Tuesday, December 20, 2011

Hồ Bất Khuất - Đã đến lúc nói về “Giá trị chung nhân loại”


Hồ Bất Khuất
“Giá trị chung nhân loại” – Cụm từ nghe vừa lạ, vừa quen. Quen vì khi tách ra thành những từ riêng biệt, chúng vô cùng gần gũi với mọi người. Còn lạ là vì sự kết hợp này có vẻ chưa thật nhuyễn, nói chưa quen miệng, nghe chưa quen tai. Song, đây là một khái niệm có vai trò quan trọng trong khoa học. Dẫu vẫn bị một số nhà chính trị thiển cận ở Việt Nam nghi ngại, nhưng đã đến lúc chúng ta cần công khai nói về điều này.

Đi tìm nguồn gốc và xác định nội dung khái niệm “Giá trị chung nhân loại”

Khi làm việc và suy nghĩ hàng ngày, trong tôi luôn luôn tồn tại những ý nghĩ về giá trị, có khi rất chung, có lúc rất cụ thể. Hàng chục năm nay, khi nghiên cứu, viết bài, giảng dạy, trong đầu tôi thường hiển hiện những giá trị lớn, có tính phổ quát cao nhưng chưa được gọi lên thành tên, thành khái niệm, nghĩa là chúng chưa có “vỏ” ngôn ngữ trong tiếng Việt. Tuy vậy, chúng luôn ở trong tôi, làm cơ sở cho tư duy của tôi. Điều đó diễn ra trong thực tế suốt một thời gian dài. Khi được biết Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh dự định tổ chức Hội thảo với chủ đề “Khoa học xã hội thời hội nhập”, tôi suy nghĩ và cho rằng, đã đến lúc cần gọi tên chúng ra, tôi gọi đó là “Giá trị chung nhân loại”.
Có lẽ, tôi không phải là người đầu tiên nghĩ ra và sử dụng cụm từ “Giá trị chung nhân loại” trong tiếng Việt. Đây cũng không phải lần đầu tiên tôi sử dụng. Tôi đã sử dụng cụm từ này trong một số bài viết vào cuối những năm tám mươi của thế kỷ trước, khi tôi còn công tác tại Tạp chí Cộng sản. Nhưng lúc đó tôi sử dụng theo cảm tính, chưa thấy hết sự phong phú, đa dạng, đa diện của khái niệm này.
Có thể ở đâu đó, lúc nào đó trong thời gian gần đây, những ai đó đã sử dụng cụm từ này rồi. Tôi muốn đi tìm nguồn gốc và hiểu thấu đáo về khái niệm này. Vào Internet, tìm đến Google.com, gõ tiếng Việt “Giá trị chung nhân loại”, trên màn hình máy tính hiện lên dòng chữ: “Có phải bạn muốn tìm: Giá trị trong nhân loại?”. Tôi thử lại nhiều lần, kết quả vẫn thế. Chỉ đến khi đưa cụm từ “Giá trị chung nhân loại” và trong ngoặc kép (“…”) thì mới xuất hiện vài ba kết quả có cụm từ “Giá trị chung nhân loại” liên quan đến Nhật Bản, Ucraina, Nhà văn Nguyễn Quang Sáng”.
Như vậy có nghĩa là cụm từ “Giá trị chung nhân loại” trong tiếng Việt chưa được nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây. Do đó, việc truy tìm nguồn gốc, xác định nội dung cụm từ này như một khái niệm là điều cần thiết.
Muốn hiểu thế nào là “Giá trị chung nhân loại”, trước hết phải tìm hiểu “Lý thuyết giá trị”. Đây là lĩnh vực được nghiên cứu khá rộng rãi và kết quả cũng khá dồi dào. Tuy nhiên, việc tồn tại những quan điểm về giá trị khác nhau là điều không tránh khỏi.
