Tuesday, October 4, 2011

04/10 Renren: Facebook của Trung Quốc

04/10/2011 08:05:13 AM
renren-2.jpg
Renren hiện có khoảng 165 triệu người dùng.

ICTnews - Câu chuyện của Wang là phiên bản Trung Quốc của một câu chuyện cổ tích trong ngành công nghệ. Wang nói mục đích của anh khi bắt đầu Xiaonei mà sau đó đã trở thành mạng xã hội Renren là “làm cho thế giới tốt đẹp hơn”…

Trung Quốc có hàng chục, hàng trăm website kiểu nhái các website nổi tiếng của thế giới, nhưng có lẽ chưa có một website nào lại thành công như những website mạng xã hội nhái Facebook, một số thậm chí còn giống i xì Facebook từ cơ cấu trang web đến gam màu. Các mạng xã hội hàng đầu ở Trung Quốc là Renren và Kaixin001.


Dù chỉ là một website nhái…

Năm 2003, Wang Xing thi trượt chương trình tiến sỹ tại trường Đại học Daleware và trở về Bắc Kinh để xây dựng phiên bản địa phương của Friendster. Nhưng thất bại. Hai năm sau, anh nghe nói về một cái mới có tên là Facebook và quyết định copy nó.

Câu chuyện của Wang là phiên bản Trung Quốc của một câu chuyện cổ tích trong ngành công nghệ. Tốt nghiệp trường Đại học Tsinghua ở Bắc Kinh, Wang nói mục đích của anh khi bắt đầu Xiaonei mà sau đó đã trở thành mạng xã hội Renren nổi tiếng ngày nay, là “làm cho thế giới tốt đẹp hơn”. Với suy nghĩ đó, anh và hai người bạn đã huy động 300.000 nhân dân tệ (45.000 USD) tiền tiết kiệm và thuê 3 căn hộ nhỏ, liền kề nhau. Ở đó, họ sống, làm việc và “ẩn dật” trong hàng tuần, hàng tuần liền suốt mùa thu năm 2005 cho đến đầu năm 2006. Ba người sống bằng mỳ gói, bằng các mã lập trình và bằng quyết tâm thành công. Wang, một người sống theo chủ nghĩa lý tưởng, có sở thích đi khắp văn phòng bằng đôi dép lê nhựa, nói mục tiêu của họ như là một cái gì đó rất cao quý: “Mọi thứ giúp thông tin thông suốt đều tốt cho xã hội”.

Tháng 12/2005, Xiaonei ra mắt đồng thời với bữa tiệc cuối năm lớn nhất ở trường Tsinghua – có múa, hát, khiêu vũ. Và vé để tham dự bữa tiệc này rất khó kiếm. Wang đã ra sáng kiến: để được tham dự bữa tiệc và biểu diễn, các sinh viên phải trở thành thành viên của trang Facebook nhái. Và trong chỉ vài ngày, Xiaonei đã thu thập được 4.000 thành viên. Trong tháng tiếp theo, Xiaonei đã thuê một chuyến xe buýt để chở miễn phí sinh viên từ khu ký túc xá đến trạm xe lửa. Và để có được đặc quyền này, họ phải tham gia vào Xiaonei.

wang_xing.jpg
Wang, tác giả của Renren là một người sống theo chủ nghĩa lý tưởng.
Thêm một lý do nữa để không thể gọi Wang là Mark Zuckerberg của Trung Quốc. Anh đã bán Xiaonei. Năm 2006, Công ty Oak Pacific Interactive, một tập đoàn Internet Trung Quốc, đã mua lại Xiaonei với giá khoảng 4 triệu USD. Vào thời điểm đó, 4 triệu USD có vẻ là khoản tiền lớn. Nhưng ngày nay, Renren – tên những người chủ mới đặt cho Xiaonei – đáng giá vài tỷ USD. “Chẳng có gì nuối tiếc cả”, Wang nói với vẻ rất triết lý, “Chúng ta nên nhìn về phía trước. Mỗi người chúng ta sống được bao nhiêu ngày trong cả cuộc đời? Chúng ta có thể sống trung bình khoảng 80 năm. Như vậy là 30.000 ngày, 2,5 tỷ giây. Điều gì khiến bạn nghĩ cuộc sống thật ngắn ngủi? Quá trình còn quan trọng hơn kết quả, bởi vì tất cả chúng ta rồi cũng đều có chung một kết quả, đó là cái chết”. Renren được xem là Facebook của Trung Quốc. Wang rời khỏi Xiaonei vào tháng 7/2007.

