Friday, June 21, 2013

Thư Gửi BẠN TA Thư Gửi BẠN TA Ngày 21 tháng 6 năm 2013

Bạn ta,

Trong khi các em nhỏ ở bản Ông Tú gian nan mỗi ngày lội sông đi học thì một vài em cùng tuổi ở Hà Nội, theo một bài báo đăng trên Vietnamnet, lại là những thiếu niên thiếu nữ hạnh phúc hơn nhiều.

"Vỡ lòng học lấy những nghề nghiệp hay". Đọc xong bài báo vừa nói ở trên thì không ai là không có những suy nghĩ như câu Kiều ở trên.

Hồi trung tuần tháng 5 vừa qua, trong facebook, người ta đọc được nhật ký của một em gái 10 tuổi , trong đó, em cho biết "người trong mộng" của em là một bé trai 11 tuổi mà em mô tả là một "người đẹp trai, nhà cũng được". Em thú nhận là em không biết đã yêu người trong mộng này từ bao giờ, nhưng em chắc là hai người có duyên nợ với nhau. Tuy vậy, tình yêu của em có thể cũng đang gặp trở ngại vì em đã có một đối thủ.


Thế là tình tay đôi, rồi lại có tay ba. Đầy đủ chất liệu cho một cuộc tình lớn. Cháu ngoan của bác Hồ phải tối tân như vậy chứ đâu có cù lần như một đứa cháu ngoan của Đức Quốc Trưởng Bảo Đại ở Hà Nội hồi ấy, vừa để ý cô bạn gần nhà ở đường Sinh Từ, đầu để tóc búp bê Nhật bản mỗi sáng lách cách đôi gốc đi qua nhà, tay cầm cái bánh rán là đã bị bố cho một trận, mắng xối xả là mới nứt mắt ra không chịu học đã bầy trò mê gái làm cho Roméo quê quá, quên luôn người em bé bỏng rồi theo bố di cư vào Nam luôn, mối duyên đầu cũng tan vỡ, nàng ở lại Hà Nội, chắc sau đó đi bộ đội hay làm cán bộ để thành một chị đàn bà răng vẩu, ăn nói cực kỳ mất dậy có thể còn sống đâu đó ở gần Cửa Nam. Rồi chàng ở miền Nam thành cháu ngoan của Ngô Tổng Thống cũng không khá hơn. Mãi đến năm 16 mới thầm yêu một chị ở đại học xá Minh Mạng mà sau đó vì rớt trung học phổ thông, chàng xấu hổ quá, không dám đi qua nhà nàng nữa, chỉ thỉnh thoảng lắm mới "ngó em hổng dám ngó lâu / ngó qua một chút đỡ rầu rồi thôi". Đến nay chàng cũng chẳng biết người em bé bỏng đó duyên đã ghé về đâu, làm bà nội bà ngoại mấy chục lần rồi. Vân vân.

Thua xa cô bé 10 tuổi ở Hà Nội.


Lại còn thua cả một cặp khác, cũng theo Vietnamnet, nàng 12 tuổi, tự tay viết cái giấy hứa hôn, ở đầu trang còn cẩn thận ghi rõ đúng thủ tục giấy tờ với những chữ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam / Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc…Tờ giấy ghi rõ tên chồng và tên vợ với chi tiết đã yêu nhau từ bao giờ…kèm theo một số điều hai người cam kết phải làm để tiếp tục cuộc tình của cả hai. Đó là không bỏ nhau, không được quan hệ với người khác, không nặng lời với nhau, phải yêu và quí trọng tình cảm của nhau. Cuối đơn là một câu hăm dọa là nếu phạm phải những điều cấm ở trên sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường 1 tỉ đồng. Sau đó, vợ và chồng cùng ký vào tờ hứa hôn.

Kể ra 12 tuổi mà đã được như thế là rất giỏi. Không biết "ở ăn" thì nết có hay không nhưng "nói lời ràng buộc" thì đúng là tay chẳng vừa. Tuy nhiên, tờ giấy này vẫn còn ghi thiếu một số điều khác. Thí dụ cam kết chỉ " ăn cơm trước kẻng" với nhau thôi. Không được lừa bán vợ sang Trung quốc làm điếm. Không làm nghề ăn trộm chó bán cho các quán nhậu để bị đánh chết ngoài đường. Không đánh vợ, không yêu Đảng hơn yêu vợ. Không đêm đêm nằm mơ thấy bác Hồ. Không lâu lâu lại (đêm qua trên bến Ô Lâu / cháu ngồi cháu) nhớ chòm râu bác Hồ vì như thế là rất … bịnh. Không được bỏ chồng, bỏ con đi lao động ở Đại Hàn hay lấy mấy thằng Tầu già rồi làm đĩ cho cả họ nhà nó…


Một lá thư khác cũng xuất hiện trên mạng nói là của một em trai 10 tuổi thì mùi mẫn hơn nhiều: "Mặc dù hai chúng ta chưa quen nhau, nhưng từ cái nhìn đầu tiên anh đã biết trái tim mình đã dành chọn (sic) trong trái tim em. Nụ cười rạng rỡ của em chưa cho anh biết tên em là gì ? Mái tóc óng mượt với khuôn mặt tươi tắn của em đã nói cho anh biết em là của anh. Hằng đêm anh thức trắng nhớ em. Một câu thơ chao (sic) cho em sẽ không tuyết tàn. Em ơi em biết hay chăng? Tình anh chao (sic) em sẽ không phai mờ."

Chao ơi là mùi. Viết sai chính tả mấy chỗ nhưng mùi thì vẫn mùi. Nghề viết thư tình cho bạn chỉ bắt đầu năm tôi 16 tuổi và được trả công bằng một chầu bò viên nhưng không thể viết hay như cậu nhỏ 10 tuổi ở Hà Nội được.

Phục thì có phục nhưng lại lo. Cái thứ ấy thì lớn lên làm cái gì sau này?

Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh!


Bùi Bảo Trúc

No comments:

Post a Comment