Tuesday, December 6, 2011

06/12 Mỹ, Israel đã bí mật tấn công Iran?


Thứ ba, 6/12/2011, 10:50 GMT+7

Những vụ tấn công nhằm vào các nhà khoa học và căn cứ hạt nhân của Iran khiến giới phân tích tin rằng Mỹ và Israel đang tiến hành những chiến dịch phá hoại bí mật trên lãnh thổ Iran.
Iran sẵn sàng cho chiến tranh

Tại một căn cứ quân sự của Iran cách thủ đô Tehran 30 dặm về phía tây, các kỹ sư đang nghiên cứu về một loại vũ khí mà tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang của họ quảng cáo “sẽ là quả đấm mạnh vào mõm đối phương.”
Nhưng một vụ nổ lớn bất ngờ tại căn cứ của lực lượng Vệ binh Cách mạng vào ngày 12/11đã san bằng hầu hết các tòa nhà. Các quan chức chính phủ thông báo rằng vụ nổ khiến 17 người tử vong, trong đó có người sáng lập chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, tướng Hassan Tehrani Moghaddam.
Tehran nói vụ nổ này là một tai nạn. Có lẽ đó là một tai nạn.
Trải qua nhiều thập kỷ chịu lệnh trừng phạt quốc tế, Iran phải vật lộn để có được công nghệ và các phụ tùng thay thế cho các chương trình quân sự và công nghiệp dân dụng. Những khó khăn này dẫn tới hậu quả là một số cơ sở của Iran rơi vào tình trạng có điều kiện làm việc nguy hiểm.
Tuy nhiên, nhiều cựu quan chức tình báo Mỹ và các chuyên gia Iran tin rằng vụ nổ này có sức phá hủy lớn nhất trong số ít nhất hàng chục vụ nổ chưa rõ nguyên nhân trong vòng hai năm qua. Đồng thời nó chỉ là một phần trong nỗ lực ngầm của Mỹ, Israel và các nước khác nhằm vô hiệu hóa chương trình hạt nhân và tên lửa của Iran. Mục tiêu, theo các chuyên gia, là để loại bỏ điều mà phương Tây cho là khả năng vũ khí hạt nhân của Iran.
“Có vẻ như đây là một hình thức chiến tranh của thế kỷ 21,” Patrick Clawson, giám đốc cơ quan Sáng kiến An ninh Iran thuộc Viện chính sách cận Đông, Washington, nói. “Có vẻ như đang tồn tại một chiến dịch các vụ ám sát và chiến tranh mạng, cũng như những nỗ lực phá hoại bán công khai".
Tên lửa Jericho, loại mà Israel được cho là đã triển khai bổ sung trong thời gian gần đây, khi căng thẳng với Iran lên cao. Ảnh:
Tên lửa đạn đạo Jericho, loại mà Israel được cho là đã triển khai bổ sung trong thời gian gần đây, khi căng thẳng với Iran lên cao. Ảnh: RT
Theo các cựu quan chức tình báo, trong nhiều năm qua, Mỹ và các đồng minh đã tìm cách cản trở chương trình vũ khí của Iran bằng cách bí mật cung cấp các thiết bị kém chất lượng hay các phần mềm lỗi. Mặc dù chưa một ai có bằng chứng rõ ràng của những sự phá hoại này, những năm gần đây chương trình hạt nhân của Iran đã gặp nhiều khó khăn.
Art Keller, một cựu nhân viên tình báo của CIA phụ trách về vấn đề Iran cho biết: “Nhiệm vụ công khai của bộ phận chống phổ biến vũ khí hạt nhân của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ là làm chậm… chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iran.”
Iran khẳng định rằng chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm mục đích dân sự.
Nhiều chuyên gia phương Tây tin rằng, vào năm 2010, các kỹ sư Mỹ và Israel đã bí mật cài đặt một loại vi rút máy tính có tên là Stuxnet vào trong chương trình hạt nhân của Iran. Vi rút này đã phá hủy các máy quay ly tâm dùng để làm giàu uranium. Chính phủ Mỹ và Israel đều không thừa nhận có liên quan đến các vụ tấn công mạng này.
Cũng không có ai lên tiếng nhận trách nhiệm sau vụ hai nhà vật lý hạt nhân cấp cao của Iran bị sát hại bởi những quả bom cài trong xe ô tô hoặc gần nơi để xe máy của họ vào tháng một và tháng mười một năm ngoái.
Tuần trước, khi những người Iran biểu tình đạp phá đại sứ quán Anh ở Tehran, họ đã giơ cao ảnh của các nhà khoa học bị sát hại. Sau vụ bạo loạn này, London đã rút các nhà ngoại giao về nước và trả đũa bằng cách trục xuất toàn bộ nhân viên ngoại giao sứ quán Iran tại Anh. Các nước châu Âu tăng cường những biện pháp trừng phạt với Iran.
Cũng giống như các vụ ám sát, những vụ nổ này thu hút sự quan tâm đặc biệt của các viện nghiên cứu ở Washington, nơi các nhà quan sát Iran ngày ngày cũng đang theo dấu những vụ nổ đường ống dẫn khí, cơ sở sản xuất dầu mỏ và căn cứ quân sự của Cộng hòa Hồi giáo.
