Tuesday, March 6, 2012

Aung San Suu Kyi = Cành Hoa Lan Sắt Thép


Aung San Suu Kyi = Cành Hoa Lan Sắt Thép
Trong những gương mặt nữ đấu tranh hiện nay cho nhân quyền và chống bạo lực bất công xã hội, chúng ta không quên người phụ nữ Á châu can đảm, đó là bà Aung San Suu Kyi, như một Cành Hoa Lan Sắt Thép, như tên mà tác giả Tuấn Thảo dùng. Trích bài viết:
"Aung San Suu Kyi, người đàn bà gan lì, biểu tượng của dân tộc Miến Điện kháng cự lại sự đàn áp của một chế độ độc tài quân phiệt. Từ khi được trao giải Nobel Hòa bình năm 1991, bà Aung San Suu Kyi trở thành hiện thân của phong trào đòi tự do và dân chủ, noi theo tấm gương đấu tranh bất bạo động của bậc tiền bối là Nelson Mandela và nhất là Thánh Gandhi...


"Sự dũng cảm và lòng kiên trì của bà khiến cho sự chậm trễ thực thi công lý không trở thành công lý bị tước đoạt; bà Aung San suu Kyi đã giữ cho ngọn lửa hy vọng về quyền tự do trong quốc gia của bà vẫn thắp sáng. Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tôi sẽ có cơ hội đích thân gặp được khôi nguyên giải Nobel hòa bình. Kính thưa ông Chủ tịch Thượng viện, đây thật là một giây phút đáng ghi nhớ." - (trích Lời phát biểu của Thượng nghị sĩ Mitch McConnell trước Thượng Viện Hoa Kỳ).
Bà Aung San Suu Kyi được xem như một nhà trí thức của Miến Điện nói riêng và của cả thế giới nói chung. Người ta có thể bắt gặp sự kính trọng bà, từ nhiều nhà trí thức và nhiềunhân vật nổi tiếng trong các lãnh vực ngoại giao, luật pháp, chính trị, xã hội, kể cả hầu hết những nguyên thủ quốc gia của các xứ tự do văn minh trên toàn thế giới.
Nếu bà từng là khôi nguyên giải Nobel Hòa Bình, điều này chỉ nói lên thành tích đấu tranh cho nhân quyền. Nếu bà từng học hành đỗ đạt văn bằng Ph.D. tại University of London, điều đó chứng tỏ bà có kiến thức chuyên môn và uyên bác về chính trị, triết học và kinh tế. Có nhiều người ở Miến Điện cũng học hành và đỗ đạt cao như bà.
Nếu bà đương kim là người lãnh đạo một đảng phái chính trị đối lập, điều này nói lên tư cách đởm lược và tài ba của một chính khách.

Nhưng, trên hết, người ta xem bà là một nhà trí thức, do một phẩm chất rất quan trọng: uy vũ bất năng khuất! Không có cường lực bạo ác nào có thể khuất phục nổi một một người nữ trí thức trông dáng vẻ bề ngoài mảnh mai yếu ớt. Chính là bà Aung San Suu Kyi.
Đúng như một nhận định của Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ McConnell, khi ông cảm thấy rất vinh dự được diện kiến bà. Ông nói: "Bà Aung San Suu Kyi đã giữ cho ngọn lửa hy vọng về quyền tự do trong quốc gia của bà vẫn thắp sáng."
Theo Wikipedia, bà Aung San Suu Kyi nhận được nhiều giải thưởng quốc tế, trong đó quan trọng nhất là giải thưởng Nobel về hòa bình trong năm 1991 trong khi bị quản thúc tại gia về những thành tích tranh đấu cho Tự Do Dân Chủ trên đất nước Burma. (Bà ngồi tù 15 năm trong khoảng 20 năm qua, được thả ra ngày 13 tháng 11 năm 2010). Hình trên: Các ký giả dành 1 phút tưởng niệm để hổ trợ bà Aung San Suu Kyi. Hình dưới: Một số hình ảnh biểu tình quốc tế yểm trợ cho Tự Do Dân Chủ tại Miến Điện, với hình ảnh biểu tượng về bà, được mệnh danh là cành hoa lan sắt thép.


