14-06-2010 18:00:25 (GMT+1)
Ảnh: Internet |
Cuốn sách MAO TRẠCH ĐÔNG NGÀN NĂM CÔNG TỘI (Thiên Thu Công Tội Mao Trạch Đông) của tác giả Tân Tử Lăng (Xin Ziling). Đây là bản dịch do Thông tấn xã Việt Nam phát hành năm 2009. Vietinfo sưu tầm và đăng tải để bạn đọc tham khảo, đồng thời cũng có thêm cái nhìn về vị lãnh tụ "vĩ đại" một thời ....
Chương 26
Nhân dân run rẩy trong cuộc khủng bố đỏ
Ở Trung Quốc, từ khi có trường học kiểu mới liền có phong trào học sinh. Từ thời đại Bắc Dương đến Tưởng Giới Thạch, phong trào học sinh xuất hiện trên vũ đài lịch sử với tư thế yêu nước, tiến bộ, cách mạng, trở thành lực lượng tiên phong thúc đẩy xã hội tiến bộ. Chưa một nhà thống trị nào có thể lợi dụng học sinh làm điều xấu. Chỉ có Mao Trạch Đông làm nổi việc này. Mao đã lợi dụng học sinh làm rối loạn cả xã hội, lật đổ cơ quan đảng và chính quyền các cấp, mượn bàn tay học sinh để giày vò các bạn chiến đấu hôm qua, đối thủ chính trị hôm nay.
Từ 18-8 đến 26-11-1966, Mao 8 lần tiếp tổng cộng 13 triệu Hồng vệ binh từ các nơi trong cả nước đến Bắc Kinh “xâu chuỗi”, sự cuồng nhiệt sùng bái cá nhân Mao Trạch Đông sôi lên sùng sục, Mao là “mắt bão” làm cho cơn bão đỏ tạo phản tràn khắp Trung Hoa. Hồng vệ binh được tâng bốc lên tận trời xanh, khiến họ nảy sinh ảo tưởng vô cùng tận. Vào lúc con em dân thường bất bình vì các vị trí công tác tốt đều lọt vào tay con em cán bộ, Mao kêu gọi đánh đổ “phái cường quyền đi con đường tư bản”, tức là đánh đổ bố mẹ những học sinh được ưu đãi kìa, các học sinh xuất thân dân thường liền đứng lên tạo phản. Để thoát khỏi thế bị động, học sinh con em cán bộ cũng tham gia tạo phản với tư thế còn “tả” hơn, họ không lôi bố mẹ mình, mà lôi cấp trên, đồng cấp hoặc cấp dưới của bố mẹ ra đấu. Bất kể là con em cán bộ hay dân thường, tất cả đều phát điên. Mao ủng hộ và ra lệnh bảo vệ những hoạt động tạo phản này. Quân đội và công an đều được lệnh cấm nổ súng vào Hồng vệ binh, kể cả bắn doạ, bị chúng đánh cũng không được đánh trả. Hồng vệ binh kéo nhau đi lục soát, đập phá, bắt bớ phê đấu cán bộ lâu năm, các giáo sư và văn nghệ sĩ nổi tiếng. Họ không có sức đánh trả, nên chúng chẳng gặp nguy hiểm gì, mà lại được nhiều không kể xiết. Đó là cơ sở tư tưởng sâu xa của phong trào Hồng vệ binh.
Khởi đầu bằng việc đập phá tượng Thích ca mâu ni trên Phật Hương Các ở Di Hoà Viên, Hồng vệ binh đã phá hoại 4.922 trong số 6.843 di tích cổ ở Bắc Kinh. Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có 10 triệu nhà bị lục soát, trong đó Bắc Kinh 11,4 vạn, Thượng Hải 10 vạn. Nhà riêng nguyên Bộ trưởng Giao thông Chương Bá Quân bị Hồng vệ binh chiếm làm trụ sở, hàng vạn cuốn sách ông lưu trữ bị chúng đốt suốt ngày đêm để sưởi ấm. Hơn 200 sinh viên Đại học Sư phạm Bắc Kinh kéo về Sơn Đông “san bằng” mộ Khổng Từ. Lăng mộ của nhiều nhân vật lịch sử hoặc danh nhân như lăng Viêm đế, mộ Hạng Vũ, Gia Cát Lượng. Thành Cát Tư Hãn, Chu Nguyên Chương, Ngô Thừa Ân, Từ Bi Hồng… bị đập phá.
Mao còn tạo ra cuộc khủng bố đỏ, cho Hồng vệ binh nông dân thả sức giết hại “kẻ xấu” (địa chủ, phú nông, phản cách mạng, phái hữu, nhà tư bản, xã hội đen) để áp chế sự phản kháng của nhân dân. Chỉ riêng hạ tuần tháng 8-1966, nội thành Bắc Kinh đã có hàng ngàn người bị đập chết tươi.
