Tác giả: KHÁNH DUY (TỪ RAMALLAH, BỜ TÂY, PALESTINE)
Nhóm nhà báo Việt Nam cũng đã bất ngờ khi biết rằng mình là những người làm báo Việt Nam đầu tiên đặt chân tới lãnh thổ Bờ Tây sông Jordan, thuộc Palestine.
>>Kỳ 1: Palestine vẫn là Miền đất hứa
Sốt ruột như "xát muối Biển Chết"
"Rung lên nào là rung lên nào!" Đạo diễn Lê Trần Quỳnh cứ lặp đi lặp lại điệp khúc đó. Là người cầm máy điện thoại liên lạc với ĐS Palestine tại Ramallah, anh lúc nào cũng "ngắc ngoải" chờ một cú điện thoại gọi báo tin mừng.
Chỉ tiếc, ngày chờ đợi thứ 4 cứ chầm chậm trôi qua nhưng cái tin mừng có được visa vào "nước Chúa" vẫn chưa có.
Bất an nảy sinh bói toán, hết gieo đồng xu đến bấm Quẻ Dịch. Nhà báo Như Phong bấm ngày tháng thế nào ra Quẻ Phong Thủy Hoán biến ra Quẻ Thuần Khảm và kết luận: "Sông nước vẫn mịt mùng lắm, chưa đi được."
"Al Zazeera đưa tin Israel đã bắn 14 người biểu tình Palestine khi những người này tiến vào biên giới Israel từ Syria, Lebanon và Gaza. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1973 có hiện tượng người định tràn qua biên giới Israel. Tổng thống Abbas tuyên bố hôm nay là ngày Quốc tang. Sự thể như thế này, chắc chắn chúng ta rất khó được cấp visa." Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Hùng "đổ nước dập lửa" ngay từ đầu giờ sáng Thứ 2.
Hàng rào an ninh ngăn cách khu của người Palestine và Israel và thành phố Bethlehem. |
Tờ Jordan Times số thứ 2 đưa bài TOP nói 13 người chết và gọi cuộc đụng độ giữa lính Israel và người biểu tình Palestine vào ngày Nakba hôm Chủ Nhật là "cuộc đụng độ gây chết người nhiều nhất" trong nhiều năm qua, kèm lời Tổng thống Abbas: "Những giọt máu quý giá ấy sẽ không lãng phí. Máu đã đổ vì mục tiêu là nền tự do của đất nước chúng ta."
Tin dồn dập càng làm nhóm nhà báo nóng ruột như "bị xát muối Biển Chết". May mắn là lại có một tia hi vọng nhỏ nhưng cũng đủ để níu giữ đoàn nhà báo chưa quyết định mua vé bay về. "Bộ trưởng Hợp tác Israel-Palestine đã gọi nói chúng ta sẽ được cấp visa thôi. Có thể tối nay sẽ đi." ĐS Palestine Saadi Salama gọi vào cuối giờ chiều ngày Thứ 2, 16/05.
Tin "gần mừng" ấy đủ làm nhà báo Như Phong phấn chấn hơn đôi chút. Ông trầm ngâm nói: "Vào được hay không chuyến này cũng sẽ viết một bài: Những suy ngẫm về một chuyến đi. Tít phụ thứ nhất: Những ngày cầm tù ở Khách sạn 5 Sao. Tít phụ thứ hai: 1/1000 tia hi vọng."
Chúng tôi lại nói đùa khi mạo muội đổi chữ "cầm tù" của ông thành "tị nạn" cho gần gũi với nhân dân Palestine. Đành vậy, lại một đêm "tị nạn" bởi vẫn không có thêm một "tin mừng" nào khác cho tới nửa đêm.
Sáng thứ 3, 17/05, chúng tôi mở mắt nhìn những tia nắng đầu tiên của ngày mới chiếu xiên vào ô cửa ban công khách sạn. Một tia hi vọng lại nhen nhóm, đúng hơn đó là một linh cảm lạc quan, có thể ngày hôm nay sẽ đi.
Một buổi sáng nữa trôi ì ạch, cuối giờ trưa, đạo diễn Lê Trần Quỳnh chủ động gọi cho Đại sứ Saadi và anh buồn bã truyền đạt lại: "Vẫn chưa biết khi nào sẽ cấp visa, nếu hết ngày hôm nay chưa có, sáng mai chúng ta phải đổi vé bay về." Tia hi vọng mong manh cuối cùng gần như đã tắt.
Hàng rào an ninh Israel lậpở thành phố Bethlehem bị người Palestine vẽ lên những khẩu hiệu phản đối. |
"Vật cùng tắc biến", vào những giờ phút tưởng như cầm chắc vé về ấy, một cú điện thoại reo lên quãng 2h30 phút chiều. "Các anh đã có visa rồi, 30 phút nữa nhân viên sứ quán Palestine tại Jordan sẽ đón các anh qua biên giới." Đại sứ Palestine Saadi mừng rỡ thông báo.
Chúng tôi ai nấy nhẩy ra khỏi giường, sau 5 ngày lầm nhẩm câu ca: "Ramallah đó niềm tin yêu hi vọng", cuối cùng, niềm tin đã cho thấy sức mạnh thần kỳ của nó...
"Lễ Vượt qua" biên giới Palestine
Vượt cửa khẩu để vào được lãnh thổ do phía Israel kiểm soát luôn là một câu chuyện đáng kể. Phỏng vấn gắt gao ngay tại cửa khẩu, lục tung các vali để kiểm tra an ninh ngặt nghèo, những câu chuyện như thế có thể đọc được ở vô số những cuốn sách và bài viết do các nhà báo từng tới khu vực này kể lại.
