Friday, February 10, 2012

THƯ GỬI BẠN TA của CVA Bùi Bảo Trúc


Ngày 6 tháng 1 năm 2012
Bạn ta,
Mới đây, tại một tòa án ở Florida, người phụ nữ, nguyên đơn đã xin li dị người chồng, và lý do bà nêu ra tại tòa là vì người chồng không biết kích thước quần áo, giầy dép của người vợ. Tòa đã cho phép hai người chia tay, lỗi về phần người chồng.
"Anh nói anh yêu tui, mà anh biết tui đi giầy số mấy hông?" Nhiều người sẽ chết ngay ở câu này. Không trả lời được thì cái tội tệ bạc, không ngó ngàng gì đến vợ sẽ bị quàng lên cổ, hết lối thoát.
Mà nếu trả lời đúng được câu đầu dễ ợt này, thì câu số hai chắc chắn sẽ còn khó thoát hơn nữa.
"Anh biết... của tui số mấy không? 32, 34 hay 36? Mà A, B hay C, hay D nào?"
Không trả lời được câu này, tội to hơn khi không trả lời được câu hỏi về giầy số mấy rất nhiều. Tiếng trách móc sẽ lớn hơn, lời than phiền sẽ nặng hơn... "Anh không lý gì đến tui hết. Sống với nhau bằng ấy năm, bao nhiêu lần... mà anh vẫn không biết tui mặc số mấy, "cup" gì thì anh có thương yêu tui bao giờ đâu... Có hỏi anh rằng tui mặc của hãng nào chắc anh cũng không biết thôi... Ừ thế của tôi là Playtex, Olga, Warner's, Bali, Vanity Fair, Delicates, Victoria's Secret, Cacique, hay Lou... nào? Anh không biết à? Vậy thì anh coi tui là gì của anh chứ? Là sex object của anh chắc...Sao anh rành mấy cái khóa thế? Khóa trước, khóa sau anh mở cái một, không chờ tui... mở hộ cho nó tình tứ gì hết... Nhưng hỏi số mấy thì không biết... Sao mà tui khổ thế này hở Giời cao, đất dầy ơi! Cái gì, anh nói 36 D hả... thôi chết rồi, tui đâu có... thô tục như thế bao giờ? Hay là của con đĩ chó nào, của con mèo mả gà đồng nào? Anh với nó... bao nhiêu lâu rồi mà tui không biết? Phải rồi, tự nhiên sao Victoria's Secret lại cứ gửi catalogue về nhà cho anh? Anh mua cho con đĩ chó bao nhiêu cái 36 D rồi? Nói tui nghe coi... Đừng có giả bộ đọc báo nữa... Ra tui hỏi đây... Là người chồng tốt thì phải biết kích thước của vợ chứ ... lương phu thì phải biết tui mặc nịt vú số mấy chứ... Tại sao anh ăn ở bạc bẽo với tui như thế? Tui thì biết anh mặc sơ mi cổ 16 rưỡi, tay 32, quần thì bụng 38, inseam 30, giầy 9 rưỡi... mà anh nỡ lòng nào không biết tui mặc nịt vú số mấy... Anh đi hỏi mọi người coi như vậy có là chồng tốt hay không? Ối Giời đất ơi..."
Nhưng đúng vào lúc có vụ li dị này, thì nước Mỹ cũng đang ở trong tuần lễ gọi là National Bra Fit Week, tuần lễ kêu gọi phụ nữ đi thử lại nịt vú để mặc cho đúng số, khỏi nhỏ quá, khỏi lớn quá cỡ … thợ mộc. Và nhờ đó, một số người sẽ thoát hiểm.
Từ mấy hôm nay, mở tờ báo nào ra cũng thấy những quảng cáo nịt vú. Và theo các chuyên gia có giấy chứng nhận thị thực đàng hoàng (Certified Fitting Consultants) mà các department store như Macy's thuê để giúp các phụ nữ tìm được những chiếc nịt vú vừa vặn thì hầu hết (80%) phụ nữ không mặc đúng số -- wrong size.
Những người đàn ông bị hạch hỏi cứ để cho những câu mè nheo đến đoạn tạm nghỉ, thì nhẹ nhàng đẩy cái quảng cáo với con số thống kê 80% mà các chuyên gia này cho biết (rằng phụ nữ không mặc nịt vú đúng số) là thoát.
Hey... 80% các đương sự tự tay chọn nịt vú cho chính mình còn chọn sai bét, thì chúng tôi làm sao đúng cho được mà đòi chúng tôi phải biết?
Nhưng cách hay nhất là tối nay, về mở tủ áo ra coi lại vài ba cái cho chắc ăn, lẩm nhẩm cho thuộc cả size (số) lẫn cup (chữ) để khi bị hỏi còn có thể trả lời bằng giọng rất bình thản cho mẹ cháu vui. Mà mình thì toàn thây.

