Tác giả: TRƯỜNG MINH
Bài đã được xuất bản.: 07/03/2012 05:00 GMT+7
Dù đã có nhiều thay đổi, cuộc sống được cải thiện hơn, nhưng Nậm Ban bây giờ có đường, nhưng vẫn không điện, không chợ. Nhà tranh mái lá lợp tạm vẫn còn nhiều. Người Mảng không còn uống rượu như thác, nhưng cái thói quen chìm trong men rượu hằng ngày thì sức chảy của rượu vẫn chưa từng thua dòng suối Nậm Ban chảy ven chân bản Nậm Ô đêm ngày.
Anh Tân vốn người Phú Thọ, lên bén duyên với vùng cao buôn bán, trước ở Chăn Nưa, về Nậm Ban rồi tìm đường về bản Nậm Ô trung tâm xã mua một mảnh đất nhỏ, dựng căn nhà gỗ tạm để thằng Còi con anh mới hơn 3 tuổi hằng ngày được đến trường mầm non, vợ không phải vượt đường núi xa xôi đi dạy mỗi ngày khi chị Lan là giáo viên cấp 1 xã Nậm Ban.
Hằng ngày, Tân vẫn len lỏi khắp bản mường, từ Nậm Ban ra Pa Tần, rồi vượt núi lên các bản Nậm Nó, Nậm Vản, Nậm Sảo... để buôn bán lương thực, thực phẩm cho dân. Đường ra Pa Tần quá xa, mù mịt bụi, có những người như Tân, giao thương giữa miền ngược với miền xuôi xem ra cũng đã đỡ cách trở hơn.
Ruộng nương ở bản Nậm Ô mùa này bỏ hoang cho cỏ dại mọc, vì người dân địa phương chỉ có thói quen cấy mỗi năm một vụ lúa.
|
Trong câu chuyện giữa đêm muộn, khi núi rừng Nậm Ban đã chìm trong giấc ngủ say, nhưng tiếng hò uống rượu ở nhà Lý A Tành vẫn vang vọng, Tân kể câu chuyện đắng lòng mà anh từng gặp ở bản Nậm Sảo.
Khoảng giữa năm 2011, khi Tân tìm về đây mua bán với dân, thấy một người đàn ông tên Cớm bồng ra một đứa bé con đang khóc ngằn ngặt, hỏi có mua không thì bán? "Nhìn thằng Cớm nó bồng thằng con ra đòi bán cho mình như bán một con lợn con, tôi hoảng lên, quát cho nó một trận. Tôi bảo mày bán gì thì tao mua, thiếu thức ăn thì tao cho nợ, chứ sao mày mang con mày đi bán? Cớm nó trả lời: Không bán thì tao cũng không nuôi được".
Vậy rồi khi bán cho Tân không xong, rốt cuộc Cớm cũng thực hiện thành công thương vụ bán con cho một người phụ nữ trong bản với giá 5 triệu đồng. "Nhưng thằng bé nó chết rồi, không nuôi được. Tiền bán con thằng Cớm cũng đổ vào rượu, vào bụng nó hết rồi. Tôi vào nhà nó mấy lần, thấy vợ nó ngồi lỳ một chỗ uống rượu, con khóc bò lổm ngổm quanh bếp cũng không thèm cho bú", Tân chìm giọng, lắc đầu.
Cuộc rượu từ sáng chưa tàn, cần tiếp thêm lít nữa (mỗi chai rượu ở bản Nậm Ô bán với giá 10.000 đồng). Ảnh chụp xế trưa ngày 27/2/2012 tại bản trung tâm xã Nậm Ban.
|
Tháng 12/2010, kết thúc 3 năm thực hiện nghị quyết 06 của huyện ủy Sìn Hồ, đội công tác cắm bản Nậm Ban của bộ đội biên phòng giải tán. Trước đó, hàng chục cán bộ chiến sỹ đồn biên phòng Pa Tần cắm bản ở đây suốt ngày lăn lưng trong bản bám địa bàn, sống cùng với dân, lên nương cùng với dân, kiên trì thuyết phục những người Kinh vào đây buôn bán hạn chế bán rượu cho dân Mảng...
Toàn xã Nậm Ban nay có 11 bản, bản xa nhất cách trung tâm xã 20km, với 513 hộ, 2.811 người, chỉ có 2 người ở lại thường trực là Thiếu tá Phạm Minh Hải, (nay không còn là đội trưởng đội cắm bản vì đội công tác đã giải tán), làm nhiệm vụ Phó Bí thư Đảng ủy xã và thiếu úy Kháng A Cầu được tạo điều kiện ở lại Nậm Ban vì đã lập gia đình ở đây.
Bóng áo xanh biên phòng chưa bao giờ vắng ở Nậm Ban. Đội công tác trên hình thức vẫn duy trì, khi vài tháng lại thay một lượt chiến sỹ trẻ vào Nậm Ban công tác. Mỗi nhóm cán bộ, chiến sỹ vào thay nhau chỉ vài ba tháng, chưa kịp thuộc hết đường đi, chưa kịp quen đủ mặt dân, áo chưa kịp ngấm mùi khói bếp của người dân địa phương, thì đã có lượt mới vào thay. Thử hỏi, việc nhà Cớm bán con một lần, chứ bán thêm lần nữa thì có thể kịp thời biết được? Trong khi ở vùng đất này, sóng điện thoại chập chờn khi có khi không, muốn bắt được liên lạc thì phải treo điện thoại lên cành cây thật cao chờ sóng lạc vào.
