Birmingham là chiến trường của cuộc tranh đấu trong những năm 1960 về quyền bình đẳng của người Mỹ gốc Châu Phi.

Mục sư Martin Luther King Jr. và những người khác dẫn đầu các cuộc biểu tình ôn hòa. Tuy nhiên một số cuộc tuần hành biến thành bạo động khi cảnh sát dùng vòi rồng và chó nhắm chống lại người biểu tình.

Nhiều người bị thương. Hàng ngàn người bị bắt. Những hình ảnh này đã kích động sự ủng hộ nhằm chấm dứt phân biệt chủng tộc.

Gần 50 năm sau, mọi người đến Viện Dân quyền Birmingham để tìm hiểu về cuộc tranh đấu cho dân quyền tại miền nam nước Mỹ. Ông William Revill đã đi xe trong nhiều giờ đồng hồ để xem viện bảo tàng này. Ông nói:

“Người da đen cần phải biết giá mà người của chúng ta phải trả để chúng ta có được ngày hôm nay. Thành quả đạt được với một giá. Tiếc thay giá này có nghĩa là nhiều người trong chúng ta đã chết.”

Ông Lawrence Pijeaux là chủ tịch của viện bảo tàng. Ông chỉ cho thấy cánh cửa của một xà lim từng có thời giam giữ mục sư Martin Luther King.

Ông Pijeaux nói: “Đây là một kỷ vật rất quan trọng tại Viện Dân quyền Birmingham.”

Ông Pijeaux nói Tiến sĩ King viết bài tham luận nổi tiếng “Thư từ nhà tù Birmingham” khi bị giam đằng sau cánh cửa này. Bài tham luận này trở thành một biện minh rõ ràng nhất cho những cuộc biểu tình dân quyền.

Ông Pijeaux nói: “Điều quan trọng là chúng ta có cơ sở này ở đây để mọi người không những tại nước Mỹ mà còn những người đến từ khắp mọi nơi trên thế giới có thể biết được những gì đã xảy ra tại Birmingham…”

Các phương tiện truyền thông, ảnh chụp và hiện vật được sử dụng để ghi lại cuộc tranh đấu của người Mỹ gốc châu Phi. Cô Ann Marie Wison là du khách từ London đến đây. Cô nói:

“Chúng tôi được nghe Alabama là một bang rất có ý nghĩa trong tiến trình hội nhập nhưng cũng có nhiều đau đớn trong tiến trình này. Tôi muốn xem tôi có thể học hỏi được những gì khi tìm hiểu xem những cuộc biểu tình ôn hòa có thể làm cho khối dân chúng đa dạng khác biệt nhau lại có thể sống hòa hợp với nhau như thế nào.”

Ông Vernon Roberts từ New Jersey nói những kỷ vật trưng bày làm gợi lại  những ký ức mạnh mẽ. Ông nói:

“Đối với tôi thất là xúc động, khiến tôi nảy sinh ý muốn mang nhiều người trong gia đình tôi, nhất là các con tôi, đến đây để chúng có thể nhìn thấy cuộc tranh đấu đã diễn ra tại đây.”

Năm ngoái, Viện Dân quyền Birmingham thu hút hàng ngàn khách đến thăm. Hy vọng là năm nay con số này sẽ còn nhiều hơn thế nữa.