Thật vậy, Aung San Suu Kyi từng là một phụ nữ can trường trong dáng của hoa lan sắt thép. Vào những năm 1990, Aung San Suu Kyi từng viết về sự đấu tranh của bà trong quyển sách mang tựa đề "Freedom from Fear" (tạm dịch là Vượt lên sự sợ hãi). Nhưng lãnh đạo đối lập Miến Điện hầu như không bao giờ nói về đời tư hay tiết lộ chuyện gia đình của bà.
Sau đây là bài nói chuyện ngắn của Tiến sĩ Trần Thạnh trong buổi họp hội ngộ của các cựu học sinh Petrus Ký do bà Phiến Đan gửi đến, cùng với bài viết của nhà báo Đinh Quang Anh Thái.
Xin mời quý bạn netters đọc... Gương can trường của vị nữ lưu Aung San Suu Kyi.


"Trước khi bắt đầu tôi xin phép được nhắc về một người phụ nữ có nét mặt thật hiền hậu, thường  xuất hiện với một đóa hoa cài trên mái tóc. Với một vóc người mảnh mai, Bà lại là biểu tượng của lòng can đảm. Bà đã từng nói "Chúng ta không bao giờ nên để cho sự sợ hãi ngăn cản chúng ta làm điều mà ta tin là đúng". Bà cũng nói "Lòng căm thù và sự sợ hãi luôn luôn đi đôi với nhau. Tôi không có lòng căm thù nên tôi không biết sợ hãi". Chắc Quý vị cũng đã đoán biết, người phụ nữ đáng kính mà tôi vừa nhắc đến là Bà Aung San Suu Kyi.
Đêm hôm nay chúng ta, những người học sinh trẻ tuổi năm nào, ngồi lại với nhau, là để ôn lại kỷ niệm của những ngày tháng cũ, ôn lại những giá trị tinh thần cao đẹp mà chúng ta đã may mắn được hấp thụ từ những ngôi trường thân yêu của chúng ta, từ những người Thầy Cô yêu quý của chúng ta. Đó là ý nghĩa của buổi Tân Niên Họp Mặt đêm nay. Ngoài kia văng vẳng những tiếng nói lạc loài mang rất nhiều đố kỵ. Điều đó không làm chúng ta chùn bước. Bạo lực, cho dù là bạo lực qua ngôn từ, không có chỗ đứng trong xã hội văn minh mà chúng ta đang sống. Gandhi từng nói "Trong lịch sử, sự thật và tình yêu luôn luôn chiến thắng". Chúng ta không cần tranh chấp. Bạo lực, cho dù là bạo lực trong ngôn từ, rồi cũng sẽ bị tiêu diệt.

Tôi xin được đọc một đoạn trong tập thơ Người Làm Vườn (hay Tâm Tình Hiến Dâng) của đại thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore.
Vì sao dòng suối cạn khô đi?
Tôi đã đắp một con đê qua dòng suối
Để sử dụng cho riêng tôi,
Chính vì vậy mà dòng suối cạn.
Vì sao dây đàn đã đứt?
Tôi đã cố đưa một nốt cao quá sức của nó,
Chính vì vậy mà dây đàn đã đứt.
Suối sẽ không cạn khô, dây đàn sẽ không đứt, vì chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục làm những điều mà chúng ta tin là đúng. Bắt đầu từ năm nay những người học trò năm xưa từ những ngôi trường mà chúng tôi vừa xướng danh khi nảy, và từ nhiều ngôi trường khác nữa, từ Bến Hải đến Cà Mau, sẽ tiếp tục gặp nhau trong những ngày đầu năm, trong ngày Tân Niên Họp Mặt. Chúng ta hân hoan chào đón tất cả Quý Thầy Cô và những đồng môn cũ trong đêm họp mặt này. Tôi xin được dứt lời bằng những lời thơ của Tagore:
Xin mở toang cửa, nhìn bốn phương trời.
Và thu nhặt ngay trong vườn nhà mình hoa nở rộ
Những kỷ niệm ngát hương của bông hoa trăm năm về trước đã tàn phai.
Tim dạt dào nguồn vui, có thể bạn sẽ cảm thấy hân hoan,
Niềm hân hoan sinh thú ca vang một sớm mùa Xuân
Gửi qua trăm năm tiếng nói yêu đời...
Và bây giờ xin chào đón những lời ca hân hoan của những người học trò năm xưa.
Trần Thạnh
_____________________________________________________
Rabindranath Tagore, Tâm Tình Hiến Dâng, Việt Hải Los Angeles:http://chutluulai.net/forums/showthread.php?t=8593
Bà Aung San Suu Kyi nêu lên những câu nói về nỗi sợ hãi khi con người e ngại đương đầu với bạo lực rất đáng suy ngẫm:
- "Đừng bao giờ nên để cho nỗi sợ hãi của bạn ngăn cản bạn làm những gì bạn biết là đúng."
- "Sợ hãi là một thói quen mà tôi không sợ."
- "Xem sự đối lập là nguy hiểm là hiểu sai khái niệm cơ bản của dân chủ. Còn đàn áp sự đối lập là nhằm tấn công vào nền tảng của nền dân chủ. "

