Wednesday, June 19, 2013

Thư Gửi BẠN TA Ngày 19 tháng 6 năm 2013


Bạn ta,

Thiên tài ngôn ngữ nào đã để lại cho tiếng Việt của chúng ta thành ngữ "sức mấy"?

Tôi nghĩ có nhiều cơ hội thiên tài này vẫn còn sống với chúng ta. Nhưng ở đâu trong thế giới vô cùng này? Làm sao tôi kiếm được ông hay bà, nhưng có phần chắc là ông nhiều hơn, để cám ơn ông/bà về món quà ông/bà đã tặng cho tiếng Việt của chúng ta.

Món quà ấy, hai chữ "sức mấy", đã đem lại bao nhiêu là niềm vui trong đời sống từ mấy chục năm nay.


Tôi nhớ khoảng năm 1963, tôi có đi gặp một sinh viên mới từ Sài Gòn qua. Trong câu chuyện với anh khi chúng tôi gặp nhau lần đầu, tôi được nghe anh dùng thành ngữ này mấy lần. Tôi tin chắc đó là một thành ngữ mới mà anh đã mang theo từ trong nước. Trước đó, tôi chưa nghe nó bao giờ. Như thế, chỉ trong có vài ba năm trời không ở Sài Gòn, tiếng Việt của tôi đã bị bỏ lại đằng sau, không được cập nhật hóa bằng một số từ ngữ, mà "sức mấy" là một.

Sau khi nghe nó mấy lần, tôi hiểu ngay cái thành ngữ đầy vẻ thách thức, cao ngạo, khinh mạn, ăn chắc đó, và nó nhanh chóng gia nhập số từ vựng hàng ngày của tôi.

Từ đó đến nay, đã gần 50 năm, nó vẫn tiếp tục được nghe thấy, được dùng trong cách ăn nói của rất nhiều người. Ngay cả các nhân vật chính trị mà cách ăn nói đòi hỏi khá nhiều sự cẩn trọng, từ ngữ này cũng được các vị đó đem dùng. Cả hai ông Thiệu và Kỳ đều đã dùng nó trước công chúng nhiều lần. Và thấp thoáng, nó còn thấy xuất hiện trong ngôn ngữ của các nhà văn, nhà báo miền Bắc liền ngay sau năm 1975 chứng tỏ ngoài tuổi thọ đáng kể của nó, nó còn vượt được qua cả những lằn ranh chính trị, ý thức hệ Quốc cộng. Nó tiếp tục ở lại với chúng ta đến tận ngày nay trong khi thông thường, những thứ từ ngữ thời thượng như thế chỉ có những đời sống dài trên dưới khoàng mười năm như ông Mai Thảo vẫn nói.

Tại sao nó sống dai như thế?

Có thể sự sống dai của nó phần nào nằm ở cái khả năng trị bách bệnh của nó.
Thay vì phải dở giọng ngoa ngoắt, đanh đá như mấy câu:

Bao giờ rau diếp làm đình
Gỗ lim thái ghém thì mình lấy ta
Bao giờ trạch đẻ ngọn đa
Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình...

những câu vừa chua vừa phách, gây bực bội, phẫn nộ rất nhiều của phía bị cự tuyệt, thì người ta chỉ cần nói: " Sức mấy!"

Ngắn gọn và nhẹ nhàng. Thái độ phách lối vẫn còn nguyên mà không cần phải ca dao dài dòng.

Phía bên kia nghe là hiểu ngay, dẹp bỏ nỗ lực của chiến lược "đẹp trai không bằng chai mặt".

Trong trường hợp muốn đưa ra một thách thức, cũng không cần phải đa ngôn nào là đánh tui, tui kêu tất cả thế giới Hồi giáo đánh lại cho chết... không tin cứ đánh đi!

Chỉ cần nói khẽ: "Sức mấy!"
Vừa hữu hiệu vừa ít lời, không lèm bèm điếc tai. Nhưng những người đàn ông râu tóc dơ dáy và cực kỳ xấu trai ởKabul, hay Baghdad không có hai chữ "sức mấy" của chúng ta nên vừa phải nói nhiều, vừa bị đánh đòn.

Thành ngữ "sức mấy" còn có thể bầy tỏ một sự ngạo mạn không cách gì có thể ngạo mạn hơn.

Dùng thành ngữ này mà cho vào hai câu trong bài Tình Cầm của Hoàng Cầm thì người nghe có thể điên lên được:

Nếu anh còn trẻ như năm trước
Quyết đón em về sống với anh...

Cứ thử thay "anh" bằng "em" và "quyết đón" bằng "sức mấy" mà coi.


Thành ngữ này hay như thế... sức mấy mà không sống dai cho được!

No comments:

Post a Comment