Từ “Lý thuyết giá trị” đến việc công nhận “Giá trị chung nhân loại” là một quá trình khó khăn, không đồng nhất ở nhiều trung tâm, nhiều trường phái khoa học khác nhau. Song, có một điều cần thấy rõ: Hầu như không có nhà khoa học nào phủ nhận có những giá trị có tính phổ quát cao, khiến tất cả mọi người đều phải công nhận. Đó là: Điều thiện, Cái đẹp, Tình yêu thương, Tự do, Bình đẳng, Lương thiện, Khoan dung…
Các học giả phương Tây có nhiều công trình nghiên cứu về giá trị, nhất là giá trị con người. Trong tiếng Anh, có những cụm từ: “The Origins of Universal Human Values”, “All Human Values”, “Whole Human Values”, “Common Human Values” … có nghĩa khá giống với cụm từ “Giá trị chung nhân loại” trong tiếng Việt, nhưng cũng không có cụm từ nào có ý nghĩa tương đương trùng khít. Hơn nữa, cách hiểu và cách sử dụng của những tác giả lại khác nhau.
Ví dụ, Wendell Bell – Giáo sư Đại học Yale University cho rằng: Nhiều dân tộc trên thế giới cũng đề cao các giá trị: Quyền riêng tư; Đối xử với người khác như mong muốn họ đối xử với mình; Tôn trọng cuộc sống, Thân thiện với thiên nhiên, Có lòng vị tha…
Ở Tây Âu có tổ chức Internatianal Association for Human Values (IAHV) đóng trụ sở tại Geneve (Thuỵ Sỹ) đặt ra mục đích: “To foster on a global scale, a deeper understanding of the values that us as human commynity” (Thúc đẩy nhận thức sâu hơn những giá trị trên phạm vi toàn cầu”. Những giá trị đó là: The innate dignity of human life (Xứng đáng với đời sống con người tốt đẹp bẩm sinh); Respect and consideration for the “other” (Tôn trọng và công nhận giá trị của những “người khác”; The interconnection between humankind and thus the need to care for and preserve the earth (Mối liên quan giữa xã hội và thiên nhiên, nhu cầu quan tâm và bảo vệ trái đất); The importance of integrity and service (Tầm quan trọng của sự thống nhất và hỗ trợ lẫn nhau); An attitude of non-violence (Ýchí tránh bạo lực); The individual and collective quest for peace and happiness (Khát vọng của cá nhân và tập thể vương tới hoà bình và hạnh phúc)
Trong tiếng Nga có cụm từ “Общая человеческая ценность” có ý nghĩa gần như trùng khít với “Giá trị chung nhân loại” trong tiếng Việt. Nhưng các học giả người Nga lại cho rằng, họ cũng không biết ai là tác giả, cũng như nguồn gốc ra đời của cụm từ này. Họ cho rằng cụm từ “Общая человеческая ценность” được sử dụng nhiều trong thời kỳ “Cải tổ” với người khởi xướng là Gorbatrov ( Lúc đó là Tổng Bí thư Đảng cộng sản Liên Xô, Tổng thống Liên bang Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô viết). Tuy nhiên, họ chỉ ra rằng, cụm từ này có từ trước đó rất lâu. Trong Đại từ điển bách khoa toàn thư của Liên Xô, hay Từ điển bách khoa toàn thư văn học xuất bản từ những năm ba mươi của thế kỷ XX đã nói đến những giá trị chung nhân loại. Ví dụ, “Trong xã hội cổ đại, những giá trị chung nhân loại đã được tạo ra. Triết học, văn chương, hội hoạ, kiến trúc phát triển ở trình độ cao đã đạt đến những giá trị này”.