Tháng 8/2009, Xiaonei chính thức đổi tên thành Renren với tên miền www.renren.com. Sự thay đổi tên gọi từ Xiaonei (trong trường học) thành Renren (nghĩa là mọi người) phản ánh tham vọng mở rộng mạng xã hội Renren của Oak Pacific Interactive – không còn là mạng xã hội dành riêng cho sinh viên Xiaonei, mà chỉ có trang mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc dành cho tất cả mọi người. Tháng 4/2011, Renren đã đệ trình lên Ủy ban chứng khoán Mỹ và thu về 584 triệu USD trong đợt niêm yết cổ phiếu lần đầu (IPO) tại Mỹ, và chính thức niêm yết cổ phiếu Renren lên thị trường chứng khoán New York.

Ngày nay, Wang hiếm khi sử dụng mạng xã hội mà anh đã sáng lập ra. Nhưng ở một khía cạnh rộng hơn, anh đã đạt được mục tiêu ban đầu, là tăng lượng lưu thông thông tin. Các nghiên cứu cho thấy sinh viên Trung Quốc giờ đây tiếp nhận thông tin qua Renren nhiều hơn từ các công cụ tìm kiếm hoặc từ các nguồn tin khác.

Khi được hỏi anh cảm thấy thế nào khi lập ra website kiểu copy này. Wang Xing nói anh chẳng có gì để bình luận về quyền sở hữu trí tuệ. Thực tế, Wang Xing cũng như nhiều người Trung Quốc cho rằng copy không phải lúc nào cũng bị xem là việc làm sai trái, miễn là bạn phải tạo ra một cái gì đó tốt hơn hoặc rẻ hơn.

Hiện nay, có 32.000 trường đại học và cao đẳng, 56.000 trường trung học và 85.000 công ty tại Trung Quốc; cùng với 1.500 trường đại học ở 29 quốc gia khác có mặt trên hệ thống thông tin xác nhận của Renren.

Renren giúp mọi người cảm thấy giá trị hơn

Cuộc sống online ở Trung Quốc cũng khá khác biệt. Theo hãng nghiên cứu Netpop Research ở San Francisco, người dùng Internet Trung Quốc “nói nhiều” gấp đôi người dùng Mỹ. Nói cách khác, họ đăng tải các câu chuyện lên diễn đàn trực tuyến nhiều gấp đôi, chat nhiều gấp đôi trong các phòng chat, hoặc viết blog nhiều gấp đôi. Các họa sỹ, ca sỹ và thư ký cập nhật trạng thái hàng chục lần mỗi ngày từ laptop hoặc ĐTDĐ. Người lớn tuổi, nội trợ trồng khoai tây trên trò chơi FarmVille phiên bản địa phương hóa. Và vì thế, các mạng xã hội cũng có ảnh hưởng mạnh đến các nhà quảng cáo, marketing, tác động khá lớn đến các quyết định mua hàng của người Trung Quốc. Điều này giải thích tại sao các nhãn hiệu lớn như BMW, Estée Lauder, hay Lay’s đều đổ xô đến các mạng xã hội Trung Quốc.