Aung San Suu Kyi:

"Tất cả ước muốn của chúng tôi là Tự Do."

Tình hình tại Miến Điện đang biến chuyển dồn dập: Mở cửa chào đón lãnh đạo cao cấp các nước Tây phương; đón phái đoàn doanh gia Mỹ, trong đó có tỷ phú Bill Gate; bà Aug San Suu Kyi sẽ ra tranh cử quốc hội và có thể được mời vào chính phủ; thả tù chính trị; thỏa thuận ngưng bắn với thành phần nổi dậy thiểu số gốc Karen nhằm chấm dứt một trong những cuộc chiến được coi là lâu dài nhất trên thế giới.

Và chiều thứ Sáu 13 tháng Giêng 2012, ngay sau khi chính quyền Miến Điện thả hơn 200 tù nhân chính trị, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố Mỹ sẵn sàng thiết lập bang giao toàn diện với Miến Điện.

Xứ sở này bắt đầu tiến trình chuyển đổi từ một chế độ quân phiệt sang một thể chế dân chủ để xây dựng một xã hội công dân. Thành quả này, có thể nói, là do công cuộc đấu tranh kiên trì của người dân, trong đó, đóng góp và hy sinh nhiều nhất là Liên Đoàn Đấu Tranh Vì Dân Chủ Miến Điện do bà Aug San Suu Kyi lãnh đạo.

Bà Aung San Suu Kyi sinh ngày 19 tháng Sáu năm 1945 tại Ragoon, là ái nữ của tướng Aung San, người hùng của dân tộc Miến Điện. Thân phụ của bà bị ám sát chết năm 1947, lúc đó bà Suu Kyi mới được hai tuổi. Sau khi thân phụ chết, thân mẫu của bà được bổ nhiệm làm Đại sứ Miến Điện tại Ấn Độ, nên tuổi thơ của bà lớn lên trên đất Ấn. Bà tốt nghiệp môn Triết học, Chính trị và Kinh tế tại Đại học Oxford bên Anh, và lập gia đình năm 1972 với một học giả người Anh là Tiến sĩ Micheal Aris. Tháng Ba năm 1988, bà trở về Miến Điện săn sóc mẹ lúc đó đang đau bệnh, đúng lúc phong trào tranh đấu cho dân chủ do sinh viên chủ trương bùng nổ tại thủ đô Ragoon. Năm tháng sau đó, trước một đám đông lên tới nửa triệu người, bà đọc một bài diễn văn kêu gọi dân chúng đứng lên tranh đấu cho dân chủ. Ngày 24 tháng Chín năm 1988, Liên Đoàn Đấu Tranh Vì Dân Chủ Miến Điện được thành lập và bà được bầu làm Tổng thư ký. Tháng Tư năm 1989, các tướng lãnh quân phiệt cầm quyền ra lệnh đàn áp phong trào dân chủ; quân đội bắn chết một số người biểu tình và quản thúc bà tại gia. Dù bị giam tại nhà, bà vẫn tiếp tục lãnh đạo phong trào đấu tranh và kết quả là Liên Đoàn Đấu Tranh Vì Dân Chủ Miến Điện đã chiến thắng vẻ vang cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng Năm năm 1990. Bất chấp dư luận quốc tế và sự phẫn uất của dân chúng trong nước, chế độ quân phiệt phủ nhận kết quả bầu cử và bắt giữ một số lớn các dân biểu đắc cử thuộc Liên đoàn do bà Suu Kyi lãnh đạo. Năm 1991, bà Suu Kyi được trao giải thưởng Nobel Hòa Bình nhưng nhà cầm quyền đã không cho bà xuất ngoại để lãnh giải. Dù vậy, bà đã nhờ Ủy ban Nobel dùng số tiền 1 triệu 300 ngàn Mỹ kim của giải thưởng này để thành lập các chương trình giáo dục và y tế nhằm giúp đỡ người nghèo tại xứ sở của bà. Tháng Giêng năm 1994, bà bị bắt giam sáu năm trong tù và sau khi được thả ra, bà vẫn bị quản chế tại gia. Tháng Năm năm 2002, dưới áp lực của quốc tế và phong trào dân chủ trong nước, các tướng lãnh cầm quyền buộc lòng phải bãi bỏ lệnh quản chế và để cho bà được đi lại tiếp xúc với dân chúng Miến Điện. Cách đây hơn 10 năm, chồng bà là Tiến sĩ Micheal Aris từ trần bên Anh vì đau bệnh. Những giây phút cuối, bên cạnh ông Aris chỉ có hai người con trai của bà. Dù hết sức đớn đau, bà vẫn cắn răng không qua Luân Đôn để vĩnh biệt chồng. Vì bà ý thức hơn ai hết, nếu bà đi, đám tướng lãnh quân phiệt sẽ không cho bà về lại quê hương, và như vậy sẽ phương hại đến phong trào đấu tranh dân chủ của dân tộc bà. 

