Thursday, December 1, 2011

Truyện ngắn: Buồn Một Rừng Sâm của Phan Hạnh




Buồn Một Rừng Sâm 
Phan Hạnh
Cánh rừng sâm này thật kỳ lạ, bên ngoài trông hoang sơ tĩnh lặng nhưng dường như là nơi chất chứa một thế giới sinh động âm thầm. Phải chăng nó được đôi bàn tay tiên vô hình nào đó sắp đặt và phải chăng tôi quá mơ mộng nên nó quyến rũ tôi ngay từ tia nhìn đầu tiên.
Tillsonburg, địa danh của vùng có khu rừng này, mới nghe đã êm tai hay hay. Nó gợi cho tôi liên tưởng đến một làng quê nước Anh thời Trung Cổ thâm trầm huyền bí qua một số phim ảnh mà tôi đã xem. Tillsonburg của tỉnh bang Ontario có thể do một ông di dân gốc Anh nào đó tên Tilson đến lập nghiệp và đặt tên để tưởng nhớ nguyên quán của ông.

Từ khi xe rời xa lộ 401 để đến địa điểm này, tôi thấp thỏm hướng mắt nhìn hai bên đường nhưng tôi chỉ thấy những cánh đồng trồng cây thuốc lá xanh rờn mênh mông ngút ngàn như đồng lúa quê nhà. Những cây thuốc lá mập ú với lá to bằng cái quạt mo tăm tắp sắp hàng thẳng băng như trung đoàn khóa sinh tập hợp ở sân cờ quân trường. Một cách vô thức, tự nhiên tôi vẫn hay nhớ lại quãng đời lính tráng không làm sao quên đi được.
Rừng sâm đâu? Tôi dõi mắt tìm. Tôi tự hỏi hay là nhà thầu cung cấp thợ nhầm lẫn đưa chúng tôi đi hái thuốc lá? Tillsonburg… Tillsonburg… Thôi đúng rồi, nó cũng là tên của một bài hát tôi đã nghe qua trong những năm đầu tị nạn lòng còn buồn nhớ nhà nhớ quê chết đi được. Những đêm năm ba đứa bạn tụ lại nhà nhau nghe cassette nhạc Việt lẫn nhạc ngoại quốc hoặc từ radio và tivi. Chàng ca sĩ dân ca Canada Stompin' Tom Connors hát bài Tillsonburg này vừa đánh đàn guitar vừa hát vừa dậm gót giày cao bồi xuống sàn sân khấu đánh nhịp. Hey Tom, You ever been to Tillsonburg, Tillsonburg? My back still aches when I heard that word. While a way down Southern Ontario… I never had a nickel or a dime to show. A fella beeped up in an automobile. He said, "You want to work in the fields of Tillsonburg, of Tillsonburg…"
Lẽ nào tôi cả ngày lom khom đi hái thuốc lá như Tom chăng để đến nỗi mỗi khi nghe đến địa danh đó cũng đủ cảm thấy ê cả lưng? Nhưng xe lại rẽ nữa, tôi thấy  một vùng rừng cây cao xuất hiện. Nhìn từ xa, tôi tưởng chừng như cả khu rừng bồng bềnh trên sóng nước vì những vòm ngọn cây san sát nhau cứ hàng hàng lớp lớp chập chùng. Chừng đến gần hơn, tôi nhận ra thế đất nhấp nhô những đồi những lũng, lại có cả suối con uốn khúc quanh co, cây cối phẳng phiu xanh mướt hài hòa với lùm bụi khom thấp ven rừng ven suối. Sương mai là đà còn vấn vương trên mặt đất. Mặt trời nhả tơ nắng xuyên qua kẽ lá lay động, chờn vờn, lung linh. Những bụi cây cao ngang tầm ống chân khoe ra những chùm hoa đỏ thẫm xinh xắn nổi bật trông cứ như trâm cài thiếu nữ đài trang.
Tôi muốn ngồi đó mà ngắm và hít thở không khí tươi mát lành lạnh thống mũi như khi nhai kẹo cao su vị bạc hà. Tôi mê man ngắm nhìn phong cảnh đẹp của khu rừng. Tôi nghĩ biết đâu tôi sẽ bắt gặp bóng dáng một đạo sĩ lánh trần và một ngôi am cốc trong khu rừng đó. Nhưng tôi đến đây không phải để mơ mộng mà để làm công việc của một người đi hái sâm. Chiếc xe van khá cũ nồng khói thuốc lá chở nhóm tám người phu chúng tôi từ đường cái rẻ vào đường làng quê. Cô ngồi gần tên Hồng bảo tôi, "Sắp tới rồi đó chú. Rừng sâm ở bên trái giáp cái bãi cỏ có ngôi nhà nóc đỏ đó."