Han, một sinh viên năm thứ hai của trường đại học Tsinghua, nói: “Renren là một màn hình. Mọi người muốn được hiểu. Mọi người muốn người khác hiểu họ là ai, hoặc họ muốn là ai”. Han đăng nhập vào Renren nhiều lần trong ngày từ laptop, thậm chí đăng nhập thường xuyên hơn từ ĐTDĐ, để cập nhật trạng thái và đọc trang của bạn bè. Gần đây, Han, đang chơi kèn Pháp, và tham gia vào các cuộc thi hát trong trường đại học, đã cập nhật Renren hàng ngày về âm nhạc, về cảm xúc khi đứng trên sân khấu và về phản ứng của khán giả. Với Han, Renren là một nền tảng, công cụ marketing cá nhân. “Mọi người tạo ra một phiên bản hoàn hảo về bản thân. Nó như một sự quảng cáo. Bạn phải đơn giản hóa bản thân để mọi người hiểu”, anh nói, “Bạn tạo ra một thương hiệu giúp người khác hiểu về bạn, như là một sản phẩm”.

Liu Neng, một nhà nghiên cứu xã hội ở trường Đại học Peking, nói thế hệ của Han xem mạng xã hội là một “nơi giải thoát”. “Trên online, họ tìm thấy cảm giác an toàn và giá trị xã hội. Đó là nơi họ có thể cảm nhận sức mạnh tuổi trẻ. Những thứ này họ không thể có được từ cuộc sống thực, ở cuộc sống thực họ cảm thấy áp lực. Ý tưởng được làm những gì họ muốn tất nhiên rất hấp dẫn, và vì thế “Renren có một hệ thống giá trị nhân văn”, Liu nói.

Facebook đã thổi cảm hứng để Wang Xing tạo ra Xiaonei, Renren ngày nay. Xiaonei lại thổi cảm hứng để một loạt website nhái ra đời, như 51.com (mạng xã hội dành cho người dùng nông thôn), Qzone (mạng cho các công dân trẻ hơn dùng dịch vụ tin nhắn tức thời) và thành công nhất trong số những website nhái này là kaixin001.com. Khi Kaixin001 ra đời vào tháng 3/2008, nó chỉ có đúng 2 điểm khác với Xiaonei. Thứ nhất là màu chủ đạo của trang web, Xiaonei có màu xanh, giống Facebook nhưng chỉ hơn đậm hơn chút, còn Kaixin001 có màu đỏ. Thứ hai là Kaixin001 nhắm đến lớp nhân viên trẻ, còn Xiaonei hướng đến sinh viên.

Những trang web như Renren và Kaixin001 là một “thế giới vi mô” của xã hội Trung Quốc ngày nay. Họ copy từ phương Tây, nhưng sau đó họ chỉnh sửa, thêm thắt và cả sáng tạo để đưa trang web lên tầm cỡ thế giới, cuối cùng là tạo ra một cái gì đó thực sự hiện đại và đặc trưng Trung Quốc. Không quá “ngoa” khi nói những trang web này phản ánh những thay đổi sâu sắc trong văn hóa Trung Quốc, đặc biệt với lớp người sinh ra trong thập kỷ 80 và 90.

Doanh thu chủ yếu từ quảng cáo và bán các quà tặng ảo. Mạng xã hội Trung Quốc có nguồn thu không hề nhỏ. Trong khi Facebook có hơn 1 tỷ USD doanh thu năm 2010, thì Kaixin001 cũng thu về khoảng 40 triệu USD, và dự đoán sẽ tăng gấp đôi trong năm 2011. Còn Renren, dù không tiết lộ con số doanh thu đầy đủ, song sau đó được biết là 76 triệu USD.

Trong một quốc gia có 1,3 tỷ dân, chưa đến 1/3 dân số truy cập Internet, Renren hiện có khoảng 165 triệu người dùng. Còn Kaixin001 thì có 95 triệu người dùng. Không nghi ngờ gì, những con số trên sẽ tiếp tục tăng. Các mạng xã hội Trung Quốc nói họ có thêm hàng trăm nghìn người dùng hàng ngày, và tỷ lệ thâm nhập Internet tại Trung Quốc mới chỉ ở mức 30%, trong khi tại Mỹ là 75%.

Những trang web như Renren và Kaixin001 là một “thế giới vi mô” của xã hội Trung Quốc ngày nay. Họ copy từ phương Tây, nhưng sau đó sáng tạo để đưa trang web lên tầm cỡ thế giới.

Mạnh Hùng
Tổng hợp 
Nội dung đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 118 ra ngày 3/10/2011

No comments:

Post a Comment