Tuesday, March 22, 2011

22/03 Cộng đồng khu vực

Stanislaw Ossowski, Lê Hải dịch[1]

Có lúc ở một nơi khác tôi từng phân chia giữa hai khái niệm “tổ quốc riêng tư” và “tổ quốc ý thức hệ”[2], rằng khi nói đến tổ quốc ý thức hệ[3] tôi nghĩ đến lãnh thổ quốc gia, và toàn bộ phân tích đó phát xuất từ các nghiên cứu chủ nghĩa dân tộc hiện đại. Nhưng khái niệm tổ quốc ý thức hệ trong này mang phạm vi rộng hơn: tổ quốc ý thức hệ là khu vực mà cá nhân liên hệ không chỉ qua trải nghiệm cá nhân và trực tiếp liên quan tới lãnh thổ đó và được tạo ra qua hoạt động cuộc sống bình thường, mà còn thông qua việc lệ thuộc vào một cộng đồng nhất định, vào nhóm mà cái lãnh thổ đó phần nào định hình. Vai trò các yếu tố cá nhân trong quan hệ cá thể với tổ quốc ý thức hệ hoàn toàn là giao thoa giữa tổ quốc riêng tư và tổ quốc ý thức hệ.

Cộng đồng này không hề phải là dân tộc hiện đại. Các cộng đồng lãnh thổ khác nhau chứa tổ quốc ý thức hệ theo nhiều kiểu khác nhau, mà nếu áp dụng khái niệm dân tộc trong cách hiểu hiện đại gây ra những nghi ngại nghiêm trọng. Với châu Âu hôm nay có thể nói cả đến tổ quốc ý thức hệ của cộng đồng khu vực: giữa tổ quốc riêng tư và lãnh thổ dân tộc có thể có chỗ cho tổ quốc khu vực. Đây không phải là tổ quốc riêng tư, nếu liên kết nối giữa cá thể và tổ quốc khu vực được thực hiện thông qua sự tham gia vào cộng đồng.

“Khu vực” được hiểu rất khác nhau. Thường người ta coi khu vực là đơn vị địa lý, tách biệt trên cơ sở địa hình hoặc các tiêu chuẩn kinh tế. Khu vực theo cách hiểu trong bài này, tức là hiểu theo nghĩa xã hội học, là mối tương quan giữa các cộng đồng khu vực. Mà cộng đồng khu vực là cộng đồng lãnh thổ, nhiều hay ít sẽ có cảm giác về sự tách biệt của bản thân, nhưng không coi mình là dân tộc; hay nói cách khác, thành viên của cộng đồng không tìm cách thiết lập cho cộng đồng mình những thuộc tính của dân tộc. Thường thì cộng đồng đó là thành viên của một cộng đồng dân tộc nào đó. Thành viên cộng đồng khu vực, người Podhalan, Kurp, Burgund hay Gaskon có thể cùng lúc cảm thấy trung thành với khu vực của mình và trung thành với tổ quốc dân tộc. Tại những khu vực đứt gãy của châu Âu hoặc một số vùng biên có lịch sử phức tạp cũng có thể là dân cư không nhìn ra ngoài mối liên kết khu vực, và không có – như người ta nói - cảm giác dân tộc.

Vấn đề thứ ba là cảm giác rất mạnh về sự tách biệt khu vực được nối với sự thù ghét nhắm vào nhà nước, vốn có cơ cấu ở địa phương, kèm theo xu hướng li khai, và tư tưởng có kèm theo đòi hỏi chính trị. Các lãnh đạo những cộng đồng như vậy cố gắng áp dụng mô hình cộng đồng dân tộc và tổ chức kháng chiến theo các khuôn mẫu kháng chiến giải phóng dân tộc. Việc khi nào thì chúng ta công nhận sự chuyển đổi của một cộng đồng khu vực thành dân tộc là điều khá tương đối. Vào khoảng năm 1880 ở vùng Catalonia mở rộng phong trào địa phương, tuyên truyền văn hóa và ngôn ngữ Catalonia trong khuôn khổ tổ quốc Tây Ban Nha. Sau 1890 người ta bắt đầu ồn ào hơn về “tổ quốc Catalonia duy nhất”. Trong những trường hợp đó, tranh chấp về chuyện chúng ta đang ngihên cứu nhóm khu vực hay dân tộc đang hình thành thường là mâu thuẫn giữa các cách nhìn của nhóm đấu tranh giải phóng dân tộc và góc nhìn của cộng đồng rộng hơn, bảo vệ tình trạng sở hữu của mình và không muốn từ bỏ một trong số các “khu vực” của mình.