Các học giả người Nga cũng khẳng định: Cụm từ “Общая человеческая ценность” không có ý nghĩa tương đương trùng khít với tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức…, nghĩa là họ cho rằng, “Общая человеческая ценность” cũng được các học giả phương Tây quan tâm, nghiên cứu, nhưng cách nhìn nhận của họ có đôi chút khác biệt với cách nhìn nhận của người Nga. Và cụm từ “Общая человеческая ценность” trong tiếng Nga không có nguồn gốc, hay không được “dịch thẳng” từ ngôn ngữ nào đó của các nước châu Âu.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, có một thời gian người Nga cũng ít đề cập tới “Giá chung nhân loại”, nhưng gần đây họ xem “Giá trị chung nhân loại” có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống, là cơ sở để định hướng nhiều hoạt động trong xã hội, xây dựng nhiều chương trình quan trọng, trong đó có chương trình giáo dục.
Một học giả người Nga N. G. Sevostjanova muốn khái quát “Giá trị chung nhân loại” bằng lời lẽ như sau:
Giá trị chung nhân loại là một hệ thống những giá trị có tính phổ quát mà nội dung của chúng không liên quan trực tiếp, không phụ thuộc vào bất cứ giai đoạn cụ thể nào của phát triển lịch sử, hay truyền thống xã hội của một dân tộc nào cụ thể, nhưng lại tích hợp trong mỗi truyền thống văn của mỗi dân tộc bằng ý nghĩa cụ thể, và được tái hiện trong bất kỳ loại hình văn hoá nào với tư cách chất lượng của giá trị. (Có thể đọc toàn bộ văn bản ở địa chỉ http:// fil.vslovar. org.ru)
Có thể xem đây là định nghĩa về “Giá trị chung nhân loại” của một người đưa ra. Do vậy, sự chính xác và dễ hiểu của nó còn hạn chế. Nhưng nó cũng đã cung cấp cho chúng ta những ý niệm về những giá trị chung nhân loại.
Có nhiều cách phân loại những giá trị chung nhân loại. Trong tự nhiên: Đó là những khoáng sản có ích, cây cối, vẻ đẹp thiên nhiên, sông núi, ruộng đồng…; Trong đời sống xã hội, có thể chia ra nhiều lĩnh vực. Trong chính trị: hoà bình, tự do, dân chủ, bình đẳng…, Trong văn hoá - đạo đức: danh dự, lương tâm, trách nhiệm…; Trong khoa học: chân lý; Trong tôn giáo: niềm tin; Trong văn học - nghệ thuật: cái đẹp, cái cao cả, sự hoàn mỹ…
Tuy nhiên, để đại bộ phận quần chúng công nhận những giá trị chung nhân loại cụ thể, các nhà lý luận, các nhà khoa học còn rất nhiều việc phải làm.

Thuyết phục mọi người công nhận “Giá trị chung nhân loại” trên thực tế

Dù có đưa ra những định nghĩa về “Giá trị chung nhân loại” thế nào đi chăng nữa cũng khó mà bao quát toàn bộ nội dung của khái niệm này. Những nghiên cứu, phân loại “Giá trị chung nhân loại” trong các tác phẩm, các công trình khoa học của các học giả nước ngoài khá nhiều, nhưng họ cũng chỉ mới đưa ra những giá trị quen thuộc và dừng lại ở dạng tổng thể, trừu tượng như:Cái đẹp, Điều thiện, Chân lý, Niềm tin, Lương tâm, Danh dự, Dân chủ, Bình đẳng… Những giá trị này ai cũng công nhận, nhưng không ai “cầm nắm” được chúng trong tay.
