Wednesday, November 23, 2011

23/11 Cô gái hóa bà lão dần lấy lại vẻ thanh xuân


Thứ tư, 23/11/2011, 07:23 GMT+7

Trán đã căng bóng trở lại, da bụng - tay - chân bớt nhăn nheo như trước, Nguyễn Thị Phượng dần đã bớt đi hình hài của một bà lão để trở về với vẻ trẻ trung của cô gái 26 tuổi. Bác sĩ nhận định cô đã trẻ lại hơn 25-30%.
Cô gái 26 tuổi bỗng hóa bà lãoCô gái 26 tuổi hóa bà lão: 'Tôi đang trẻ lại'

Trưa nay, tại buổi họp báo công bố nguyên nhân gây bệnh và hướng điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Thị Phượng, đại diện Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM cho hay, sau hơn một tháng nhập viện, chị này đang trẻ lại. Giáo sư - Tiến sĩ Đặng Vạn Phước, Phó giám đốc bệnh viện cho biết, nhập viện ngày 7/10 và được chữa theo phác đồ điều trị bệnh tế bào vón, gương mặt chảy xệ như bà lão 80 tuổi của chị Phượng đã trẻ hơn 25-30%.
Chị Phượng trước và sau gần 2 tháng điều trị
"Bệnh nhân đã hết dị ứng ngoài da, làn da cải thiện theo hướng trẻ lại, vết nhăn da mặt giảm bớt chỉ còn một số vết nhăn sâu", ông Phước nói.
Tiến sĩ Phước khẳng định gương mặt và một số vùng da ở nách, khuỷu, bụng và đùi của chị Phượng bị "lão hóa" chính là hiện tượng nhão da do bệnh tế bào vón gây nên.
Trước đó Phượng cũng khẳng định với VnExpress.net là cô đang trẻ lại và thổ lộ mong muốn trở về lúc chưa phát bệnh để có thể cùng chồng nắm tay nhau trong một lễ cưới thật sự.
Chị Phượng cho biết mình đang cảm thấy tươi trẻ hơn. Ảnh: Thiên Chương
Bác sĩ Hoàng Văn Minh, Trưởng phòng khám Da liễu, Bệnh viện ĐH Y dược TP HCM, người trực tiếp khám và điều trị cho bệnh nhân nói, tế bào vón tiết ra chất kháng histamine - trong đó histamine nhóm 1 gây ra ngứa ngáy, nổi mề đay, phù nề. Đối với mề đay thông thường thì nổi lên xong thì khỏi, nhưng bệnh lý tế bào vón luôn tồn tại tạo nên hiện tượng nhão da, chùng da.
"Bệnh nhân sẽ tiếp tục được điều trị bằng cách uống thuốc để không ngăn hiện tượng phù nề ngứa da. Sau khi điều trị tế bào vón xong mới tính tới chuyện chữa nhão da. Thời gian điều trị triệu chứng kỳ vọng trong 2-3 tháng", ông Minh nói.
Tuy nhiên theo tiến sĩ Phước, việc điều trị chỉ giải quyết được triệu chứng do tế bào vón gây nên chứ không thể diệt được tiệt căn tế bào vón, cho nên bệnh nhân có thể phải điều trị lâu dài. “May mắn là các loại thuốc này dùng lâu dài không gây độc cho bệnh nhân”, ông Phước nói.
Trả lời câu hỏi "liệu gương mặt của bệnh nhân có được phục hồi như lúc chưa mắc bệnh", ông Phước khẳng định, bệnh nhân khó có thể đẹp lại như cũ nhưng bằng các phương pháp tạo hình thẩm mỹ, chị Phương có thể tự tin trở lại cuộc sống bình thường.
Phát bệnh từ năm 2007 lúc 22 tuổi với triệu chứng ban đầu là chứng ngứa da và nổi sần trên da, bốn năm sau, gương mặt và một số vùng da trên người chị Nguyễn Thị Phượng quê ở Bến Tre chảy xệ nhăn nheo như bà lão. Đầu tháng 10, chị đến Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM khám và điều trị. Các bác sĩ nghi ngờ chị bị tế bào vón. Mẫu bệnh phẩm sau đó được gửi qua Mỹ để thực hiện.
Thiên Chương


No comments:

Post a Comment