Rory Cellan-Jones
BBC News
Cập nhật: 13:21 GMT - thứ năm, 6 tháng 10, 2011
Cho dù có tài sản khổng lồ và thành công vượt bậc trong lãnh đạo doanh nghiệp, Steve Jobs vẫn luôn giữ dáng vẻ của một kẻ võ lâm ở Thung lũng Silicon.
Phong cách thô ráp của Steve Jobs khiến ông bị tiếng là người khó cộng tác, song cặp mắt tinh tường của ông đã đưa Apple trở thành một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất hành tinh.
Các bài liên quan
Chủ đề liên quan
Steven Paul Jobs sinh ngày 24 tháng 2 năm 1955, là con trai của một cặp sinh viên đại học chưa kết hôn: Joanne Schiebe và Abdulfattah Jandali, người gốc Syria.
Ông bị cha mẹ ruột từ bỏ và được một đôi vợ chồng người California là Paul và Clara Jobs nhận nuôi.
Nhiều tháng sau đó, cha mẹ ruột của ông thành hôn và sinh một người con gái, Mona, cô không hề biết đến sự tồn tại của anh trai mình cho mãi đến khi trưởng thành.
Ông lớn lên tại gia đình cha mẹ nuôi ở Thung lũng Silicon, trung tâm của nền công nghệ điện tử Mỹ.
Đạo Phật
Khi đang học cấp ba, Jobs được mời làm việc thêm trong mùa hè tại nhà máy của Hewlett Packard ở Palo Alto. Tại đây ông làm cùng với một sinh viên tên là Steve Wozniak.
Ông bỏ học cao đẳng ngay sau học kỳ đầu tiên và đi làm cho công ty sản xuất trò chơi điện tử Atari để kiếm tiền đi du lịch Ấn Độ.Jobs trở về từ nơi đây với chiếc đầu cạo trọc, mặc áo quần của Ấn Độ và mang theo những trải nghiệm LSD (một loại ma túy tổng hợp); từ đó ông theo đạo Phật và ăn chay suốt đời.
Ông quay lại làm việc với Atari và tham gia câu lạc bộ máy tính tại địa phương với Steve Wozniak, lúc đó đang tự thiết kế và chế tạo máy tính riêng của mình.
Năm 1976 Jobs đã có được hợp đồng bán 50 chiếc máy tính còn chưa sản xuất của Wozniak cho một cửa hàng máy tính, và nhờ có đơn đặt hàng này, ông đã thành công khi thuyết phục một nhà phân phối điện tử cho ông mua nợ các bộ phận để lắp máy.
Ông khai trương chiếc máy tính đầu tiên, Apple I, mà không phải mượn tiền hay phải chia cổ phần với bất kỳ ai khác.
Bị đẩy ra khỏi Apple
Ông đặt tên công ty dựa theo loại trái cây yêu thích nhất của mình, mà có thể do tình cờ hay cố ý, tên Apple luôn xuất hiện trước Atari trong danh bạ điện thoại.
Tất cả lợi nhuận từ dòng Apple đầu tiên đều được dồn vào đầu tư cho bản cải tiến Apple II, được xuất hiện tại hội chợ máy tính California năm 1977.
Để phát triển dòng máy mới này cần đến rất nhiều tiền, và Jobs đã thuyết phục Mike Markkula, một nhà đầu tư địa phương, cho vay 250 ngàn đô la, và cùng với Wozniak, nhóm ba người thành lập công ty máy tính Apple.
Apple II, không giống như các dòng máy tính khác thời đó, được tung ra thị trường là một khối hoàn chỉnh, người mua không phải tự mua và lắp đặt các thành phần khác nhau.
Mẫu mới này thành công ngay lập tức, khởi động sự bùng nổ của hệ thống máy tính cá nhân, đạt số lượng bán hơn sáu triệu trước khi ngừng sản xuất vào năm 1993.
Tuy nhiên, có người cho rằng Jobs còn thiếu kinh nghiệm quản lý và thiếu những nhà điều hành chuyên nghiệp để lãnh đạo công ty.
Một trong những thành viên của hội đồng quản trị Apple cho rằng Jobs là người ‘thiếu kiểm soát’. “Ông ta nảy ra một ý tưởng nào đó và do là người sáng lập công ty, ông cứ thế tự đi thực hiện ý tưởng đó mặc cho nó có tốt cho công ty hay không.”
Jobs giới thiệu Macintosh năm 1984 và được hưởng ứng nhiệt liệt, nhưng đằng sau đó là những vấn đề về tài chính ở Apple.