Ngày 7 tháng 2 năm 2012
Bạn ta,
Bây giờ thì tôi có thể đồng ý với bạn là đàn ông có giá, nhưng theo chỗ tôi biết thì cái giá đó, tính ra hiện kim, không được bao nhiêu.
Cũng may là sau cái giá lần đầu (?) không là bao nhiêu ấy, những lần sau, giá của những người đàn ông lại tăng lên chứ không hạ xuống như trong những dịch vụ buôn bán thông thường khác.
Ít nhất cũng là theo lối hiểu của tôi.
Sở dĩ bây giờ tôi đồng ý với bạn về chuyện đó là vì tôi mới đọc được cái quảng cáo của một văn phòng luật sư trong một tờ báo Việt ngữ ở đây. Văn phòng luật sư này hình như chuyên lo dịch vụ cung cấp vị hôn phu cho các phụ nữ, vì quảng cáo ghi rõ như thế này: "Fiancé, Giá đặc biệt cho khách mới $ 1,000."
Như vậy, fiancé, vị hôn phu, người đàn ông mà người phụ nữ đính hôn để lập hôn thú --the man to whom a woman is engaged to be married-- như định nghĩa đọc được trong cuốn Webster's New World Dictionary tôi vẫn dùng, ấn bản năm 1976, trang 518, giá chỉ có một ngàn Mỹ kim, mà đó là giá đặc biệt dành cho khách mới, chứ khách đã vài ba lần, thì giá có thể cao hơn, không còn là một ngàn nữa. Cao đến đâu thì quảng cáo không cho biết.
Lần đầu tiên, để khuyến khích phụ nữ lập hôn thú, văn phòng luật này kiếm cho các thân chủ những người đàn ông sẵn sàng ký giấy với các nàng, giá mỗi chàng là một ngàn Mỹ kim. Như thế là rẻ chán. Số tiền ấy còn ít hơn là tiền đặt cọc để mua một chiếc xe hơi. Mà có nguyên một người đàn ông để... lái cho điên luôn, như một lối nói của người Mỹ: to drive him crazy.
Nhưng nếu không hài lòng, các thân chủ của văn phòng có thể mang những người đàn ông này trả lại, và được bồi hoàn lại số tiền một ngàn đó, không ai hỏi han thắc mắc gì hết. Nếu các thân chủ muốn nhờ văn phòng giúp thêm lần nữa, thì lúc ấy, văn phòng sẽ có giá mới, cao hơn, vì thân chủ không còn mới nữa, không còn là lần đầu tiên nữa, đúng như câu đọc được trong quảng cáo: Giá đặc biệt cho khách mới $1,000. Khi nói khách mới, nghĩa là cũng có những khách cũ. Khách cũ là những người tới nhờ văn phòng hơn một lần. Mang về thử thấy không hợp, dắt tay đem lại trả về nguyên quán, nhờ kiếm cậu khác.
Chuyện này chắc phải xẩy ra nhiều lần nên văn phòng mới nói rõ lần đầu, giá đặc biệt một ngàn, lần sau, tính giá khác. Giá khác là thêm vài chục, một trăm hay hai trăm? Thêm bao nhiêu đi chăng nữa thì những người đàn ông cũng thấy tủi thân quá sức.
Trong khi đó, fiancée (có 2 chữ "E" ở cuối ) chắc phải mắc hơn nhiều. Mà từ đời Gia Tĩnh nhà Minh, cũng đã đắt lắm, bây giờ chắc phải hơn thế nhiều. Thời ấy, tài, sắc, nụ cười, chữ trinh... mỗi món đều được đặt giá là nghìn vàng hết như trong những câu Kiều: thân nghìn vàng để ô danh má hồng (854); một cười này hẳn nghìn vàng chẳng ngoa (826); tài này sắc ấy nghìn vàng chưa cân (1456); nghìn vàng thật cũng nên mua lấy tài (1990); nghìn vàng gọi chút lễ thường (2347);nghìn vàng thân ấy dễ hòng bỏ sao (2804); chữ trinh đáng giá nghìn vàng (3095)...
Trong khi lần đầu tiên, vào thời gạo châu củi quế đắt đỏ như thế này, đàn ông được đặt giá có một ngàn Mỹ kim, mà tất cả đều vào túi luật sư hết chứ chính các fiancée thì không được cho dù là một xu đỏ.
Và đó là chuyện bất công không thể nói sao cho hết được. Tại sao những cuộc biểu tình chống Ngân Hàng Thế Giới và Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế từng làm tê liệt một vài khu phố ở thủ đô nước Mỹ không quay sang tranh đấu giúp chống lại những bất công trong cách đối xử này một chút.