Sau đây là một trong những bài chuyện của bà Aug San Suu Kyi nói về những chuyến đi vận động quần chúng của bà.

 Bài do Đinh Quát lược dịch.


Trong tất những chuyến đi thăm khắp mọi vùng đất nước, tôi đều hỏi dân chúng là tại sao họ muốn dân chủ. Dân chúng Miến không hề  bi thảm hóa vấn đề, hầu hết câu trả lời của họ là, chúng tôi chỉ mong ước được tự do. Tôi hiểu họ muốn gì. Họ muốn được sống một cuộc đời không bị áp bức, một cuộc sống do chính họ chủ động số phận của mình. Họ không muốn sự có mặt mỗi ngày của mình trên cõi đời này bị gò ép bởi những mệnh lệnh của những người cầm quyền dựa vào sức mạnh của súng đạn.

Khi tôi hỏi những người trẻ về ý nghĩa của tự do, họ trả lời rằng, tự do là quyền được nói lên những suy nghĩ của mình; được bầy tỏ sự bất đồng ý kiến với một nền giáo dục không thỏa mãn nhu cầu tri thức của mình; được thảo luận, được chỉ trích, được tranh cãi, được tập họp hàng ngàn người, thậm chí hàng trăm ngàn người để hát, để reo hò, để vui cười thỏa thích.  Giới trẻ Miến Điện muốn sống trọn vẹn với tuổi trẻ đầy năng lực của mình, được quyền tin tưởng, mến phục và phát huy mọi giá trị của cuộc sống.

 Còn phụ nữ Miến Điện, họ mong ước gì? Họ nói với tôi rằng, họ muốn được tự do thoát khỏi sự đè nặng của một nền kinh tế mà giá cả thị trường lúc nào cũng là nỗi lo canh cánh trong lòng đối với vai trò của người nội trợ trong gia đình.  Họ còn muốn thoát khỏi tâm trạng lo âu là chồng mình có thể bị bắt bớ vì những suy nghĩ độc lập, hoặc lo sợ là con cái mình không có cơ hội được đối xử công bằng trong cuộc sống. Thực tế đau lòng của xã hội chúng tôi là có quá nhiều phụ nữ đã phải bán thân nuôi gia đình và không biết bao giờ họ mới được giải thoát khỏi tình trạng đau xót này. 



