Tiến sĩ Lise-Hélène Smith
Gửi cho BBCVietnamese.com từ California
Từ lâu bà Linda Lê không chấp nhận xem mình là một nhà văn Việt Nam hay Pháp – Việt. Khước từ sự phân loại văn học và quốc gia, bà đặt mình, về phương diện thẩm mỹ, trong nghệ thuật như một nơi giao kết văn hóa với bản thân và với người khác.
Mặc dù hiếm khi nào bà lấy Việt Nam làm chủ đề cho văn bản, nhưng ý tưởng về Việt Nam vẫn là một phần quan trọng trong truyện, đặc biệt là trong Les trois Parques (Ba Số Phận), ra mắt năm 1997 (tác phẩm thứ bảy của bà). Kể về cuộc đời tù hãm của ba người phụ nữ Pháp gốc Việt, cuốn sách cổ vũ cho sự tự quyết của cá nhân và châm biếm trải nghiệm tị nạn.
Thay vì tập trung vào sự chuyển giao di sản văn hóa lấy gốc là Việt Nam, Linda Lê lại đưa sự kháng cự văn hóa và những bản sắc mập mờ vào trung tâm của cách kể chuyện phi truyền thống. Bà đặc biệt quan tâm việc phá vỡ quan hệ giữa Việt Nam và Pháp như mảnh đất tạm dung, để thách thức các phạm trù về bản sắc quốc gia và văn hóa. Les trois Parques có thể được đọc như một sự trình bày phê phán bất thường đối với cộng đồng người Việt nổi lên ở Pháp từ thập niên 1970.
Ba chị em
Les trois Parques có thể tạo ra khó khăn văn hóa và ngôn ngữ ngay cả cho một độc giả Pháp. Được viết theo phong cách dòng ý thức, truyện kể về một buổi chiều diễn ra trong nhà bếp của người chị cả. Lời kể 250 trang chỉ được phân cách thành vài đoạn văn đặt ký ức ấu thơ bên cạnh suy tưởng về cuộc đời những nhân vật chính.
Việc xóa mờ dấu vết thời gian được làm nổi bật bằng cách xóa nhòa giọng nói nội tâm của ba nhân vật. Vì thế lời kể đòi hỏi độc giả tái tạo câu chuyện của ba phụ nữ Paris gốc Việt – không có tên. Người chị cả chỉ được gọi là bụng tròn ám chỉ đang mang bầu, còn chân dài là nhắc tới đứa em phù phiếm. Còn người em họ được gọi là một tay, vì cô ta mất một tay ở tuổi dậy thì, khi bị phát hiện mối quan hệ loạn luân của cô với người anh sinh đôi. Ta có thể đọc ba người phụ nữ này như ba hình mẫu đàn bà, đặt người phụ nữ mang thai (gìn giữ truyền thống) đối lập với cô gái lả lơi ích kỷ và cô thiếu nữ nổi loạn.
Họ cũng có thể đại diện cho “thế hệ 1.5”, sinh ra ở Việt Nam nhưng được nuôi lớn ở Pháp, với ba cố gắng khác nhau nhằm định nghĩa cuộc sống sau khi di cư sang phương Tây.
Tự sư của Les trois Parques được cấu trúc quay khả năng ba người gặp lại ông bố sau 23 năm chia cắt. Sự trùng phùng này chỉ là cái cớ để bộc lộ những căng thẳng tình cảm và văn hóa ở trung tâm văn bản. Quyết định đưa ông cụ sang Pháp chơi có vẻ xuất phát từ cảm giác muốn trả thù vì đã để người bà của các cô đưa họ đi trong lúc bà chạy sang Pháp trốn cộng sản.
Mặc dù người chị cả hy vọng làm ông bố ấn tượng bằng hình ảnh giàu sang, hạnh phúc như để biện hộ cho cuộc sống lưu vong, cô cũng để lộ sự xấu hổ khi phải đối diện một ông bố tồi và là người mà cô xem là gây ra cho cô sự bất hạnh. Tuy vậy, trong tư cách người tự cho mình gìn giữ truyền thống, bà chị cả xem hai đứa em là kẻ đào tẩu mất gốc vì khước từ quan hệ với quê cha. Trong mắt bà chị, hai đứa em sẽ chỉ biết đến hổ thẹn khi thiếu vắng giá trị truyền thống mà buồn cười thay, chính bà chị cả lại là người chống đối trong tiềm thức.