Nếu đoàn biểu tình chuyển mục tiêu tranh đấu đi để dẹp bỏ chuyện bất công trong cách định giá như trên, thì nhất định không chỉ vài khu phố ở thủ đô bị nghẽn, mà có khi cả thủ đô sẽ kẹt cứng luôn. Không thể dung thứ những bất công như thế mãi được.
Không tăng giá cho chúng tôi, chúng tôi không chịu làm phi ăng xê nữa thì lúc đó chỉ có khóc.
Nhưng tại sao quảng cáo không thấy đưa ra giá biểu của các fiancée ( có 2 chữ "E" ở cuối), mà chỉ thấy có giá của cácfiancé ( có 1 chữ "E" ở cuối)? Hay đó là vì các fiancée (có 2 chữ "E" ở cuối) hoàn toàn miễn phí? Khách mới hay khách cũ thì cũng... miễn phí cả?

Ngày 8 tháng 2 năm 2012
Bạn ta,
Chúng ta đã có tử vi nam nữ xem chung, tiệm hớt tóc unisex cắt cho cả đàn ông lẫn đàn bà, bít tất one size fits all cỡ chân nào đi cũng được, những chiếc mũi plastic cùng một kiểu ngự trên những khuôn mặt phụ nữ ở California, những thứ thuốc trị bá chứng của các ông thầy thuốc quảng cáo trên báo từ nhiều năm nay thì cớ gì chúng ta không có những chữ dùng cho mọi trường hợp?
Chữ "tốt" mà người đàn ông già nọ hay dùng, rồi cả đống đàn em ngu dốt của ông ta bắt chước dùng theo nhắng lên một hồi, nay đã bắt đầu biến đi để chúng ta đỡ phải nghe cái chữ nguyên là một tĩnh từ, được dùng làm trạng từ một cách rất khó chịu như lao động tốt, học tập tốt, làm tốt vân vân.
Bây giờ có hai chữ cũng đang trên đường được dùng một cách văng mạng, bừa bãi, thiếu suy nghĩ và lười biếng, là hai chữ "sâu sắc".
Hai chữ này không mới mẻ gì, nhưng ngày nay chúng được dùng thường hơn, với những nghĩa mới, đi ra khỏi những định nghĩa và cách dùng nguyên thủy của chúng.
Tự điển Khai Trí Tiến Đức định nghĩa sâu sắc là sâu và sắc. Tự điển Lê Văn Đức định nghĩa là sâu và sắc bén, có thêm nghĩa khôn ngoan và hiểm độc. Tự điển Thanh Nghị định nghĩa là thâm trầm, thâm thúy. Hai chữ này trong vai trò tĩnh từ đi sau những danh từ như ý tưởng, thì nó có nghĩa là thâm thúy; đi sau danh từ mưu mẹo, thì nó nghĩa là khôn ngoan, có khi là hiểm độc; đi sau một người, nó có nghĩa là thâm trầm.
Ngày nay hai chữ "sâu sắc" được đem dùng làm trạng từ, phụ nghĩa cho động từ để khoác thêm những ý nghĩa mới. Trong một bài viết của ông Nguyễn Minh Cần (Chuyện Nước Non, Văn Nghệ xuất bản năm 1999) hai chữ này xuất hiện rất gần nhau, tất cả ba lần: tình cảm nồng thắm, sâu sắc (trang 230); vết thương lòng sâu sắc (trang 231); để lại những dấu vết sâu sắc (trang 234).
Trong những trường hợp vừa kể, thì việc dùng hai chữ này cũng không có gì quá đáng để nêu ra. Có chăng là chúng xuất hiện quá gần nhau, trong cùng một bài viết. Người viết văn nên tránh làm như thế. Nhưng ở những chỗ khác trong các báo chí hay ngôn từ của nhiều người, hai chữ "sâu sắc" có vẻ đang được bạ đâu dùng đó. Thay vì tìm những chữ thích đáng hơn, thì tiện tay, người ta kéo hai chữ này vào như lối trị bệnh bằng... noni nhàu vậy.
Thí dụ thay vì nói hai chính phủ bất đồng nghiêm trọng, thì người ta quăng hai chữ "sâu sắc" vào cho khỏi mất công nát óc: hai chính phủ bất đồng sâu sắc. Trong trường hợp này, sâu sắc mang ý nghĩa tiêu cực, không mấy tốt đẹp.
Nhưng hai chữ này cũng lại được dùng trong trường hợp ý nghĩa tốt đẹp, tích cực: hai bên đã quan hệ sâu sắc với nhau. Có cần phải lười biếng lôi đại "sâu sắc" vào trong khi chúng ta đã có trạng từ "thắm thiết" vẫn dùng bao lâu nay không?
