Tác giả: DOANH NHÂN SÀI GÒN CUỐI TUẦN
Bài đã được xuất bản.: 31/03/2012 02:00 GMT+7
“Truyền thuyết Hùng Vương” đã ghi sự tích hát Xoan khá thú vị như sau: “Vợ vua Hùng mang thai đã lâu, tới ngày sanh nở, đau bụng mãi. Có người tâu với vua Hùng về nàng Quế Hoa xinh đẹp, múa hát rất hay, nên đón nàng về múa hát có thể làm cho đỡ đau và sinh nở được. Vua cho mời nàng đến. Giọng hát Quế Hoa trong vắt, khi cao, khi thấp tay uốn chân đưa, người mềm như tơ, dẻo như bún ai cũng say mê. Vợ vua Hùng mải nghe hát, xem múa không thấy đau nữa, hạ sanh được ba người con trai khôi ngô đẹp đẽ. Vua Hùng vui mừng truyền nàng dạy múa hát cho các mỵ nương (công chúa)”. Làn điệu này lúc đầu được gọi là hát Xuân do trình diễn vào mỗi dịp tết đến xuân về, nhưng sau gọi lệch ra là hát Xoan.
Mới đây, một tin vui đã đến với tất cả chúng ta. Sau những nỗ lực không mệt mỏi, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã công nhận hát Xoan, nguồn gốc Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp. Kể ra, nếu không có "cái đuôi" cần được bảo vệ khẩn cấp thì đây sẽ là một tin vui trọn vẹn nhất trong một năm với quá nhiều vất vả, lo toan.
Suốt hành trình về đất tổ, ở đâu chúng tôi cũng được người dân kể tường tận, kể cặn kẽ về nguồn gốc và những câu chuyện liên quan tới hát Xoan. Theo những câu chuyện nối đời, hát Xoan có nguồn gốc Phú Thọ còn gọi là "khúc Môn Đình" thuộc tầng dân ca cổ xưa nhất, cổ tới mức nhiều ca từ trong các bản Xoan cổ gần như không có nghĩa trong xã hội đương đại.
Những dấu tích cổ tìm được cũng cho thấy, hơn 2.000 năm trước, vào thời hưng thịnh của các triều đại vua Hùng, các cuộc hát Xoan được diễn xướng như một nghi lễ đầu xuân, chúc tụng vua, tôn vinh các vị thần sinh sôi nảy nở, cầu đất đai màu mỡ, mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch, trùm phường Xoan An Thái (Phú Thọ), hát Xoan có những quy tắc nghiêm ngặt của phong tục, tín ngưỡng. Nơi biểu diễn ở phía trước nhang án trong đình làng và chỉ được hát từ ngày mồng 5 tháng Giêng, cho đến ngày mồng 10-3 Âm lịch (đúng hội Đền Hùng).
Một cuộc hát Xoan luôn diễn ra với hai phần: Hát nghinh thần với bốn giọng lề lối mở đầu mang nội dung ca ngợi thần thánh và nói cảm xúc của dân làng trước thần linh, gồm: giáo trống, giáo pháo, thơ nhang và đóng đám. Trên chiếu, một kép nhỏ tay cầm trống con vừa hát vừa múa, đào xoan đứng ở bốn góc chiếu vỗ trống hát theo giọng giáo trống, giáo pháo. Đến thơ nhang và đóng đám, kép ngồi khoanh chân bên ngoài chiếu hát, trên chiếu, bốn đào tay cầm quạt múa. Khi hát bài thơ nhang, các đào xoan cầm ba nén nhang, múa hết bài trao nhang cho ông từ cắm lên bát nhang thờ: "Nay mừng xuân tiết mới sang/Xướng ca tiệc mở dân làng ta đây", "Trông ơn thánh đế muôn vàn/Dân ta mở tiệc ca xoan phụng thờ". Những câu hát đóng vô cùng giản dị, hát như nói, nói như ngâm, ngay cả múa cũng không cách điệu, thô mộc như cuộc sống đời thường khép lại phần hát nghi lễ.
Các cuộc hát Xoan là nghi lễ đầu xuân, chúc tụng vua, tôn vinh các vị thần sinh sôi nảy nở, cầu đất đai màu mỡ, mưa thuận, gió hòa |
Tiếp đến là phần trình diễn 13 quả cách với những ca từ khẩn nguyện về tiết lịch, mùa màng tốt tươi, nảy nở, sinh sôi. Kép xoan tay cầm dùi phách ngồi trước hương án, trước mặt đặt quyển sách chép 13 quả cách. Trong phần này, kép hát chính, các đào xoan vừa múa vừa hát đệm theo.