Giọng kể châm biếm của Les trois Parques không hề thông cảm với làn sóng tị nạn này, những người – ngay trước khi cộng sản chiếm quyền – đã rời bỏ quê hương yêu dấu để giữ lại bất kỳ tài sản gì mà họ có thể giữ. Văn bản đem lại một góc phê phán bất thường về động cơ của làn sóng thuyền nhân đầu tiên – những người vẫn thường được mô tả là bỏ chạy vì mạng sống gặp nguy hiểm.
Đối diện với người chị biểu tượng cho một di sản mà họ bác bỏ, quan hệ của hai người em với chị cũng rất khó chịu. Cả hai nhận ra sự viên mãn của bà chị che giấu thực tế tuyệt vọng của một người mới cưới mang bầu – một người tiếp cận sự trùng phùng bằng im lặng và khoảng cách. Cả hai giải mã cuộc đời bà chị, khinh khi vạch ra sự vô nghĩa và vô lý như thể phản đối hình mẫu hòa nhập hoàn hảo mà có vẻ bà chị là biểu tượng. Hai người đại diện cho một tuổi trẻ Pháp không chịu nhớ nguồn gốc, tại một mảnh đất khuyến khích sự lãng quên văn hóa thông qua chính sách đồng hóa mạnh mẽ.
Như thế, chân dungmà Les trois Parques vẽ nên về các nhân vật chính không phải mang tính chất đoàn kết, mạch lạc, mà là ghẻ lạnh. Cấu trúc tự sự nắm bắt sự chia rẽ bằng cách xóa mờ mọi tiếng nói kể chuyện, buộc chúng xen vào và đè lên nhau một cách nghịch tai. Không thể làm thân với nhau, các nhân vật chính phải tập trung vào chính mình. Sự bất hòa của các nhân vật bộc lộ thành khao khát có một Người khác lấp đầy khoảng trống nội tâm và làm cuộc sống của họ thành ra có giá trị.
Cuộc kiếm tìm cảm thông đã thất bại và sự khó chịu mà nó đem lại thể hiện không gian khó khăn mà mỗi nhân vật phải tìm đường đi qua để dàn xếp một bản ngã mới – có thể ở mảnh đất mới hay ở mảnh đất quê hương. Mặc dù những sự dàn xếp văn hóa này rõ ràng mở ra không gian đối thoại, nhưng Linda Lê thể hiện không gian đó như sự thất bại để Ba Số Phận có thể để bản ngã cũ thắp sáng vai trò hiện tại (bụng tròn) hoặc bỏ hẳn bản ngã ấy (chân dài). Những bóng ma Việt Nam mà vốn từ lâu tàn phá một tay, thì cũng ám ảnh hai người chị bất chấp mức độ hòa nhập văn hóa tương đối cao của họ.
Phê phán
Có thể biện luận rằng mô hình thành công duy nhất mà thế hệ 1.5 này có được là mô hình lập lờ nước đôi của cộng đồng người Việt chống cộng đã hòa nhập văn hóa ở Pháp. Các thành viên này có lẽ đã rời quê hương như người tị nạn hoặc thuyền nhân ngay trước khi Sài Gòn sụp đổ năm 1975. Giọng kể châm biếm củaLes trois Parques không hề thông cảm với làn sóng tị nạn này, những người – ngay trước khi cộng sản chiếm quyền – đã rời bỏ quê hương yêu dấu để giữ lại bất kỳ tài sản gì mà họ có thể giữ.
TIỂU SỬ NHÀ VĂN LINDA LÊ
Sinh năm 1963 ở Đà Lạt, sang Pháp năm 1977
Có hai tác phẩm đã in ở Việt Nam: Vu khống và Lại chơi với Lửa
In Memoriam vào chung khảo giải Prix Femina và Prix Médicis năm 2007
Văn bản đem lại một góc phê phán bất thường về động cơ của làn sóng thuyền nhân đầu tiên – những người vẫn thường được mô tả là bỏ chạy vì mạng sống gặp nguy hiểm. Nhưng sự mô tả ấy cũng trùng khớp với mô tả khó chịu không kém của ông bố thất bại khi nhắc tới những Việt kiều về nước. Ông ta lên án họ là khoe khoang tài sản trước những đồng bào, giống như ông, phải ở lại trong nước.
