Saturday, August 13, 2011

13/08 Dòng nhạc trẻ Pháp thời mới, sức bật của thế hệ 2.0


THỨ BẢY 13 THÁNG TÁM 2011
Ca sĩ Joyce Jonathan (DR)
Ca sĩ Joyce Jonathan (DR)
Tuấn Thảo
Trong thuật ngữ chuyên ngành tin học, thế hệ 2.0 được dùng để chỉ cộng đồng cư dân trên mạng internet. Nhờ họ mà Lady Gaga quyên góp cả triệu đô la gây quỹ cứu trợ nạn nhân sóng thần ở Nhật Bản. Cũng nhờ họ mà Justin Bieber lọt vào mắt nhà sản xuất kiêm ca sĩ Usher. Giờ đây, thế hệ 2.0 tại Pháp cũng tham gia đầu tư vào việc phát hành và sản xuất băng đĩa.

Đó là trường hợp của các nghệ sĩ trẻ tuổi như Joyce Jonathan, Grégoire Boissenot và Zaza Fournier. Sự thành công của các gương mặt này một phần là do tài năng và nỗ lực làm việc, nhưng một phần lớn là nhờ các fan hâm mộ thông tin dây chuyền trên các mạng xã hội và quảng cáo rỉ rả trên các diễn đàn trực tuyến. Có thể nói là cách đây 2 năm, chẳng ai biết cô ca sĩ Joyce Jonathan là ai.
Năm nay 22 tuổi, cô bé sinh trưởng ở vùng ngoại ô Paris, trong một gia đình mà bố là kiến trúc sư, còn mẹ làm việc cho một công ty lữ hành du lịch. Thời còn nhỏ, Joyce tự học hát học đàn, ban đầu là piano rồi sau đó là đàn guitare vì cô bé rất ngưỡng mộ Tracy Chapman. Năm 16 tuổi, cô bé tải lên mạng những sáng tác đầu tay của mình, thu hút sự chú ý của hãng đĩa My Major Company.
Đặc điểm của công ty này là các thành viên đều là cư dân trên mạng internet. Nếu họ yêu thích một bản nhạc hay một giọng ca nào đó, thì họ cùng nhau chi tiền bỏ vốn đầu tư để sản xuất nghệ sĩ mà họ yêu thích. Mỗi người chi theo khả năng của mình, nhưng mức tối thiểu là 10 euros, tối đa có thể lên đến 4 ngàn. Cũng cần biết rằng tại Pháp, tính trung bình, chi phí thực hiện một album là khoảng 70 ngàn euros bao gồm tiền mướn phòng ghi âm, tiền thù lao của các nhạc sĩ, của giới hoà âm chuyên trách phần hậu kỳ, và cuối cùng là phần in ấn nếu tập nhạc được in thành CD thay vì chỉ đơn thuần phát hành dưới dạng mp3 trực tuyến.
Đầu năm 2008, nhờ vào sự góp vốn của 486 thành viên trên mạng mà Joyce Jonathan đã hội đủ số tiền cần thiết để thực hiện album đầu tiên của mình. Tập nhạc này được phát hành vào năm 2010, và chỉ một năm sau, đạt đến mức bạch kim tức là tương đương với 300 ngàn bản bán trên thị trường.

PHIÊN BẢN TIẾNG HOA NHẠC PHẨM JE NE SAIS PAS - JOYCE JONATHAN
Joyce Jonathan có một gương mặt trái xoan, hao hao nét thùy mị như cô Kate Middleton, vợ của hoàng tử William. Có người thì nói cô giống như diễn viên Pháp Marie Gillain. Chất giọng của cô làm người nghe liên tưởng đến Vanessa Paradis, không khoẻ khoắn nhưng quyến rũ ở chỗ hồn nhiên yêu đời. Trong sáng tác, Joyce chọn một lối hoà âm rất mộc, khá tiêu biểu cho lớp tác giả Pháp trẻ tuổi thời nay.
Bản nhạc ăn khách nhất của cô là bài Je ne sais pas (Ta không biết). Do giỏi ngoại ngữ và có lối phát âm khá chuẩn, cho nên cô còn ghi âm ca khúc ưng ý này bằng tiếng Anh và đặc biệt hơn nữa là trong tiếng Hoa (quan thoại). Joyce đã từng sống trong vòng hai năm ở Trung Quốc, thời mà thân phụ của cô đượcphái đi công tác ở Bắc Kinh. Điều đó càng làm cho giới hâm mộ thích thú ngạc nhiên. Vì số nghệ sĩ Pháp hát chuẩn tiếng quan thoại có thể được đếm trên đầu ngón tay.
Nhờ vào mô hình sản xuất băng đĩa thông qua sự hùn vốn của các cư dân trên mạng, nhiều nghệ sĩ giờ đây có thể cho ra mắt album của mình mà không còn cần phải ký hợp đồng với các hãng đĩa lớn. Tại Pháp, có thể nói là nam ca sĩ Grégoire là người đã tạo ra tiền lệ, vì anh đi tiên phong trong lãnh vực này. Tên thật là Grégoire Boissenot, anh năm nay 31 tuổi và sinh trưởng trong một gia đình mà cả bố lẫn mẹ đều là giáo viên dạy học. Nhưng từ thuở ấu thơ, cậu bé chỉ nuôi mộng trở thành ca sĩ. Những sáng tác đầu tay của Grégoire đều bị các hãng đĩa lớn từ chối. Theo lời khuyên của một người bạn, anh gửi các bài hát vào mạng của công ty My Major Company. Cả hai album của anh đều được phát hành trên thị trường theo hình thức hùn vốn sản xuất.
Tính tổng cộng, có khoảng 500 người đã chi tiền để phát hành tập nhạc đầu tiên mang tựa đềToi & Moi của Grégoire. Năm 2009 đánh dấu ngày đăng quang của giọng ca này, với hơn một triệu album được bán trên thị trường. Đối với những người đã chịu chi tiền đầu tư, thì sự thành công vượt bực đó chẳng khác gì là trúng xổ số. Tính trung bình, một người đã bỏ ra 10 euros, thu về gấp 100 lần, do số bán của album lên đến cả triệu bản. Mức đầu tư ban đầu càng cao bao nhiêu, thì số tiền lời càng nhiều bấy nhiêu.
Hiện tượng Grégoire cho thấy được hai điều. Thứ nhất, thời đại internet ảnh hưởng rất mạnh đến cung cách của người tiêu dùng. Điều đó buộc các hãng đĩa phải thay đổi những thói quen trong việc kinh doanh đĩa hát. Nhiều tập đoàn giải gặp khó khăn do không biết thích ứng kịp thời với đà phát triển này. Thứ nhì, cộng đồng trên mạng đang tự tạo cho mình một sức mạnh đáng kể. Một đoạn phim video hay một bản nhạc nếu gây bất ngờ, sẽ thu hút hàng triệu lượt người truy cập. Một khi đã thích, thì người này lại chia sẻ với bạn bè trên các mạng xã hội, hay rủ người khác cùng xem. Lối thông tin lan truyền ấy lại hiệu quả hơn là các đợt vận động quảng cáo tốn kém, rầm rộ.

