Chưa bao giờ Việt Nam nhiều tây du lịch đến thế, nhất là tây ba lô. Họ ăn mặc đơn giản gần như bẩn thỉu với chiếc áo ba lỗ thường là cũ rích, chiếc quần soọc rộng thùng thình tới gần đầu gối, chân dậm đôi giày vải không có bít tất, lưng lúc nào cũng đeo toòng teng chiếc ba lô méo mó nên gọi họ là tây ba lô. Họ ăn cơm rẻ tại các quán bên lề đường gọi là “cơm bụi” vì hứng bụi, uống nước trà đá trong những chiếc bịch ny lông dùng bán cho hạng thợ thuyền, và ngủ tại bất cứ nơi nào có thể ngủ được, như công viên hay các phòng trọ hạng bét chẳng hạn. Ở khu Phạm Ngũ Lão Q.1 Sài Gòn có rất nhiều phòng cho tây ba lô thuê. Giá trung bình mỗi phòng 5 đô la Mỹ/ đêm. Nhưng đối với họ hình như vẫn còn là quá mắc (phải ở “free” thì mới không mắc!). Họ giải quyết sự mắc mỏ đó hết sức ranh mảnh bằng cách chờ buổi tối mới đến thuê, chẳng có giấy tờ gì cả rồi một anh thuê, hàng chục anh tới ngủ, chủ nhà chẳng làm gì được vì mặt “tây” thì anh nào chả giống anh nào. Họ nằm chen chúc như cá hộp trên sàn nhà, chẳng cần mùng vì trong ba lô anh nào cũng có sẵn tuýp thuốc thoa muỗi. Năm đô la tức gồm cả tiền nước và tiền điện. Điện thì họ không cần, còn nước, những anh lang thang ngoài công viên cũng cần tắm hàng ngày nên bèn đến tắm ké, nhà chủ không có cách chi đuổi họ. Có những anh thuê phòng dài hạn, hàng tháng không trả tiền rồi bỏ đồ đấy đi đâu mất. Chủ phải nhờ công an đến lập biên bản, niêm phong, phải chính tay công an đem đồ đi chỗ khác cho chủ lấy phòng cho thuê tiếp chứ nếu chủ động tới, lúc về họ sẽ tru tréo lên mất đồ, đi thưa, công an không biết giải quyết cách nào! Họ hay ăn vạ, có khi chính họ nhờ bạn đến lấy trộm giùm chiếc máy ảnh, cặp kính mát để...bắt đền nhà chủ. Công an phường Phạm Ngũ Lão là phường chuyên giải quyết chuyện...tây ba lô đến phát nhức đầu vì hầu hết các nhân viên công an chẳng ai biết nói tiếng Anh nên họ tha hồ ăn vạ!...
Nhưng, không phải tất cả tây ba lô đều như thế. Có những người đã vươn lên bằng sự kiên nhẫn và trí thông minh của mình. Họ làm nhiều nghề, trong đó có những nghề người Việt Nam không thể ngờ tới. Từ ngoài Bắc, ngoài Trung cho tới trong Nam đều gọi chung họ là những ông tây “rau muống”. Sau đây chúng ta thử xem xét một vài ông tây tiêu biểu chứ không thể nói hết được vì họ hoạt động kiếm sống tại VN nhiều lắm...
ÔNG TÂY BÁN THỊT CHÓ
Nhìn ông tây San bán quán và giải thích về các món ăn VN, nhất là món thịt chó, thông thạo như người Việt, nhiều khách mới đến quán rất ngạc nhiên, hỏi: “Ông là tây thật hay tây dỏm mà rành VN quá vậy?”. San cười: “Tây xịn, nhá!”. Nhiều người còn ngạc nhiên hơn khi biết ông tây “thịt chó” này đã có bằng thạc sĩ kinh tế và dân tộc học tại Pháp.
Tất cả là nhờ thịt chó!