Nhìn về hướng ấy, tôi nghe trong lòng rộn ràng một cảm giác thích thú sẽ được làm việc đồng áng ở đây suốt một tuần lễ, coi đó như một chuyến về quê hóng mát, một điều rất cần thiết cho tôi. Suốt mấy tháng qua, tôi bị rơi vào một trạng thái trầm cảm mệt mỏi buồn chán. Thế mà vừa nhìn cảnh đẹp này, tôi cảm thấy cõi lòng thanh thoát lâng lâng khiến công việc đào lấy củ sâm sắp bắt tay làm trở nên hứng thú.
Trong nhóm tám người chúng tôi chỉ có hai đàn ông là tôi và một ông nữa già cỡ tuổi tôi. Lúc trên xe, tôi để ý ông cứ ngủ gà ngủ gật bất chấp các cô các bà chuyện vãn huyên thuyên. Ngoài tôi ra, tôi không biết có còn ai trong số họ là người mới nữa không. Cũng giống như ông kia, tôi ngồi ở băng ghế sau cùng bốn người, ông một đầu tôi một đầu, và cả hai cùng ít lời. Suốt chặng đường dài cả tiếng đồng hồ, ông ngồi lim dim tịnh khẩu và tôi cũng chẳng khác gì.
Suốt gần ba giờ trong buổi sáng, vì là người mới, tôi được giao nhiệm vụ dễ là hái hoa sâm khô để cho nông trại lấy hạt giống. Tôi say sưa làm việc trước khung cảnh thiên nhiên cao rộng. Mọi người được lệnh ngừng tay nghỉ ba mươi phút cho bữa ăn trưa. Dạn dĩ hơn, tôi đi tìm đệ tử Đạt Ma Thiền Sư, ông già im lặng giống tôi đó.
Ông già đó tên là Huỳnh Tư, quê quán Vũng Liêm, trung đội phó Nghĩa Quân trước ngày Quốc Hận 30-4-1975. May quá, ông cùng gốc lính như tôi nên dễ gợi chuyện làm quen. Tôi không ngờ anh Tư lại là người có nhiều thâm niên công vụ hái sâm nhất của bọn tôi: năm năm. Đúng vậy, năm năm qua anh chỉ làm nghề này, một nghề không hái ra tiền mà chỉ là một cái cớ tìm về thiên nhiên thanh tịnh an phận với nắng gió. Thảo nào gương mặt anh đượm nét phong trằn đời phiêu bạt. Một vết sẹo trên má chạy xuống xương quai hàm, những cọng râu khô thưa lún phún trên cằm, hai chiếc răng cửa xô giạt, đôi mắt nhỏ, vẻ mặt lầm lì trở nên thân quen với tôi hơn vì đó là một gương mặt lính. Anh nói chuyện riêng của đời anh một cách miễn cưỡng nhưng nói chuyện sâm thì hứng thú lắm.
"Hồi trước tới giờ anh có thấy củ sâm tươi chưa?", anh hỏi. Tôi nói chưa. Anh hỏi tiếp:
"Còn củ sâm khô?"
"Củ sâm khô thì tôi thấy rồi, mấy tiệm bán đồ khô dưới Phố Tàu thiếu gì."
"Vậy chớ anh thấy củ sâm khô giống cái gì nhứt?"
Tôi tưởng anh cắc cớ hỏi đùa nên chỉ cười cười lắc đầu. Anh nói:
"Giống một hình nhân nên người Tàu kêu nó là dành xéng tức là nhân sâm. Nó cũng giống một nét viết bằng bút lông với mực tàu của mấy ông đồ nho. Nó cũng giống chòm râu bạc phất phơ của mấy ông tiên nữa."
Trong những lần nói chuyện với nhau sau đó, anh Tư còn giải thích cho tôi biết sâm có mấy loại, cách ươm hạt ra sao, trồng bao lâu mới lấy củ. Mấy ngày đi hái sâm rồi cũng qua, tôi quen với sự làm việc ngoài trời giữa thiên nhiên, nhất là trong cánh rừng sâm có sức thu hút lạ lẫm này. Tôi đã quen tư thế lom khom lúi cúi cả ngày bên các luống sâm. Không khí thoang thoảng mùi sâm giúp tôi cảm thấy dễ chịu, may ra tôi sẽ hết bệnh trầm cảm.
