Saturday, November 12, 2011

12/11 Hoàn toàn tin tưởng Việt Nam sẽ hoàn thành được các mục tiêu về phòng, chống HIV/AIDS


07:53 | 12/11/2011

Với chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay là “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”, quyền Giám đốc Chương trình Phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) tại Việt Nam VLADANKA ANDREEVA khẳng định, trong 10 năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc ngăn chặn lây lan của HIV và điều trị cho những người sống với HIV. Định hướng của các ứng phó quốc gia phòng, chống HIV đều được hoạch định phù hợp với hình thái dịch HIV tại Việt Nam; hoàn toàn tin tưởng Việt Nam sẽ hoàn thành được các mục tiêu về phòng, chống HIV/AIDS.

Quyền Giám đốc Chương trình Phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) tại Việt Nam VLADANKA  ANDREEVA phát biểu tại Lễ phát động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS
Trong Tuyên bố chính trị phòng chống HIV/AIDS của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm 2011 nêu rõ, tăng cường mạnh mẽ nỗ lực của chúng ta để xóa bỏ HIV/AIDS, khẳng định lại quyền tự chủ tối cao của các quốc gia thành viên như đã quy định trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc và nhu cầu của tất cả các quốc gia nhằm thực hiện các cam kết và những lời hứa trong tuyên bố, phù hợp với luật pháp quốc gia, các ưu tiên phát triển của quốc gia và các quyền con người theo quy định quốc tế.
Nhận thức được mặc dù HIV/AIDS đang ảnh hưởng đến từng khu vực trên toàn thế giới, nhưng dịch HIV tại mỗi quốc gia lại có những hình thái đặc trưng về xu hướng của dịch, tính dễ tổn thương, các yếu tố làm dịch thêm trầm trọng và các nhóm bị ảnh hưởng… Năm 2011, đánh dấu 30 năm kể từ khi dịch AIDS bắt đầu khởi phát trên toàn cầu, cũng là năm khởi sự cho một giai đoạn mới của những nỗ lực phòng, chống AIDS. Đây là thời điểm Việt Nam cùng toàn thế giới cam kết tập trung hoàn thành một mục tiêu đầy tham vọng: “Thực hiện được ba không: không còn các ca nhiễm mới HIV, không còn các ca tử vong vì AIDS, không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến AIDS”. Tầm nhìn của việc thực hiện mục tiêu ba không được thể hiện tại “Tuyên bố chính trị về phòng, chống HIV/AIDS: Tăng cường mạnh mẽ nỗ lực của chúng ta để xóa bỏ HIV/AIDS”. Tuyên bố này được Việt Nam và các quốc gia khác nhất trí thông qua tại cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về phòng, chống HIV/AIDS.
Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay, Việt Nam đã chọn chủ đề phấn đấu  “không còn các nhiễm mới HIV”. Chủ đề này hoàn toàn nhất quán với những ưu tiên của Chính phủ Việt Nam, đã được nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng trình bày tại cuộc họp cấp cao về phòng, chống HIV/AIDS của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 6 vừa rồi đó là, dự phòng là cách chữa trị tốt nhất. Công tác này đòi hỏi sự tham gia tích cực của mọi người dân và các thành phần xã hội cùng vai trò lãnh đạo mạnh mẽ của Chính phủ. Để hoàn thành được mục tiêu ba không quả là một mục tiêu rất lớn, song chúng ta có những lý do để tin rằng sẽ làm được. Trên phạm vi toàn cầu, từ năm 2001-2009, số ca nhiễm HIV mới đã giảm 25%, số ca tử vong liên quan đến AIDS giảm gần 20% trong vòng 5 năm qua và tổng số người được điều trị đã tăng gấp 22 lần kể từ năm 2001.