San tên thật là Stanilas Boissau, sinh năm 1975 tại Paris, Pháp, sang VN từ đầu năm 1999 làm việc cho dự án Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp (S.A.M) của Chính phủ Pháp tại tỉnh Bắc Kạn.
San kể: “Hồi tôi mới sang VN lần đầu tiên, thấy các phong tục, tập quán của người VN cái gì cũng lạ nên muốn nghiên cứu thử xem thế nào. Tôi làm dự án ở vùng Na Rì (Bắc Kạn), tìm hiểu cách sống và nếp sinh hoạt của người Tày, Nùng, Dao nên sống chung với họ, ai ngờ thích luôn mấy món thuốc lào, rượu sắn và rượu táo Mèo. Sẵn tính tò mò, tôi tìm học luôn cách thức chế biến các thứ rượu là lạ mà hấp dẫn đó, vì biết đâu chả có lúc cần đến nó”.
Cuối năm 2000, dự án S.A.M kết thúc, San trở về Pháp. Anh kể lại: “Chỉ mấy tháng sau, nhớ VN quá không chịu nổi, tôi xin quay trở lại VN làm nghiên cứu sinh. Với lại, ở VN có lẽ dễ sống hơn. Nhưng dự án đã chấm dứt, học bổng cũng không xin được, tôi chắt bóp những đồng tiền đã dành dụm được, mở một quán nước nhỏ ở vỉa hè phố Huế Hà Nội sống qua ngày”. San kể tiếp: “Nhiều hôm đói bụng mà trong túi không còn đủ tiền ăn một suất cơm bụi vỉa hè Hà Nội là chuyện thường”.
Những ngày ấy San tìm thuê một căn phòng giá rẻ ở gần Quốc Tử Giám cho vừa túi tiền lại tiện học thêm, nhưng không ngờ lại bén duyên cùng cô sinh viên ngành du lịch trọ học ở xóm bên cạnh. Cô đưa San về thăm quê ở Vân Đình (huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây). Họ làm đám cưới vào năm 2003.
Cuối năm 2004, một hôm San đưa mấy người bạn đồng hương về thăm quê vợ, được bố vợ mời thưởng thức món thịt chó chính gốc Vân Đình. San nảy ra ý nghĩ: “Người Việt thích món này, người nước ngoài cũng thế, tại sao mình không mở quán bán món đó tại Hà Nội? Nếu thành công là sống và học tiếp được rồi”.
Mấy hôm sau, vợ chồng San gom góp số tiền ít ỏi, thuê một địa điểm ở ngõ phố Huế để mở quán. Vợ San lo quản lý, còn San chạy vạy học cách chế biến món thịt chó, cả tháng trời đi tham khảo các quán khác và về cả các vùng quê để học cách bài trí quán.
Lúc đầu quán chưa đông khách, vợ lại mới sinh con đầu lòng, gánh nặng cuộc sống đè nặng lên vai San. Chuyện học hành và thu thập tài liệu cho luận án tiến sĩ dân tộc học của San cũng bị ngưng trệ.
Cuối cùng San có ý nghĩ: “Nếu bán một thịt chó không thôi thì những người không ưa món này không biết ăn gì, mà ăn hôm qua rồi nay đến ăn nữa cũng chán. Nếu là mình mình cũng không đến liên tục”. San liền mở rộng thêm các món ăn truyền thống khác, tuyển thêm nhân viên biết chế biến theo cách dân dã: cơm cá kho, dưa cà, thịt ba chỉ ram khô... Nhưng thịt chó vẫn là món chủ yếu. San cười: “Toàn món ăn với giá bình dân cả nên khách thích đến luôn”. Để quán “100% dân tộc”, San đặt tên là quán Chim Sáo.
Quán của San ngày càng đông khách. Cũng nhờ số tiền kiếm được từ quán mà vợ San đã đủ vốn thành lập một công ty chuyên tổ chức các tours du lịch cho khách nước ngoài. San khoe: “Hai vợ chồng đã mua được một căn nhà nhỏ ở Gia Lâm Hà Nội, không còn phải sống cảnh ở thuê như trước nữa. Tất cả là nhờ quán thịt chó đấy nhá!”. San nói: “Ở VN tuy không có nhiều tiền nhưng sống được lắm nhá!”.