Suốt mấy năm qua, tôi sống rũ rượi, luôn bị dằn vật bởi một nỗi lo âu to lớn đến choáng ngộp khiến cho lắm khi tôi nghĩ đến cái chết. Những lần gặp bác sĩ gia đình, tôi chỉ sợ sẽ nghe ông báo cho tôi biết là tôi đang mắc phải một chứng bệnh ung thư ghê gớm nào đó. Nhưng không, kết quả nhiều thử nghiệm cho thấy sức khoẻ tổng quát về thể chất của tôi không có điều gì bất thường, tôi chỉ u sầu phiền muộn. Bác sĩ hỏi lý do, tôi trả lời là tôi không rõ. Bác sĩ khuyên tôi nên thường xuyên vận động ngoài trời, đi đó đi đây để tạm quên sinh hoạt nhàm chán hằng ngày. Tình cờ đọc báo thấy cần người làm việc nông trại, tôi nghĩ hay là tôi thử xem. Thế là tôi lấy ba tuần phép để đi hái sâm chữa bệnh buồn.
Bây giờ tôi đã khoẻ hơn, yêu đời hơn, đúng ra là yêu khu rừng này. Tôi quen với một người bạn mới là anh Huỳnh Tư. Qua tuần lễ thứ hai, chúng tôi đã nói chuyện với nhau nhiều hơn, hai đệ tử Đạt Ma Thiền Sư xuống núi. Cuối tuần tôi xách xe tới đón anh. Chúng tôi rủ nhau ra phố uống cà phê, xong tôi đưa anh về và ngồi lại nghe anh kể chuyện đời anh.
Năm 18 tuổi, anh tình nguyện vô Nghĩa Quân, đóng đồn ở tại làng nhà, một vùng quê xa xôi hẻo lánh nhứt trong tỉnh Vĩnh Long. Đồn anh đóng quân thường xuyên bị du kích Việt Cộng khuấy phá. Lần nặng nhứt xảy ra vào năm Mậu Thân, lúc anh mới cưới vợ chưa đầy năm. Hôm ấy, vừa lúc trời chạng vạng tối, cơm nước đã xong, anh Tư nằm võng xỉa răng gần khu gia binh, nghe một bạn đồng đội hát một bài vọng cổ. Một toán Việt Cộng mon men theo bờ ruộng tới sát đồn rồi cắt hai lớp rào kẽm gai bò vào.
Trong bóng tối nhờ nhờ, anh thoáng thấy một thằng nên hỏi "Ai đó?" Tên du kích trả lời anh bằng tiếng súng. Anh nhanh nhẹn nhào xuống khỏi võng, chụp cây Carbine M2 bắn trả đồng thời la lớn: "Đặc công Việt Cộng anh em ơi! Việt Cộng! Việt Cộng!" Anh chạy băng về vị trí phòng thủ, nơi có để sẵn nhiều cấp số đạn dược gồm cả lựu đạn.
Dù mở cuộc tấn công ở cả hai mặt, Việt Cộng vẫn bị đẩy lui sau một giờ quần thảo khi chúng nghe tiếng xe cứu viện từ quận chạy đến gần. Khi tiếng súng đã ngưng hẳn, Tư rời hầm chiến đấu định trở lại khu gia binh. Cách hầm anh không xa, anh nghe tiếng gọi quen thuộc:
"Anh Tư!"
"Huệ hả? Sao em lại ở đây?"
Tư hỏi xong vừa quì xuống bên cạnh bóng đen nằm trên mặt đất. Nhìn kỹ, Tư thấy vợ bê bết máu. Vợ anh thều thào một cách mệt nhọc đứt quãng:
"Em… bị thương nên… bò đi tìm anh… có gì em… được chết bên anh..."
Chị bị thương ngay từ những loạt súng đầu tiên của Việt Cộng. Lúc đó chị đang đi đến võng anh nằm thì bị trúng đạn ở đầu gối. Vậy mà anh nào có hay nên chạy ra hố phòng thủ. Chị phải lê lết bò theo đã khá lâu nên mất máu quá nhiều. Khi toán quân tăng viện của quận vào đồn để tản thương thì chị đã chết trên tay anh.