Từ xưa đến nay, trong nhiều trường hợp, những giá trị chung nhân loại thường được nhìn nhận dưới góc độ chính trị. Do xem nặng ý nghĩa chính trị của các loại giá trị nên chúng ta rất khó thống nhất với nhau, vì lợi ích và quan điểm của các quốc gia trong lĩnh vực này thường là khác nhau. Đặt giá trị chung nhân loại dưới góc nhìn khoa học mới có thể đi đến thống nhất quan điểm được. Giá trị chung nhân loại có cả trong lĩnh vực khoa học, tôn giáo, đạo đức, văn học, nghệ thuật… và cả kinh tế nữa. Ví dụ, cơ chế hoạt động của kinh tế thị trường là một trong những giá trị chung nhân loại. Dẫu nhiều nhà khoa học chỉ ra rằng, nền kinh tế thị trường chưa hoàn hảo, vẫn còn những khiếm khuyết lớn, nhưng đến nay vẫn chưa ai nghĩ ra loại hình kinh tế tốt hơn; những quy luật của nó vẫn phát huy tác dụng mạnh mẽ ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Cần phải khẳng định: Dẫu thế nào thì trên thế giới cũng tồn tại những giá trị được tất cả mọi người, bất kể mang quốc tịch gì, theo tôn giáo nào đều công nhận. Đó chính là những giá trị chung nhân loại. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở những lời lẽ chung chung như vậy, khó mà thuyết phục được ai. Hơn nữa, mỗi người có quan điểm riêng, cách nhìn nhận, đánh giá riêng nên rất có thể nhiều người không công nhận những giá trị chung nhân loại đó có giá trị với họ.
Vậy phải tìm cách đơn giản nhất, dễ hiểu nhất, thuyết phục nhất để chỉ ra rằng, những giá trị chung nhân loại đã và đang tồn tại trong cuộc sống của chúng ta. Để thuyết phục mọi người công nhận có “Giá trị chung nhân loại”, cần chứng minh đơn giản, đi từ những điều cụ thể nhất.
Xin bắt đầu bằng cách chọn lĩnh vực văn học, nghệ thuật để làm điều này. Xin nêu những tác giả, tác phẩm cụ thể luôn. Trên thực tế, hầu như dân tộc nào cũng say sưa thưởng thức tác phẩm Iliad, Odyssay của Homer; King Lear, Hamlet, Romeo and Juliet của Shakepeare;Người con gái viên đại uý, Evgheni Onegin của Pushkin; Phục sinh, Chiến tranh và Hoà bình của Tolstoi. Thậm chí người ta còn chỉ ra rằng, trong những ngày ác liệt nhất của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, người Nga đọc tác phẩm của các nhà văn Đức; người Đức đọc tác phẩm của những nhà văn Nga. Đây là những ví dụ hùng hồn cho việc có những tác phẩm văn học đã đạt tới tầm giá trị chung nhân loại; chúng vượt qua được mọi rào cản về sắc tộc, tôn giáo, thời đại. Người dân thuộc bất cứ dân tộc nào, theo tôn giáo gì đi chăng nữa cũng say mê đọc những tác phẩm này. Hay những tác phẩm điêu khắc, hội hoạ từ thời cổ đại Hi Lạp – La Mã, thời Phục Hưng hay các trường phái lãng mạng, hiện thực thế kỷ thứ XIX là những tuyệt tác mà tất cả mọi người đều thừa nhận.
Bằng cách đi từ văn học nghệ thuật, lấy những tác giả, tác phẩm cụ thể, chúng ta có thể thuyết phục mọi người công nhận sự tồn tại của những giá trị chung nhân loại. Khi đã có sự công nhận về nguyên tắc ban đầu thì việc công nhận những giá trị tiếp theo là điều tất yếu. Thậm chí có những lĩnh vực chứa đựng những giá trị chung nhân loại một cách hiển nhiên. Nếu trong lĩnh vực khoa học xã hội, những giá trị chung nhân loại đang được hình thành và bàn cãi thì những giá trị chung nhân loại ở khoa học tự nhiên đã được xác lập từ lâu và tiếp tục được làm giàu ở các lĩnh vực toán học, vật lý, hoá học, địa chất, sinh vật…
Bản chất của những giá trị chung nhân loại thuộc lĩnh vực tinh thần không nằm ở chỗ có khát vọng vượt trội của một hệ thống giá trị đối với những giá trị còn lại, mà chúng nằm ở chỗ hình thành những mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau trong việc công nhận ưu tiên những lợi ích của toàn xã hội đối với lợi ích của từng nhóm riêng biệt.