Nhiều người khi ấy đã được chứng kiến những cuộc tắm máu, những kiểu giết người cực kỳ man rợ như thời trung cổ. Ôn lại chuyện trên, cựu Hồng vệ binh Trần Hướng Dương sau này viết:
“Vì sao những đứa trẻ mười mấy tuổi đầu lại dã man giết người không chớp mắt như vậy? Vì từ nhỏ đã được giáo dục hận thù. Thù địa chủ, thù nhà tư bản, thù Quốc Dân Đảng: Trả thù bằng thủ đoạn tàn nhẫn là thiên kinh địa nghĩa, vấn đề duy nhất là không biết chĩa vào đâu. Kè thù bên cạnh đã bị các bậc tiền bối quét sạch rồi, còn lại Tưởng Giới Thạch và đế quốc lại ở quá xa, không với tới được. Đại cách mạng văn hoá vừa nổ ra, mới đột nhiên biết quanh mình còn ẩn náu nhiều kẻ thù, chúng tôi vui mừng đến phát cuồng, bao nhiêu sức lực dồn nén đều bung ra. Sự cuồng loạn ấy chẳng những hiện nay không mấy ai tin, mà ngay bản thân chúng tôi nhớ lại cũng không dám tin nữa Những việc làm xấu xa của Hồng vệ binh thật đáng nguyền rủa, nhưng chúng tôi cũng có đủ tư cách lớn tiếng hỏi lại: ai đã giáo dục chúng tôi thành những thằng điên?
Bắc Kình "nêu gương", những vụ tàn sát lan ra cả nước. Huyện Đạo ở Hồ Nam là một trong những điển hình. Khắp nơi là những bố cáo giết người của “toà án tối cao bần nông và trung nông lớp dưới", những khẩu hiệu kêu gọi giết sạch 4 loại người, (địa chủ, phú nông, phản cách mạng, phái hữu).
Trong hai tháng 7 và 8 năm 1967, Quan Hữu Chí, Trưởng ban vũ trang khu Thanh Đường đã chỉ uy dân quân dùng cuốc xẻng, súng bắn chim, gậy gộc giết hại 207 người, kể cả trẻ em. Do công lao trên, y được bầu là “phần tử tích cực học tập và vận dụng tư tường Mao" cấp tỉnh năm 1967. Viên Phủ Lễ, Khu trưởng Lâm Phô tổ chức 120 dân quân nòng cốt trong ba ngày giết 569 người.
Trần Đăng Nghĩa, Chủ tịch Hội Bần nông Đại đội sản xuất Hạ Tưởng là thủ phạm chính trong một vụ giết người, cưỡng dâm tập thể. Thấy vợ mới cưới của con em địa chủ Trần Cao Tiêu xinh đẹp, y sinh lòng ghen ghét và sớm có ý đồ bất lương, thì nay thời cơ đến. Tối 26-8-1967. Nghĩa cho gọi Tiêu đến trụ sở đại đội và trói nghiến lại. Y cầm giáo đâm một nhát vào dùi anh Tiêu, rồi khoát tay ra hiệu. 7,8 dân quân xông vào dùng gậy đập anh Tiêu chết tươi. Để chứng tỏ mình “kiên quyết cách mạng”, y dùng mã tấu cắt đầu anh Tiêu, cùng hai con em địa chủ, phú nông khác cũng vừa bị đánh chết. Chị Tiêu (xuất thân bần nông) sợ quá trốn về nhà mẹ đẻ ở làng khác, Nghĩa cho dân quân bắt chị trở lại, y tuyên bố các nơi khác vợ địa chủ đều phải “phục vụ tập thể bần nông”.
Sau khi cơm no, rượu say, Chủ tịch Hội Bần nông và dân quân, tất cả 12 tên, luân phiên cường hiếp chị Tiêu khi ấy đang mang thai 3 tháng. Xong xuôi. Nghĩa không quên thực hiện “chính sách của ĐCSTQ”: cho dân quân khiêng nạn nhân đã ngất xỉu đến nhà bần nông Trần Nguyệt Cao, buộc chị làm vợ người nông dân già độc thân này.
Cô giáo Chu Quần ở Đại đội sản xuất Hoành Lĩnh xuất thân bần nông, kết hôn với Tưởng Hán Chính xuất thân địa chủ, họ đã có với nhau ba mặt con. Tưởng Hán Chính bị bắt ngay hôm đầu. Đêm 26-8-1967, Bí thư chi bộ Đường Hưng Hạo cùng Tiểu đoàn trưởng dân quân Tưởng Văn Minh xông vào nhà bắt chị Chu đưa ra sân kho. Tại đây chị thấy dân quân mang súng, mã tấu đang quây tròn quanh 14 người đều là con cháu địa chủ, phú nông, họ đều bị trói giật cánh khuỷu bằng dây thép. Đường hạ lệnh dẫn họ lên núi Mộc Phong, nơi có nhiều hang sâu hàng chục mét. Dọc đường, có người nhắc Bí thư chi bộ vợ chồng Tưởng Hán Chính-Chu Quần còn ba trẻ nhổ, y cho người quay lại bắt cả ba đứa mang theo. Tới nơi, y bắt mọi người đứng im không được nhúc nhích, rồi tuyên bố: “Chúng tao là Toà án tối cao của bần nông, hôm nay tuyên án xử tử hình tụi bay!” Bí thư chi bộ bắt đầu đọc tên, lần lượt giết từng người một.