BÀI HÁT LA VIE À DEUX (CUỘC SỐNG LỨA ĐÔI) CỦA ZAZA FOURNIER

Zaza Fournier - La vie à deux par ZazaFournier-officiel
Chính cũng trên các diễn đàn thông tin trực tuyến mà giới yêu nhạc khám phá giọng ca của Zaza Fournier. Gọi là ca sĩ, chứ thật ra cô bé Zaza không đeo đuổi nghề này mà lại nuôi mộng trở thành diễn viên. Sinh năm 1985 tại Paris, cô tốt nghiệp trường đào tạo diễn xuất và kiếm sống nhờ đóng phim quảng cáo truyền hình. Hầu hết các vai diễn mà Zaza kiếm được chỉ là vai phụ trên sân khấu kịch nghệ hay tại phim trường. Cùng với một nhóm bạn, cô mới dựng lên một vở hài kịch mà sợi chỉ đỏ xuyên suốt vẫn là âm nhạc : trong đó cô chủ yếu nhại lại các bài hát nổi tiếng. Nhờ vào các đoạn phim video tải lên mạng internet mà Zaza Fournier lọt vào mắt các nhà sản xuất. Cô trình làng album đầu tay vào năm 2009, và album thứ nhì Vodka Fraise vừa được cho ra mắt mùa hè năm nay.
Thế giới của Zaza là nhạc kịch, nơi mà cô ca sĩ xuất hiện như một nhân vật truyện tranh. Nét khôi hài dí dỏm, đôi khi nhí nhảnh tinh nghịch làm cho người nghe liên tưởng đến thời kỳ vàng son của thể loại cabaret. Cách sử dụng phong cầm trên các tiết tấu giai điệu mà thoáng nghe có vẻ rất xưa (rétro), lại biến Zaza thành một cô ca sĩ thuộc trường phái tân hiện thực, trong cùng phong trào với ban nhạc người Mỹ Pink Martini (Portland) và ca sĩ người Hà Lan Caro Emerald. Cuộc sống lứa đôi La vie à deux là ca khúc ăn khách nhất của cô diễn viên vào nghề ca hát một cách ngẫu nhiên.
Thời đại internet khiến cho các hãng đĩa lớn phải lao đao. Nhiều nghệ sĩ tên tuổi ở Pháp (chẳng hạn như Alain Chamfort) bị hủy bỏ hợp đồng. Một số khác thì phải tự sản xuất (trường hợp của Patricia Kaas). Ngành sản xuất băng đĩa đang bị bảo hoà, số lượng đĩa hát bán trên thị trường tiếp tục xuống dốc. Các hãng đĩa tìm cách gỡ gạc thất thu bằng lối phát hành trực tuyến hay qua điện thoại di động. Trong bối cảnh đó, các công ty lại càng rụt rè hơn khi phải lăng xê các tên tuổi mới, bởi vì rủi ro thì nhiều mà lợi lộc thì chẳng có bao nhiêu.

A NOS ACTES MANQUÉES, PHIÊN BẢN CỦA M.POKORA (NGUYÊN TÁC JJ GOLDMAN)
Các cuộc thi hát truyền hình theo kiểu Thần tượng âm nhạc hay X Factor thì lại phản tác dụng khi tạo ra các tên tuổi thịnh hành một cách nhất thời, chứ không trụ lại được lâu. Ngay cả các nghệ sĩ có chỗ đứng khá vững cũng bát đầu chuyển qua khai thác internet hầu thu hút sự chú ý, quan tâm của thế hệ 2.0. Hình thức hùn vốn sản xuất ban đầu không được ai tin, coi vậy mà có vẻ yên ổn hơn cả. Trong khi các hãng đĩa ngại chi tiền sản xuất,  quảng cáo và như vậy giới hạn việc phát hiện các tài năng mới, thì ưu thế và sức bật của việc hùn vốn vẫn là hạn chế các mối rủi theo kiểu lời chia lỗ chịu.

http://www.viet.rfi.fr/van-hoa/20110813-nhac-tre-phap-thoi-moi-suc-bat-cua-the-he-20
TỪ KHÓA : ÂM NHẠC - NHÂN VẬT - TẠP CHÍ - VĂN HÓA

No comments:

Post a Comment