Tại sao phải nói là thay đổi sâu sắc trong khi có thể nói thay đổi quan trọng, thay đổi từ cốt lõi, thay đổi từ căn bản? Tại sao phải nói ảnh hưởng sâu sắc trong khi có thể nói ảnh hưởng nghiêm trọng? Tại sao phải nói mâu thuẫn sâu sắc trong khi có thể nói mâu thuẫn cơ bản, mâu thuẫn nặng nề?
Tại sao phải làm cho ngôn ngữ nghèo đi bằng lối viết, lối nói "xuống cấp" như thế? Tại sao phải bỏ bao nhiêu trạng từ, tĩnh từ chính xác hơn, đích đáng hơn, đúng hơn, hay hơn, phong phú hơn, thích hợp hơn đã có sẵn bằng hai chữ "sâu sắc" vừa nghèo nàn vừa bầy ra sự lười biếng của người sử dụng tiếng nói?

Ngày 9 tháng 2 năm 2012
Bạn ta,
Ở Mỹ, khi cảnh sát chặn một người và muốn đưa người ấy về bót, quàng cho vài ba tội, thì cảnh sát có nhiệm vụ phải đọc rõ những lời cảnh cáo, cũng có thể là những nhắc nhở về quyền của người ấy trước khi hỏi đương sự một số câu hỏi. Nó là Miranda Rights. Nó nhắc cho những người gặp rắc rối với luật pháp, và với nhân viên công lực rằng họ có quyền giữ im lặng, họ có quyền có luật sư ở bên cạnh và nếu không có khả năng thuê luật sư, nhà chức trách sẽ chỉ định luật sư cho họ, và những lời họ khai với cảnh sát sẽ có thể được đem dùng ở tòa để kết án họ sau này.
Miranda Rights bảo vệ cho những người vô tội, bị hàm oan, đồng thời đảm bảo nước Mỹ không trở thành một nước cảnh sát trị, một điều mà ai cũng sợ.
Nhưng cũng có những trường hợp những lời khai tự nguyện sau đó bị đem ra dùng để kết tội, hay đương sự không có quyền giữ im lặng và khi bị tra hỏi không được có luật sư bên cạnh.
Những lời khai, những lời tự thú, những câu chuyện kể trong những lúc vô tình nhất, từ những thuở hồng hoang xa lắc, từ thời tiền sử,( tức là trước khi có con Đường Vào Tình Sử của Đinh Hùng), vẫn có thể bị lôi ra để kết án, để gây khó dễ, độc ác và dễ sợ còn hơn cảnh sát và công tố viện, thì chưa thấy một nỗ lực nào được đưa ra để bảo vệ những trường hợp đáng thương đó.
Thí dụ trong một lúc đương sự đang vui, thì được / bị hỏi là hồi đi du học, có bao giờ đi nhẩy đầm không chẳng hạn. Đương sự có thể hồn nhiên trả lời là có, nghĩ rằng ai chẳng đi nhẩy đầm, thì sau đó, vài năm, năm năm, mười năm, thế nào cũng có bữa chuyện nhẩy đầm với mấy con... Kangaroo và Koala ở Úc bị lôi ra để nhiếc móc, xỉa sói. Ối chao ơi, hồi ấy tôi ở nhà, có người chặn tôi ở cửa trường, đưa "phong thư tình ngây dại," tôi nhất định không nhận vì tôi nghĩ đến anh ở bên ấy một mình vò võ đi về khu học xá, ai ngờ anh đi nhẩy đầm tối ngày với chúng nó... lại còn nhẩy xì lô đi bộ nữa chứ đâu có thèm paso doble hay bossa nova, bebop cho nó xa xa hộ tôi một chút... Thôi, anh đi ra ngoài phòng khách mà ngủ đi... Bỏ cái tay dơ dáy ôm mấy con đầm Úc béo ú ra, đừng có đụng vào tôi nữa...Ối giời ơi, thảo nào cứ ư ử than thởthôi em xanh mắt bồ câu / vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau (thơ Cung Trầm Tưởng)... Sao không đi hầu hạ chúng nó ngay kiếp này đi cho tôi bình yên...
Mà giữ im lặng cũng không được. Cái tội khinh bỉ, coi thường, nhục mạ thẩm phán được quàng ngay vào cổ. Mà mở miệng nói thì thế nào cũng hố. Mà hố thì chỉ có chết đứ đừ.
Rồi thêm kiểu hỏi cung đúng theo lối hỏi tù ở những gulag mà Solzhenitsyn đã tả: dựng cổ dậy hỏi vào lúc ba giờ sáng, khi bộ máy tự vệ mỏi mệt nhất, dễ nhận tội bị đổ lên đầu nhiều nhất thì kiếm đâu ra luật sư để ngồi cạnh cố vấn trả lời?
