Thứ bảy, ngày 19 tháng ba năm 2011
“Đây là một nhiệm vụ cực kì khó khăn và nguy hiểm. Tôi cảm thấy lòng nhẹ đi vì đã đáp ứng được ở mức độ nào đó lòng kì vọng của quốc dân”. Trong cuộc chiến làm lạnh nhà máy điện nguyên tử số 1 Fukushima của Điện lực Tokyo, một bộ phận đội viên được biệt phái của Sở cứu hỏa Tokyo đã trở về thủ đô sau khi tiến hành phun nước thành công suốt hơn 10 tiếng liền. Đội trưởng Sato Yasuo(58 tuổi) và 2 người khác trong cuộc họp báo tại Tokyo đã nói lên cảm tưởng của mình.
Tham dự cuộc họp báo là Tomioka Tomihiko(47 tuổi) chuyên gia cứu trợ thảm họa thuộc “Hyper-Rescue” và Takayama Yukio (54 tuổi) đội trưởng.
Đội trưởng Tomioka khi được hỏi “Điều khó khăn với bản thân anh là gì?” đã đáp “Đội viên” rồi lặng im trong khoảng 10 giây. Nước mắt anh trào ra và nói trong giọng run rẩy “Các đội viên đã cảm thấy cực kì buồn nôn và mọi người đã phải gắng hết sức mình tác nghiệp. Ai cũng có gia đình còn lại phía sau mà. Thực sự tôi cảm thấy vô cùng có lỗi. Xin được mượn nơi này để bày tỏ lời xin lỗi và sự biết ơn tới họ”.
Đội trưởng Takayama vào ngày 18 đã hướng thẳng tới hiện trường từ cơ quan. Nghe nói anh đã gửi thư điện tử cho vợ với nội dung “ Em hãy yên tâm và đợi nhé!” và vợ anh trả lời “ Em tin và đợi anh”.
Tổng đội trưởng Sato cũng gửi thư cho vợ trước khi lên đường. Và vợ anh nhắn lại “ Xin anh hãy trở thành vị cứu tinh của Nhật Bản”.
Đội trưởng Takayama hồi tưởng lại về nhiệm vụ lần này “Đấy là cuộc chiến với kẻ địch vô hình”. Điều đáng chú ý là lượng phóng xạ. “ Các đội viên đã vừa luôn đo đạc vừa xác định an toàn giúp tôi. Nhờ có sự giúp đỡ của bạn bè mà tôi chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ”.
Cuộc họp báo cũng làm rõ những chi tiết cụ thể trong khi tác nghiệp.
Theo Tổng đội trưởng Sato thì các đội viên được lựa chọn từ những nhân viên cứu hỏa tình nguyện. Đội tiến vào nhà máy điện nguyên tử lúc 5 giờ 5 phút sáng ngày 18. Ban đầu kế hoạch tác chiến dự định sẽ tiến hành dùng ống phun nước kéo dài và các đội viên sẽ ở trong xe không ra ngoài. Theo tính toán thì khoảng 8 phút sẽ lắp đặt xong. Tuy nhiên ở vùng gần bờ biển phủ đầy mảnh vỡ của gạch, đá. Chỉ có khoảng 2,6km có vẻ sẽ chạy được xe và vòi thì cũng không đủ. Đội quay lại đại bản doanh và sau khi thảo luận về phương pháp an toàn đã quay lại nhà máy điện nguyên tử vào lúc 11 giờ 30 phút tối. Cuối cùng thì quyết định nối các xe lại với nhau và các đội viên ra ngoài xe ở khoảng cách 350m, dùng tay quấn, nối các vòi cứu hỏa và đưa được vòi tới biển.
Chiếc xe có tháp phun nước trên cao và có bơm hút nước đã tiến sát vào khoảng giữa lò số 2 và 3 ở các toà nhà tầm 2m. Tức là cách bể chứa các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng ở lò số 3 chừng 50m. Để có thể thoái lui bất cứ lúc nào đội đã chuẩn bị sẵn các xe bus loại nhỏ gọi là “Xe đặc chủng đối phó với hỏa hoạn”.
Vào lúc 0 giờ sáng ngày 19, hoạt động phun nước vào lò số 3 với mệnh lệnh “hãy hướng vào phía có khói trắng” được bắt đầu.
Lượng tia phóng xạ ở hiện trường phun nước là 60 mSv/giờ tuy nhiên sau khi phun nước thì hạ thấp xuống còn gần bằng 0. Chúng tôi đã xác định rằng “ mình đang làm việc hiểm nguy tới sinh mạng".
Theo Asahi, dịch: Ro bin son
No comments:
Post a Comment