Một ngày bán hàng
San mặc quần ống ngắn, chân đi đôi dép cao su cũ kỹ, áo bà ba màu cháo lòng, vai vắt chiếc khăn tay, cùng mấy nhân viên trong quán cũng ăn mặc tương tự, tất bật chạy hết bàn nọ đến bàn kia mời khách. “Đang là giờ cao điểm của quán ông thấy rồi đấy nhá! Ông phải ngồi đợi một lúc nhá!” (Hình như câu nói nào của ông tây nói tiếng Việt này cũng có tiếng “nhá”. San bảo mời khách kiểu thân mật như vậy thành quen miệng rồi). Chỉ một lát, chưa kịp hết câu đã lại có thêm một tốp khách tây ba lô bước vào. Không cần coi thực đơn, mấy vị khách gọi ngay: “Thịt chó và rượu táo Mèo” bằng thứ tiếng lơ lớ mới học. “Rượu táo Mèo thì có nhưng thịt chó thì hết. Đợi khoảng 30 phút nhá. OK nhá?”, San vừa cười hề hề với khách vừa xoa hai tay, dọn bàn.
Chờ mấy vị khách gật đầu xong, bảo nhân viên bưng tạm mấy món ăn trước cho khách, San lật đật phóng vội chiếc xe Minsk nổ bành bạch xuống tận Hà Đông (thuộc tỉnh Hà Tây) xa hơn 10km, lấy thêm thứ “thịt chó thui rơm thứ thiệt”, từ Vân Đình đem về vẫn còn thơm mùi khói.
Lấy được thịt rồi, San tự tay chế biến rồi đem lên cho khách. Các vị khách nhìn bát mắm tôm tỏ vẻ không hiểu, San đánh vần từng tiếng: “M...ắ... m t...ô...m”, rồi giải thích: “Mắm tôm đấy, ngon lắm nhá. Thiếu nó là món này hết ngon đấy nhá”. Đoạn, San quay sang dặn các nhân viên: “Từ nay nhớ tăng 7 kg lên 10kg nhá! Không ngày mai lại thiếu, phải đi lấy thêm vất vả lắm nhá!”. Ít tháng trước, những khách quen của quán muốn ăn thịt chó phải đặt trước ba tiếng đồng hồ để đích thân San có thì giờ xuống tận vùng “nguyên liệu thịt chó” ở Vân Đình (Ứng Hòa, Hà Tây) lấy về cho đủ món. Nhưng nhiều lần thấy khách sốt ruột đợi món ăn như món hầm chẳng hạn, nên San mua sẵn để trong tủ lạnh, khách gọi, chỉ cần hâm lên là sẽ có ngay.
Gần 11 giờ đêm, khi quán đã bớt khách San mới được một chút nghỉ ngơi. Anh ngồi gác nhẹ chân lên chiếc ghế tre trước cửa quán, lấy ra chiếc điếu cày, vê thuốc lào, châm lửa và rít một hơi dài rồi mơ màng nhả khói. Có người đi qua, anh cười khoái trá: “Cái điếu này thật là kêu!”. Các nhân viên của San đã hiểu quá rõ ông chủ của mình, họ kể: “Ông San biết hút rồi nghiện thuốc lào VN ngay từ lúc mới sang. Ông ta nói hút thuốc lào cũng là phương tiện thư giãn sau một ngày làm việc mệt nhọc”.
ÔNG TÂY LÀM MC
Nhiều người gọi ông Tây sinh năm 1978 này bằng cái tên thân mật là Joe hay Dâu! “Mình đến VN là để học, nhưng học cũng phải sống trước đã. Mình làm việc, kiếm tiền để có một cuộc sống dễ chịu hơn”, Joe tâm sự một cách thẳng thắn như vậy.