Đối lập với cộng đồng dân tộc kiểu đó - vốn phổ biến ở châu Âu lục địa ngoài Liên Xô, là cộng đồng khu vực - như chúng ta đã nói – có thể là thành viên của cộng đồng rộng hơn, mà cộng đồng rộng hơn đó cũng có thể là dân tộc, cũng như là các cộng đồng khu vực khác (khu vực trong khu vực, các khu vực lớn hay nhỏ). Từ góc nhìn của ngành xã hội học không có lý do gì để mà không coi các vùng lớn của Cộng hòa Ba Lan thời giữa hai cuộc chiến như Galicja, Kogresów, Poznan như là các khu vực, nơi mà dân chúng còn giữ cảm giác tách biệt được tạo ra từ việc phân chia lãnh địa thời lệ thuộc. Người Poznan cảm thấy rất tách biệt so với người Galicja hay Kongresów, mặc dù vẫn trung thành với tổ quốc Ba Lan. Trong lòng các cộng đồng khu vực lớn đó lại có thêm các phân chia khu vực nhỏ hơn, và gần hơn với cách dùng chữ “khu vực” của đời thường: Podhalan, Krakow, Kurp, Ksiezak, Kaszuby.

Cảm giác riêng biệt về khu vực có thể có nguồn gốc khác nhau. Có thể bắt nguồn từ điều kiện địa lý chia cắt ở một mức độ nào đó so với các vùng đất láng giềng (Korsyka là vùng đảo ở Hà Lan, đất của các dòng tộc đặc biệt chia cắt bằng vịnh, hồ và chuỗi núi cao) hoặc phương thức canh tác và quan hệ láng giềng cách biệt (Pohale, Huculszczyzna, Polesie, Kurpie, Zaglebie Górnicze). Có thể là kết quả của lịch sử chính trị riêng biệt, mà ở đây là nhà nước riêng biệt trong quá khứ hay là phụ thuộc khu vực trong các giai đoạn khác nhau vào các hình thái chính trị khác nhau. Tây Ban Nha thành lập từ quá trình nối kết 17 vương quốc, một tỉnh và hai mảnh đất lãnh chúa, và sự tách biệt phân chia dân chúng các quốc gia nhỏ đó trước khi thống nhất trong nhiều trường hợp để lại dấu vết mà hôm nay vẫn còn nhìn thấy. Vùng Alsace và Lorraine trong giai đoạn thuộc vào Pháp khác biệt với các tỉnh khác của Pháp về ký ức mối quan hệ chính trị quá khứ với Liên bang Đức; còn trong giai đoạn thuộc về Đức thì lại cảm thấy sự tách biệt so với các vùng đất khác của Đức qua ký ức về quá khứ nằm trong biên giới Vương quốc Pháp và Cộng hòa Pháp. Các khác biệt chính trị tiếp theo – bên cạnh các yếu tố khác - ảnh hưởng tới cảm giác cách biệt của dân cư các tỉnh của Nam Tư như là Bosnia, Banat, Sandzak, Macedonia, chưa nói gì đến Chorwacja và Dalmacja. “Chúng tôi từng là Áo, rồi thiếu chút nữa là Czech, sau đó chúng tôi là Ba Lan, sau đó là Đức, bây giờ lại là Ba Lan” - một dân cư Ustron vùng Czeszyn chia sẻ với tôi. “Chúng tôi muốn biết một lần cho rõ luôn, rằng chúng tôi sẽ ở đâu đó lâu dài”. “Chúng tôi” ở đây rõ ràng là dân cư vùng Slask thuộc Cieszyn.

Trong một số trường hợp, đặc biệt là với các khu vực nhỏ hơn, cần tìm nguyên nhân cảm giác tách biệt trong điều kiện lịch sử kiểu khác, ví dụ như là đất thuộc tổng giám mục nhà thờ Gnieznien, hay vua chúa, mà trong một số khu vực cuộc sống xã hội của người nông dân có khác với nơi được định hình trực tiếp theo kiểu cha truyền con nối.