Các thứ lời khai, các chi tiết moi móc được ở tất cả mọi nơi, từ bạn bè thân quen đến sơ giao đều được ghi chép đầy đủ vào những bộ nhớ mấy trăm megabyte, lúc nào cũng có thể lôi ngay ra được để buộc tội thì ai mà cứu nổi?
Có cần phải bắt những người hỏi cung đó đọc cho nạn nhân nghe mấy câu tương tự như Miranda Rights không? Có cần nhắc cho các nạn nhân này biết rằng họ được quyền giữ im lặng, tất cả những gì nói ra đều có thể bị đem ra buộc cho đủ mọi thứ tội sau này, rằng đương sự có quyền được có luật sư ngồi cạnh, nếu không có tiền thuê luật sư thì ráng chịu không?
Tôi nghĩ là có. Chứ mấy cái lời khai với cảnh sát, ra tòa, có luật sư giỏi vẫn thoát như OJ Simpson. Chỉ những nạn nhân của những vụ hỏi cung ở nhà mới tan xác mà thôi.
Các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện lúc chúng tôi cần thì chẳng thấy ma nào hết. Chán thế đấy...

Ngày 10 tháng 2 năm 2012
Bạn ta,
Nếu các trường chúng ta học ở Việt Nam mấy chục năm trước cũng áp dụng những hình phạt hệt như một học sinh lớp 6 của một trường học ở Mamaroneck thuộc tiểu bang New York vừa nhận được, thì không biết chuyện học hành của chúng ta đã ra sao.
Vì bạn và tôi đều đã làm đúng những chuyện em học sinh này đã làm, nhưng hình phạt mà trường cho áp dụng với em thì phải nói là quá đáng, nặng hơn những hình phạt chúng ta nhận lãnh hồi đó rất nhiều. Hình phạt không tương xứng với tội... ác của em chút nào.
Em học sinh này bị đuổi 5 ngày, sau đó, số ngày bị đuổi được rút lại còn 3, và đã trở lại trường. Đó là sau khi cha mẹ em thuê luật sư kiện khu học chính.
Tội ác của em học sinh 11 tuổi này? Em xuyên tạc mấy câu hát, hay cũng có thể em nghe người khác, rồi bắt chước hát lại, cho hai nữ sinh cùng lớp nghe.
Câu hát nguyên thủy là từ một ca khúc Jim Reeves hát hồi những năm 60 mà tôi chắc bạn cũng biết, bài Roses Are Red. Đoạn đầu của bài nhạc đồng quê Mỹ này có mấy câu như sau:
Roses are red
Violets are blue
Sugar is sweet
But not as sweet as you...
Hoa hồng thì đỏ, hoa đổng thảo thì tím, đường thì ngọt, nhưng vẫn không ngọt bằng em... một thứ ca dao theo thể hứng, nhìn thấy cảnh, vật rồi dựa vào để lấy hứng mà nói ra ý của mình.
Đây là một kiểu tán tỉnh hơi nhà quê một chút. Nhưng cậu nhỏ ở trường Mamaroneck không hát đúng những lời ca đó, mà sửa lại thành: Roses are red / violets are black/ your chest is as flat as your back...
Hoa đổng thảo được đổi thành mầu đen (black) để hợp với "back" ở cuối, và câu cuối được đổi hẳn thành your chest is as flat as your back, nghĩa là trước sau như một, chung thủy hoàn toàn, phẳng lì như sàn đá hoa, không có đồi núi gì hết trơn hết trọi...Hai nữ sinh này bực lắm, về mách cha mẹ, nội vụ được đưa ra trước ban giám đốc, và tên học sinh hát bậy bị đuổi học một tuần.
Hình phạt của chúng ta cho những tội ác tương tự hồi đó, nhiều lắm, là bị thầy giáo hay cô giáo quất cho mấy cái thước kẻ vào đít, cầm cái thư của thầy hay cô giáo viết về về nội vụ cho bố ở nhà ký nhận, và lãnh thêm một trận đòn quắn đít lại là xong, cho đến khi học được câu hát xuyên tạc mới hơn, tối tân hơn, tục tĩu hơn. Thí dụ câu ngợi ca mùa hè, khi chạy qua phố hàng Bông, trong có mặc một món đồ lót... Hay câu ví anh như một con vật nuôi trong nhà, em cũng như một con vật khác nuôi trong nhà, hai con cắn nhau, rồi lại "anh như trời đánh, em như thánh đâm sao không lấy nhau..."thay cho những lời ca nguyên thủy trong sáng của Hùng Lân trong bài Hè Về và lãng mạn Nguyễn Văn Tý trong bài Dư Âm...
Những hình phạt đó tuy không nặng bằng hình phạt dành cho cậu nhỏ ở New York nhưng nó cũng làm thui chột đi bao nhiêu tài năng đặt lời hát của nền văn học nghệ thuật chúng ta. Tiếc biết chừng nào.