Một “cuộc sống dễ chịu” của Joelà: “Đủ tiền uống trà đá sinh viên 1,000đ, ăn phở hay bún ốc 5.000đ và cơm bụi vỉa hè là rẻ nhất nhưng phải có thời gian viết blog bằng tiếng Việt”.
Nhà trọ, cơm bụi, trà đá...
Joe tốt nghiệp hai ngành biểu diễn và truyền thông tại Đại học Acadia (Canada). Tháng 10 năm 2002, khi những người bạn cùng lớp với Joe tìm đường sang các nước Mỹ, Anh, Úc làm việc thì Joe chọn VN theo một dự án nhỏ của Chính phủ Canada.
Ấn tượng đầu tiên của Joe về VN là “không có những cao ốc chọc trời và những thành phố lớn nhưng con người thật tuyệt vời, dễ gần gũi”. Joe kể lại bằng tiếng Việt khá thông thạo: “Mới đến VN lần đầu tiên nhưng mình cảm thấy sẽ gắn bó với nơi này lâu dài”.
Mấy ngày sau, Joe tìm được việc dạy tiếng Anh cho một trung tâm Anh ngữ ở phố Cát Linh Hà Nội với mức lương không đủ cho một người bình dân sống. “Đó là những ngày sống khó khăn nhất của mình. Tiền kiếm được chỉ đủ trả thuê nhà trọ, ăn cơm bụi và uống trà đá dài dài”.
Cũng chính vì lang thang đi tìm các quán cơm bụi rẻ tiền, la cà những chốn bình dân nên Joe thuộc làu các ngõ phố Hà Nội. “Chỉ tội lúc ấy mình nói tiếng Việt dở quá, đi mua cái gì cũng toàn bị đắt. Người Việt có từ gì nhỉ? À, đúng rồi, “bần cùng”. Hoàn cảnh mình cũng bần cùng như thế. Nhưng kể cả những lúc khó khăn nhất, chưa bao giờ mình nghĩ sẽ trở về nước”, Joe tâm sự.
Để sống được ở VN lâu dài, đầu năm 2004 Joe đăng ký xin học khoa Tiếng Việt tại trường đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Hà Nội. Bây giờ Joe có thể nói tiếng Việt làu làu, riêng khả năng viết tiếng Việt thì khó ai tin được đó là do một ông tây viết.
Joe vừa rèn giũa vốn liếng tiếng Việt vừa “chạy sô” một loạt các công việc để kiếm sống, nói như Joe là để “lấy ngắn nuôi dài”: làm biên tập thời vụ cho báo Đầu Tư bản tiếng Anh, phụ trách truyền thông cho một dự án của Cơ quan Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại VN, soạn tài liệu bản thảo cho Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF)...
Joephải “quay chong chóng” để xếp lịch sao cho phù hợp: sáng lên lớp, trưa lên văn phòng UNDP, chiều chạy đến nhà in in tài liệu cho UNICEF. “Hôm nào phải biên tập ở báo Đầu Tư nữa thì ù cả tai. Có ốm cũng cố gượng mà đi làm. Thứ bảy, chủ nhật các bạn đi chơi, nghỉ ngơi thì mình phải cày. Tục ngữ VN chẳng nói đói thì đầu gối phải bò đấy thôi. Muốn mưu sinh bằng chính khả năng của mình ư? Đâu có dễ!”, Joe nói.
Rồi cơ hội để có một công việc ổn định cũng đến với Joe. Trong một tiểu phẩm phụ họa cho chương trình “Hành trình văn hóa” (VTV3), Joe diễn vai một sinh viên nước ngoài đi mặc cả mua hàng. Cách diễn dí dỏm và hài hước của Joe được những người làm show truyền hình để ý đến.
Dịp Hội nghị APEC được tổ chức tại VN năm 2006, với vốn liếng tiếng Việt sành sỏi, Joe được mời làm MC cho chương trình ca nhạc lớn, truyền hình trực tiếp. Khá tự tin trong vai trò MC, Joe đã nhận được những ánh mắt thiện cảm và bất ngờ từ khán giả. Đầu năm 2007, VTV6 ra mắt khán giả, Joe đã nhận được hợp đồng làm việc phù hợp với ý muốn của mình tại VN.