Kể đến đây, anh Huỳnh Tư nói "Một phần là lỗi tại tôi" trong rơm rớm nước mắt và ngồi trầm ngâm một hồi lâu. Tôi vụng về nói một câu an ủi anh:
"Thôi chuyện qua rồi anh đừng buồn. Chắc chị linh thiêng luôn phò hộ cho anh."
Nghe vậy, anh nói:
"Biết đâu chừng, vì sau đó Việt Cộng bắn tôi bị thương hoài mà tôi không chết."
Những vết thương trong cơ thể khiến cho anh phải luôn luôn uống thuốc chống đau nhức cho đến ngày nay.
Sau đó, anh lập gia đình với cô bạn thân của người vợ cũ. Anh nguyện sẽ chăm lo cho người bạn đời chu đáo hơn và anh càng chiến đấu quyết liệt hơn để trả thù cho vợ. Có lẽ nhờ hương hồn người vợ đầu phò trợ, anh sống sót tới ngày tan hàng 30-4-1975 với chức vụ sau cùng là trung đội phó. Trả nợ tù mấy tháng xong, anh về quê vợ làm vườn trồng trọt sống qua ngày. Hai đứa con trai của anh được bạn bè rủ rê vượt biên trót lọt và được nhận định cư ở Canada, sau này chúng bảo lãnh vợ chồng anh và hai đứa con nhỏ nữa đoàn tụ.
Anh Huỳnh Tư kể:
"Tôi qua đây được ở nhà cao cửa rộng, vậy mà sao tôi vẫn thấy không thoải mái bằng ở dưới quê bên nhà. Ở biu đinh tuốt trên từng thứ mười là nhà cao, cửa biu ding hai cánh là cửa rộng, thang máy mấy cái bấm nút chạy cái vèo là tới. Dân cư trong biu đinh cỡ mấy trăm còn đông hơn là dân một xã ở quê nhà. Vậy mà muốn hút thuốc phải bận áo vô rồi ra đứng hút ngoài lan can hay là đi ra ngoài đường mà hút, không như ở nhà quê nằm võng ở hàng ba hút thoải mái."
Tôi ngạc nhiên hỏi:
"Nhưng tôi đâu có thấy anh hút thuốc, chắc anh bỏ thuốc rồi?"
Anh lắc đầu buồn bã. Gương mặt khắc khổ phong trần của anh cau lại. Anh cúi đầu, hai cánh mũi anh nhấp nhô, đôi môi mím chặt. Không nhìn lên, anh đáp với giọng trầm buồn:
"Tôi bỏ thuốc rồi anh à, bỏ từ khi bác sĩ cho biết vợ tôi bị ung thư phổi cách đây hai năm. Tôi bỏ thuốc nhưng tôi đâu có cứu được mạng sống của vợ tôi vì chỉ bảy tháng sau thì vợ tôi chết. Trời ơi! Người ta nói tôi có số sát vợ! Tại sao vậy nè trời!"
Anh khóc rấm rứt. Tôi lại an ủi:
"Tội nghiệp cho số phần không may của chị. Nhưng anh Tư à, không phải trường hợp ung thư phổi nào cũng là do hút thuốc gây ra đâu. Chưa chắc là do lỗi của anh, xin anh đừng buồn."
Anh Tư nói:
"Vợ tôi không trách tôi nhưng tôi biết đó là lỗi của tôi. Hồi còn ở bên nhà, nhà dưới quê thông thoáng, khói thuốc phà ra khỏi miệng là bay mất. Tới khi qua đây ở nhà cao cửa rộng, mùa đông ra đứng ngoài ban công hút một điếu thuốc đã lạnh cóng tay, tôi chịu đâu có nổi. Tôi nằm trong phòng ngủ hút thuốc, vợ tôi cũng chẳng hề lên tiếng phàn nàn gì. Nhưng trong phòng tù túng, khói thuốc cứ quanh quẩn trong phòng, vợ tôi hít vô phổi ngày nầy qua ngày khác nên chắc tại vậy mà mang bịnh ung thư."