Trong tháng 10, các cơ quan báo chí Iran công bố rằng đã xảy ra ba vụ nổ trong khoảng thời gian 24 giờ. Các vụ nổ đã khiến hai người chết. Một công bố về một vụ nổ lớn khác xảy ra tuần trước ở Esfahan, thành phố lớn thứ ba ở Iran.
Một số nhà phân tích nghi ngờ rằng CIA và Mossad, cơ quan tình báo của Israel có liên quan đến vụ nổ này. Ngoài ra có thể có sự trợ giúp của MEK, một nhóm phản động Iran đã bị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa vào danh sách tổ chức khủng bố mặc dù tổ chức này có nhiều đồng minh trong cơ quan thiết lập chính sách ngoại giao Washington. Tổ chức này đặt ở Iraq nhưng bị nghi ngờ rằng nó có liên hệ với các mạng lưới những người chống đối chính phủ Iran.
Iran tuyên bố họ đã bắt được hàng chục nhân viên tình báo của CIA trong những tháng gần đây. Mỹ cũng thừa nhận rằng có một số nhân viên tình báo của họ ở Iran bị lộ. Nhưng thông tin về việc những người này đã làm gì, ở đâu, đều không được công bố. Trong tháng 10, các quan chức Mỹ thông báo là họ phát hiện một âm mưu của Iran trong việc ám sát đại sứ Arab Saudi ở Washing ton.
Một số nhà phân tích tỏ ra thận trọng trước những đồn đoán rằng CIA đã tổ chức tất cả các cuộc tấn công nhắm vào Iran, bởi họ cho rằng luận điểm đó đưa CIA lên quá cao. Nhưng điều này không ngoại trừ những hỗ trợ của Mỹ đối với các tổ chức gián điệp đồng minh ở châu Âu hay các tổ chức ở Trung Đông nhằm vào Iran. Mặc dù vậy tất cả vẫn chỉ là phỏng đoán và không hề có một bằng chứng rõ ràng nào.
Một chuyên gia mạng từng cộng tác chặt chẽ với cơ quan tình báo Mỹ tin rằng Israel, chứ không phải Mỹ, khởi xướng vụ tấn công bằng vi rút Stuxnet. Lý do chuyên gia này giải thích là các công tố viên của chính phủ Mỹ không đời nào cho phép phát tán vi rút máy tính, bởi cuộc tấn công này có thể vượt ra ngoài mục tiêu đã định, theo cách đã xảy ra với vi rút Stuxnet.
Khó mà xác định được liệu Nhà Trắng có cho phép tiến hành các cuộc ám sát nhắm vào các nhà khoa học Iran hay không. Một sắc lệnh được tổng thống Reagan ký năm 1981 đã cấm các cơ quan chính phủ Mỹ tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các vụ ám sát, mặc dù thời hạn hiệu lực của sắc lệnh này không được xác định. Trên thực tế Tổng thống Obama đã cho phép tiêu diệt các thành viên Al Qaeda và các phiến quân bị nghi ngờ khác, bao gồm ít nhất là một công dân Mỹ ở Yemen.
Một số nhà phân tích nhận định rằng Mỹ không đời nào ủng hộ một chiến dịch đánh bom giống như vụ đánh bom đã khiến nhiều công nhân Iran ở các nhà máy lọc dầu và một số khu vực dân sự khác tử vong. Nếu Mỹ đã thực hiện điều này có nghĩa là Mỹ đã tài trợ cho tổ chức khủng bố, một cáo buộc mà Washinton luôn gán cho Tehran.
“Tôi không tin là Mỹ có liên quan đến cả vụ ám sát các nhà khoa học lẫn các vụ tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran,” ông Greg Thielmann, một cựu quan chức tình báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, người đã phát hiện ra những yếu kém của thông tin tình báo của chính quyền George W. Bush trước cuộc tấn công Iraq vào năm 2003, cho biết. “Việc bán các thiết bị có chất lượng kém và cung cấp phần mềm gián điệp - theo tôi, không có vẻ là những việc mà Cơ quan hoạt động tình báo Mỹ đã thực hiện.”
Reuel Marc Gerecht, cựu nhân viên CIA chuyên về Iran, nói ông không tin rằng CIA có thể tổ chức các chiến dịch phá hoại bí mật tinh vi từ bên trong Iran, bởi từ năm 1979 Mỹ đã không mở văn phòng đại sứ quán của mình ở nước này. “Tôi nghĩ việc cố gắng duy trì và tổ chức một nhóm phi quân sự hoạt động bí mật bên trong Iran là điều nằm ngoài khả năng tình báo của Mỹ,” Gerecht nói.
Không rõ ai là người đứng sau những vụ nổ không rõ nguyên nhân, những vụ ám sát chư tìm ra thủ phạm, những con sâu máy tính nham hiểm, nhưng tin tức về những thứ như thế rõ ràng đã có tác động tới người dân Iran, đặc biệt là những người làm trong chương trình hạt nhân và tên lửa. Và đó là một sự phá hoại nghiêm trọng, theo đánh giá của các chuyên gia. "Nếu anh làm việc ở đó, anh sẽ luôn nghi ngờ, luôn không chắc chắn, thậm chí luôn tự hỏi mình có được nói chuyện với đồng nghiệp hay không", Clawson bình luận.
Cao Thu (theo L.A Times)

No comments:

Post a Comment