Chúng tôi đã chờ đợi những khó khăn như vậy sẽ xảy ra ở cửa ngõ Palestine. Chúng tôi đã nghĩ trước cái tít cho bài báo của mình đại khái sẽ là: "Lễ Vượt qua" biên giới Palestine, một cách chơi chữ khi "ngoa ngôn" so sánh những gian khó của việc vượt cửa khẩu do Israel kiểm soát như việc nhà tiên tri Moses từng dẫn dân tộc Do Thái vượt qua sa mạc bao la từ Ai Cập về tới Palestine.
Rất tiếc, không có câu chuyện nào đáng kể trong lần vượt biên giới này và không có cơ hội nào để chúng tôi so sánh "điêu toa" như vậy. Có 5 trạm kiểm soát, 3 bên phía Jordan và 2 thuộc về Israel trong quãng đường trung chuyển từ biên giới Jordan sang Bờ Tây. Có những hàng rào thép ngăn cách hai bờ như vẫn thường thấy ở các biên giới Israel-Arập. Có một nhân viên an ninh Jordan đã "hộ tống" chúng tôi sang tới cửa khẩu Israel. Ngoài ra không còn gì nữa.
Những ngọn cờ tung bay trước cổng tòa nhà chính quyền thành phố Hebron nhưng Palestine vẫn chưa chính thức trở thành một nhà nước độc lập. |
Không một ai mở hành lý kiểm tra đồ đạc của nhóm nhà báo, thậm chí hành lý không phải đi qua một máy thử nào. Một cô gái nhỏ bé ra hỏi chúng tôi dăm câu ba điều như cho qua chuyện: "Các anh có mang vũ khí không?" "Có ai ở Jordan gửi các anh cái gì không?" Chấm hết.
Thậm chí, sự nhã nhặn của nhân viên an ninh cửa khẩu Israel còn làm chúng tôi ngạc nhiên. "Các anh khoẻ không?" "Các anh có cần giúp đỡ gì không?". Đúng ra, chúng tôi có nhìn thấy hai thanh niên mặc thường phục non choẹt lăm lăm hai khẩu súng dài ngoằng, có lẽ đó là những lính dự bị được đưa vào đây phục vụ. Nhưng họ chỉ đứng đó như những anh lính gác.
May mắn được "trở về nhà"
15h30 khởi hành. 17h đến cửa khẩu. 18h30 vượt qua được cửa khẩu và 19h30 phút đã có mặt tại khách sạn Movenpick ở Ramallah, cuộc hành trình suôn sẻ ấy đã kết thúc bằng cuộc gặp thân mật với Đại sứ Palestine ở một quán cà phê rộng rãi nằm trên sân thượng khách sạn. Đại sứ Saadi đã không về quê thăm mẹ suốt 5 ngày qua để ở đây lo nốt cho đoàn Việt Nam có thể sang.
"Chúc mừng, các anh đã trở thành đoàn Việt Nam không chính thức đầu tiên đến được Palestine và là những nhà báo Việt Nam đầu tiên có mặt tại đây." Saadi nói.
Những nhà báo đầu tiên, chúng tôi cũng không ngờ mình lại là những nhà báo Việt Nam đầu tiên tới được Bờ Tây để tận mắt nhìn thấy những hàng rào an ninh, những trại tị nạn, những khu định cư Do Thái trên mảnh đất khô cằn huyền thoại này. Dù đã nhìn sang Gaza và Bờ Tây từ lãnh thổ Israel và Jordan, cảm giác trực tiếp đặt chân lên miền đất này vẫn khác.
"Vào được đây không đơn giản đâu nhé, chúng ta bị chậm 5 ngày nhưng may mắn hơn nhiều đoàn khác bị từ chối thẳng thừng hoặc bị cản trở không vào được dù đã tới cửa hải quan. Với đoàn Việt Nam, tôi vẫn hi vọng bởi Israel không từ chối mà chỉ không nói rõ bao giờ sẽ cấp visa. Họ nói chậm là do phải kiểm tra an ninh từng đoàn một." Đại sứ Saadi giải thích.
Thế có nghĩa là chúng tôi đã may mắn, may mắn như anh chàng phóng viên ảnh Jordan mà chúng tôi gặp tại bữa ăn tối. Dù sống ngay ở nước láng giềng, 15 năm qua anh mới được vào quê hương cũ của mình, thăm lại chị gái nay đã có chồng con và những đứa cháu. "Tôi vui lắm khi có người gọi chú ơi!" Anh nói.
Anh và chúng tôi đã may mắn hơn Moath và Mohamad, những nhân viên của sứ quán Palestine và Quỹ Quốc gia Palestine tại Jordan, những người đã nhiệt tình đưa chúng tôi tận tới cửa khẩu. Chỉ cách đó vài chục cây số theo đường chim bay, nhưng các anh chưa bao giờ được trở về mảnh đất nơi cha mẹ, ông bà các anh hằng sống.
1948, hắt từ mốc ấy trở về sau, khoảng 6 triệu người Palestine vẫn còn lưu lạc đâu đó mà chưa tìm được nẻo về. Thi sỹ Mahmoud Darwish của Palestine đã viết: "Chúng tôi đi như những người khác, nhưng chúng tôi không có chốn trở về," và "Đất nước của tôi không là cái vali."
"Các bạn đã trải qua 5 ngày không được nhập cảnh để hiểu nỗi khổ của một nhà nước chưa có chủ quyền trọn vẹn, để có thể tự do đi lại như những dân tộc khác." Đại sứ Saadi nói đúng, chúng tôi đã hiểu, xét từ nỗi niềm 60 năm tha hương ấy của những người Palestine, chúng tôi mới thấy 5 ngày "tha phương" của mình nào có đáng là bao.
No comments:
Post a Comment