Vai trò của những giá trị chung nhân loại trong thế giới hội nhập

Dù vẫn còn những sự khác biệt về cách hiểu những giá trị chung nhân loại giữa các trường phái học thuật trên thế giới, nhưng sự tồn tại của những giá trị này là có thực, được đông đảo các nhà nghiên cứu công nhận. Điều quan trọng là chính những giá trị này đã và đang đóng vai trò quan trọng trong đời sống quốc tế. Từ những thoả thuận giữa các quốc gia đến các chiến dịch của cứu trợ của các tổ chức phi chính phủ đều có sự tác động của những giá trị chung nhân loại. Không phải ngẫu nhiên, công dân của các nước châu Âu, châu Mỹ đến châu Á, châu Phi để chữa bệnh cho người già, trẻ em. Cũng không phải ngẫu nhiên, các nước phát triển viện trợ không hoàn lại và cho vay vốn ưu đãi để các nước kém phát triển hơn xây dựng hạ tầng cơ sở của mình.
Những tổ chức quan trọng của thế giới như Liên hợp quốc, UNESCO cũng được ra đời và phát triển trên cơ sở công nhận những giá trị chung nhân loại. Và ngày nay, chính những tổ chức này lại góp phần quan trọng vào việc đánh giá và tạo ra những giá trị chung nhân loại thông qua việc làm trung gian hoà giải, giải quyết mâu thuẫn giữa các quốc gia, công nhận những di tích thiên nhiên, văn hoá, lịch sử có giá trị vô cùng lớn lao trên toàn cầu.
Hiểu được vai trò và ý nghĩa của những giá trị chung nhân loại, con người sẽ trở nên cân bằng hơn, ít tham lam hơn, quan tâm hơn đến người khác. Trong phát biểu của những người nổi tiếng trong lĩnh vực khoa học công nghệ và kinh doanh như Steve Jobs (vừa quá cố), Bill Gates, Larry Page đều có điểm chung là họ hiểu và tôn trọng những giá trị chung nhân loại. Do hiểu rất rõ những giá trị chung nhân loại nên nhiều người giàu có trên thế giới giành tiền bạc và thời gian để đi làm từ thiện.
Tuy nhiên, ở phía ngược lại, chúng ta thấy vẫn cón nhiều người tham lam, gian ác; muốn áp đặt ý chí của mình lên trên tất cả, muốn những người khác phải phục tùng, đặt mục tiêu kiếm tiền lên trên hết… Oái oăm thay, điều này lại thường xẩy ra trong thế giới của chúng ta, nhất là ở những nước nghèo và rất nghèo. Lợi ích nhóm hiện đang là một trong những tác nhân gây nên sự cách biệt rất lớn về giàu - nghèo trong xã hội.
Nêu lên như vậy để chúng ta thấy rằng, những giá trị chung nhân lạo là có thật, chúng đã được người công nhận và tôn trọng; chúng đã đặt nền móng cho sự phát triển của nhân loại tiến bộ. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận, một số thế lực chưa hiểu, hoặc cố tình không muốn hiểu, không chịu thừa nhận giá trị chung nhân loại, vì thế vẫn còn những mâu thuẫn, những bất đồng, những xung đột. Việc đề cao và phổ biến những giá trị cung nhân loại vẫn đòi hỏi rất nhiều nỗ lực ở con người.

“Giá trị chung nhân loại” và người Việt Nam

Nếu nhìn từ góc độ những giá trị tuyệt đối như: Cái thiện, Cái đẹp, Đạo đức, Lương tri... thì ông cha ta xưa kia cũng không xa lạ gì với những giá trị chung nhân loại. Thậm chí, những gia trị này đã thành đạo lý của dân tộc ta từ lâu. Dân tộc Việt Nam tồn tại và phát triển qua hàng ngàn năm lịch sử, xét cho cùng là dựa trên nến tảng những giá trị chung nhân loại.
