Tác giả: NGUYỄN QUỐC VƯƠNG (THEO ASHI)
Phó giáo sư Kim viết trong cuốn sách rằng rất có thể "Người có mặt trong vọng gác Panopticon không phải là chính phủ mà là các công dân", hay nói một cách khác, kính bao quanh tháp canh đã trở nên trong suốt.
Wikileaks, trang web công bố một số lượng lớn các công điện ngoại giao của Mĩ, đã tạo nên một làn sóng thu hút sự chú ý của dư luận. Các mạng xã hội như Facebook, Twitter nơi người dùng tự mình truyền đi thông tin đã gắn kết dân chúng trong cuộc cách mạng hoa nhài lan rộng tại các nước Ả-rập. Phong trào chia sẻ thông tin giữa các công dân mạng hiện đang làm thế giới chao đảo.
Cuốn sách có tựa đề "Sự xuất hiện của xã hội phản Panopticon" của Phó giáo sư John Kim - Khoa Nghiên cứu chính sách truyền thông Đại học Keio đã đưa ra sự lí giải đúng thời điểm về sự biến đổi trong mối quan hệ giữa quốc gia và sức mạnh của dân chúng hiện nay.
Phó giáo sư Kim đã bàn luận với các nhà nghiên cứu nổi tiếng về việc Wikileaks công bố hàng loạt các bức công điện và ảnh hưởng của sự bùng nổ phong trào công dân thông qua mạng truyền thông xã hội. Phó giáo sư Kim trong vai nhà bình luận đã xuất hiện trên kênh tin tức và giải thích: "Tin tức giống như những sợi mì đang tuôn chảy. Không cần phải "ăn hết" tất cả những sợi mì đang chảy đó". Ông là bậc thầy khi giải thích hiện tượng mới bằng phép ẩn dụ dí dỏm. Lần này, để giúp người đọc dễ hình dung, ông đã đưa ra hình ảnh "Phản Panopticon".
"Phản Panopticon"
Panopticon là một kiểu nhà tù do Jeremy Bentham, một nhà tư tưởng người Anh, thiết kế vào thế kỉ 18. Thế kỉ 20, nhà tư tưởng Pháp Michel Foucault đã giới thiệu sơ đồ kiểu nhà tù này như là biểu tượng hệ thống cai trị dân chúng của giới cầm quyền trong tác phẩm nổi tiếng "Sự ra đời của nhà tù". Đó là tòa nhà hình tròn với tòa tháp canh được đặt ở trung tâm và toàn bộ các tù nhân bị nhốt trong các cũi sắt ở xung quanh đều bị đặt dưới sự giám sát. Tòa nhà được thiết kế sao cho các tù nhân không thể nhìn thấy người canh gác, vì thế ngay cả khi không có người canh gác trong tháp, tù nhân vẫn sống trong cảm giác bị theo dõi.
Foucault cho rằng cơ cấu giám sát vô hình khiến cho những người bị giám sát tự trói buộc mình này về sau đã được chuẩn hóa trong các bộ phận của toàn thể cơ cấu xã hội như trường học, nhà máy... của xã hội hiện đại.
Trong tác phẩm "Sự xuất hiện của xã hội phản Panopticon", Phó giáo sư Kim dẫn ra hiện tượng tấn công thẳng vào Panopticon đang xảy ra với vũ đài là Internet - ở đó dân chúng tiến hành giám sát quyền lực không ngừng nghỉ - và lần lượt giải thích về tình hình các phương tiện truyền thông mạng đang thu hút được sự ủng hộ khi vừa chống lại thế lực chính trị, vừa tiến hành công bố và chia sẻ thông tin.
Phó giáo sư Kim viết trong cuốn sách rằng rất có thể "Người có mặt trong vọng gác Panopticon không phải là chính phủ mà là các công dân", hay nói một cách khác, kính bao quanh tháp canh đã trở nên trong suốt. Ông khẳng định: "Ngay cả bản thân chính phủ cũng không biết người đang theo dõi mình là ai".
