Saturday, October 15, 2011

15/10 Triều Tiên dè dặt mở cửa


Thứ bảy, 15/10/2011, 11:04 GMT+7

Chiếc Humvee đỏ đưa một nhóm quan chức và thương nhân Trung Quốc tới Rason, khu nghỉ mát có sòng bạc trên bờ biển ở Triều Tiên. Khu nghỉ này do một công ty Hong Kong đầu tư.
Bên trong Triều Tiên
Khám phá Triều Tiên qua ảnh vệ tinh

Ảnh: AP.
Trẻ em ở Rason bẽn lẽn và tò mò mỗi khi có khách nước ngoài đến. Ảnh: AP.
Một công ty của Trung Quốc đang mở rộng một khu chợ, nơi các thương nhân người Triều Tiên bán hàng hóa Trung Quốc cho chính người dân của họ theo giá thị trường. Đây là một dấu hiệu manh nha của kinh tế thị trường. Những chiếc xe tải nối đuôi nhau chở than từ các mỏ than ở phía đông bắc Trung Quốc đến khu vực bến cảng do một thương nhân Trung Quốc thuê. Số than này sẽ được vận chuyển đến Thượng Hải. Một bến tàu gần đó đã được một công ty của Nga thuê.
Những doanh nghiệp nước ngoài tại khu cửa khẩu phía bắc xa xôi này đóng vai trò “hạt nhân” và các quan chức Triều Tiên đang tìm cách để nhân rộng. Trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ trong nhiều thập kỷ do chính sách kế hoạch tập trung, các nhà lãnh đạo Triều Tiên đang dần dần áp dụng chính sách mở cửa để thu hút đầu tư nước ngoài.
Chiến lược chính là thúc đẩy phát triển các khu kinh tế thương mại tự do gần khu vực biên giới đã được lập ra trước đây. Rason, một cái tên bắt nguồn từ sự kết hợp tên của hai thị trấn Rajin và Sonbong nằm ở biên giới cách Trung Quốc khoảng 50 km, được kỳ vọng sẽ là một cú hích mới trong chiến lược phát triển kinh tế nơi đây.
Kể từ khi Rason được lập thành khu kinh tế đặc biệt vào năm 1991, giới chức Triều Tiên cũng nỗ lực thu hút đầu tư vào vùng này. Nhưng kết quả thu về chưa được như ý. Các nhà phân tích và thương nhân nước ngoài vẫn còn hoài nghi về Triều Tiên. Họ cho rằng môi trường đầu tư ở quốc gia này không ổn định. Nhưng cũng có những ý kiến khác nhận xét rằng Triều Tiên nên cho xây dựng Rason thành một khu thử nghiệm tương tự như cách mà Trung Quốc đã từng tiến hành ở Thâm Quyến là biến một làng chài thành một đặc khu kinh tế vào năm 1980 để giúp Trung Quốc đi lên.
Từ biên giới Trung Quốc, mất chừng ba giờ lái xe trên con đường ngập bụi, các phóng viên nước ngoài và thương nhân Trung Quốc đã dừng chân ở Rason để tìm hiểu về nơi này. Nhìn bề ngoài, Rason trông không giống như một thị trấn đang chuẩn bị cho một sự bùng nổ về kinh tế. Nơi đây là một ngôi làng được bao bọc bởi những cánh đồng ngô xanh rờn và những rặng thông. Trên đường, những người đàn ông đánh những chiếc xe ngựa còn phụ nữ phơi mực trên mái nhà. Dân số ở Rason vào khoảng 200.000. Rason vẫn chưa có điện. Ở trung tâm thị trấn, trên những con đường bụi bẩn, phương tiện đi lại chủ yếu là xe đạp. Rất ít thấy ô tô ở thị trấn này. Cửa hàng và nhà hàng cũng khá thưa thớt.
Cảng Rason không bị đóng băng, đó là điều hiếm có ở khu vực Đông Bắc Á, và các quan chức Triều Tiên nơi đây muốn đưa vận tải biển trở thành đòn bẩy để phát triển kinh tế, bên cạnh chế biến hải sản và du lịch. Họ cũng hy vọn có các nhà máy do nước ngoài đầu tư và vận hành trong lĩnh vực lắp ráp và công nghệ cao. Để thu hút, chính quyền đưa ra những lời mời hết sức hấp dẫn như: giảm thuế, các nhà đầu tư nước ngoài được toàn quyền quản lý doanh nghiệp mà không lo về sự can thiệp của chính quyền, mức lương tối thiểu chỉ 80 USD một tháng, thấp hơn so với mức lương ở Trung Quốc.
Phó thị trưởng phụ trách phát triển kinh tế Rason, Hwang Chol-nam, nói: “Thông điệp mà chúng tôi muốn cho thế giới biết là chính quyền Rason sẽ làm tất cả những gì có thể để mang lại môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư”.
