Saturday, December 8, 2012

Từ “Tình” đến “Dục” phải mất bao năm?

Khi người Việt ta nói đến “tình dục” là ta nói đến lòng ham muốn nhục dục thể xác, mà thanh tao ra thì gọi đó là thú mây mưa, thú “âm dương” hoà hợp, còn nôm na thì gọi đó là thú “ăn mặn”, thú làm tình. Chứ tuyệt nhiên ta không phân tích ngữ nghĩa theo kiểu chẻ sợi tóc làm đôi mà bảo rằng trong từ ghép “tình dục” thì “tình” là “tình yêu” (romance), còn “dục” là “nhục dục” (lust).
Trong bài phiếm luận này tôi sẽ đưa dẫn độc giả bước vào một cuộc hành trình khởi từ “tình yêu” (love) để đi đến “tình dục” (sex) qua mấy vần thơ vụng dại, “quê kệch” để hy vọng quý độc giả “mua vui cũng được một vài trống canh”.

Chắc không ai chối cãi được một điều là “tình yêu” có khả năng vượt không gian, vượt thời gian. Tình yêu phảng phất ở mọi nơi, trên khắp mặt địa cầu. Tình yêu bàng bạc trong mọi thời, từ cổ đến kim. Bất kể chúng ta là ai, cho dù là con vua cháu chúa hay là con sãi ở chùa đi quét lá đa, chúng ta đều có cùng tâm trạng như nhau khi đã trót yêu, khi đã lỡ dan díu với tình.
Tình yêu có thể chớm nở qua một cuộc gặp gỡ bất chợt, một cuộc hội ngộ tình cờ. Tình yêu có thể nẩy nở qua sự thường xuyên gần gũi, qua sự quen biết lâu dài, khi “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”. Nhưng một khi “người dưng khác họ đem lòng nhớ thương”, một khi tình yêu đã len lén vô tim, thì tâm trạng của người trót yêu là sự cô quạnh, nhớ nhung khi thiếu vắng người mình yêu:
Vắng em lòng anh nhung nhớ,
Thiếu em hồn anh than thở.
Nhưng bù lại, người trót yêu không khỏi cảm thấy lòng rộn ràng, thổn thức khi có người mình yêu bên mình:
Có em lòng anh hớn hở,
Tim anh rung động hàng giờ…
Những phút bên nhau, thời gian như lắng đọng, tình yêu được cơ hội nẩy nở, thắm thiết da diết, thương em biết mấy cho vừa:
Bên em thời gian im lắng,
Thương em vô kể bến bờ…
Sự hiện hữu của người mình yêu lôi cuốn theo sự tưng bừng trỗi dậy của cây cỏ lá hoa, là sự toả rộng trải dài của âm thanh vạn vật:
Có em, trước mặt anh là cả một vườn hoa,
Có em, chung quanh anh tràn ngập ngàn lời ca.
Ðến lúc “nếu em là gió anh sẽ là mây” đó, đến lúc “từ nay anh đã có tình”, thì tình ta sẽ bay bổng, quyện với gió trăng, với trời mây:
Tình ta lan theo gió,
phảng phất trong mây,
hòa với ánh trăng,
chìm đắm dưới ánh mặt trời.
Trong lúc tình yêu được mùa như vậy, cảnh vật cũng vui mừng hồ hởi, thiên hạ cũng được an hưởng thái bình, vũ trụ cũng yên ổn chìm đắm trong bầu không khí thái hòa:
Mây hồng ơi! vầng Thái dương ơi!
Sung sướng thay! Hạnh phúc thay!
Không gian bao la! vũ trụ thái hòa!
Trong cảnh vắng lặng thinh không, trong bầu không khí tĩnh mịch, trong cái giá lạnh của tiết Ðông, người yêu nhau tìm đến với nhau không phải “để hầu quạt khi em ngủ”, nhưng cũng để khi:
Màn đêm buông phủ,
Anh ru em ngủ,
Một tối mùa đông,
Ðất trời mênh mông …
Người yêu cố níu chặt sự tĩnh lặng để được tay trong tay mơn trớn, để được vụng trộm ngắm nghía người mình yêu từ từ khép kín đôi mi, khi vòng tay buông thả, âm thầm giã từ tỉnh thức để chìm đắm trong giấc điệp:
À ơi, ạ ời …
Bờ vai êm ả,
Bàn tay lơi lả,
Vòng tay buông thả ..
Khi hồn em đã lên chín tầng mây, thì lời ru ngủ sau cùng là những lời ru, lời chúc tươi đẹp nhất, cao vời nhất, thăng hoa nhất, thoát tục nhất:
À ơi ơi, ạ ời ời …
Ngủ đi em, vũ điệu nghê thường,
Ngủ đi em, giấc mộng thiên đường …
Khi “tình yêu” đã như trái chín, khi vòng tay đã ôm chặt vòng tay, thì má sẽ dựa, vai sẽ kề, “lửa tình” sẽ hừng hực bốc lửa, “lửa dục” sẽ bừng bừng bốc hỏa, “tình yêu” sẽ phải vội vã ra đi, nhường cho “tình dục”, để cho “đôi má, đôi môi làm quen”:
Hôn em môi em ngọt mềm
Hôn em môi em tròn đầy
“Ðôi môi” làm quen “đôi môi” không chút ngần ngại, không mảy may ngưng nghỉ, không một phút giải lao:
Hôn em say sưa nồng nàn
Hôn em miên man ngập tràn…
Sau trận “mưa hôn” rào rạt, tới tấp, dai dẳng là lời thú tội của một cảm giác lâng lâng kỳ thú, hồn vía bay bổng lên trời cao mây tạnh:
Em yêu hay chăng vì sao
Hồn anh lâng lâng trời cao?
Nhưng “lửa dục” không đến chỉ một lần, “lửa tình” không dễ gì vỗ cánh bay đi. Và với thân phận bọt bèo, người trần mắt thịt, người “trót yêu và được yêu” lại càng không cầm lòng được trước những cám dỗ nhục dục:
Môi em mọng đỏ,
Lòng em mở ngỏ,
Tình anh đã tỏ,
Bờ môi níu chặt bờ môi …
Khi “bệnh Tề Tuyên đã nổi lên đùng đùng”, loại bệnh ham mê sắc dục của vua TuyênVương nước Tề, thì niềm mơ ước cho “chim bướm” trao tình là lẽ tự nhiên trong trời đất. Trai thì tơ tưởng đến cánh bướm, biểu tượng cho bộ phận sinh dục nữ, gái thì ôm ấp lấy cánh chim, biểu tượng cho bộ phận sinh dục nam:
Tình anh say bay theo cánh bướm,
Hồn em say theo cánh chim bay…
Câu hỏi được đặt ra ở đây là liệu có nhất định “tình” phải đến trước “dục” hay chăng? Nếu vấn đề sinh con đẻ cái là điều hệ trọng như những người theo Darwin chủ trương thì “dục” chắc phải tới trước. Còn các nhà nhân chủng khác, trong đó có Helen Fisher, tác giả cuốn sách Anatomy of Love:The Natural History of Monogamy, Adultery and Divorce (Phân tích Ái tình: Khoa Nghiên cứu về Chế độ Một Chồng Một Vợ, Ngoại tình và Ly dị), thì mới đây cho rằng “tình” là bẩm sinh, tự tại trong con người, nó có ở đó từ lúc khởi thủy, giống như cảm giác giận dữ, sợ sệt, chứ không phải là sản phẩm tưởng tượng nẩy sinh từ môi trường văn hóa, xã hội như nhà tâm lý học Lawrence Casler đã nói trong cuốn Is Marriage Necessary? (Hôn nhân có cần thiết không?).
Thông thường trong tiếng Việt, khi ta bảo ai “dâm”, khi ta bảo ai “dê”, ta chỉ để ý đến nghĩa tiêu cực của nó, ta chỉ muốn tỏ ý chê người đó. Vì ta không yêu, không thích họ, không có cảm tình với họ, nên ta không bằng lòng về lời nói, cử chỉ, hành vi của người đến ve vãn, tán tỉnh, đụng chạm đến thân thể mình. Nhưng cũng cùng lời nói, cử chỉ, hành vi đó mà lại xuất phát từ người ta yêu, ta thích, ta có cảm tình thì nó sẽ mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Nó có thể có nghĩa là “bay bướm”, “lãng mạn”, “đa tình”. Vậy thì “dâm”, “dê” hay “ba mươi lăm” không nhất thiết là xấu, là “đáng chê”, mà có thể là “đáng mê” cũng không chừng. Người Việt Nam ta, có lẽ nặng lòng với chủ thuyết Darwin, nên trong văn chương bình dân không thấy có lên án cái “tội tổ tông” này:
“Ai bảo chữ dâm là chữ tục,
Nếu không dâm sao lại nẩy ra hiền?”
Từ “Tình” đến “Dục” phải mất bao năm? Cái đó cũng còn tùy. Trong thời xưa, giữa chàng Kim và nàng Kiều thì từ cuộc hội ngộ ban đầu đến kỳ tái ngộ sau mười lăm năm xa cách, “tình” vẫn dậm chân tại chỗ, nên “tình” vẫn chỉ là “tình”, mà không có “dục”. Nhưng giữa chàng Kim và nàng Vân thì con đường đến “dục” là con đường tắt, vì “dục” không phải qua “tình”, nên không mất bao năm.
Trong thời nay, “tình” giữa chàng Bill và ả Monica cũng được đi bằng con đường tắt đến “dục”. Monica không phải “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” để chỉ vì “tình” như Kiều, mà nàng đã “xăm xăm theo lối hành lang một mình” giữa ban ngày ban mặt sang Phòng Bầu Dục (Oval Office), để chỉ vì “dục”.
Nhưng người Mỹ họ nói “muốn nhẩy tango thì phải có hai người” (it takes two to tango), nên sự việc nàng đến với chàng tất phải có “yếu tố đẩy kéo” (push-pull factor), nghĩa là lòng “háo dục” của nàng đẩy nàng tới, lòng “háo sắc” của chàng kéo nàng theo. Với Monica thì “tình” có đến nhưng đến sau “dục”, còn với Bill thì “dục” có lẽ chỉ dậm chân tại chỗ, không chắc đi xa được đến “tình”.
Thử hỏi ta trông đợi gì ở anh chàng nổi tiếng mặc quần tây (trousers) chỉ cốt để cho ấm đầu gối?
Trịnh Nhật


No comments:

Post a Comment