liên hệ với Trung tâm Thông tin Báo chí Bộ Ngoại giao và tờ Vietnam+, ấn bản của TTXVN đăng khá nhiều tin bài với mật độ tương đối dầy về diễn biến cái chết của ông Gaddafi từ nhiều góc cạnh.
"Nhận định hiếm hoi"
Trong một phản ứng hiếm hoi từ truyền thông, cổng thông tin điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tiết lộ quan điểm của Đài này về diễn biến chính trị và quân sự mới nhất ở Libya.
"Rất nhiều phân tích được đưa ra, song đều có chung nhận định, Libya vẫn chưa yên bình sau cái chết của ông Gaddafi," VOV Online viết.
"Như chúng tôi đã đưa tin, tối 20/10, ông Gaddafi, nhà lãnh đạo bị lật đổ ở Libya đã bị tiêu diệt tại thành phố Sirte.
"Tuy nhiên, theo giới phân tích, cái chết của ông Gaddafi chưa hẳn đã chấm dứt mọi chuyện khi vẫn còn những chia rẽ sâu sắc trong xã hội Libya, cũng như những tính toán của Mỹ và phương Tây ở quốc gia Bắc Phi này," Đài Tiếng nói Việt Nam nêu quan điểm.
Trước đó, hôm thứ Năm, cho tới lúc 15h00, tờ Thanh Niên Online vẫn còn giật tít "Ông Gaddafi đang tuyển quân để phản công."
Nhưng tới ngày thứ Sáu, tờ này chuyển sang đăng với mật độ dầy các tin bài phần lớn lấy nguồn từ nước ngoài nói về chi tiết cái chết của cựu đại tá và việc ông Gaddafi sẽ được chôn cất ra sao.
Nhưng chậm hơn cả là trang của Đại Sứ quán Việt Nam ở Tripoli, phần BấmThông tin tham khảo về Libya vẫn chỉ có bài "Li-bi và tầm nhìn Saif Gaddafi" từ 21/7/2010.
Đây lại là bài dịch từ bản tiếng Anh của báo Libya từ 2007, vốn là cuộc phỏng vấn của BBC với ông Saif Gaddafi từ năm 2004, tức là 7 năm về trước.
Tuy nhiên, báo chí trong nước ở Việt Nam lại cập nhật tình hình nhanh hơn Bộ Ngoại giao, cả về chuyện Libya có chính quyền mới.
Báo Lao Động trên mạng hôm 8/10 đưa tin đại diện lâm thời Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Libya (NTC) B.A. Al-Mansori đã có cuộc tiếp xúc với báo chí tại Hà Nội hai ngày trước đó.
No comments:
Post a Comment