Ông Vương Thần, Phó ban Tuyên huấn Trung ương và là giám đốc cơ quan nhà nước phụ trách về thông tin và internet, đã khuyến khích chính quyền các địa phương sử dụng internet để «hướng dẫn dư luận và xúc tiến các giá trị xã hội tích cực ». Tân Hoa Xã trích lời tuyên bố của ông Vương Thần: « Tất cả vùng miền và các tỉnh phải sử dụng những phương tiện cứng rắn và hiệu quả để củng cố việc xây dựng và quản lý nền văn hóa mạng ».
Với nửa tỉ người sử dụng internet, cho dù có chế độ kiểm duyệt rộng khắp, nhưng Bắc Kinh ngày càng vất vả trong việc kiểm soát luồng thông tin và những lời chỉ trích trên mạng, vốn khó làm im tiếng hơn so với báo viết. Các cuộc đình công quy mô mới đây của công nhân phản đối lương thấp hay nạn thất nghiệp, đã được nhanh chóng lan truyền trên toàn quốc nhờ mạng lưới internet.
Trong những tuần lễ gần đây, Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng đã cố siết lại những trang mạng như Vi Bác, được thành lập cách đây mới hai năm nhưng đã gặt hái được thành công rực rỡ. Vào cuối tháng 10, chính quyền đã ra lệnh tăng cường kiểm soát internet đặc biệt là các mạng xã hội, để ngăn trở việc đăng tải những « tin đồn » và những chuyện « dung tục ».
Trung Quốc có nhiều trang mạng xã hội hóa, trong khi Facebook và Twitter đã bị kiểm duyệt từ khi có các cuộc nổi dậy ở khu tự trị Tân Cương, một vùng đất đa số dân theo đạo Hồi, vào năm 2009. Ngoài ra để cạnh tranh, nhiều tờ báo truyền thống cũng mạnh dạn ra phiên bản internet, khiến cho công việc của những người kiểm duyệt thêm khó khăn.
Hệ thống tường lửa được mệnh danh là Vạn Lý Trường Thành trên mạng giúp chính quyền Trung Quốc kiểm duyệt những chỉ trích đối với chính phủ, nêu ra vấn đề nhân quyền hay các hoạt động ly khai. Việc kiểm soát internet của Bắc Kinh cũng là một điểm nóng trong quan hệ với Washington.
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20111211-trung-quoc-chi-thi-kiem-soat-internet-chat-che-hon
No comments:
Post a Comment