Hình phạt của chúng ta có thể được nhẹ đi một chút vì chúng ta chỉ hát một mình, không may lọt vào tai người lớn, chứ chúng ta là những đứa trẻ rất hiền lành, không bao giờ ngỗ nghịch đem hát cho những cô bạn nhỏ của chúng ta nghe bao giờ. Cậu nhỏ ở New York thì có hư đốn thật. Ai lại chê bạn cùng lớp là... dẹp như cái pan cake, là phẳng lì, là phía trước cũng hệt như sau lưng, là tiền hậu như nhất, là trước sau như một, là thủy chung, là chung thủy, là loài bò sát không "dú" .
Tội đó đáng bị phạt nặng hơn những hình phạt chúng ta nhận, nhưng không thể là bị đuổi học một tuần như thế.
Sở dĩ cậu bé bị nặng là vì theo nhà trường, cậu đã sách nhiễu tình dục (sexually harassed) hai cô bạn cùng lớp. Cậu bị phạt nặng là phải, mặc dù theo luật sư của cậu, cậu có thể chưa bao giờ nghe thấy danh từ sexual harassment (sách nhiễu tình dục), mà có thể cậu cũng chưa biết sex là gì cũng nên.
Nhưng theo cách giải thích luật của trường, thì những câu mà cậu nói trước mặt hai bạn cùng lớp đã tạo ra một môi trường bất thân thiện, không thích hợp và thuận tiện để cho người bị sách nhiễu sống và làm việc. Ôi chao, dễ sợ vậy sao?
May làm sao khi chúng ta bằng tuổi cậu, ý niệm sách nhiễu tình dục chưa có trên thế giới, nên chú nhỏ hàng xóm nhà tôi ở phố Sinh Từ mới có thể bình thản hát mỗi khi thấy cô bạn nhỏ đầu đường đi qua mấy câu... chẩn bệnh như thế này:
Con gái chơi với con trai
Về sau hái vú bằng hai quả dừa...
Mà chẳng sao cả. Và luôn cả những bài hát khác mà chúng ta vẫn hát một mình trong cái ngõ nhỏ những buổi trưa hè hồi đó. Bây giờ có mà tù mọt gông cả lũ! Vì những câu chúng ta hát thì ác hiểm hơn nhiều.

ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

(Bài số 131)
NÓI KHÔNG LÀ CÓ, NÓI CÓ LÀ KHÔNG
Bản ghi chép lại do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 131 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 5 năm 2012.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
Thưa anh, có một khán giả, cụ Toàn ở Buffalo, New York, gửi thư cho chương trình nhờ anh giảng về cách dùng của WOULD RATHER cũng như WOULD RATHER được dùng trong trường hợp nào.
BBT
Tôi xin trả lời ngay là WOULD RATHER được dùng để diễn tả một sự lựa chọn, một điều chúng ta quyết định làm thay vì một việc khác. Thí dụ trước hai việc có thể làm, chúng ta chọn một. WOULD RATHER được dùng với việc chúng ta lựa chọn đó. Giữa việc đi ăn sushi và đi ăn cơm Thái, nếu chọn sushi thì chúng ta dùng WOULD RATHER GO TO A JAPANESE RESTAURANT.
Cô Thúy, các con của cô đề nghị đi xi nê nhưng cô thì lại thích ở nhà xem TV hơn thì cô nói thế nào?
LÃM THÚY
BETWEEN GOING TO THE MOVIE AND STAYING HOME TO WATCH "DANCING WITH THE STARS", I WOULD RATHER STAY HOME.
BBT
Đúng rồi. Còn QA, cho nghe một thí dụ với WOULD RATHER coi.
QA
WOULD RATHER GO TO CANADA FOR MY VACATION. WHAT WOULD YOU RATHER DO ? WHERE WOULD YOU RATHER VISIT, MISTER BUI?
BBT
WOULD RATHER GO TO TIBET. I WOULD RATHER NOT GO TO CHINA.
Như vậy, hai cô đã nghe WOULD RATHER trong câu hỏi (INTERROGATIVE): WHAT WOULD YOU RATHER DO?; câu phủ định (NEGATIVE): I WOULD RATHER NOT GO TO CHINA; và câu xác định (AFFIRMATIVE): I WOULD RATHER GO TO CANADA.
Cách đặt câu với WOULD RATHER có hơi kỳ lạ một chút là vì RATHER không phải là một động từ. Theo sau nó luôn luôn là một động từ nguyên mẫu không có TO (INFINITIVE WITHOUT TO).
LÃM THÚY
Thưa anh, có khi Thúy thấy không có WOULD ở trước RATHER. Như vậy là làm sao?