Tuy nhiên, trong lịch sử hiện đại, nhất là trong thời kỳ “chiến tranh lạnh” trên thế giới và “chiến tranh nóng” ở Việt Nam, không có điều kiện thuận lợi để bàn luận cũng như công nhận những giá trị chung nhân loại, nhất là những giá trị đó lại được tạo ra ở những quốc gia thù địch.
Vì phải tiến hành chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, người Việt Nam đã sống nhiều năm trong những hoàn cảnh khá đặc biệt, không dễ gì công nhận những cái hay, cái tốt, cái đẹp ở phía kẻ thù. Mà một khi đã không công nhận thì, nếu không phủ nhận thì ít ra cũng không nói tới những điều này, không ca ngợi chúng.
Thời chiến tranh, Liên Xô cung cấp cho ta máy bay MIC 21, nhìn thấy máy bay, có cán bộ cao cấp của ta nói: “Máy bay thì tốt, thì đẹp thật đấy, nhưng hình dáng của chúng giống máy bay của Mỹ quá. Các đồng chí Liên Xô là xã hội chủ nghĩa, sao lại làm giống máy bay của chủ nghĩa đế quốc?!”. Các chuyên gia Liên Xô buộc phải giải thích: “Dựa vào những nguyên tắc vật lý, chính xác là khí động học, muốn máy bay bay nhanh, buộc chúng phải tuân thủ một số nguyên tắc nhất định. Những người chế tạo máy bay của Mỹ và của Liên Xô đều biết những nguyên tắc này, tuân thủ nó. Kết quả là hình dạng máy bay chiến đấu của hai nước giống nhau”.
Kiểu tư duy như cán bộ cao cấp của Việt Nam vào thời điểm đó không phải là cá biệt. Suy nghĩ và hành động theo quan điểm chính trị - tư tưởng, bất chấp những nguyên lý khoa học nhằm phục vụ cho mục đích trước mắt là chỉ ra sự khác biệt giữa ta và kẻ thù. Trong điều kiện như vậy, khó có diễn đàn cho việc lý giải và khẳng định những giá trị chung nhân loại.
Chỉ đến cuối những năm tám mươi của thế kỷ trước, khi nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, chúng ta mới có ý thức tìm đến những giá trị chung nhân loại một cách công khai. Nhà triết học Trần Đức Thảo bao nhiêu năm “im hơi, lặng tiếng”, lúc này mới lại thấy xuất hiện. Trước hết, ông có những buổi nói chuyện chuyên đề, sau có những bài viết đăng báo. Một số bài báo của ông đăng trên Sài Gòn giải phóng (Số ra ngày 24/4/1988) Về quan điểm triết học của sự đổi mới, của sự cải tổ có tính cách mạng”, hay trên Tạp chí Cộng sản (Số 1 – 1991) có ảnh hưởng lớn. Nguyễn Đức Thảo viết trong tác phẩm Một hành trình (được hoàn thành năm 1986): “Khi tự đối diện với chính mình, ý thức đòi hỏi cái Thiện trong hành động, cái Chân trong tri thức và cái Mĩ trong sự hoàn thành các quá trình sống trải, qua đó, ý thức biến thế giới tự nhiên thành một Nhân giới, xứng đáng với con người”.
Có thể nói Nhà triết học Trần Đức Thảo đã khơi nguồn cho tư duy tiếp cận những giá trị chung nhân loại cho chúng ta vào thời điểm lúc bấy giờ. Từ đó đến nay, nhiều nhà khoa học ở các trung tâm lớn của đất nước như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng… đã có những đóng góp nhất định nhằm thúc đẩy tư duy sáng tạo trong các bộ môn khoa học xã hội. Tuy vậy, những thành quả chúng ta đạt được vẫn khá khiêm tốn và còn nhiều hạn chế.