Những người nông dân mà tôi đã có dịp tiếp xúc thì rõ ràng là họ đã phải chiến đấu hàng ngày trên mảnh đất của họ. Họ muốn được tự do gieo trồng theo mong ước của họ, muốn có thể quảng cáo sản phẩm của mình mà không bị ngăn trở và ép buộc phải bán sản phẩm cho chính phủ với giá rẻ mạt. Nông dân tại đất nước chúng tôi đã chán ngấy những quy định vô lý và những mệnh lệnh không thể hiểu nổi của giới lãnh đạo. Cuộc sống của họ đã quá cơ cực để có thể chịu đựng thêm những thứ quy định và mệnh lệnh loại này. 

Riêng đối với những thành viên trong Liên Đoàn Đấu Tranh Vì Dân Chủ Miến Điện thì sao? Nguyên nhân nào khiến cho họ miệt mài tranh đấu để xứ sở này được tự do? Chắc chắn họ đã không chủ quan để tin rằng, dân chủ là một mục tiêu dễ đạt được. Chúng tôi ý thức hơn ai hết, dân chủ là một loại quý kim cần phải luôn luôn được đánh bóng để duy trì vẻ đẹp lộng lẫy, sáng loáng của nó.  Nhằm đề phòng sinh hoạt dân chủ bị phá hoại hoặc tước mất, ý thức dân chủ cần phải được bảo vệ không ngơi nghỉ và bằng một thái độ quả cảm của dân chúng. 

 Dân tộc Miến Điện đang nỗ lực đấu tranh cho dân chủ, bởi vì chỉ trong một xứ sở tự do, chúng tôi mới có thể xây dựng được một chế độ chính trị biết tôn trọng và tin tưởng vào giá trị cao đẹp của con người.

Mỗi khi tôi có dịp đi thăm các nơi tại Miến Điện, dân chúng thường hỏi tôi rằng, tâm trạng của tôi ra sao trong suốt thời gian tôi bị giam giữ trong tù, rồi sau đó lại bì giam cầm ngay tại nhà của mình, lần đầu tiên là 6 năm và sau đó là 19 tháng. Ngoài ra, họ còn hỏi về cảm tưởng của tôi khi phải sống cách biệt gia đình và bạn bè. Câu trả lời của tôi nghe thật khôi hài và mỉa mai. Tôi nói với họ rằng, trong một chế độ độc tài toàn trị, thì thật ra chỉ có những người tù lương tâm mới thực sự được sống tự do. Quả thật như thế. Chúng tôi đã bị buộc phải từ bỏ mọi quyền sống của một con người bình thường. Nhưng chính vì vậy mà chúng tôi mới duy trì được hầu hết những giá trị quý báu về mặt nhân phẩm và lương tâm của con người. 

 


Đây là điều tôi mong muốn nhất cho dân tộc chúng tôi: tôi muốn có được an ninh cho sinh hoạt tự do thật sự và tự do cho một nền an ninh thật sự. Tôi muốn được nhìn thấy tất cả mọi biện pháp kềm chế, câu thúc, áp bức phải được loại bỏ ra khỏi sinh hoạt của xã hội để dân tộc Miến Điện được quyền ngẩng cao đầu của mình như những con người tự do thực sự. Tôi mong được nhìn thấy dân tộc chúng tôi thống nhất lại thành một khối để  cùng nhau xây dựng một xã hội an bình và hạnh phúc. Tôi mong được nhìn thấy giới trẻ Miến Điện tự tin hướng tới tương lai với hành trang là những kiến thức phong phú để sẵn sàng đối đầu với mọi thử thách. Tôi mong ước được nói lên nguyện vọng của dân tộc chúng tôi, là Miến Điện phải trở thành một quốc gia xứng đáng cho tất cả những người yêu thương xứ sở này, sống và chết cho cho mảnh đất này. Đó chính là niềm tự hào của chúng tôi đối với di sản do tổ tiên để lại. Tất cả những điều đó không phải là niềm mơ ước, mà những gì chúng tôi đã và đang nỗ lực tranh đấu chứng minh một cách xác quyết rằng, dân tộc chúng tôi sẽ đạt được chiến thắng cuối cùng./.







----- Forwarded Message -----
From: Bu`i Ba?o So+n <sonbui@yahoo.com>
To:
Sent: Tuesday, March 6, 2012 10:11 AM
Subject: [Exryu-ww-Forum] Aung San Suu Kyi = Cành Hoa Lan Sắt Thép




From: VietHai Tran <viethai712@yahoo.com> 



No comments:

Post a Comment