Phó giáo sư Kim bày tỏ sự ủng hộ đối với "sự minh bạch hóa hoàn toàn" của các thông tin từ các văn bản cơ mật do Wikileaks công bố - những tài liệu giờ đây đã trở thành ác mộng đối với phe cầm quyền và "phong trào công dân kiểu du kích" đang lan rộng nhanh chóng nhờ vào sự kết nối của những người bạn không hề biết mặt trên các mạng xã hội như Facebook. Ông nói: "Đã đến lúc không một ai có thể chặn được dòng chảy này".
Bên trong một khu của nhà tù Presidio Modelo. Ảnh: WikiPedia |
Tuy nhiên, Phó giáo sư Kim lại không hề lạc quan đối với vấn đề liệu những chính thể được lập nên nhờ cách mạng có thể trở thành chủ thể dân chủ và mang lại hòa bình cho thế giới hay không. Đồng thời ông cũng cho biết: "Trung Quốc hiện vẫn là xã hội Panopticon. Phía giám sát đang sử dụng Internet như một công cụ kiểm soát để giám sát nhất cử nhất động của người dùng".
Ông Kim chỉ ra rằng hệ thống mạng với một khối lượng lớn thông tin đặt dưới sự quản lí độc quyền sẽ trở thành một công cụ của áp chế. Dẫu vậy, ông vẫn hi vọng: "Những phong trào xuất phát từ Internet từ nay về sau sẽ có khả năng đóng vai trò thúc đẩy các hoạt động chính trị minh bạch hơn".
Nhật Bản cũng sẽ có "phản Panoticon"
Trong cuốn sách, Phó giáo sư Kim đánh giá cao vai trò của báo chí Âu -Mĩ trong việc liên kết với các hoạt động của Wikileaks và chỉ ra: "Giá trị của truyền thông đại chúng có được nhờ năng lực phân tích, kiểm chứng, thuyết minh thông tin đã được nâng cao thêm". Tại Nhật Bản, tháng 3, báo Asahi thông báo sẽ tiếp nhận những thông tin do Wikileaks cung cấp và công khai mặt trái của ngoại giao Nhật - Mĩ. Phó giáo sư Kim phát biểu: "Tại Nhật Bản mức độ trung thành với tổ chức rất cao và xu hướng coi chuyện cáo giác nội bộ là sự phản bội còn mạnh, vì thế sự hợp tác giữa Asahi và Wikileaks sẽ gây được sự chú ý".
Truyền thông xã hội vốn đứng sau cuộc cách mạng Ả-rập cũng đóng vai trò tích cực trong trận động đất lớn vừa qua tại Nhật Bản. Trong tình hình thông tin nhiều và hỗn độn, cũng có những thông tin đồn thổi thiếu chính xác lan truyền. Tuy nhiên trong bối cảnh ở hiện trường nơi ngay cả chính quyền cũng không nắm bắt kịp tình hình thì có rất nhiều trường hợp truyền thông chính thống - phương tiện thường nhạy bén tin tức nhất cũng phải chạy theo truyền thông xã hội. Phó giáo sư Kim cho rằng: "Mặc dù cần phải nâng cao năng lực tiếp nhận thông tin cho người đọc để tránh bị cuốn vào những thông tin sai lầm, tuy nhiên truyền thông xã hội đã thổi một làn gió vào xã hội đóng kín và giúp người dùng giành lấy quyền công dân".
Phó giáo sư Kim cho biết ông đang chuẩn bị viết một cuốn sách về hình ảnh quốc gia Nhật Bản 10 năm sau. Đây sẽ là cuốn sách nói về sự chuyển biến từ một xã hội với quan điểm giá trị cho rằng chỉ có việc gì đến nhanh và đúng mới tốt sang xã hội công nhận sự đa dạng. Độc giả đang chờ xem ông sẽ đưa ra hình ảnh gì để kêu gọi sửa đổi thế giới.
No comments:
Post a Comment