Thậm chí cho đến ngày nay, nhiều người Việt Nam vẫn nhìn nhận những giá trị chung nhân loại với cái nhìn vừa khiên cưỡng, vừa dè dặt. Theo dõi các kỳ họp Quốc hội, nhất là kỳ họp thứ hai của Khoá XIII, khi thảo luận về Dự luật Biểu tình và Dự luật Lập hội, một số đại biểu tỏ ra không hiểu hoặc không công nhận những giá trị chung nhân loại quan trọng như quyền được biểu tình, quyền được lập hội, nghĩa là những quyền cơ bản thuộc về quyền con người. Cụ thể, Đại biểu Hoàng Hữu Phước cho rằng, dân trí của Việt Nam còn thấp, chưa đủ điều kiện để ban hành Luật biểu tình. Còn Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa cho rằng, không cần Luật biểu tình vì “chế độ xã hội chủ nghĩa dân chủ gấp vạn lần chế độ tư bản” .
Như vậy là một số người có trách nhiệm tham gia trực tiếp vào quá trình lập pháp lại có ý muốn tước bỏ trên thực tế một số quyền quan trọng như quyền biểu tình, quyền lập hội. Trong khi đó, những quyền này không chỉ là nhu cầu thực tiễn của xã hội mà nó gần như là chuẩn mực của thế giới về quyền tự do của con người. Nêu hiện tượng và vấn đề này lên để chúng ta thấy rằng, khoa học về luật pháp ở Việt Nam còn rất nhiều vấn đề phải làm.
Để hội nhập thành công (không bị loại trừ, cũng như không bị đồng hoá), chúng ta còn phải nỗ lực rất nhiều, đặc biệt là những nhà khoa học xã hội. Khác với khoa học tự nhiên và khoa học cơ bản, khoa học xã hội có mối quan hệ mật thiết và liên quan chặt chẽ với chính trị - tư tưởng. Vì vậy nó bị chính trị - tư tưởng can thiệp và chi phối là điều đương nhiên. Ngược lại, nó cũng có cơ hội để tham gia trực tiếp vào hoạt động chính trị, tư tưởng, ngoại giao, thương mại…
Có lẽ chúng ta cần phải có một cuộc hành trình khá dài nữa mới có thể tiếp cận và “tiêu hoá” được những giá trị chung nhân loại đã trở nên khá phổ biến trên thế giới.
Qua các kỳ thi đại học và cách chọn nghề của học sinh trong những năm gần đây, ta thấy các ngành khoa học xã hội đang gặp khó khăn. Đây có lẽ cũng là đặc điểm của thời kỳ đầu phát triển kinh tế thị trường: Khi các mối quan hệ thị trường mới được xác lập, người ta ưu tiên cho những hoạt động trực tiếp tạo ra giá trị vật chất. Nhưng khi cái ăn, cái mặc tạm đủ, con người có nhu cầu cao hơn về tinh thần. Lúc này vai trò của các ngành khoa học xã hội sẽ được nâng cao. Bây giờ đang là lúc thúc đẩy nhanh quá trình hội nhập của Việt Nam vào đời sống quốc tế. Đây chính là cơ hội lớn cho tất cả các lĩnh vực, trong đó có khoa học xã hội.
Trong quá trình hội nhập với thế giới, có lẽ các ngành khoa học xã hội gặp khó khăn nhiều hơn so với các ngành khoa học cơ bản, tự nhiên, công nghệ. Nhưng có lẽ những khó khăn này không làm làm các nhà khoa học xã hội Việt Nam nản chí. Hy vọng họ sẽ tìm hêm được những sức mạnh từ những giá trị chung nhân loại để tiếp tục công việc của mình một cách say mê hơn, hào hứng hơn.
Thứ Ba, 20/12/2011



No comments:

Post a Comment