Số lượng bán giảm xuống, bực bội tăng lên. Rất nhiều nhân viên trong công ty cho rằng Jobs là kẻ chuyên quyền, và do đó dẫn đến những bất đồng quyền lực nội bộ. Ông bị đẩy đi khỏi công ty.
Câu chuyện Đồ chơi
Vào thời điểm này ông cũng đã thành lập hãng máy tính NeXT vào năm 1985 và một năm sau đó mua lại Graphics Group từ đạo diễn phim Chiến tranh các vì sao, George Lucas.
Công ty này sau đó được Jobs đổi tên thành Pixar, chuyên sản xuất linh kiện phần cứng của các máy tính cao cấp dành cho thiết kế hoạt hình, được sử dụng bởi rất nhiều các nhà làm phim, trong đó có cả Disney.
Jobs chuyển sang tập trung sản xuất máy tính thiết kế phim truyện hoạt họa.
Bước đột phá là năm 1995 khi Toy Story, với doanh thu đạt tới 350 triệu đô la Mỹ trên toàn thế giới, và một loạt những thành công như A Bug’s Life, Finding Nemo, và Monsters Inc.
Một năm sau, Apple trả hơn 400 triệu đô la Mỹ cho máy tính NeXT. Jobs trở về với công ty do chính mình sáng lập, ngay lập tức thay thế Giám đốc điều hành Apple lúc đó.
Jobs giải quyết tình trạng doanh thu thấp của Apple bằng cách hủy bỏ những dự án nhỏ và chuyển hướng sang tập trung vào thị trường tiêu dùng mới của công nghiệp điện tử.
iPod được khai trương năm 2001 làm thỏa mãn nhu cầu âm nhạc mọi nơi mọi lúc của khách hàng, và ngay lập tức trở thành biểu tượng phong cách bởi thiết kết bóng bẩy và tai nghe màu trắng khác biệt.
Để duy trì dòng máy mới của mình, Jobs cũng cho ra đời iTunes, cho phép khách hàng tải nhạc từ internet và tạo ra playlist của riêng mình.
iPhone
Năm 2003, Jobs được chẩn đoán bị ung thư tụy, ông từ chối phẫu thuật và tìm đến những cách chữa bệnh khác, trong đó có ăn kiêng đặc biệt.
Cuối cùng ông cũng đồng ý phẫu thuật vào năm 2004, luôn giữ kín tình trạng bệnh tật của mình mà chỉ một nhóm người rất nhỏ trong Apple được biết.
Năm 2005 Disney trả bảy triệu đô la cổ phiếu để mua lại Pixar, khiến Jobs trở thành cổ đông lớn nhất của hãng Walt Disney.
Hai năm sau, một cuộc khai trương đình đám khác, Jobs giới thiệu iPhone, đám đông lớn xếp hàng nhiều tiếng đồng hồ ở các cửa hàng Apple địa phương.
Năm 2008, máy tính cá nhân siêu mỏng Macbook Air ra đời. Như thường lệ, Jobs mặc áo len đen cao cổ và quần Jeans bạc màu đứng giới thiệu trên sân khấu.
Ông gầy và xanh làm dư luận xôn xao rằng bệnh tình của ông có lẽ đã quay trở lại. Đến đầu năm 2009 ông phải nghỉ sáu tháng để chữa ‘mất cân bằng hoocmôn’.
Tháng tư năm đó ông trải qua phẫu thuật thay gan, và bác sĩ của ông tuyên bố rằng bệnh tình của ông có những tiến triển ‘tuyệt vời’.
Tuy nhiên, đến tháng một năm 2011, Apple thông báo Jobs vắng mặt vì lý do sức khỏe.
Không giống với người cùng thời, Bill Gates của Microsoft, Steve Jobs không cho thấy có xu hướng dùng sự giàu có của mình cho các mục đích từ thiện.
Và một điều lạ đối với một người theo đạo Phật, ông cũng chẳng hưởng ứng những lo ngại về môi trường, với Apple bị tổ chức Greenpeace chỉ trích do hãng này miễn cưỡng không muốn sản xuất những sản phẩm có thể dễ dàng tái chế.
Steve Jobs là một người có một không hai; một người hoàn toàn tự tin vào khả năng của chính mình và một người thiếu kiên nhẫn với những ai không đồng ý với ông.
Cái tài lớn của ông là khả năng tiên đoán thị trường và con mắt biết nhận ra những thiết kế đẹp và các sản phẩm đầy sáng tạo khiến ai cũng muốn mua.
“Ta không thể hỏi khách hàng xem họ muốn gì và rồi đưa cho họ cái đó,” ông từng nói. “Trong lúc ta sản xuất ra sản phẩm đó thì họ đã muốn cái mới rồi”.
No comments:
Post a Comment