Trong 10 năm qua, Việt Nam cũng đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc ngăn chặn lây lan của HIV và điều trị cho những người sống với HIV. Luật Phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam cùng với khung pháp lý để bảo vệ các quyền của người sống với HIV và những người bị ảnh hưởng của HIV là một trong những bộ luật tiên tiến nhất. Chương trình giảm hại dự phòng lây nhiễm HIV của Việt Nam đã và đang tiến hành phân phát rộng rãi bơm kim tiêm sạch, bao cao su và điều trị methadone cho những nngười tiêm chích ma túy, người bán dâm… nhằm giúp dự phòng lây nhiễm HIV. Có thể khẳng định, định hướng của các ứng phó quốc gia phòng, chống HIV đều được hoạch định phù hợp với hình thái dịch HIV tại Việt Nam, chủ yếu tập trung ở một số nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm cao.
Để thực hiện được mục tiêu không còn ca nhiễm mới HIV, Việt Nam vẫn cần tập trung đầu tư hơn nữa vào các chương trình dự phòng lây nhiễm HIV có hiệu quả cao, cung cấp dịch vụ và vật dụng cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao như bao cao su cho người bán dâm và nam tình dục đồng giới, điều trị methandone cho những người tiêm chích ma túy.
Tôi tin rằng, ngày càng có nhiều người sống với HIV được điều trị, nhưng điều quan trọng là cần đơn giản hóa việc điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người sống với HIV thông qua việc lồng ghép các dịch vụ điều trị HIV vào hệ thống y tế hiện có, lồng ghép sẽ liên kết các dịch vụ khác nhau và giảm chi phí. Như vậy với cùng một nguồn lực, sẽ điều trị cho nhiều người hơn, đồng thời giúp chúng ta thực hiện được không còn ca tử vong do AIDS. Tôi xin chúc mừng Việt Nam đã là quốc gia tiên phong trong việc thí điểm điều trị 2.0, theo đó quá trình điều trị HIV sẽ được đơn giản hóa ở mức tối đa. Như vậy sẽ giúp Việt Nam giải quyết được nhiều việc hơn khi nguồn lực đang giảm dần và hoàn thành được mục tiêu không còn ca tử vong do AIDS.
Việt Nam luôn có truyền thống tốt đẹp trong việc huy động sức mạnh của toàn dân để hoàn thành các sứ mệnh của dân tộc, cùng kết hợp cam kết chính trị mạnh mẽ và sự chỉ đạo quyết liệt đứng đầu là Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm Nguyễn Xuân Phúc, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Việt Nam sẽ hoàn tất được các mục tiêu này.
Việt Nam lựa chọn chủ đề năm nay là một trong những mục tiêu giúp Việt Nam ứng phó hiệu quả nhất với dịch HIV. Lấy dự phòng lây nhiễm HIV làm trọng tâm sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu ba không, đồng thời với các mục tiêu tiếp cận phổ cập tới dự phòng HIV, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ trong bối cảnh nguồn đầu tư cho phòng, chống HIV đang bị suy giảm nhanh và Việt Nam vẫn cần phải giải quyết nhiều công việc hơn khi nguồn lực ngày càng ít hơn.
Tất cả chúng ta hãy thể hiện trách nhiệm cá nhân của mình trong cuộc chiến với HIV, hãy giữ vững cam kết và quyết tâm ngặn chặn AIDS. Trong tháng quốc gia hành động này, chúng ta hãy cùng trao đổi với đồng nghiệp, bạn bè, người thân về những thông điệp của mục tiêu ba không; hãy cùng chung vai, góp sức thực hiện các hoạt động của Tháng hành động. Làm như thế, nghĩa là chúng ta đang cùng Việt Nam phấn đấu để “không còn có người Việt Nam nào bị nhiễm HIV, không còn có người Việt Nam bị tử vong vì AIDS và không còn người Việt Nam nào bị kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến AIDS”. Như vậy, chúng ta sẽ thực sự đóng góp sức mình cho một tiền đồ tươi sáng trong việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước Việt Nam.
Vi Hoa ghi

No comments:

Post a Comment