Wednesday, November 30, 2011

Tò mò, học sinh 'khám phá' trong nhà nghỉ


Thứ tư, 30/11/2011, 18:22 GMT+7

TS Nguyễn Thị Hoa (Viện tâm lý học) cho rằng, sau dậy thì cảm nhận về giới tính của học sinh càng sâu sắc. Vì tò mò các em có thể vào nhà nghỉ để "khám phá".
Học sinh 'kẹp 3', đầu trần phi xe máyNhững sát thủ vị thành niênThiếu niên 16 tuổi truy sát gia đình ông chủ

Sáng 30/11, tại hội thảo vi phạm pháp luật và đạo đức trong học sinh thủ đô, đại tá Nguyễn Đức Chung (Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội) cho biết, tình trạng vi phạm pháp luật và phạm tội trong học sinh, sinh viên ở thủ đô ngày càng gia tăng cả về số lượng và tính chất, mức độ nghiêm trọng.
Theo thống kê, từ năm 2008 đến nay, thành phố đã phát hiện, xử lý 968 em còn ngồi trên ghế nhà trường vi phạm pháp luật hình sự. Hành vi bạo lực trong học đường thời gian qua cũng có chiều hướng gia tăng, số vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài nhà trường ở thành phố là 177.
Ông Chung thông tin, vi phạm của học sinh, sinh viên chủ yếu là xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người như giết cướp, cố ý gây thương tích, hiếp dâm… Nhiều vụ học sinh nữ đánh nhau, lột quần áo, dùng điện thoại ghi hình rồi phát tán lên mạng gây tâm lý hoang mang, lo ngại cho phụ huynh và bức xúc trong dư luận.
Lứa tuổi học đường còn tham gia các ổ nhóm cướp giật, trộm cắp tài sản; gây rối trật tự công cộng, tụ tập thành băng nhóm, dùng dao, kiếm… để giải quyết mâu thuẫn. Từ năm 2010 đến nay, thành phố đã xảy ra 42 vụ học sinh tụ tập đánh nhau gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó có 2 vụ giết người. Nguyên nhân chỉ vì những mâu thuẫn rất nhỏ trong sinh hoạt và học tập.
Học sinh mặc đồng phục, để đầu trần đi xe máy chở 3 không còn là cảnh hiếm gặp ở thủ đô. Ảnh: Hoàng Hà.
Ngoài ra, một bộ phận học sinh còn vi phạm các quy định về pháp luật giao thông: như đua xe, cổ vũ đua xe trái phép. Gần đây một số học sinh, sinh viên đã tham gia lập diễn đàn, blog kêu gọi biểu tình, phát tán clip có nội dung phản cảm mang tính bạo lực và tình dục.
Ông Phạm Văn Hậu, Phó trưởng phòng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt cung cấp thêm, nhiều học sinh đi xe máy không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng, đi vào đường cấm, đường ngược chiều... Ngoài ra số đông học sinh đi học bằng xe đạp thường đi không sát đường bên phải, dàn hàng ngang nói chuyện gây cản trở giao thông.
TS Nguyễn Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tâm lý học (Viện tâm lý học) cho rằng, thanh niên ở độ tuổi THPT rất thích làm người lớn bởi các em chỉ nhìn thấy nhiều cái “được” ở người lớn như muốn đi đâu, làm gì không phải xin phép, làm sai không sợ mắng, có nhiều “quyền hành”… mà không thấy hết những cái “thiệt thòi”, vất vả của họ.
Cảm nhận và mong muốn được làm người lớn của thanh niên học sinh là một trong những yếu tố tâm lý gây ra mâu thuẫn trong quan hệ với cha mẹ. Các em muốn làm người lớn, nhưng chưa đủ điều kiện để trở thành người lớn thực sự, còn cha mẹ quen với suy nghĩ con cái chỉ là những đứa trẻ. Mâu thuẫn dẫn đến các hành vi chống đối như đua xe, phạm tội. Điều này có xu hướng tăng ở độ tuổi 12-16.
TSKH Đoàn Hương cho rằng không nên mãi xem học sinh là trẻ con. Ảnh: Hoàng Thùy.
Sau thời kỳ dậy thì, các em dù ở giới nào đều cảm nhận rõ ràng về giới tính của mình nên nhu cầu được thể hiện và được khẳng định trước những người bạn khác giới rất mạnh. Đáng lưu ý, trong nhiều trường hợp, sự có mặt của bạn khác giới là động lực thúc đẩy hành vi không bình thường của các em. Biểu hiện này được thể hiện rất rõ qua hành vi đua xe trái phép của thanh niên.
“Tình yêu đôi lứa ở thanh niên học sinh là tình cảm trong sáng và vô cùng mãnh liệt. Độ tuổi này các em thường tò mò, thích khám phá nên thường không lường hết được hậu quả, rủ nhau khám phá trong nhà nghỉ, khách sạn. Các em muốn cảm nhận cuộc sống như người lớn vì nghĩ rằng người lớn làm được thì mình cũng làm được. Đó là nguyên nhân dẫn đến nhiều hành vi sai trái”, bà Hoa phân tích.
TSKH Đoàn Hương thì cho rằng, để xảy ra nhiều trường hợp vi phạm pháp luật và đạo đức ở tuổi học trò lỗi trước hết ở người lớn. Học trò hiện nay chỉ 5-6 năm nữa sẽ bước vào xã hội, 15 năm nữa các em có thể trở thành những người lãnh đạo đất nước.
“Chúng ta đừng nhìn nhận các em là trẻ em nữa mà hãy xem đó là những người chủ tương lai. Bản thân học sinh cũng đừng coi mình là trẻ con nữa, phải lớn lên vì các em phải gánh vác vận mệnh đất nước. Lớp trẻ cũng phải tự định hướng được hành động và suy nghĩ của mình, nếu không như con tàu đi mà không có la bàn” TSKH Đoàn Hương nhắn nhủ.
Phó Giám đốc công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đồng tình, học sinh có những hành vi trên nguyên nhân trước hết là từ phía cha mẹ bởi môi trường sống trong gia đình có tác động đầu tiên và ảnh hưởng sâu sắc tới quá trình phát triển nhân cách của các em. Bên cạnh đó, việc quản lý học sinh trong các nhà trường còn nhiều thiếu sót, một phần do tác động của xã hội và cũng từ chính người vi phạm không suy nghĩ chín chắn.
"Chúng ta cần tăng cường vai trò của gia đình với ý nghĩa là rào cản của hiện tượng vi phạm pháp luật của học sinh, sinh viên. Đồng thời xây dựng hệ thống phòng ngừa liên hoàn giữa 3 môi trường: gia đình - nhà trường - xã hội", ông Chung đề xuất.
Phó trưởng phòng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Phạm Văn Hậu kiến nghị cơ quan chức năng cần quy định rõ trách nhiệm đối với các trường, giáo viên chủ nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông, bạo lực học đường, coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm.
Hoàng Thùy
 
