Tất cả các gương mặt kể trên năm nay đều đã ngoài 60 tuổi, họ sinh trưởng và vào nghề hầu như trong cùng một thời điểm. Ngoại trừ trường hợp của Adamo, thành danh vào năm 1964, tức là 4 năm sớm hơn các đồng nghiệp, các nghệ sĩ còn lại nổi tiếng từ cuối những năm 60, đầu thập niên 70 trở đi.
Trong số các nam danh ca cùng trang lứa, Julien Clerc (sinh năm 1947) có phong cách đào hoa hơn cả. Hay ít ra đó là hình ảnh mà anh để lại trong lòng người mến mộ : vóc dáng chải chuốt, tướng mạo điển trai, do anh chuyên hát nhạc tình, nên đa số thành phần hâm mộ anh đều là phái nữ. Julien Clerc vào nghề ca hát từ năm 1968, thu hút sự chú ý của người nghe nhờ vào vở ca nhạc kịch Hair (Tóc Dài).
Anh từng là bạn đời của (diễn viên Miou Miou và nhất là) thần tượng nhạc trẻ France Gall ca sĩ. Hai người chung sống trong vòng 7 năm, rồi chia tay nhau vào năm 1974. Vào thời đó, Julien Clerc đã viết France Gall một ca khúc giả từ tuyệt đẹp. Đó là bài Souffrir par toi n'est pas souffrir, có nghĩa là Đau khổ vì em không phải là đau khổ. Julien Clerc chủ yếu soạn nhạc nhưng ít khi viết ca từ, anh thường mời các tác giả khác đặt lời dùm anh. Nhờ vào sự hợp tác ấy mà dòng nhạc của Julien Clerc tuy là nhạc nhẹ, nhưng lại sang trọng qúy phái, ca từ bài hát khi thì mộc mạc bình dị, lúc thì bóng bẩy trau chuốt.
Trong 5 ca khúc phối hợp thành nửa phần đầu album, Julien Clerc đã mời đến sự hợp tác của những tài năng mới (Alex Beaupain, Julien Doré, Mike Ibrahim...), ca từ trẻ trung, nhịp điệu sôi động hơn, nhưng người ca sĩ có vẻ như chưa quen với cái lớp áo mới mà người ta vừa khoác lên vai anh. Ngược lại từ ca khúc thứ 6 trở đi cho đến cuối tập nhạc, Julien Clerc tìm lại các tác giả quen thuộc của anh như Maxime Le Forestier, Gérard Duguet-Grasser, Jean-Loup Dabadie, Gérard Manset … và như vậy tha hồ mà nối lại với sở trường hát nhạc tình của anh. Fou peut-être : dường như chỉ có tựa đề mới gợi ý điên cuồng, chứ nhìn chung album này tuy có chất lượng, nhưng chẳng có gì là táo bạo cả.
Về phần mình, nam danh ca Adamo (sinh năm 1943) cho phát hành một tập đĩa đôi bao gồm hai album mà anh đã trình làng trong thời gian 2008-2010. Ngoài các ca khúc được tái bản, album này còn có thêm một số ca khúc mới. Nổi danh trong làng nhạc Pháp từ năm 1964, tức là cùng thời với các thần tượng nhạc trẻ, nhưng Adamo không bao giờ thuộc về trào lưu này (phong trào yé yé). Vào thời mà hầu như tất cả các ca sĩ chạy theo mốt hát nhạc rock và nhạc twist, Adamo chủ yếu hát nhạc tình nhưng với nhịp điệu của những thập niên về trước như tango hay rumba.
Từ những năm 1980 trở đi, khán giả Pháp tưởng rằng anh đã giải nghệ vì ít còn thấy anh xuất hịên trên đài truyền hình, nhưng thật ra Adamo vẫn tiếp tục sáng tác ghi âm và đi hát. Bằng chứng là cho tới nay anh đã có tới 26 album, trong đó có 17 tập nhạc được ghi âm ở studio, cứ khoảng ba năm là cho ra mắt một lần. Adamo tiếp tục ghi âm và lưu diễn nhờ vào một lượng fan trung thành với anh từ khi nam ca sĩ khởi đầu sự nghiệp ca hát. Nếu như ở Pháp, khán thính giả ở Pháp ít còn được dịp xem anh ở trên sân khấu, thì ngược lại, Adamo tiếp tục đi diễn ở Bỉ, Thụy Sĩ và Canada.
Những ngày lễ cuối năm nay đánh dấu ngày trở lại của ca sĩ Gérard Lenorman sau gần hai thập niên vắng bóng. Tầm vóc của anh có thể không bằng các danh ca như Alain Souchon hay Maxime Le Forestier, nhưng Gérard Lenorman là một trong những giọng hát ăn khách nhất thập niên 70. Anh ban đầu lấy nghệ danh là Gérard Aumard nhưng sau đó giữ lại tên thật Lenorman vì anh sinh trưởng tại vùng Normandie.
Gérard Lenorman sáng tác ca khúc đầu tay năm lên 12, rồi bắt đầu đi hát năm anh 16 tuổi. Đến Paris lập nghiệp, anh tình cờ gặp thần tượng điện ảnh Brigitte Bardot năm 1968. Vào thời đó ngôi sao màn bạc này vừa đóng phim, vừa ca hát, cho nên mới nhờ tác giả này viết cho cô hai ca khúc. Nhưng sự nghiệp của Gérard Lenorman chỉ thật sự cất cánh vào năm 1970 khi anh thay thế ca sĩ Julien Clerc để đóng vai chính trong vở ca nhạc kịch Hair. Cả hai ca sĩ này có cùng một lối rung giọng (vibrato), luyến láy như nhau.
