Khi thế giới nín thở theo dõi cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I của Nhật Bản, những người công nhân đang nỗ lực ngăn chặn thảm họa trong nhà máy trở thành niềm hy vọng duy nhất của công chúng.
> Giúp Nhật Bản
Người dân Nhật Bản trong một trại sơ tán theo dõi tin tức về nhà máy điện hạt nhân Fukushima I trên đài truyền hình hôm 17/3. Ảnh: AP.
Vài chục nghìn người sống quanh nhà máy Fukushima I đã sơ tán do lo ngại bụi phóng xạ phát tán từ các lò phản ứng gặp sự cố sau trận động đất, sóng thần hôm 11/3.
Trước khi động đất xảy ra, tổng số người làm việc trong nhà máy là 1.800. Hai người thiệt mạng trong trận động đất, 22 người bị thương bởi sóng thần và các vụ nổ, hai người mất tích.
"Các bạn là những người duy nhất có thể giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân. Vì thế rút lui là điều các bạn không được phép nghĩ tới", Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan nói về lực lượng lao động trong nhà máy.
Mặc dù vậy, các báo đưa tin chỉ khoảng 180 tới 200 người ở lại nhà máy để cứu các lò phản ứng. Họ bao gồm các chuyên gia, cảnh sát, nhân viên cứu hộ, binh sĩ, công nhân, lính cứu hỏa. Khi quyết định ở lại, họ biết rằng họ có thể mất mạng nếu lõi lò phản ứng nổ. Ngay cả khi chiến dịch cứu nhà máy thành công, họ vẫn có thể chết sớm vì bụi phóng xạ.
Do không ai được phép ở trong nhà máy Fukushima I quá 15 phút, nhóm người ở lại làm việc theo chế độ luân phiên để đảm bảo rằng luôn có 50 người cùng xuất hiện trong nhà máy. Vì thế giới truyền thông gọi họ là nhóm "Fukushima 50". Với trang phục bảo hộ cồng kềnh trên người và đèn pin trên tay, họ dùng sức để bơm nước vào lò phản ứng, sửa chữa các đường ống dẫn nước và trám các khe nứt trên thành bể nén, New York Post đưa tin.
“Những người ở lại nhà máy Fukushima I đang thực hiện một hành động anh hùng. Tại một số nơi trong nhà máy, nồng độ phóng xạ có thể đe dọa tính mạng”, Robert Alvarez, một cựu quan chức của Bộ Năng lượng Mỹ, nói trên CNN.
Giáo sư Keiichi Nakagaw, một chuyên gia về phóng xạ hạt nhân của Đại học Tokyo tại Nhật Bản, gọi công việc của nhóm "Fukushima 50" là sứ mệnh liều chết.
"Tôi không biết phải diễn đạt bằng cách nào khác, song quả thực những con người đó giống như lính cảm tử trong chiến tranh", ông bình luận.
Báo chí Nhật Bản hầu như không tiết lộ thông tin nào về những người ở lại nhà máy, chỉ nói rằng trong đó có nhiều người được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm, có kiến thức sâu rộng về điện hạt nhân và các vấn đề an toàn.
"Cha tôi làm việc trong nhà máy Fukushima I. Sau khi ông quyết định ở lại nhà máy tôi thấy mẹ tôi khóc rất lâu. Chưa bao giờ bà khóc nhiều đến thế. Mẹ tôi nói rằng những người trong nhà máy chấp nhận hy sinh để cứu tôi. Bà tin cha tôi sẽ sống sót trở về", một cư dân mạng có nick "nekkonekonyaa" chia sẻ trên Twitter.
Đài truyền hình Nhật Bản công bố nội dung thư điện tử do con gái của một người tình nguyện ở lại nhà máy gửi tới. Bức thư có đoạn: "Cha tôi vẫn đang làm việc trong đó. Ông và các đồng đội không còn thức ăn. Tình hình rất khó khăn. Cha tôi nói ông chấp nhận số phận".
"Chồng tôi ở lại dù biết anh ấy có thể nhiễm bụi phóng xạ. Anh ấy gửi thư điện tử cho tôi để nói rằng hãy cố gắng sống tốt, vì anh ấy phải vắng nhà một thời gian", một phụ nữ nới với ABC News.
Richard Wakeford, một chuyên gia của Viện Nguyên tử Dalton thuộc Đại học Manchester ở Anh, nhận xét rằng, đối với nhiều người trong số họ, việc ở lại là vấn đề bình thường, giống như làm thêm một ngày vậy.
“Những người ở lại nhà máy coi đó là một phần công việc của họ. Nhìn chung người Nhật rất tận tụy với trách nhiệm và những người ở lại coi cứu nhà máy là trách nhiệm”, ông nói.
Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, một người bình thường phơi nhiễm vối khoảng 3 millisievert (đơn vị liều lượng chiếu xạ, viết tắt là “mSv”) chất phóng xạ mỗi năm từ dược phẩm, không khí và các nguồn tự nhiên khác.
Nhưng trong nhà máy Fukushima I, nồng độ phóng xạ ở nhiều vị trí lên tới 400 mSv mỗi giờ - mức nguy hiểm đối với sức khỏe con người.
"Với tình hình hiện nay, nhóm người trong nhà máy Fukushima I đang phơi nhiễm với lượng phóng xạ mà một công nhân điện hạt nhân tại Mỹ hứng chịu trong suốt sự nghiệp", David Richardson, một giáo sư về bệnh học của Đại học North Carolina tại Mỹ, so sánh.
Nồng độ phóng xạ từ 1.000 mSv trở lên có thể gây bệnh. Do những người trong nhà máy bị phơi nhiễm phóng xạ toàn thân nên họ có nguy cơ mắc một số dạng ung thư, như ung thư máu, bạch cầu và tuyến giáp.
“Nếu tôi là họ tôi sẽ lo lắng hơn về những vụ nổ khí hydro. Những vụ nổ như thế luôn có sức công phá khủng khiếp – đủ lớn để thổi bay mái của hai lò phản ứng. Đó mới là mối đe dọa lớn nhất của những người lao động trong nhà máy Fukushima I”, Wakeford nhấn mạnh.
Wakeford nói các chuyên gia và kỹ sư luôn ý thức rằng một ngày nào đó họ sẽ phải đối mặt với tình huống nguy hiểm như hiện nay. Vì thế mà quyết định ở lại nhà máy của họ khiến mọi người khâm phục.
"Họ là những anh hùng. Chẳng ai bàn cãi về điều đó. Thật đáng tiếc là công chúng không biết nhiều thông tin hơn về họ. Tôi cúi đầu trước những con người anh hùng này", ông bày tỏ.
Minh Long
No comments:
Post a Comment