Tuesday, January 17, 2012

Afghanistan: Cảnh cùng cực của những cô gái đi tù vì bị hiếp



Cập nhật 17/01/2012 08:00:00 AM (GMT+7)
Hai trường hợp bạo lực thu hút sự chú ý của dư luận đã gây phản đối kịch liệt cả ở trong và ngoài Afghanistan về sự đối xử với phụ nữ nước này. Tuy nhiên, các nhà hoạt động lo ngại rằng chiến dịch quân sự của phương Tây giảm bớt đồng nghĩa với việc cộng đồng quốc tế không còn quan tâm đến điều đó nữa.
Liệu có bao nhiêu phụ nữ ở Afghanistan vẫn phải chịu đựng trong câm lặng, dù đã 10 năm sau khi Taliban bị lật đổ?
Bên ngoài, đó là một ngày mùa đông đầy nắng. Những quả núi nhấp nhô phía trên thành phố in bóng giữa bầu trời xanh không một gợn mây. Nhưng bên trong ngôi nhà là toàn một màu đen với những tấm rèm che kín để hàng xóm láng giềng không thể nhòm ngó.


Đây là ngôi nhà an toàn ở Kabul, nơi Gulnaz và đứa con nhỏ của cô trú thân. Những người phụ nữ ở đây yêu cầu giữ kín danh tính để phòng trường hợp nhà của họ bị đốt rụi. 


Mới 21 tuổi, Gulnaz vừa được ra khỏi nhà tù, nơi cô hạ sinh con gái Moska. Gulnaz dường như trẻ hơn tuổi nhưng có ánh nhìn lạnh lùng như cách cô kể câu chuyện đời mình.  
Gulnaz đi tù ở một trại giam dành cho phụ nữ Kabul sau khi chồng của người em họ cưỡng hiếp cô. Vụ việc bị khui ra ánh sáng khi một Gulnaz chưa chồng mà lại có chửa. Cảnh sát tới và bắt cả Gulnaz lẫn tên yêu râu xanh. Theo luật của Afghanistan, cô cũng bị kết tội "thông dâm", với bản án lên tới 12 năm tù.

Khi vụ việc bị dư luận nước ngoài lên án, Tổng thống Hamid Karzai đã can thiệp và Gulnaz được ân xá.

Gulnaz cho biết, giờ đây cô chỉ muốn về nhà với gia đình. Để làm được điều đó, cô sẵn sàng lấy người đàn ông đã cưỡng hiếp cô - nếu không, gia đình họ sẽ trở thành kẻ thù.

Vấn đề đối với Gulnaz là, nếu kẻ hiếp dâm kia không lấy cô - hoặc không thể đáp ứng một khoản hồi môn đáng kể - "vết nhơ" đối với danh dự gia đình cô sẽ còn đó, có lẽ với những hậu quả chết người đối với Gulnaz và con cô. Điều đó có nghĩa là cô không bao giờ có thể trở về nhà.

Là một người mẹ đơn thân, không có nghề nghiệp hay bằng cấp, chỉ có vài cách để một phụ nữ có thể sống sót ở Afghanistan mà không có sự hỗ trợ từ gia đình.

Một luật sư người Mỹ ở Kabul, Kim Motley, đã nhận vụ của Gulnaz. Hiện cô đang cố gắng quyên tiền để cô gái có thể bắt đầu một cuộc đời mới, bằng cách nào đó, ở một nơi nào đó, nếu Gulnaz không thể về nhà.

Được cứu khỏi bạo lực

Sahar Gul, 15 tuổi, là một trường hợp khác. Hiện cô đang được điều trị trong bệnh viện và quá đau đớn để kể lại.

Được gả bán cho một người đàn ông 30 tuổi vì một khoản hồi môn 4.500 USD, Sahar bị chồng nhốt trong một căn hầm suốt nhiều tháng, bị anh ta và gia đình bỏ đói và tra tấn. Và mãi đến giờ, cô vẫn không hiểu thực sự vì đâu nên nỗi.

Sahar có thể vẫn chưa trò chuyện được, nhưng các vết thương trên người cô nói lên tất cả. Những vết bỏng trên cánh tay và trên cơ thể mảnh dẻ của cô, một bên mắt sưng vù, những búi tóc bị giật đứt. Một bàn tay nhỏ đầy sẹo với một chiếc móng bị rút lìa.

Cảnh tra tấn này đã làm dấy lên sự phẫn nộ của dư luận không chỉ ở Afghanistan mà cả từ bên ngoài.

Nhưng có lẽ, Sahar vẫn là người may mắn, theo một cách nào đó. Cô không chạy trốn khỏi cuộc hôn nhân bạo lực như một số cô dâu khác. Thay vào đó, cô được cảnh sát giải cứu khỏi cảnh ngục tù. Vì vậy, cô không bị tuyên một thứ tội được gọi là "vi phạm đạo đức" như nhiều phụ nữ trẻ khác.

Câu chuyện của Sahar và của Gulnaz là tột cùng. Nhưng nó khiến người ta băn khoăn liệu có bao nhiêu phụ nữ ở Afghanistan vẫn phải chịu đựng trong câm lặng, dù đã 10 năm sau khi Taliban bị lật đổ.

Có nhiều luật cấm bạo lực nhằm vào phụ nữ, nhưng thực thi chúng là rất khó. Truyền thống và gia đình, hoặc danh dự cộng đồng thường được coi là quan trọng hơn nỗi cơ cực hoặc bất hạnh của một cá nhân.

Nghèo đói và thiếu giáo dục cũng có nghĩa là hôn nhân ở tuổi vị thành niên vẫn rất phổ biến.

Khi Sahar cố gắng thoát khỏi những kẻ tra tấn thì dường như chính những người hàng xóm đã đem cô trở về nhà chồng, trước khi cảnh sát can thiệp.

Trong một văn phòng tĩnh lặng đầy sách ở Kabul, một thế giới cách xa những hỗn loạn trong bệnh viện và căn nhà an toàn tăm tối kể trên, Tiến sĩ Sima Samar là Giám đốc Ủy ban Nhân quyền Độc lập Afghanistan. Từ lâu, bà đã mạo hiểm với mạng sống của chính mình khi nói ra những nguyên tắc mà bà tin chắc - bình đẳng và công bằng.

Câu trả lời của Tiến sĩ Samar rất rõ ràng: Bà và các đồng nghiệp ở Afghanistan sẽ tiếp tục đấu tranh để cải thiện cuộc sống của những phụ nữ như Gulnaz và Sahar.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Samar cũng như nhiều người khác lo ngại rằng cộng đồng quốc tế có thể không còn muốn thúc đẩy về nữ quyền ở Afghanistan, khi phương Tây muốn cắt giảm chiến dịch quân sự của họ tại đây.

Khi các binh sĩ phương Tây không còn tuần tra trên đường sá Afghanistan thì dư luận quốc tế càng dễ bỏ qua những gì diễn ra đằng sau những cánh cửa khóa chặt và những tấm rèm che kín ở một nơi xa xăm. 
  • Thanh Hảo (Theo BBC)


No comments:

Post a Comment