Làm gì cũng được, ăn gì cũng xong
Những ngày này Joe bận túi bụi chuẩn bị và thực hiện một loạt những cảnh quay, show diễn cho các chương trình VTV6. Joe nói thật mà như đùa: “Lịch “chạy” đã khép kín từ 5g sáng tới 11g đêm, chỉ gặp được mình sớm nhất là giao điểm 0 giờ hai ngày cũ mới. Không “chạy”, mất việc là đói thì bỏ tiền ra nuôi mình nhá!”. (Người phương Tây nói tiếng Việt thường có tiếng “nhá” đằng sau).
Đêm Hà Nội rất khuya Joe mới lần mò từ trường quay về căn phòng chung cư thuê ở phố Kim Liên, ngay sát đường tàu chạy qua chạy lại ồn ào không ai muốn ở. Căn phòng quá thiếu tiện nghi, Joe bảo: “Chỉ hợp với những người không có mặt ở nhà thường xuyên như tớ thôi. Có chỗ ở là tốt rồi”. Rủ thêm hai người bạn ở chung, Joe giải thích:”Kiểu Campuchia cho rẻ!”. Chỉ kịp tắm ào một cái, Joe xách xe ra đường “lôi” về cho mình bữa tối (hay bữa khuya!) với hai cái bánh mì pa-tê và “gặm” ngon lành vì đói. Gần 2 giờ sáng, khi đường phố Hà Nội còn vắng hoe thì mới là lúc Joe thư giãn cuối ngày: lên mạng để viết nhật ký điện tử (blog).
Nhưng 7g sáng hôm sau, gặp Joe ở quán cà phê gần Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội, người ta đã thấy anh cười nói và pha trò bằng những câu đùa kiểu Việt Nam trước khi bước vào dàn dựng một tiểu phẩm mới cho chương trình sắp phát sóng.
“Trông Joe vui vui, ngộ ngộ, hay đùa vậy thôi chứ khi làm việc thì cực kỳ nghiêm túc, cái gì được giao cũng làm ngon ơ, chưa bao giờ bỏ lỡ việc chung của tập thể “, các bạn đồng nghiệp của Joe ở VTV6 nhận xét như vậy.
Riêng đối với Joe: “Có được một chỗ làm ổn định tại VN là tốt lắm rồi. Làm gì cũng được, ăn gì cũng xong, miễn sao trụ được và sống được ở đây. Nhưng bền vững và ổn định với một công việc thì vẫn tốt hơn”.
Buổi chiều, 15g30, khoảng giữa hai cảnh quay của một chương trình, được tạm nghỉ 30 phút, Joe đi rất nhanh về phía một quán cơm bụi: “Cơm, cá kho, rau muống luộc. Suất 7.000đ thôi bác nhé”. Thấy Joe không phải là khách quen, bà chủ quán há hốc miệng, làm suất cơm nhưng vẫn lẩm bẩm: “Tây gì mà ăn uống hà tiện đến thế!”.
Joe cho biết ăn uống đơn giản như vậy lâu ngày sẽ tiết kiệm được khối tiền. Nhiều người thấy Joe bình dân, nghe Joe nói tiếng Việt sành sỏi, ai cũng ngạc nhiên. Những lúc ấy Joe giải thích: “Tớ là Dâu mà! Tây “rau muống” mà!”.
ÔNG TÂY LÀM BỒI
Từ lâu, người dân ở phố cổ Hội An (Quảng Nam) đã quen với hình ảnh những du khách từ nhiều nơi trên thế giới đến đây làm việc. Nhiều người trong số họ đã chọn Hội An làm quê hương mình. Họ xin được làm thuê cho các ông chủ người Việt để mưu sinh, và điều quan trọng nhất đối với họ là được sống tại Hội An.