BBT
Trường hợp Thúy nói là khi WOULD được viết tắt. Chắc đó là khi cô thấy I WOULD RATHER được viết tắt thành I’D RATHER. Như thế, WOULD vẫn có mặt đấy chứ, nhưng được viết tắt lại mà thôi. Trường hợp đó rất thường thấy vì trong những câu xác định, người ta thường viết ngắn lại như thế.
QA
Như vậy, WOULD RATHER là TENSE nào vậy thưa anh?
BBT
WOULD RATHER có thể dùng để nói về một thời điểm hiện tại hay một thời điểm trong tương lai cũng được. Thúy cho nghe hai thí dụ một ở lúc này và một thí dụ với một lựa chọn trong tương lai coi.
LÃM THÚY
WE WOULD RATHER KEEP THIS HOUSE FOR THE TIME BEING.
MY COUSIN WOULD RATHER APPLY FOR A TEACHING JOB NEXT YEAR.
BBT
Còn QA?
QA
MY SON SAYS HE WOULD RATHER GO FOR A GRADUATE DEGREE IN COMPUTER SCIENCE.
WE WOULD RATHER HAVE A REPUBLICAN PRESIDENT NEXT TIME.
BBT
Nếu muốn nói đầy đủ cả hai lựa chọn và cho biết chúng ta lựa việc gì, thì chúng ta dùng WOULD RATHER …THAN. Thí dụ giữa hai chuyện đi câu và đi shop, tôi thích đi câu hơn thì tôi sẽ phải nói thế nào, cô Thúy nói thửa coi.
LÃM THÚY
WOULD RATHER GO FISHING THAN GO SHOPPING.
BBT
Cô nói sai rồi. Cô thích đi shop chứ cô có bao giờ thích đi câu đâu.
QA
THAT’S RIGHT. THÚY WOULD RATHER GO SHOPPING THAN GO FISHING.
BBT
Vậy mới đúng. QA đưa ra hai sự lựa chọn cho các con và hỏi chúng thích cái gì thì cô sẽ hỏi như thế nào?
QA
WOULD YOU RATHER HAVE CÁ KHO TỘ THAN TÔM RIM?
BBT
Đúng rồi, đó là QUESTION FORM. Bây giờ cô Thúy cho nghe một thí dụ NEGATIVE coi.
LÃM THÚY
WOULD RATHER NOT EAT ANYTHING THAN TRY MUTTON.
BBT
WOULD RATHER cũng được dùng trong những trường hợp chúng ta muốn một người khác làm một việc gì đó. Thí dụ tôi nghe ông ấy nói chuyện chán quá, tôi phải hét lên rằng I WOULD RATHER HIM SHUT UP. Hai cô có bao giờ muốn người khác làm một việc gì đó không?
QA
WOULD RATHER MY SON STUDIED DENTISTRY.
LÃM THÚY
WOULD YOU RATHER WENT TO AMERICA INSTEAD OF AUSTRALIA?
BBT
Cả ba việc trên đều đã không xẩy ra nên chúng ta mới ước là người kia có một lựa chọn khác nên các động từ đều ở thì quá khứ như HIM SHUT UP, MY SON STUDIED DENTISTRY, WOULD YOU RATHER WENT.
Thay vì dùng WOULD RATHER, chúng ta còn có thể dùng PREFER để nói chúng ta thích làm một việc nào đó hơn một việc khác. Nhưng cách dùng của động từ TO PREFER có khác với WOULD RATHER.
Sau TO PREFER chúng ta có thể dùng một động từ nguyên mẫu (INFINITIVE WITH TO), hay một GERUND tức là một danh động từ tạo thành bằng cách thêm cái đuôi ING vào cuối (VERB+ING). Thí dụ I PREFER TO SPEAK TO MY CHILDREN IN VIETNAMESE thì cũng hệt như I PREFER SPEAKING VIETNAMESE TO MY CHILDREN. Mời cô QA và cô Thúy.
LÃM THÚY
WE PREFER LIVING IN CALIFORNIA. THEY FREFER TO DINE IN A FRENCH BISTRO.
QA
MY NEIGHBOR PREFERS WORKING IN THE GARDEN. THE BOY NEXT DOOR PREFERS TO FIX HIS OLD CAR DURING THE WEEKEND.
BBT
Động từ TO PREFER còn được dùng trong những cấu trúc khác nữa. Thí dụ khi chúng ta đưa ra HAI lựa chọn và muốn nói rõ là chúng ta thích lựa chọn này hơn lựa chọn kia chẳng hạn. Khi đó, chúng ta sẽ dùng cách đặt câu PREFERSOMETHING TO SOMETHING ELSE, như là khi tôi nói I PREFER WINE TO HARD LIQUOR. Còn cô Thúy?
