Thứ bảy, 8/10/2011, 13:06 GMT+7
Giải Nobel Hòa bình vừa công bố hôm qua được thế giới ca ngợi như là một sự tôn vinh nữ quyền.
> Nobel Hòa bình về tay ba nhà hoạt động nữ quyền
Từ trái qua: Sirleaf, Gbowee và Karman. Ảnh: Nobelprize |
Giải Nobel Hòa bình 2011 được trao cho các bà Ellen Johnson Sirleaf, Leymah Gbowee và Tawakkul Karman, đều là những nhà hoạt động nữ quyền của châu Phi. Kết quả Nobel Hòa bình nhận được sự đồng tình ủng hộ từ các nhà lãnh đạo, các tổ chức nhân quyền và những nhà hoạt động xã hội trên thế giới.
"Thật tuyệt vời. Đây là một sự minh chứng cho sức mạnh lãnh đạo của phụ nữ, cũng như vai trò của họ trong xây dựng hòa bình, an ninh, phát triển và nhân quyền", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nhận xét sau khi biết kết quả giải Nobel Hòa bình 2011.
Tổng thống Mỹ Barack Obama thì cho rằng giải Nobel Hòa bình năm nay là một lời nhắc nhở về sự cần thiết trao quyền cho phụ nữ. Ông Obama cũng từng được vinh danh trong giải Nobel Hòa bình 2009.
"Ba người phụ nữ đạt giải đều là những hình mẫu điển hình, vì sự quyết tâm và tinh thần của họ. Họ thấy rằng khi chúng ta trao quyền cho phụ nữ, mọi thứ đều trở nên tốt đẹp hơn", ông Obama nói tại Nhà Trắng. Ông nhấn mạnh rằng các quốc gia và nền văn hóa tôn trọng những đóng góp của phụ nữ chắc chắn sẽ đạt được nhiều thành công hơn những nước khác.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, được xem là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới, cũng đồng tình rằng kết quả Nobel Hòa bình năm nay là một quyết định đúng đắn và khẳng định phụ nữ là hy vọng lớn cho thế giới hòa bình và tốt đẹp hơn. "Hội đồng Nobel đang gửi một thông điệp đến toàn thế giới, một thông điệp mà chính phủ Đức hoàn toàn ủng hộ", phát ngôn viên của bà Merkel nói.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ca ngợi lựa chọn của Nobel Hòa bình 2011 là nguồn cảm hứng cho tiến bộ của loài người ở khắp mọi nơi. Bà nhấn mạnh rằng bộ ba này là những hình mẫu chói sáng, cho thấy phụ nữ có thể tạo ra sự khác biệt và đạt được những thành công nếu được trao quyền quyết định tương lai xã hội và đất nước.
Liên minh châu Âu (EU), dù không giành được giải thưởng năm nay nhưng vẫn dành lời chúc mừng và ca ngợi những người chiến thắng. Chủ tịch EU Herman Van Rompuy và ông Jose Manuel Barroso, người đứng đầu cơ quan chấp hành, cho rằng giải thưởng này công nhận vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc giải quyết hòa bình các cuộc xung đột và sự chuyển đổi dân chủ trên toàn thế giới. Họ ca ngợi ba người phụ nữ trên là thắng lợi cho một châu Phi và thế giới Ảrập dân chủ.
Bà Ellen Johnson Sirleaf, 72 tuổi, là đương kim tổng thống Liberia. Bà là tổng thống nữ đầu tiên tại châu Phi, và hiện là nhà nữ lãnh đạo duy nhất tại châu lục này đang nắm quyền sau khi chiến thắng trong một cuộc bầu cử. Bà Leymah Gbowee cũng là một công dân Liberia và nổi tiếng với biệt danh "chiến binh hòa bình". Bà là người tổ chức một phong trào hòa bình dẫn tới sự kết thúc của cuộc nội chiến thứ hai ở Liberia trong năm 2003.
Khác với hai người cùng đoạt giải Nobel Hoà bình nói trên, bà Tawakkul Karman là một chính trị gia và nhà hoạt động vì nhân quyền người Yemen. Bà là thành viên chủ chốt của Al-Islah, đảng đối lập chính tại Yemen và lãnh đạo nhóm "Các nhà báo nữ không xiềng xích"
Bộ ba Maathai, Sirleaf và Gbowee giành giải thưởng đã nâng tổng số phụ nữ đạt giải Nobel Hòa bình lên 15 người. Người phụ nữ giành Nobel Hòa bình gần đây nhất là nhà sinh thái học người Kenya Wangari Maathai năm 2004. Mỗi người chiến thắng sẽ nhận được bằng chứng nhận, huy chương và giải thưởng tiền mặt trị giá 1,48 triệu USD trong lễ trao giải chính thức ở Oslo, Na Uy ngày 10/12.
Anh Ngọc
No comments:
Post a Comment