Monday, March 5, 2012

Sống chung với rác ở một làng nghề Hà Nội

5/3/2012

Tại khu nghĩa địa ở rìa làng Triều Khúc, những lều lán chứa đầy lông gà lông vịt mọc lên xen giữa những ngôi mộ. Nước thải từ các lò nấu nhựa và rửa lông gà chảy thẳng vào con mương ra hệ thống thoát nước chung.

Cảnh phân loại nhựa phế liệu trong nhà ông Thọ ở làng Triều Khúc. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Cảnh phân loại nhựa phế liệu trong nhà ông Thọ ở làng Triều Khúc. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Nghề tái chế nhựa (gồm việc thu gom nhựa và nấu nhựa) tạo ra việc làm cho nhiều gia đình ở Triều Khúc, huyện Thanh Trì, phía nam Hà Nội. Chủ một cơ sở tái chế nhựa có tên Thọ nói rằng nghề này được nhiều người lựa chọn để kiếm sống bởi không biết làm việc gì khác.


Gia đình ông mua những bao tải lọ nhựa đã qua sử dụng từ các chai nước mắm, nước ngọt, giải khát. Sau đó họ phân loại rồi rửa sạch, xuất sang cơ sở tái chế tiếp theo. Mỗi cân nhựa nhặt sạch như vậy lãi được vài nghìn đồng. Một bao tải cỡ hai người ôm, có khối lượng khoảng 30 kg, có giá 50-60 nghìn.

Anh Nguyễn Hữu Tâm, cán bộ làng cho biết đến tháng 8/ 2011 theo con số thống kê của Ủy ban nhân dân xã Tân Triều, cả xã có khoảng 126 hộ thu gom phế liệu, 92 hộ xay sát nhựa phế liệu, 11 hộ chế tạo ni lông, 3 hộ tái chế lông vũ.


Những nghề truyền thống như sợi, dệt, nhuộm cho đến nghề tái chế nhựa đều phát triển tự phát, không được quản lý và quy hoạch nên chúng đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng về môi trường.


Trong mấy cơ sở nấu nhựa ở khu nghĩa địa ở rìa làng, nhiều lán, lều chứa lông gà, lông vịt được dựng xen giữa các ngôi mộ. Chất thải từ cơ sở nấu nhựa và thu gom lông gà vịt được đổ xuống mương xi măng dẫn nước thải từ làng đổ ra.


Công nhân ở đây không dùng các công cụ bảo hộ lao động mà chỉ vớt các cục nhựa trong thau nước lạnh bằng tay. Anh Mạnh, một người làm ở đây, không có bảo hộ lao động và cũng không đeo khẩu trang. Người thanh niên này nói thỉnh thoảng anh đeo khẩu trang mỏng, nhưng vẫn dùng tay trần và anh đã quen với tình trạng đó.


Lượng rác thải của cả xã Tân Triều vào khoảng gần 20 tấn mỗi ngày. Các hộ sản xuất kinh doanh đa số hoạt động ngay trong nhà nên rác sản xuất thường lẫn cả rác sinh hoạt. Nhiều người dân nói nước giếng khoan của họ đã bị ô nhiễm nặng nề.
Rác chất thành đống. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Bãi rác ở rìa làng. Ảnh: Ánh Nguyệt.


Tại một điểm tập kết rác ở Triều Khúc, đống rác thải dồn ứ, nằm ngay trong khu dân cư, ngày càng nhiều rác chất thành những đống hay tràn trên mặt đất.


Chị Đỗ Thị Huyền, một công nhân thu gom rác 40 tuổi ở khu vực Triều Khúc, nói lượng rác thải tại đây lớn hơn các nơi khác rất nhiều, đặc biệt là xỉ than và nhựa phế thải. Người ta đốt rồi lại dùng xe vận chuyển mà hình như lượng rác vẫn ngày một tăng. Mỗi lần người ta đốt nhựa phế thải, cả làng được một phen khiếp hãi bởi cả cột khói đen khổng lồ tản vào làng như đám sương mù.


"Có lần, ai đó đốt cả một đống lớn ở rìa làng khiến ngọn lửa bốc cao. Chúng tôi phải gọi cứu hỏa đến chữa cháy vì sợ ngọn lửa bén vào làng", chị Huyền kể.


Lượng rác sỉ than mỗi ngày của làng rất lớn. Vì các cơ sở ở đây chủ yếu dùng than tổ ong cho việc sản xuất. Hiện nay, các xe chở rác của huyện không nhận vận chuyển rác thải nhựa và sỉ than vì nó cồng kềnh và nặng. Rác trong bãi chất đống, trong khi người dân vẫn liên tục khuân các bao tải rác ra bãi.
Rác dồn ứ trong mương nước ở làng Triều Khúc. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Rác dồn ứ trong mương nước ở làng Triều Khúc. Ảnh: Ánh Nguyệt.


Chị Bùi Thị Hoa, ngoài 40 tuổi, cho biết, mấy cơ sở thu gom lông gà và nấu nhựa đều là người làng Triều Khúc. Nhà họ ở trong làng nhưng dựng lều, lán để sản xuất ngoài nghĩa địa. Trước kia, nước thải của làng được dồn vào một chiếc ao giữa cánh đồng. Vào mùa mưa, nước ngập ao chứa nước thải khiến nước bẩn tràn ra khắp ruộng lúa và hoa màu. Ngoài ra đất và nước nguồn bị nhiễm bẩn nên rất có thể sẽ hấp thu những chất độc hại. Hai hệ thống mương tiêu chính của làng đều dẫn ra sông Nhuệ.


Giang Thị Phương, một phụ nữ 47 tuổi sống ở giữa làng Triều Khúc, đã lớn lên trong tiếng thoi dệt sợi chỉ, trong sự thanh bình của một làng nghề truyền thống của cha ông từ bao đời. Chị kể rằng trước kia, gần như tất cả các hộ gia đình làng Triều Khúc vừa làm nghề truyền thống như sợi, dệt, vừa làm ruộng. Sau đó, họ đem sản phẩm đem ra chợ Đồng Xuân bán hay bán buôn cho các vùng quê, vùng dân tộc với giá rẻ.


Cách đây hơn chục năm, nước trong các dòng mương, ao luôn trong veo, có nhiều cá và cua. Thậm chí người làng còn lấy cả nước giếng làng về ăn. Nhưng cùng với sự phát triển theo hướng đô thị hóa, ao hồ dần bị lấp, các con mương dẫn nước vào ruộng được thay bằng các ống cống dẫn nước thải.


"Nước giếng làng giờ đen ngòm", chị Phương cho biết.
    •   
    • Tổng số: 8 lượt
    •  
Ánh Nguyệt


No comments:

Post a Comment