Bên cạnh tất cả các tình huống vừa kể, nơi sự khác biệt của cộng đồng khu vực phát xuất từ khác biệt địa lý hay lãnh thổ chính trị khu vực, chúng ta còn phải cân nhắc nguồn gốc cho cảm giác tách biệt khu vực trong một quá trình cuộc sống xã hộI cho tính chất văn hóa của dân cư khu vực, những người không nhất thiết phải liên quan về nguồn gốc với tính chất địa lý của khu vực hay với quá khứ lịch sử của nó. Ý tôi muốn nói đến ngôn ngữ hay lòng tin riêng. Khác biệt về ngôn ngữ là yếu tố khu vực quan trọng ở các tỉnh biên giới nước Pháp như Bretania, Flandria, Alsace, Nizzy, xứ Basque, Roussillon. Ba Lan có phương ngữ Kaszub, dù rằng không phân biệt người Kaszub ra khỏi người Kociew hay Mazura trên mặt bằng thông hiểu, nhưng có vai trò như vậy ở một mức độ nào đó. Chúng ta chú ý rằng ngôn ngữ riêng có thể là yếu tố cách biệt khu vực ngay cả khi chỉ có một phần dân cư trong khu sử dụng, ví dụ như là ở Bretania, và ngôn ngữ có thể là thành phần văn hóa địa phương, được những người thậm chí không sử dụng tôn trọng.

Trong các trường hợp đặc biệt các yếu tố cách biệt khu vực khác nhau cùng hỗ trợ nhau. Nhưng khu vực có được sự khác biệt là nhờkết hợp một số tính chất, mà mỗi tính chất đều nối với tổng thể lãnh thổ khác. Tách biệt nhóm có thể là kết quả cùng lúc hoặc lần lượt của sự lệ thuộc của nhóm đó vào hai nhóm lớn hơn khác nhau. Dân Bỉ ở Flamand nối kết với quá khứ chính trị và công giáo xứ Walon, và ngôn ngữ với Hà Lan. Dân Mazura thuộc Phổ nối với người Bắc Mazura ngôn ngữ Ba Lan, với người Đức là lệ thuộc chính trị và lòng tin. Tín ngưỡng không chỉ phân chia họ với ngườI Mazura bên kia ranh giới, mà còn vớI người Ba Lan ở vùng Chelmins, mà họ từng có quan hệ chính trị từ năm 1772 đến 1919, với người Warmin mà họ có quan hệ chính trị từ năm 175. Nếu người Galicja ở Ukrainia tạo ra cộng đồng khu vực với cảm giác cách biệt mạnh thì là vì nối kết với phía tây di sản chính trị và công giáo, còn phía đông là ngôn ngữ và chính thống giáo.


[1] Bản gốc là phần lý thuyết từ tập sách về “Vấn đề liên kết xã hội khu vực và dân tộc ở vùng Slask Opolski, GS Stanislaw Ossowski viết năm 1947, in lại trong Toàn tập, quyển 3, PWN xuất bản năm 1967 ở Warszawa, trang 74-78. Ngoại trừ phụ lục kế tiếp là của nguyên bản, còn lại là do người dịch chú giải thêm.

[2] Trong bài Analiza socjologiczna pojecia ojczyzny [Phân tích xã hội học về khái niệm tổ quốc], tạp chí Mysl Wspolczesna 1946, nr 2, trang 154-175, in lại trong các trang 15-46 Toàn tập, quyển 3, PWN.

[3] Nguyên gốc là ojczyzna ideologicza. Ideologiczna là thuộc về tư tưởng, mà theo cách hiểu trong các bài viết khác của Ossowski là do ảnh hưởng từ một phong trào tư tưởng, tức là ý thức hệ. Khái niệm Ojczyzna phát xuất từ chữ Ojciec – cha, tức là có thể hiểu là quê cha đất tổ, hay quê hương. Mặc dù tác giả cũng nhắc đến tình cảm trong khái niệm này, nhưng cũng có nhiều chỗ nhắc đến lòng “yêu nước” – patriotism đối với miền đất đó. Như vậy nó còn nhiều hơn là miền yêu dấu trong tâm khảm, là khái niệm quê hương gần với cách dùng “tổ quốc riêng tư” của tác giả hơn. Tổ quốc ý thức hệ cũng được dùng cho những vùng đất ly khai như xứ Basque (đòi) tự trị, cho nên mang nghĩa gần với tổ quốc và quốc gia hơn là quê hương.

No comments:

Post a Comment