Rành Hội An như trong lòng bàn tay
Cứ vào 9 giờ sáng, Damien cưỡi chiếc xe máy màu đỏ với xấp tờ rơi trên tay, chạy long nhong khắp phố cổ. Chỗ nào có khách sạn mới mở, có du khách là Damien tìm đến. Chỉ mới nhận việc chưa được bao lâu tại hai quán bar King Kong và Sleepy Gecko, nhưng cuốn sổ tay của Damien đã chi chít những số điện thoại, địa chỉ của hàng trăm khách sạn và nhà hàng ở Hội An - những nơi hàng ngày Damien thường lui tới để tiếp thị cho quán bar Sleepy Gecko của một ông Tây lấy vợ Việt mới mở bên bờ sông Hoài.
À Một ngày làm việc của Damien bắt đầu từ 9 giờ sáng và kết thúc lúc 11giờ đêm. Từ 9g-17g, Damien làm tiếp thị cho quán Sleepy Gecko. Còn từ 19g-23g, anh lo âm thanh, ánh sáng kiêm cả chạy bàn, thu tiền tại quán bar King Kong của một ông chủ Việt Nam người Hội An.
Chàng trai 26 tuổi sinh ra và lớn lên ở bang Queensland (Úc) này vốn là một kỹ sư chuyên ngành sửa chữa ôtô, máy móc. Damien kể: “Hơn bốn năm làm nghề, ngày nào cũng vậy, từ sáng đến tối tôi chỉ biết những chiếc máy hư và chiếc xe hỏng. Nhiều lúc tôi nghĩ không lẽ mình cứ cặm cụi suốt đời quanh những chiếc máy như vậy hay sao?”. Nghĩ thế, Damien xin nghỉ việc và khoác ba lô, lên đường sang VN du lịch.
“Tôi định đi thăm VN khoảng một tháng rồi về lại Úc. Vậy mà đến Hội An chỉ mới mấy ngày, tôi đã muốn ở lại luôn. Ở đây tôi thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn”. Công việc tuy thu nhập không cao, chỉ đủ tiền thuê một căn nhà nhỏ ở ngoại ô và ăn uống, nhưng Damien rất thích.
Hội An hút hồn Damien vì thức ăn ở đây rất ngon mà lại rẻ, không khí trong lành, người dân thân thiện. Lúc rảnh Damien nhảy lên xe máy, vẻ ngoài bụi bặm, ra các quán lá bên sông Hoài ăn hến xào, bánh tráng đập dập chấm mắm nêm, chè bắp... Ăn món nào anh cũng khen ngon. Ở Hội An một thời gian, Damien rành Hội An như lòng bàn tay, biết từng ngõ hẻm mà thậm chí nhiều người Hội An chưa biết. Những ngày đầu khi ăn uống hay đi mua hàng Damien còn bị hớ, nhưng nay đã biết trả giá bằng tiếng Việt. Anh kể: “Lúc tôi mới đến Hội An, ghé một quán cơm bình dân gần chợ, bà bán hàng bán cho tôi đĩa cơm với giá gấp đôi những người khác cùng ăn. Tôi im lặng trả tiền rồi đi về. Hôm sau, tôi cũng ghé lại hàng cơm đó, bà bán hàng chỉ lấy giá bằng nửa. Tôi ngạc nhiên. Bà nhìn tôi cười thân thiện và nhờ đứa cháu dịch cho tôi nghe: người quen mà. Vậy đó, ở Hội An chỉ gặp một lần là trở thành người quen thôi. Chính vì vậy mà tôi chọn Hội An để làm việc và sống”.
NHỮNG “ÔNG TÂY” KHÁC
Với vợ chồng người Hà Lan là Marc (36 tuổi) và Fem (27 tuổi), Hội An là nơi khởi đầu cho cuộc sống gia đình của họ. Cả hai chỉ mới quen biết nhau khi cùng đi du lịch VN cuối năm 2003, và cuộc sống êm đềm ở phố cổ Hội An đã kéo cả hai lại gần nhau.