Một câu hỏi mấu chốt được đặt ra là liệu tư tưởng của nhà lãnh đạo hiện thời, Kim Jong-il cùng các quan chức cấp cao của Đảng Lao động Triều Tiên có cho phép tiến hành một cuộc cải tổ dài hạn để thúc đẩy kinh tế hay không. Một số nhà phân tích nhận định rằng chuyến thăm Rason vào năm 2009 của chủ tịch Kim là một bằng chứng khẳng định rằng ít ra các nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng sẽ tiến hành một cuộc thử nghiệm cải tổ tại đây.
Hơn bất cứ nước nào trên thế giới, Triều Tiên áp dụng chính sách điều hành kinh tế bằng những mệnh lệnh từ cấp cao, ít chịu ảnh hưởng của thị trường. Những sai lầm về chính sách cũng như yếu kém trong đánh giá đã khiến Triều Tiên lâm vào nạn đói tràn lan những năm 1990. Ngoài ra vụ việc đổi tiền năm 2009 đã xóa sạch các khoản tiết kiệm trong dân. Hiện Triều Tiên là một trong những nước có bình quân thu nhập đầu người (GDP) thấp nhất trên thế giới.
Ảnh: AP.
Bò gặm cỏ trên đường ở Rason. Ảnh: AP.
Nền kinh tế Triều Tiên cũng lao đao vì lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm buộc chính phủ của ông Kim Jong-il từ bỏ chương trình hạt nhân. Bên cạnh đó, từ năm 2008, xuất phát từ những bất đồng quan điểm chính trị và những xung đột với quân đội Triều Tiên, Hàn Quốc, nhà tài trợ chính và cũng là đối tác thương mại quan trọng của Triều Tiên trong suốt nhiều thập kỷ qua, cũng đã bắt đầu thắt chặt chính sách hỗ trợ kinh tế đối với Triều Tiên.
Trước tình hình đó, các nhà lãnh đạo Triều Tiên đang tính đến cách khác để tìm kiếm các nguồn đầu tư mới. Mới đây Ủy ban Quốc phòng, một cơ quan có rất nhiều quyền lực tại Triều Tiên, đã lập ra Ngân hàng phát triển nhà nước và Tập đoàn đầu tư quốc tế Taepung. Cả hai tổ chức này có nhiệm vụ hướng đến đầu tư nước ngoài. Người đứng đầu cả hai tổ chức này là một người Triều Tiên có quốc tịch Trung Quốc, Park Chol-su. Ông Park có một văn phòng ở Bắc Kinh, và ông cũng chính là người dẫn đầu tour tham quan Rason cho các nhà đầu tư. Ông cũng có cả một con tàu dành riêng cho việc đưa khách đi khu bảo tồn thiên nhiên ở núi Kim Cương. Tháng trước, Forbes đưa tin rằng ông Park đang đàm phán với các thương gia Mỹ để xúc tiến việc khai trương một nhà máy Coca-Cola ở Triều Tiên.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn, ông Park nói: “Thị trường sẽ định hướng sự phát triển. Chúng tôi hành động theo nguyên tắc nền kinh tế thị trường.”
Theo ông Park, Triều Tiên hoan nghênh sự đầu tư từ tất cả các nước, trong đó có cả Mỹ, nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng Triều Tiên đặc biệt coi trọng sự có mặt của các doanh nghiệp Trung Quốc ở đất nước này. Lý do là “Trung Quốc đã thực hiện thành công chính sách mở cửa và cải cách. Tại thời điểm này, Triều Tiên cần học hỏi kinh nghiệm phong phú của Trung Quốc. Vì vậy sẽ dễ dàng hơn cho các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia vào thị trường Triều Tiên.”
Một số nhà phân tích đặt ra câu hỏi rằng không biết sự phát triển sẽ giúp gì cho đời sống của người dân Rason cũng như sự phát triển của Rason sẽ đóng góp vào ngân khố của Bình Nhưỡng ở mức nào. Cựu chuyên gia tư vấn của ngân hàng thế giới nghiên cứu về Triều Tiên nhận xét rằng các nhà lãnh đạo đã đưa ra “ưu đãi cao và mô hình đặc biệt” cho vùng kinh tế tiếp giáp với Trung Quốc này để “tái thiết lập và kiểm soát tập trung đối với tiềm năng thương mại với Trung Quốc.”
Chỉ từ năm 2010 đến nay, ông Kim Jong-Il đã có 4 chuyến thăm viếng Trung Quốc. Vào tháng 6 vừa qua, Bình Nhưỡng đã thông qua một số hợp đồng cho Trung Quốc thuê trên hai hòn đảo ở khu kinh tế thương mại Sinuiji, ở phía bờ kia sông Áp Lục, đối diện thành phố Đan Đông, Trung Quốc. Ngoài ra, theo lời phó thị trưởng Hwang, các quan chức Triều Tiên đã gặp gỡ các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc để được tư vấn về luật đầu tư mới cho các vùng kinh tế của Triều Tiên.