LÃM THÚY
PREFER COLD WEATHER TO HOT WEATHER.
QA
AS FOR ME, I PREFER POP MUSIC TO CLASSICAL MUSIC.
BBT
Chúng ta cũng có thể dùng PREFER TO DO SOMETHING RATHER THAN SOMETHING ELSE để nói thích cái này hơn cái kia. Thí dụ I PREFER TO DRINK BLACK COFFEE RATHER THAN COFFEE WITH MILK là tôi thích cà phê đen hơn là cà phê sữa. Mời cô Thúy.
LÃM THÚY
MY DAUGHTER PREFERS TO HAVE A DOG RATHER THAN A CAT.
QA
WE PREFER TO DRIVE A TOYOTA RATHER THAN A HONDA.
BBT
Chúng ta cũng có thể dùng PREFER theo sau là VERB+ING mà ý nghĩa không hề thay đổi. Hai cô nói lại các thí dụ của hai cô với VERB+ING thay vì INFINITIVE WITH TO coi.
LÃM THÚY
MY DAUGHTER PREFERS HAVING A DOG RATHER THAN A CAT.
QA
WE PREFER DRIVING A TOYOTA RATHER THAN A HONDA.
BBT
Tuần qua, một khán giả viết e-mail cho chương trình để hỏi về một kết hợp của động từ SHOULD. Đó là SHOULD HAVE+PAST PARTICIPLE của động từ chính. Hai cô nhớ là động từ đi liền theo sau động từ HAVE bao giờ cũng phải là PAST PARTICIPLE.
Trong cách kết hợp này, SHOULD HAVE+PAST PARTICIPLE, hành động của động từ chính ĐÃ KHÔNG XẨY RA. SHOULD HAVE+PAST PARTICIPLE được dùng để nói về một chuyện trong quá khứ đáng lẽ đã phải xẩy ra, đáng lẽ đã xẩy ra thì hơn, đáng lẽ đã xẩy ra thì tốt hơn nhưng ĐÃ KHÔNG XẨY RA. Chúng ta không cần phải nói điều đó đã không xẩy ra mà người nghe vẫn hiểu là IT DID NOT TAKE PLACE, IT DID NOT HAPPEN. Thí dụ PRESIDENT DIEM SHOULD HAVE LEFT SAIGON AS AMBASSADOR LODGE SUGGESTED. Nhưng tổng thống Diệm có chịu ra đi theo lời đề nghị của đại sứ Hoa kỳ không?
QA
Không nên ông mới bị giết. Như vậy đâu cần phải nói rõ BUT HE DID NOT LEAVE SAIGON mà người nghe vẫn hiểu. QA cũng có thể nói về trường hợp của gia đình QA: WE SHOULD HAVE GONE TO THE US EMBASSY ON THE LAST DAY OF APRIL 1975. Còn Thúy thì sao?
LÃM THÚY
WE TOO, WE SHOULD HAVE GOTTEN OUT OF VIETNAM EARLIER.
BBT
Như vậy, hai cô đều đã hiểu rằng SHOULD HAVE+PAST PARTICIPLE, tuy câu nói ở thể AFFIRMATIVE nhưng ý nghĩa lại là NEGATIVE, tức là nói CÓ nhưng lại KHÔNG. Đáng lẽ đã rời Sài Gòn sớm nhưng thực ra thì đã không rời Sài Gòn ngay cuối tháng 4 năm 1975, cũng như tổng thống Diệm đáng lẽ đã nên ra khỏi Việt Nam ngay nhưng đã không chịu làm theo lời đề nghị của đại sú Mỹ.
Bây giờ, chúng ta đặt câu với SHOULD NOT HAVE+PAST PARTICIPLE. Hai cô để ý động từ trong câu câu sẽ được dùng trong thể PHỦ ĐỊNH với NOT ở sau SHOULD. Thí dụ câu này nhé: MANY AMERICANS THINK THE US SHOULD NOT HAVE GONE TO IRAQ. Vậy thì cô Thúy nghĩ thực ra thì chuyện xẩy ra như thế nào?
LÃM THÚY
Câu thầy vừa nói nghĩa là nhiều người Mỹ nghĩ là nước Mỹ đáng lẽ đã không nên đem quân đi Iraq nhưng sự thực thì Hoa kỳ đã đem quân đánh Iraq. Như vậy, SHOULD NOT HAVE+PAST PARTICIPLE nói KHÔNG nhưng lại là CÓ.
BBT
Đúng là như thế. Nhưng TOO MUCH GRAMMAR WILL MAKE ME ĐÂU CÁI ĐIỀN nên NEXT WEEK, WE WILL TALK ABOUT SOME IDIOMS
QUỲNH ANH
Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới cùng với các chương trình khác của Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc , Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.

No comments:

Post a Comment