Trở về như những đứa con hoang đàng sau khi Việt Nam mở cửa, các Việt kiều bị xem là kẻ phản quốc, chỉ lo giành lại tên tuổi và địa vị bằng cách chứng tỏ mình có cuộc sống thành công và khấm khá vật chất. Trên thực tế, cuộc sống càng khó khăn ở nước ngoài, người ta lại càng cần che dấu nó bằng việc tiêu tiền như nước, dù có tổn hại cho công sức tiết kiệm cả đời của mình.
Bị ám ảnh vì tội lỗi, những cá nhân trong Les trois Parques luôn cần biện hộ cho sự ra đi của họ. Linda Lê mạnh dạn ngụ ý rằng, bị đưa vào cuộc sống lưu vong “tự nguyện”, người tị nạn Việt ở Pháp xem những tin tức xấu từ quê cũ như một thứ văn hóa lấp đầy khoảng trống tạo ra bởi sự phải ra đi. Điều rùng rợn trở thành lý do lưu vong và cũng là lý do sống của họ.
Sự quan tâm đến đau khổ của đồng bào được dùng để biện hộ cho cảm giác mới về tình đồng đội ở hải ngoại, một thứ tình cảm thường xuyên dễ tan biến một khi thời gian yên bình hơn trở lại trên quê hương. Linda Lê mô tả thế hệ tị nạn thứ nhất như những người không thể định nghĩa mình ở nước ngoài, ngoài một hình ảnh đảo ngược về một quê nhà ghê rợn.
Sự công kích văn hóa, chính trị và kinh tế thấm đẫm Les trois Parques ngụ ý rằng sự hòa giải giữa người Việt ở Pháp và người trong nước chỉ là điều hão huyền. Với thế hệ tị nạn đầu tiên bị mô tả như đám kền kền, sự di cư đánh dấu việc để mất hoàn toàn bản sắc và sự chấm dứt văn hóa. Với thế hệ 1.5 mà Les trois Parques đại diện, di cư đánh dấu việc hòa giải những rao giảng của nền văn hóa mới (phương Tây hóa thông qua chủ nghĩa cá nhân) với rao giảng của thế hệ thứ nhất.
Sự hòa giải đó đòi hỏi phải tạo ra những kênh đối thoại mới, nhưng một cách trái ngược, cũng ngăn cấm việc liên lạc lại với điểm gốc. Les trois Parques mô tả chấn thương bị dồn nén, mất mát và đau khổ - những tình cảm vẫn thường được gắn với trải nghiệm tị nạn. Nhưng văn bản ngụ ý rằng các tình cảm tương tự cũng có thể gắn cho thế hệ 1.5 tưởng như sống thoải mái tại đất nước mới. Những đứa trẻ kiều dân trong truyện của Linda Lê tạo thành ý nghĩa thiếu hụt hoặc bị bóp méo giữa những khe hở của các nền văn hóa vì họ chưa đủ sức tự vấn và đối thoại.
Chốt lại, mặt nạ hạnh phúc và viên mãn của hai người chị, đối lập với bản giao hưởng bất hạnh của cô em họ, bắt nguồn từ sự bất lực không thể kiểm soát quá khứ. Linda Lê khơi gợi sự gần gũi của quá khứ, khi mà hồi ức luôn đe dọa trở về. Những ký ức này xuất phát từ một ngôi nhà bị đầu độc bởi đủ loại chiếm đóng, của cả chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản – một ngôi nhà bị đóng dấu bởi chiến tranh, cái đói và sự phản bội. Rốt cuộc, Les trois Parques làm phức tạp, mà không đem lại sự hóa giải, những mô hình vốn hoặc chỉ ca ngợi sự chuyển giao của một nền văn hóa bị dễ dàng quên lãng, hoặc chỉ khăng khăng rằng cắt đứt nguồn gốc sẽ làm con người hoàn toàn mất phương hướng.
Tiến sĩ Lise-Hélène Smith hiện là Trợ lý Giáo sư (Assistant Professor) ngành Văn học Thế giới ở trường California State Polytechnic University, Pomona, bang California, Hoa Kỳ. Bài viết gửi cho BBCVietnamese.com là bản rút gọn từ tiểu luận The Disillusion of Linda Lê: Redefining the Vietnamese Diaspora in France, đã đăng ở tạp chí French Forum năm 2010.
No comments:
Post a Comment