Cập nhật: 22:17 GMT - thứ sáu, 23 tháng 9, 2011
Lãnh tụ Palestine Mahmoud Abbas đã nộp đơn đề nghị Liên Hợp Quốc công nhận một nhà nước Palestine.
Ông kêu gọi Hội đồng Bảo an hãy ủng hộ một nhà nước với đường biên giới có từ trước năm 1967.
Ông nói rằng người Palestine đã tiến hành đàm phán với Israel một cách chân thành, nhưng nói việc xây dựng các khu định cư Do Thái khiến các nỗ lực đàm phán bị thất bại.
Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu nói ông đã chìa bàn tay ra với người Palestine nhưng phía Palestine khước từ đàm phán.
"Tôi vẫn hy vọng rằng Tổng thống Abbas sẽ là một đối tác hòa bình của tôi," ông nói trong bài phát biểu tại New York.
"Chúng ta hãy gặp nhau ngay hôm nay, tại Liên Hợp Quốc. Đâu có ai cản trở chúng ta đâu?"
"Đàm phán song phương"
Ông Netanyahu nói thêm rằng cốt lõi của cuộc xung đột không phải là các khu định cư mà chính là việc người Palestine không chịu thừa nhận Israel là một nhà nước Do Thái.
Trong khi đó, bộ tứ trung gian hòa giải Trung Đông - gồm Liên Hợp Quốc, EU, Hoa Kỳ và Nga - cho biết trong một tuyên bố rằng họ muốn Israel và Palestine gặp nhau trong vòng một tháng để đồng ý về chương trình nghị sự nhằm tiến hành đàm phán, với mục tiêu đạt thỏa thuận hòa bình vào cuối năm 2012.
Vài giờ đồng hồ sau khi nhận được đơn đề nghị, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã chuyển yêu cầu của Palestine tới Hội đồng Bảo an.
Nawaf Salam, Đại sứ Lebanon tại Liên Hợp Quốc, người hiện đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an, nói đơn sẽ được thảo luận vào hôm thứ Hai.
Để được thông qua, đơn cần nhận được sự ủng hộ của chín trong số 15 thành viên Hội đồng và không bị bất kỳ một phiếu phủ quyết nào từ các thành viên thường trực; có thể mất tới vài tuần trước khi việc biểu quyết diễn ra.
Israel và Hoa Kỳ nói rằng một nhà nước Palestine chỉ có thể đạt được thông qua đàm phán với Israel chứ không phải thông qua các nghị quyết của LHQ.
“Hãy đến với hòa bình”
Hôm thứ Năm, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói với ông Abbas rằng Hoa Kỳ sẽ sử dụng quyền phủ quyết của mình trong Hội đồng Bảo an để ngăn cản đơn của Palestine.
"Tôi kêu gọi các thành viên cao quý trong Hội đồng Bảo an hãy bỏ phiếu ủng hộ việc trao tư cách thành viên đầy đủ cho chúng tôi", ông Abbas nói tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong một bài diễn văn đầy nhiệt huyết.
Nhiều đại biểu đã hoan nghênh ông nhiệt liệt; một số người vỗ tay và thậm chí huýt sáo tỏ ý ủng hộ.
"Đã đến lúc những người dân can trường và đầy tự hào của chúng tôi, sau hàng thập niên phải ly tán, phải chịu ách chiếm đóng thực dân và những nỗi đau thương bất tận, phải được sống như những người dân khác trên trái đất này, được tự do trên mảnh đất quê hương có chủ quyền và độc lập"
Ông Abbas phát biểu tại LHQ
Chủ biên phụ trách vùng Trung Đông của BBC Jeremy Bowen nói điều này có ý nghĩa quan trọng, bởi người Palestine vẫn có thể đệ đơn ra Đại hội đồng LHQ nếu đơn xin tại Hội đồng Bảo an không thành công.
"Tôi cũng kêu gọi các quốc gia từ trước tới nay vẫn chưa công nhận Nhà nước Palestine thì nay hãy công nhận," ông Abbas nói.
"Đã đến lúc những người dân can trường và đầy tự hào của chúng tôi, sau hàng thập niên phải ly tán, phải chịu ách chiếm đóng thực dân và những nỗi đau thương bất tận, phải được sống như những người dân khác trên trái đất này, được tự do trên mảnh đất quê hương có chủ quyền và độc lập," ông nói.
Ông kêu gọi Israel "hãy đến với hòa bình".
Một phát ngôn viên của phong trào Hồi giáo Hamas hiện đang nắm quyền kiểm soát tại Dải Gaza, đã chỉ trích bài phát biểu.
Salah Bardawil nói ông Abbas đã đi chệch nguyện vọng của nhân dân Palestine khi chấp nhận đường biên giới 1967, mà theo ông này là khiến 80% đất của người Palestine nằm bên trong Israel.
Trong khi đó, ở khu Tây Ngạn, từng đám đông reo hò cuồng nhiệt tỏ ý tán thành với việc ông Abbas đề nghị Liên Hiệp Quốc chấp nhận một nhà nước Palestine với đường biên có từ trước năm 1967.
"Với linh hồn, với máu của mình, chúng tôi sẽ bảo vệ Palestine", họ nói.
Có mặt tại Liên Hợp Quốc, phóng viên BBC Kim Ghattas nói rằng cho đến phút cuối cùng, các nhà ngoại giao phương Tây đã cố gắng ngăn chặn việc người Palestine đệ đơn yêu cầu, nhưng thất bại.
Phóng viên chúng tôi nói rằng ngay cả bây giờ, người ta vẫn đang nỗ lực tìm cách tái khởi động các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Israel và Palestine, nhằm xoa dịu căng thẳng.
Hiện nay, người Palestine có tư cách quan sát viên tại Liên Hợp Quốc.
No comments:
Post a Comment