Tôi im lặng chờ đợi. Anh kể tiếp:
"Lúc gần chết, vợ tôi đau đớn lắm, cứ nằm rên. Mấy đứa con tôi thấy vậy xót thương cho má nó quá nên nói tại tôi hút thuốc trong nhà. Vợ tôi nghe vậy còn bênh tôi và rầy chúng không được hỗn. Như vậy có đứt ruột không chớ. Bởi vậy cho nên sau khi vợ tôi chết rồi, tôi đem hũ tro cốt về quê chôn gần mộ người vợ trước. Tôi đã dặn mấy đứa con là tôi chết rồi cũng thiêu và đem hũ tro về chôn ở bển. Tôi đi hái sâm và làm nông trại đã được năm năm trời nay, tiền bạc để dành được bao nhiêu tôi gởi về giúp đỡ bà con còn ở quê nhà. Nói thiệt với anh, anh đi lâu rồi không biết chớ dân dưới quê nghèo lắm. Chỉ có cán bộ Việt Cộng tham nhũng, ăn cướp, ăn hối lộ mới giàu thôi."
Hôm ấy từ nhà anh tôi lái xe ra về mà cứ nghĩ ngợi mãi về chuyện đời anh. Nhưng hôm sau đến rừng sâm, tôi cảm thấy sảng khoái trở lại. Không khí trong lành quá, cảnh vật xinh tươi quá khiến cho tôi tươi tỉnh. Cánh rừng sâm như một sự mầu nhiệm có thần lực gội rửa mọi ưu phiền. Anh Huỳnh Tư cũng bớt nét ủ dột. Trên xe đi làm, anh cũng lên tiếng góp chuyện. Một cô hỏi tôi:
"Chú qua đây lâu chưa?" Tôi đáp:
"Tôi qua Canada từ sau năm bảy lăm". Cô ấy nhìn tôi là lạ. Tôi đoán cô lấy làm lạ tại sao tôi ở xứ này lâu rồi mà cũng đi làm nông trại y hệt như những người mới qua mấy chục năm sau. Cô không thèm hỏi tôi nữa, một là cô nghĩ tôi mát tửng, hai là cô nghĩ tôi ba xạo. Anh Tư lên tiếng:
"Ảnh nói thiệt đó".
Thật ra tôi thấy tôi cũng hơi mát tửng. Đàn ông đến tuổi xế chiều ông nào cũng vậy không nhiều thì ít. Ông Tư đó cũng khá dị thường đó sao. Thân phận tan nhà mất nước cỡ như chúng tôi sống lưu cư xứ lạ trong lòng lúc nào cũng mang một gánh nặng tâm tư thẫn thờ lơ lửng. Tim tôi đã chật chỗ rồi. Bao nhiêu phiền muộn vào ngồi tim tôi. Chừng nào có một chút vui. Tôi đem ra đốt ngửi mùi hân hoan. Tôi đang có một chút vui do cánh rừng sâm này mang lại.
Trong rừng sâm, khi làm việc, mỗi người chúng tôi được giao cho một khu vực được đánh dấu lằn ranh bằng những cây cọc gỗ trên đầu có buộc một giải ny lông màu cam. Mỗi người được phát cho một đôi găng tay bằng sợi vải, một cái xẻng tay nhỏ, một cái sô hai ngăn bằng nhựa để đựng củ và hoa sâm khô. Chúng tôi được dặn kỹ phải cẩn thận giữ cho củ sâm nguyên vẹn hình hài, cố gắng tránh làm trầy sướt gẫy củ sâm. Cũng may đất khá xốp và ẩm, người đào chỉ cần múa vài đường xẻng là lôi lên được một củ sâm đẹp.
Trong ngày đầu làm công việc này, tôi còn giữ kẽ sợ dơ quần lấm áo nên chỉ ngồi chồm hổm hoặc lom khom. Đến khi đào lên được một củ sâm nhiều chân nhánh thòng như thạch nhũ, tôi vui mừng hứng chí. Chừng đó, tôi bất kể sạch dơ, cứ ngồi bẹp dưới đất hoặc quì hai gối cầu mong cho củ sâm tôi đào lên còn nguyên. Vì mội người được chỉ định một khu vực riêng cách nhau vài chục thước, tôi cảm thấy được tự do, dù tôi có bò càng, có hí hửng biểu lộ cảm xúc vui mừng quá đáng cũng chẳng sợ ai dòm ngó nghĩ tôi điên. Tôi vốn thích làm việc một mình trong sự yên tĩnh là vì vậy.