Trò chơi bạo lực
Các năm gần đây, phim ảnh, trò chơi game, đặc biệt là các đồ chơi đao kiếm, súng bắn đầy rẫy ngoài đường. Ba mẹ thường thương con nên mua những thứ này cho trẻ em chơi. Việc vung đao múa kiếm càng lớn càng dạng tay, nên khi lớn, chúng nó rất dễ làm thật. Khi có sự cố mà không cần suy nghĩ. Đề nghị nên cấm bán các văn hóa phẩm trên thì một phần nào giảm việc trẻ em vị thành niên đánh nhau.
  
cần xem lại
Không thể nói : "đừng nhìn nhận các em là trẻ em..." Vấn đề là người lớn phải làm gì để hạn chế những biểu hiện lệch lạc ở tuổi sắp lớn.
  
Vậy giải pháp là gì?
Nhận xét nêu trên là hiện thực mà ai cũng biết. Điều mọi người quan tâm chính là giải pháp, xã hội, nhà trường, phụ huynh, các nhà chức trách cần làm gì, cần có biện pháp gì để giải quyết vấn đề này. Học sinh, sinh viên là nền tảng của đất nước, ai cũng nhìn nhận như thế, ai cũng phát biểu như thế. Liệu để thế hệ nền tảng ấy hỏng ngay từ đầu, thì sau này còn làm ăn được gì nữa.
  
Phụ huynh nên xem lại đi
Giờ tôi 23tuổi, đã có công việc ổn định. Đã từng 1 thời bước qua cái tuổi muốn làm người lớn ấy rồi. Để bây giờ nhìn lại, chưa 1 lần tôi muốn trở về cái thời mà mình muốn làm gì cũng không được cái gì cũng phải ba với mẹ. Đúng là bây giờ phải lo toan nhiều thứ hơn nhưng mình được làm những điều mình muốn, được tự do. Điều tôi muốn nói là phụ huynh xem lại cách dạy con và quản con của mình đi. Toàn là thấy hậu quả rồi đổ lỗi lên “con nít”, rồi thì hối hận, thật sự nhìn vậy tôi thấy giả tạo lắm vì lúc “con nít” nói thì chả người lớn nào thèm nghe.
  
Góp ý
Vào khoảng thập kỷ 70 hay 80, các hiện tượng như kiểu thầy giáo đưa học sinh vào nhà nghỉ hay học sinh đưa học sinh vào nhà nghỉ là chuyện hiếm có hay chưa có. Nhưng nay thì chuyện này là chuyện bình thường. Đừng nói đến cơ quan chức năng mà ngay cả gia đình bố mẹ cũng không quản lý được vì quá nhiều và sảy ra quá thường xuyên. Gia đình là gốc rễ của XH, nhà trường là nơi học được giáo dục về văn hóa và đạo đức. Chúng ta đang bị lỗi hệ thống mất nhiều thế hệ và để sửa chữa rõ ràng không phải là chuyện một sớm một chiều mà cần 30 năm, 50 năm hoặc nhiều hơn nữa. Đó là mặt trái của kinh tế phát triển nếu trong quá trình phát triển kinh tế mà ta không chú ý thì sẽ phải trả giá. Trong quá trình phát triển kinh tế nó sẽ khiến ta phải trả giá nhiều hơn nữa nếu quan tâm và khắc phục ngay lập tức. Nó cần sự thay đổi quan niệm trong cả một thế hệ con người.
  

No comments:

Post a Comment