06-06-2010
Ảnh minh họa: Internet |
Cuốn “Mao Trạch Đông ngàn năm công tội” do nhà xuất bản Thư Tác Phường ấn hành, ra mắt tại Hồng Công tháng 7-2007 và tới bạn tháng 6-2008, là một trong những cuốn sách đang được dư luận Trung Quốc hết sức quan tâm, với những luồng ý kiến nhận xét trái ngược nhau, từ hoan nghênh đến bất đồng, thậm chí phản đối gay gắt. Đây là bản dịch do Thông tấn xã Việt Nam phát hành năm 2009. Vietinfo sưu tầm và đăng tải để bạn đọc tham khảo, đồng thời cũng có thêm cái nhìn về vị lãnh tụ "vĩ đại" một thời ....
MAO TRẠCH ĐÔNG NGÀN NĂM CÔNG TỘI (千 秋功罪 毛澤東 / Thiên Thu Công Tội Mao Trạch Đông) của tác giả Tân Tử Lăng (辛子陵 Xin Ziling).
Đây là bản dịch do Thông tấn xã Việt Nam phát hành năm 2009. Bản điện tử của người ký tên Mõ Hà Nội do một số bạn đọc gửi cho chúng tôi. Bản này sử dụng bản của TTXVN, nhưng đã thêm những chú thích cần thiết. Ví dụ, ở chương 10, Tân Tử Lăng viết:
“ Tháng 5-1965, Mao Trạch Đông tiếp Hồ Chí Minh tại Hàng Châu, phía Việt Nam đề nghị Trung Quốc giúp sửa đường bộ. Mao nhận lời ngay. Tám vạn công binh ăn cơm Trung Quốc, làm việc cho Việt Nam trong ba năm trời, quả thật là viện trợ vô tư. Do nhu cầu đấu tranh chống địch trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ, Mao Trạch Đông còn khinh suất cho Bắc Việt Nam sử dụng đảo Bạch Long Vĩ, thuộc Hải Nam, trên đảo có 2.000 dân Trung Quốc sinh sống, vùng biển xung quanh là mỏ dầu lớn trữ lượng dồi dào. Đến nay lâu ngày qua đi, nảy sinh ý kiến khác về chủ quyền. Thế là tình hữu nghị “vừa là đồng chí, vừa là anh em” cũng không giữ nổi. ”
Người đánh máy «Mõ Hà Nội» đã minh chính:
(Tác giả Tân Tử Lăng sai ở đoạn này. Năm 1955, theo hiệp nghị Genève, sau khi quân đội Pháp rút khỏi Bắc Việt nam phải giao lại đảo Bạch Long Vĩ (cách Hải Phòng 350 km) cho chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, và thuộc tỉnh Hải Phòng cho đến tận ngày hôm nay. Từ ngàn năm trước đến hiện giờ, chưa có một phút nào Bạch Long Vĩ thuộc quyền của Trung Quốc - Chú thích của người gõ Mõ Hà Nội).
Chính xác hơn, Hiệp định Pháp Thanh 1887 đã xác nhận Bạch Long Vĩ thuộc lãnh thổ của Việt Nam. Năm 1949, thua trận ở Trung Quốc, quân đội Tưởng Giới Thạch đã chiếm đóng đảo Bạch Long Vĩ. Sau Hiệp định Genève, Bạch Long Vĩ thuộc quyền quản lý của VNDCCH, Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quyền quản lý của chính quyền Sài Gòn (lúc đó là Quốc gia Việt Nam). VNDCCH chưa có hải quân, nên đã nhờ Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc đánh đuổi quân đội Tưởng Giới Thạch khỏi Bạch Long Vĩ (như trước đó, năm 1949, ĐCSTQ đã nhờ Quân đội Nhân dân Việt Nam sang Quảng Tây giúp họ giải phóng vùng Thập Vạn Đại Sơn (xem bài của Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Tháng 1.1957, chính phủ VNDCCH đã tiếp quản Bạch Long Vĩ và đặt huyện này thuộc điạ phận Hải Phòng.