Ngày xưa tôi cứ tưởng sâm mọc hoang, bây giờ mới biết là được trồng đúng cách. Nguyên cả khu rừng này mới trông tưởng đâu là tự nhiên nhưng thật ra do con người xếp đặt kỹ lưỡng có sự nghiên cứu hẳn hòi. Thảo nào lần đầu tiên trông thấy nó, tôi không khỏi ngỡ ngàng tự hỏi sao thiên nhiên chỉ do một sự tình cờ lại có thể tạo nên một khu rừng toàn mỹ như vậy. Thì ra chẳng có phép lạ từ chiếc đũa thần của một bàn tay tiên nào cả, chỉ có bộ óc sáng tạo và sự thông minh tuyệt vời của con người mà thôi.
Thấm thoát gần hết ba tuần lễ đã trôi qua. Hôm nay là ngày cuối, người đầu nậu cho biết công việc hái sâm ở khu rừng này đã hoàn tất. Nếu ai muốn tiếp tục làm tuần sau thì sẽ được đưa đến một vườn sâm khác. Tôi hỏi một câu ngớ ngẩn là tại sao có lúc gọi là rừng có lúc gọi là vườn, người đầu nậu giải thích rằng rừng thì có cây thật tạo bóng mát cần thiết cho sâm, còn vườn thì có những tấm khung che nắng bằng ny lông dựng nghiêng. Trong bữa nghỉ trưa, tôi tìm anh Tư để nói riêng lời từ biệt. Tôi thấy anh đang ngồi dưới một gốc cây tùng. Cánh rừng này trồng xen kẽ mấy loại mộc khác nhau như tùng, thông, bách. Cây nào cũng được tỉa cành chỉ chừa vừa đủ ánh nắng thích hợp cho sâm. Nền đất được dọn sạch sẽ tươm tất và mềm mại dưới gót chân. Huỳnh Tư, người trung đội phó nghĩa quân ngày nào ngước nhìn tôi từ hộp cơm trưa. Tôi lên tiếng:
"Tôi xin ngồi ăn trưa với anh cho có bạn, nhân tiện chào từ giã anh vì tuần tới tôi không làm sâm nữa."
Nói xong, tôi tự động ngồi xuống đối diện với anh, lôi một ổ bánh mì thịt, một trái táo và một chai nước lọc trong túi xách ra, thư thả nhấm nhá bữa ăn trưa đạm bạc. Anh Tư ăn cơm với tép rang. Tôi nghe văng vẳng tiếng ve sầu. Tôi nghĩ đến một chốn an nghỉ bình yên hay một cõi quá khứ xa xăm, nơi anh và tôi từng trải qua tuổi thanh niên trong binh lửa.
"Anh đã hết căn bịnh ưu phiền rồi hả?", anh hỏi. Tôi đáp:
"Dứt luôn chưa thì không biết nhưng tôi thấy đầu óc thanh thản và hết lo rầu vô cớ anh Tư à. Chừng nào tôi cần chữa trị bịnh buồn nữa thì tôi sẽ xin đi làm sâm trở lại."
Anh nghĩ ngợi một lúc rồi nói:
"Nếu mình chết mà được chôn ở một nơi đẹp yên tĩnh như vầy thì sướng thiệt anh hả?"
Nghe anh nói tôi giật mình vì chính tôi cũng đã từng có ý nghĩ đó. Được chôn ở đây, thân xác sẽ thấm hương sâm, nghe tiếng thông reo nước chảy, chim hót ve kêu, hồn chắc chẳng còn muốn tiêu diêu đâu nữa cả.
Ba hồi còi xe báo giờ nghỉ trưa đã dứt. Chúng tôi trở lại làm việc. Năm giờ chiều, ba hồi còi xe dài hơn báo giờ ra về. Tôi đứng lên hít thở thật sâu, đảo mắt nhìn quanh rừng sâm bao quát. Vào nhà trại, tôi giao nạp lại mọi đồ đạc, rửa tay, bước lên xe. Cánh rừng sâm giờ đang nhuộm nắng chiều, một màu vàng ối bao trùm cả không gian. Xe lăn bánh, tôi luyến tiếc nhìn theo, mơ hồ như thấy thấp thoáng bóng hình của chính mình trong chập choạng hoàng hôn buồn một rừng sâm.
Phan Hạnh.


From: Bu`i Ba?o So+n <sonbui@yahoo.com>
To:
Sent: Monday, November 28, 2011 6:55 AM
Subject: [Exryu-ww-Forum] Truyện ngắn Buồn Một Rừng Sâm của Phan Hạnh





--- On Sun, 11/27/11, nguyen thanh hoang <nguyenthhoang@yahoo.ca> wrote:

No comments:

Post a Comment