Những đứa trẻ con đứng chơ vơ bên cửa nhà Hạt ở bản Nậm Ô, trong khi bố mẹ quây quần uống rượu, ảnh chụp sáng 27/2/2012 tại xã Nậm Ban.
|
Suối rượu vẫn chảy
3 năm trước khi chúng tôi vào Nậm Ô, một loa phóng thanh được lắp đặt ngay trước cổng trạm biên phòng, ngày 2 lần phát các bản tin về tác hại của rượu, hướng dẫn cách làm nương, nuôi gà, vịt, lợn... lẫn cả cách chăm sóc trẻ con.
Kèm theo đó, là các bản tin thời sự, thời tiết, để đồng bào quen dần với cách sống theo giờ giấc, bỏ dần thói quen ngày ngủ, đêm thức uống rượu rồi nghêu ngao hát tới sáng.
Nay, chiếc loa phóng thanh dứt dây nằm treo chơ vơ, cô độc ngay ngọn cây sau trạm biên phòng. Ti-vi cũng không còn. Giường chiếu phủ bụi. Thiếu tá Phạm Minh Hải thanh minh: "Anh em từ ngoài vào rồi phải lên bản ngay. Có mấy khi sử dụng đâu".
Nói thì nói vậy, nhưng rốt cuộc thì anh Hải thừa nhận, từ khi đội công tác giải tán, mọi sinh hoạt của các tổ công tác vào đây chỉ với thời gian vài tháng một tổ thay phiên nhau, nên cũng không còn được quy củ như trước nữa.
Đây là cái bếp của gia đình Vàng A He ở bản Nậm Ô, xã Nậm Ban, bao năm nay vẫn vậy.
|
Sau nhiều năm, công tác củng cố cán bộ cơ sở xã đã bước đầu được kiện toàn. Người dân cũng dã dần thoát khỏi cảnh đói lay lắt quanh năm. Nhưng chuyện sống ở Nậm Ban thì chưa tính được lối thoát nghèo. Thiên nhiên khắc nghiệt, càng khiến mọi trăn trở tìm lối ra cũng trở nên túng quẫn hơn. Ở nơi đây, thực phẩm phải gửi mua từ ngoài thị trấn Pa Tần mang vào, chứ có tiền cũng không mua được.
Chỉ tay ra ruộng nương bỏ hoang cho cỏ dại mọc tràn, anh Phạm Minh Hải cho hay người dân ở đây đã quen với tập quán mỗi năm chỉ trồng một vụ lúa. "Mà nước ở đây thì rất sẵn, chỉ cần một đập thủy lợi nhỏ ngăn dòng, rồi tạo hệ thống mương phai dẫn nước về. Đất cào phẳng ra từng miếng lớn, dẫn nước vào, thêm cán bộ nông nghiệp hướng dẫn, giống phân cấp phát... rồi chia cho dân, thì mới khắc phục được tình trạng lười lao động, uống rượu cả ngày chờ tiền Nhà nước hỗ trợ như bây giờ. Mà nhà nước hỗ trợ bằng tiền thì trước sau cũng lại vào... rượu hết cả thôi", ông Phó Bí thư Đảng ủy xã thẳng thắn.
Anh Hải cho hay người dân Nậm Ban đi thăm thân nhân bên kia biên giới về kể lại, đồng bào Mảng ở Vân Nam (Trung Quốc) cũng uống rượu như người Mảng bên mình.
Chính quyền làm nhà tập trung, cấp đủ vật dụng sinh hoạt và dụng cụ lao động, cải tạo ruộng đồng, sau đó chia cho dân. Để khắc phục tình trạng lười lao động, bộ đội vào ở hẳn nhà dân, thực hiện 3 cùng, đến giờ đánh kẻng lên nương, tối tới giờ tắt đèn đi ngủ.
Rượu, cấm tuyệt đối trong một thời gian dài. Ai mang rượu vào bán, bắt phạt thật nặng, trục xuất khỏi địa bàn. Ai uống rượu, phạt thẳng tay. Nên mới có chuyện người Mảng bên đó thèm rượu quá thì trốn lên lán, lên nương mà uống. Đi xa quá uống được chén rượu cũng chẳng bõ công, muốn mua cũng không có người bán, nên dần phải bỏ, tập trung chí thú làm ăn. Đó cũng là một cách làm đáng học.
Còn anh Tân kể một trường hợp ở bản Nậm Nó nhận được 400 triệu tiền đền bù đất đai khi mở đường Pa Tần - Mường Tè từ tháng 10/2010. Tân khuyên hai vợ chồng gửi 350 triệu vào ngân hàng làm vốn cho con ăn học, 50 triệu mang ra đầu tư chăn nuôi. Tân khuyên vậy nhưng họ không nghe, vậy là mua rượu liên hoan, ngày này qua ngày khác, 6 tháng sau thì toàn bộ 400 triệu đã chảy thành rượu hết.
Cô giáo Hà Thị Châm (Hiệu trưởng trường mầm non Nâm Ban) chỉ tay sang nhà bên cạnh trường, chỉ cách một bãi ruộng hoang: "Thấy nhà Lý A Tành uống rượu mấy hôm nay rồi, chắc lại vừa nhận được khoản tiền nào đó".
Thời điểm cô giáo Châm kể chuyện là lúc 8h30' sáng 27/2/2012, bên trường mầm non các cháu đang tập thể dục, còn bên nhà Tành 2 người đàn ông, 3 người phụ nữ đang quây quần bên chai rượu trắng. Mấy đứa trẻ con nhà Tành đang chơ vơ ngoài chân cầu thang.
Kỳ 3: Nói thật ở Nậm Ban
No comments:
Post a Comment