Tân Tử Lăng, tác giả cuốn Mao Trạch Đông ngàn năm công tội (còn gọi là Mao Trạch Đông Toàn Truyện) là một đại tá quân đội Trung Quốc, từng giảng dạy ở Đại học Quốc phòng. Cuốn sách (xuất bản lần đầu năm 2007 tại Hương Cảng) trình bày tường tận những tội ác của Mao Trạch Đông, nhằm ngăn chận xu hướng «tả khuynh» nảy sinh trong những năm gần đây khi Trung Quốc đi theo con đường tư bản chủ nghĩa mà Đặng Tiểu Bình vẫn mệnh danh «chủ nghĩa xã hội màu sắc Trung Quốc».
|
Tác gia Tân Tử Lăng nguyên là cán bộ nghiên cứu và giảng dạy tại Học viện quân sự cấp cao, Đại học Quân chính, Đại học Quốc phòng Trung Quốc. Ông nhập ngũ năm 1950, từng tham gia các phong trào chính trị do Mao phát động, về hưu năm 1994 với quân hàm Đại tá.
Đầu năm 2008, khi đề cập đến bối cảnh ra đời cuốn sách trên, Tân Tử Lăng nêu rõ: Công cuộc cải cách mở cửa ở Trung Quốc đã thu được những thành tựu lớn lao, đồng thời cũng nảy sinh nhiều vấn đề nghiêm trọng, đáng chú ý là việc không thể ngăn cản có hiệu quả nạn tham nhũng, việc phân phối của cải không công bằng dẫn đến xã hội bị phân hóa, khiến dân chúng rất bất mãn, nhiều người thậm chí công khai tỏ ra luyến tiếc thời đại Mao. Các thế lực cực tả ở Trung Quốc hiện nay muốn lợi dụng tâm trạng bất mãn này để phát động cuộc “Đại cách mạng văn hóa lần thứ hai”, gây cản trở cho việc thực thi các chính sách hiện hành. Nhân ngày giỗ Mao Trạch Đông 13-9-2005, nhiều cuộc mít tinh đã được tổ chức tại 18 thành phố lớn trong đó có Bắc Kinh, Thượng Hải. Thiên Tôn… với mục đích phê phán ban lãnh đạo hiện nay đã phản bội chuyên chính vô sản, phục hồi chủ nghĩa tư bản. Những người tham gia các cuộc mít tinh đã công khai hô các khẩu hiệu thời Đại cách mạng văn hoá, kêu gợi dấy lên bão táp cách mạng.
Tình hình trên khiến tác giả thấy cần phải làm cho mọi người thấy rõ thực trạng đời sống chính trị, xã hội và kinh tế của Trung Quốc dưới thời Mao, để từ đó có thể đánh giá một cách công bằng những công lao cũng như sai lầm của Mao đối với đất nước Trung Hoa, nhằm loại bỏ sự chống đối của phái cực tả đối với tiến trình cải cách mở cửa. Tuy nhiên, trong khi cố gằng làm điều đó, tác giả lại làm nổi lên một vấn đề quan trọng khác là: quan điểm của Trung Quốc về “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc” thực chất là gì? Và đâu là lối thoát cho Trung Quốc hiện nay?
Nhiều trong số những vấn đề được nêu ra trong cuốn sách như đánh giá về công lao và sai lầm của Mao, cuộc Đại cách mạng văn hoá, cái gọi là chủ nghĩa xã hội không tưởng dựa trên bạo lực của Mao, chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc, hay việc chuyển từ chủ nghĩa xã hội không tưởng sang chủ nghĩa xã hội dân chủ… hoàn toàn là những quan điểm riêng của tác giả.
Đây là cuốn sách có tính chất tham khảo về nhiều vấn đề liên quan đến lịch sử và vấn đề lý luận của nước Trung Hoa đương đại, nhằm giúp bạn đọc có được những cái nhìn nhiều chiều về những vấn đề đang được nhiều người quan tâm này.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Thông Tấn Xã Việt Nam
No comments:
Post a Comment