Friday, October 21, 2011

21/10 Đồng minh nói về cái chết của Gaddafi

Cập nhật: 11:40 GMT - thứ sáu, 21 tháng 10, 2011
Đại tá Gaddafi và Tổng thống Hugo Chavez
Tổng thống Chavez tỏ phẫn nộ trước cái chết của Đại tá Gaddafi
Khác với các quốc gia phương Tây, một số nước đồng minh cũ của chế độ Gaddafi đã đưa ra phản ứng trái chiều về cái chết của cựu lãnh đạo Libya.
Vừa trở về sau chuyến đi chữa bệnh ung thư ở Cuba, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, đã bày tỏ sự phẫn nộ trước cái chết của Gaddafi.
“Điều đau buồn là cái chết của Gaddafi đã được xác nhận,” ông nói.
“Bọn chúng đã ám sát ông ấy,” ông nói với các phóng viên ở thị trấn La Grita.
“Suốt đời này chúng tôi sẽ mãi tưởng nhớ Gaddafi như là một chiến binh, một nhà cách mạng và liệt sỹ vĩ đại,” ông ca ngợi.
Tổng thống Chavez đã bênh vực Gaddafi kể từ khi cuộc nổi dậy của người dân Libya chống chế độ bắt đầu hồi tháng Hai năm 2011.
Ông cáo buộc Nato đang lợi dụng cuộc xung đột này để kiểm soát dầu của Libya.
“Trong nỗ lực thống trị thế giới, các đế quốc và các đồng minh đã đưa thế giới vào lò lửa,” ông nói, ngụ ý ám chỉ Hoa Kỳ.
Cho đến nay, Chavez vẫn từ chối công nhận chính quyền mới của Libya, và mỉa mai đại diện mới của nước này ở Liên Hiệp Quốc là ‘con rối’ và ‘bù nhìn’.
Năm 2004, Hugo Chavez được trao giải thưởng nhân quyền quốc tế Al-Kadhafi, một giải thưởng do Đại tá Gaddafi trao tặng.
Các nhà lãnh đạo Cuba và Nicaragua là Fidel Castro và Daniel Ortega cũng được trao giải thưởng nhân quyền này.
Tổ chức Ân xá Quốc tế đang kêu gọi ‘một cuộc điều tra đầy đủ, độc lập và không thiên lệch’ về tình huống dẫn đến cái chết của Đại tá Gaddafi.

Tiến trình hòa bình

Trong khi đó Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hôm thứ Năm bày tỏ hy vọng rằng với cái chết của ông Gaddafi, đất nước Libya sẽ tiến tới hòa bình và dân chủ.
"Suốt đời này chúng tôi sẽ mãi tưởng nhớ Gaddafi như là một chiến binh, một nhà cách mạng và liệt sỹ vĩ đại."
Tổng thống Hugo Chavez
Ông Medvedev nói trong một cuộc họp báo tại Hà Lan: "Chúng tôi hy vọng ở Libya sẽ có hòa bình, và tất cả những ai sẽ lãnh đạo đất nước Libya, đại diện của các bộ lạc khác nhau, sẽ đạt được thỏa thuận cuối cùng về hình thức quyền lực và Libya sẽ trở nên một quốc gia dân chủ hiện đại".
Nước Nga trong quá khứ cộng sản và Libya từng chia sẻ nhiều điểm chung về ý thức hệ, và thời nay Nga cũng có nhiều quyền lợi trong các hợp đồng dầu lửa, vũ khí và xây dựng với Libya.
Tuy vậy, Nga đã phải công nhận chính quyền lâm thời Libya vào tháng Chín, và đã không phủ quyết mà chỉ bỏ phiếu trắng trong phiên họp Hội đồng Bảo an LHQ mở đường cho phương Tây không tạc nước này.
Moscow sau đó đã nhiều lần lên án chiến dịch của Nato tại Libya.
Cái chết của Đại tá Gaddafi cũng thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận Trung Quốc, và chính phủ Bắc Kinh nhanh chóng ra thông cáo về sự kiện này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Khương Du phát biểu: "Lịch sử Libya vừa sang trang mới".
"Chúng tôi hy vọng rằng tiến trình chính trị bao gồm tất cả các bên sẽ được bắt đầu sớm nhất có thể được nhằm bảo đảm đoàn kết sắc tộc và dân tộc, khôi phục ổn định xã hội và nền kinh tế để người dân có cuộc sống hòa bình và hạnh phúc."
Bà Khương nói Đại sứ quán Trung Quốc tại Tripoli vẫn hoạt động bình thường, nhưng không bình luận về liên hệ với Hội đồng Chuyển giao Quốc gia (NTC) ở Libya.
Quan hệ giữa Bắc Kinh và NTC trở nên căng thẳng sau khi Trung Quốc phản ứng thờ ơ trước nghị quyết của LHQ về bảo vệ dân thường ở Libya và thông tin các công ty Trung Quốc vẫn tìm cách bán vũ khí cho Gaddafi.

'Không nên vội mừng'

Báo chí nhà nước Trung Quốc tỏ ra dè dặt và chỉ trích trước phản ứng của phương Tây về cái chết của Đại tá Gaddafi.
"Một yếu tố khác dẫn tới sự không rõ ràng về tương lai của Libya là sự tham gia của các nước ngoài, vốn có thể đang tìm cách thủ lợi ở nước Libya hậu Gaddafi."
Bình luận của Tân Hoa Xã
Tân Hoa Xã đăng bài bình luận cảnh báo thế giới "không nên vội ăn mừng" chế độ hậu Gaddafi.
"Có nhiều lý do khiến chúng ta nên thận trọng, ít nhất là không quá lạc quan, về tương lai của đất nước Libya vì không ai có thể ảo tưởng về một giải pháp nhanh chóng và dễ dàng cho các khó khăn to lớn đang ở phía trước."
Hãng truyền thông nhà nước này nhắc lại thời kỳ hậu Saddam Hussein ở Iraq, mà theo Tân Hoa Xã, "xã hội Iraq đã lún sâu vào tình trạng chia rẽ sắc tộc đẫm máu".
"Một yếu tố khác dẫn tới sự không rõ ràng về tương lai của Libya là sự tham gia của các nước ngoài, vốn có thể đang tìm cách thủ lợi ở nước Libya hậu Gaddafi."
Chính quyền lâm thời ở Libya đã hứa hẹn sẽ tưởng thưởng cho các bên đã hậu thuẫn cuộc chiến chống Gaddafi, và Bắc Kinh lo ngại rằng do vậy Trung Quốc sẽ bị 'ra rìa' trong lĩnh vực năng lượng đầy tiềm năng ở nước Libya hậu chiến.
Báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc China Daily còn lên án Hoa Kỳ và đồng minh phương Tây "đang muốn biến Địa Trung Hải thành ao nhà của Nato".
China Daily nói nay mũi dùi tiến công của Tây phương sẽ chuyển sang Syria, tiến tới cô lập hóa Iran và thiết lập một vùng Trung Đông dưới sự lũng đoạn của nước ngoài.
Truyền hình Trung ương Trung Quốc còn đi xa hơn trong phán đoán: "Ngoại trưởng Mỹ Clinton đến Tripoli ngay hôm trước khi Gaddafi bị bắn chết. Chuyện này không thể là ngẫu nhiên".
"Liệu có phải bà Clinton đã tới để quyết định cách hành xử với Gaddafi hay không?" - CCTV đặt câu hỏi.

Thêm về tin này

No comments:

Post a Comment