Từ đó trở đi và trong vòng 10 năm liền, Gérard Lenorman thành công với một loạt ca khúc dễ nghe dễ nhớ, trong đó có các bài như Les matins d’hiver (Những buổi sáng mùa đông - 1971),Quelque chose et moi (Một chút gì đó và ta -1972), La fête des fleurs (Ngày hội muôn hoa – 1973), La ballade des gens heureux (Dạo khúc của những người hạnh phúc – 1975), Gentil dauphin triste (tạm dịch là Cá cũng biết buồn - 1976), Un ami (Một người bạn – 1977).
Trong tháng này, sau nhiều năm vắng bóng trong các chương trình truyền hình, Gérard Lenorman xuất hiện trở lại với tập nhạc Duo de mes chansons tập hợp 13 ca khúc nổi tiếng nhất của anh ghi âm lại với các ca sĩ thịnh hành hiện nay. Nếu như Gérard Lenorman trở lại dưới ánh đèn sân khấu, thì nam ca sĩ Alain Souchon trở về với tuổi thơ trong tập nhạc mang tựa đề À cause d’elles mà anh vừa cho ra mắt. Tập nhạc này dựa trên một ý tưởng chủ đạo xuyên suốt (album concept) : gợi lại tuổi thơ với những bài hát của lứa tuổi học trò, nếu không nói là ca khúc thiếu nhi. Tại Pháp, những bản nhạc như Le Bois Joli (Khu rừng xinh xắn), L'Hirondelle(Cánh chim én), Le Petit Grégoire (Cậu bé Grégoire), Les Enfants Sages (Những đứa trẻ ngoan hiền) thường là những bài hát mà thầy cô dạy cho các em ở trường lớp, cấp tiểu học hay mẫu giáo.
Ngoại trừ ba ca khúc được xem như là sáng tác riêng (Le Jour et la Nuit - Ngày và đêm, À cause d’elles - Bởi vì những giai điệu ấy, J’ai dix ans - Năm tôi lên mười), phần lớn còn lại của album này đều rất quen thuộc với các em nhỏ tuổi. Nam danh ca Alain Souchon khi ghi âm lại những ca khúc này không có tham vọng nào khác ngoài việc gây quỹ từ thiện để giúp đỡ các trẻ em bị bệnh ung thư. Toàn bộ tập nhạc được minh hoạ bằng những bức vẽ của hoạ sĩ nổi tiếng Sempé, cha đẻ của loạt truyện tranh Le Petit Nicolas mà gần đây đã được chuyển thể lên màn ảnh lớn. Song song với ‘‘album mới’’ này, Alain Souchon còn cho tái bản một bộ đĩa gồm toàn là những ca khúc chọn lọc, trong đó có khá nhiều nhạc phẩm rất quen thuộc do nhóm sáng tác (cặp bài trùng) Alain Souchon và Laurent Voulzy hoà âm phối khí lại.
Cũng như ca sĩ Adamo, Michel Delpech nổi danh từ năm 1964 (năm anh 17 tuổi). Do chưa đủ tuổi thành niên cho nên vào thời đó, anh phải có sự đồng ý của cha mẹ để có thể ký hợp đồng ghi âm. Sự nghiệp của anh cất cánh thật nhanh để rồi kéo dài trong hai thập niên liền từ năm 1964 đến 1984. Michel Delpech thường được gọi là ca sĩ của những đĩa đơn, vì trong suốt sự nghiệp của mình anh chỉ ghi âm có 13 album nhưng lại có đến hơn 30 ca khúc ăn khách trong số 46 đĩa đơn anh cho phát hành, đều lọt vào Top Ten.
Trên đà thành công, Michel Delpech dần dà xa lánh ánh đèn sâu khấu từ giữa những năm 1980 trở đi chủ yếu vì lý do sức khoẻ. Hôn nhân đổ vỡ, gia đình tan vỡ khiến cho anh lâm chứng trầm cảm. Điều mà anh nói rất rõ trong quyển hồi ký mang tựa đề L’homme qui avait construit sa maison sur le sable (Người xây nhà trên cát).
Michel Delpech ngưng lưu điễn nhiều năm liền, chỉ khi nào thật sự có hứng thfi anh mới vào phòng ghi âm. Điều đó giải thích từ năm 1984 đến năm 2004, ca sĩ này thỉnh thoảng mới cho ra mắt một đĩa hát, cứ 5 năm một lần nhưng không còn ăn khách như trước. Mãi đến năm 2006, tức là sau gần hai thập niên vắng bóng, nam danh ca này mới xuất hiện trở lại trên sàn diễn.
Chính anh là người đã tạo ra phong trào các album song ca khi trình bày lại các bài hát tủ của mình với một loạt ca sĩ khác (Aznavour, Adamo, Lenorman sau đó đều trình làng những album tương tự). Cuối năm nay, Michel Delpech cho ra mắt cùng lúc hai bộ toàn tập : bộ đầu tiên bao gồm tất cả các album mà anh đã ghi âm từ trước tới nay. Bộ thứ nhì bao gồm 100 ca khúc ưng ý nhất của nam danh ca với ca khúc trích đoạn đầu tiên với tựa đề rất hóm hĩnh : Quand j’étais chanteur tạm dịch là Nhớ lại thời ta làm ca sĩ.
http://www.viet.rfi.fr/van-hoa/20111210-tu-julien-clerc-den-adamo-ngay-tro-lai-cua-cac-danh-ca-phap
No comments:
Post a Comment