Yanbian là một công ty Trung Quốc có đóng góp lớn đối với sự phát triển ở Rason. Yanbian đã có mặt ở đây từ cách đây 13 năm. Công ty bắt đầu từ việc xây chợ, xây sòng bạc, một bệnh viện, một nhà máy sản xuất bánh mỳ và tòa nhà viễn thông. Hiện tại công ty đang xây một nhà máy xi măng và khai thác hai mỏ sắt.
Zheng Zhexi, vị phó chủ tịch 58 tuổi của công ty nói: “Môi trường và chính sách đầu tư ở đây đã và đang từng bước được cải thiện theo hướng nền kinh tế thị trường.”
Vị phó chủ tịch chỉ tay về phía khu chợ. Ở đó các thương nhân thuê ki ốt bán hàng hóa chủ yếu nhập về từ Trung Quốc. Giá cả không ấn định như trong các cửa hàng quốc doanh mà khách hàng tự mặc cả. Việc đầu tư vào khu chợ thành công ngoài dự kiến và hiện chính quyền địa phương cùng công ty đang thực hiện kế hoạch mở rộng khu chợ to gấp 6 lần so với mức hiện tại.
Hiện những khu chợ kiểu như ở Rason đang mọc lên như nấm trên khắp mọi vùng miền ở Triều Tiên, để bổ sung cho hệ thống phân phối yếu kém của nhà nước. Nhưng, nhà nước vẫn còn rất cảnh giác với hình thức kinh doanh kiểu tư bản này. Các phóng viên nước ngoài được phép thăm chợ Rason nhưng với điều kiện họ không được chụp ảnh hay ghi chép gì cả.
Chợ chỉ mở cửa vài tiếng mỗi ngày nhưng khá nhộn nhịp. Các mặt hàng được bán chủ yếu như thỏ đã xén lông, ghế sô fa, tai nghe Sony hay chuột máy tính Dell. Một người lính trên vai vẫn còn mang khẩu súng trường của Nga dạo bước qua các gian hàng tìm kiếm gì đó. Những phụ nữ trong bộ đồ đồng phục vét màu đỏ dành riêng cho những thương nhân đăng ký kinh doanh trong chợ đang trông nom các ki ốt.
Một cửa hàng được gắn biển đổi tiền bằng tiếng Anh nằm ở góc của khu chợ. Ở Rason, tiền tệ được quy đổi theo giá thị trường với tỷ giá một đồng nhân dân tệ đổi được 350 won của Triều Tiên. Mức giá này cao hơn so với tỷ giá chính thức là một đồng nhân dân tệ chỉ đổi được 15 won.
Ông Hwang cho biết thêm, để Rason thực sự là điểm đến thu hút nhà đầu tư nước ngoài, chính quyền cần giải quyết các vấn đề cấp thiết thuộc về cơ sở hạ tầng. Hiện một công ty của Trung Quốc đang tiến hành mở đường, đoạn từ biên giới Trung Quốc đến Rason. Thành phố cũng có kế hoạch mua điện của Trung Quốc và hợp tác với các chuyên gia Trung Quốc xây dựng nhà máy sản xuất điện từ than. Ngoài ra các quan chức Triều Tiên đã ký kết hợp đồng với Tập đoàn Roxley của Thái Lan để xúc tiến xây dựng mạng lưới điện thoại đi động và Internet ở Rason.Chính quyền cũng đạt được một thỏa thuận với lực lượng biên phòng về việc sẽ không thu giữ điện thoại của khách ngoại quốc như chính sách hiện thời ở đất nước này.
Mới đây, Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson có trụ sở ở Washington đã công bố kết quả một công trình nghiên cứu tiến hành từ năm 2007. Nghiên cứu này khảo sát 250 công ty của Trung Quốc đang làm ăn kinh doanh ở Bắc Triều Tiên. Theo các tác giả của nghiên cứu, mặc dù 90% các công ty thu được lợi nhuận từ việc kinh doanh ở Bắc Triều Tiên, nhưng nói chung các công ty đều có đánh giá tiêu cực về môi trường kinh doanh”. Chẳng hạn như vấn đề cơ sở hạ tầng quá nghèo nàn hay các quy định về pháp luật ở Triều Tiên vẫn còn nhiều hạn chế.
Vừa trở về từ chuyến tham quan Rason, ông Wang Zhijun, một thương nhân Trung Quốc nói: “Tất nhiên tôi sẽ đến đầu tư ở Rason trong tương lai. Còn hiện tại tôi e rằng các điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài chưa được sẵn sàng”.
Cao Thu (theo NYT)

No comments:

Post a Comment