Lối hành hình của chúng mang “đặc sắc bản địa”: bắt nạn nhân quỳ bên miệng hang, dùng xà beng quật vào sau não cho gục xuống, rồi đạp xuống hang… Người thứ 3 là Tưởng Hán Chính, anh sợ hãi không lê nổi đôi chân, bị dân quân lôi đến cửa hang. Mấy đứa trẻ sợ quá, vừa khóc, vừa la hét. Người thứ 4 là thầy thuốc Đông y Tưởng Văn Phàm, ông ung dung xin ngụm nước để đi vào cõi chết. Dân quân quát: “Làm gì có nước cho mày uống?”. Ông nói: “Trước khi chết tôi xin ngụm nước có gì quá đáng đâu, ngày xưa khi chặt đầu còn cho 3 chiếc bánh bao nóng!” Vừa nói xong đã bị đạp xuống hang sâu.
Người thứ 8 là Chu Quần. Ba đứa trẻ nhìn mẹ bị hại, khóc lóc thảm thiết. Không biết ngất đi trong bao lâu, Chu Quần bỗng thấy tiếng gọi mẹ văng vẳng bên tai. Tỉnh lại, chị thấy đứa con gái 8 tuổi nằm bên, thì ra mấy cháu cũng bị ném xuống hang theo mẹ. Nhờ đống xác người bị giết trước, hai mẹ con chị sống sót. Chị bảo con cởi trói cho mình. Hôm sau, những kẻ giết người phát hiện dưới hang còn người sống sót, liền ném đá xuống. Hai mẹ con từ tầng trên rơi xuống tầng dưới nơi có những góc chết. Chị phát hiện chồng và hai đứa con trai nằm ở đó. Cả nhà may mắn thoát chết, một cuộc đoàn tụ hiếm hoi và thảm thương trên đống xác người dưới hang sâu tối tăm, lạnh lẽo. Anh Tưởng đã hoảng loạn, sợi dây thép trói chặt quá không làm sao cởi ra nổi, anh đi đi lại lại trên đống xác người, miệng lảm nhảm như mê sảng. Chẳng biết mấy ngày đêm qua đi, cả ba đứa trẻ lịm dần tất thở. Anh Tưởng khát, chị Chu lấy áo thấm vào vũng nước trộn máu, vắt ra cho chồng uống, Song anh không nuốt nổi, gục đầu xuống lìa đời. Sau nhờ hai học sinh đến cứu, chị thoát chết, và vụ giết người rùng rợn này mới có ngày được phơi trần.
Theo tư liệu điều tra của tỉnh Hồ Nam, trong 66 ngày từ 13-8 đến 17-10-1967, huyện Đạo có 4.519 người thiệt mạng, gồm 4.193 người bị giết, 326 người bị buộc phải tự sát.
Trong cơ cấu chính trị đương thời, số “tiện dân” nghe nói chiếm 5% này hoàn toàn không phải có thể có hoặc không, mà nhất thiết phải có. Đó là chiến lược quan trọng để ổn định 95% kia. Ý nghĩa của hòn đá đệm chân này là: có thể làm cho càng nhiều người về tinh thần say sưa với vị trí “người thống trị” mà mà quên mất cảm giác bị trị, cảm thấy mình may mắn thuộc 95% và lo sợ bị rơi vào 5% kia, từ đó được cân bằng tâm lý trong sợ hãi. Nó khiến đông đảo công chúng dịu đi nỗi đau thiếu thốn vật chất và sự nghẹt thở về tinh thần. Đó là lý do vì sao sau cải cách ruộng đất, Mao Trạch Đông vẫn nhấn mạnh “lấy đấu tranh giai cấp làm then chốt”, kích động sự đối lập giai cấp ở nông thôn.
Chương 27
Mao Trạch Đông chơi trò chính trị lưu manh
Chương này kể lại việc Mao Trạch Đông bức hại Bành Đức Hoài và Hạ Long, hai vị nguyên soái từng lập công rất lớn trong chiến tranh giải phóng, là bạn chiến đấu trung thành của Mao. Khi đã quyết tâm mượn tay Hồng vệ binh đẩy hai người vào chỗ chết thảm khốc, Mao vẫn giả dối tỏ ra quan tâm và tin cậy họ.
( Còn nữa )
Tác giả: Tân Tử Lăng
Thông Tấn Xã Việt Nam dịch và in 2009
Thông Tấn Xã Việt Nam dịch và in 2009
Khánh Hà s.t
No comments:
Post a Comment