Marc xin vào làm hướng dẫn viên du lịch cho Công ty TNHH Sơn Mỹ chuyên tổ chức các tour đưa khách đi thăm khu di tích Mỹ Sơn. Yêu cuộc sống hiền hòa ở phố cổ, Fem không về Hà Lan mà chọn Hội An để cùng Marc tạo dựng cuộc sống mới. Đám cưới của Marc và Fem chỉ là một bữa cơm rau trong căn nhà nhỏ trên đường Nhị Trưng.
Căn nhà mà hai vợ chồng Marc thuê để ở được Marc trang trí như một trung tâm điều hành du lịch. Ở đó có cả bản đồ nội thị Hội An với đầy đủ hệ thống nhà hàng, khách sạn và các shops mua bán hàng lưu niệm, có ghi rõ từng mặt hàng mà Marc và vợ đã mất gần ba tháng trời để thu thập và cày cục vẽ nên bằng bút màu. Mức lương của vợ chồng Marc đủ để trang trải tiền thuê nhà và chi tiêu hằng ngày.
“Hội An dễ sống, người dân dễ mến, chúng tôi luôn cảm thấy thoải mái khi đi trên phố, la cà ở các quán cà phê với các bạn trẻ địa phương” - Marc nói. Con trai đầu lòng của Marc có tên Việt là Sơn, “Chúng tôi đặt tên Sơn vì muốn con trai tôi nhớ về Mỹ Sơn”. Cái gia đình nho nhỏ ấy sắp sửa đón thêm một thành viên nữa ra đời, “Nếu là con gái, chúng tôi sẽ đặt tên là Hội An, có thể đó là một cái tên rất Việt: Nguyễn Thị Hội An”.
Với Scott McMillan (30 tuổi, đến từ Anh), Hội An là môi trường khá thuận lợi để anh làm việc. Vốn là bác sĩ thú y, nhưng khi qua VN du lịch, đến ở Hội An một tuần, Scott thích quá nên tìm cách ở lại. Tìm một ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô để thuê, Scott đi gõ cửa các nhà hàng, khách sạn để tìm việc và nhận dạy thêm tiếng Anh cho một trung tâm ngoại ngữ ở Đà Nẵng. Ban ngày đi thử việc ở khách sạn tại Hội An, ban đêm Scott chạy xe máy hơn 30km ra Đà Nẵng dạy kèm. Gần bốn tháng làm việc như con thoi giữa Hội An và Đà Nẵng, Scott nói bằng tiếng Việt là “cày bừa”, anh được nhận vào làm quản lý cho Nhà hàng Khách sạn Phố Hội 2. “Hàng ngày tôi tiếp khách, hướng dẫn họ những nơi cần đến, kiểm tra các bàn tiệc, nơi ăn chốn ở của khách. Ban đêm tôi dạy tiếng Anh cho nhân viên của nhà hàng, còn họ thì dạy tôi tiếng Việt” - Scott kể với vẻ thích thú hiện rõ trên nét mặt.
Scott đang ấp ủ nhiều dự định: “Tôi chưa thể nói rõ kế hoạch của tôi cho các bạn biết, nhưng trong một tương lai rất gần tôi sẽ làm một cái gì đó cho tôi ở Hội An, dĩ nhiên là làm du lịch. Ba mẹ tôi ở Anh cũng rất ủng hộ”.
Qua câu chuyện của mình, Scott tiết lộ anh đang yêu một cô gái Hội An: “Chúng tôi sẽ làm đám cưới tại Hội An và sống với nhau ở đây. Tôi chọn Hội An làm quê hương và có thể con cái tôi cũng sẽ lập nghiệp tại đây”. Còn một điều Scott đang phấn đấu: “Phải nói tiếng Việt giỏi và sống hòa đồng hơn để mọi người không gọi tôi là ông Tây nữa. Tôi ghét bị gọi là ông Tây lắm, sao không gọi tôi là... “ông ta”?”.
(Source tu Internet Forum)
|
No comments:
Post a Comment