Khi đào nữ mắt lúng liếng, tay ném quả đúm là chiếc khăn tay bọc miếng trầu và đôi ba đồng tiền, mỗi quả đúm là một cặp hát, khi hát, trai gái vừa ném vừa hát lời ca rất đằm: "Đúm ơi, ta dặn Đúm nghe, tìm nơi quần trắng, áo the, Đúm vào/Đúm vào, người hỏi làm sao, em là quả Đúm, em vào kết duyên".Phía kép liền đưa đẩy: "Đánh tiếc hay là đánh te/Giọng giậm mà anh cứng anh đè là đè diếc dô", cũng có khi là: "Ơ, ới, đào ơi, đào xích lại đây, đào dịch lại đây, của riêng tớ có cái này tớ cho".
Tiếp đến, trong mục Xin huê - Đố chữ: "Anh đố em biết huê gì nở trong rừng bạc bội?/Anh đố em biết huê gì nở nội đồng không?/Anh đố em biết huê gì nở bảy tám lần chông?/Anh đố em biết huê gì nở mùa đông vàng trắng vàng?".
Cài huê là hình thức hát múa lễ nghi với ý nghĩa dâng hoa, dâng cá lên thành hoàng cầu phúc lộc."Thơm thanh một cánh huê hồi/Lòng anh thuận lấy cô ngồi đầu huê". Khi lời hát được cất lên, trên chiếu đình 12 đào xoan kết với bốn trai làng An Thái tạo thành một bông hoa bốn cánh, ba nữ vòng ngoài kết với một nam bên trong tạo thành một cánh hoa. Cứ nữ bên ngoài làm cánh, nam chụm bên trong làm nhụy, họ hát múa hết huê này tới huê khác, những cánh tay đan nhau, thân mình uốn lộn từ trong ra ngoài tạo nên sức cuốn hút và gây nên cảm xúc lạ thường cho người xem.
Sau Cài huê chuyển sang Mó cá. Các cô đào xoan vòng tay làm thành lưới (biểu tượng âm), và các kép đứng giữa làm cá (biểu tượng dương). Khi các chàng trai cá làm động tác nhảy vào ôm, các cô đào phụ họa bằng lời ca trong veo: "Là vông, vông tập, vông tập, tầm vông" như khuyến khích, như chờ đón. Kết thúc điệu hát, múa Mó cá tựa như một trò chơi. Kép làm điệu bộ hai tay đưa ra làm lưới tìm bắt đào đưa vào hậu cung.
Có lẽ, điều thú vị là ở phần lề lối hát sau thờ. Mỗi câu hát, mỗi động tác múa hướng về tính phồn thực, thể hiện rõ nhất ước mơ sinh sôi, nảy nở. Rất độc đáo, rất gợi, rất lẳng, rất dân dã nhưng tuyệt nhiên không dung tục. Ca từ và điệu múa gần gũi tới mức như át hết cái lạnh của mưa xuân.
Người bạn đồng hành trong chuyến ngược về miền đất tổ thú nhận, sau nhiều năm du học, quen thuộc với các thể loại âm nhạc đương đại, nhưng anh đã bị làn điệu Xoan quyến rũ trong phần hát đối qua lại đưa đẩy, chọc ghẹo, tức hứng rất sinh động giữa kép và đào bên bến đò làng Xoan An Thái. Bà trùm phường Xoan Nguyễn Thị Lịch cho biết, không gian của hát Xoan trải rộng từ đình làng cho đến bến đò. "Chính ở bến đò, nơi phường hát từ làng bạn cập bến, là nơi bắt đầu cho một cuộc giao tình", bà Lịch quả quyết.
-Những giá trị văn hóa truyền thống tồn tại trong nhân dân và chỉ có thể được bảo vệ, gìn giữ bởi mỗi người dân |
Không có gì còn phải bàn cãi, nét thô mộc, giản dị mang tính cộng đồng cao chính là một trong những lý do hát Xoan được ghi danh vào nhóm di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, lời cấp báo "cần được bảo tồn khẩn cấp" khiến cho niềm vui này chưa trọn vẹn, vì, cũng như nhiều di sản khác, sau một thời gian dài bị bỏ bê, mãi gần đây chúng ta mới ý thức được rằng nếu không cấp tập có biện pháp triệt để thì hát Xoan cũng như nhiều di sản phi vật thể khác sẽ vĩnh viễn mất đi không bao giờ có thể làm lại được. Như vậy đương nhiên các lợi nhuận lớn thu được từ du lịch cũng sẽ biến mất theo... Có lẽ do quá vội vàng, đôi khi các nhà quản lý đã vào cuộc duy tu, bảo tồn một cách hăng hái quá đà. Mà điều này, lại khiến cho những người như giáo sư Tô Ngọc Thanh, một người có uy tín trong giới nghiên cứu văn hóa dân gian cảm thấy lo lắng.
Theo ông Thanh, không thể thuyết phục người khác rằng đây là di sản tuyệt vời nếu chính chúng ta không biết về nó. Và càng không thể bảo tồn di sản theo kiểu bắt toàn dân phải hát Xoan.
Hào hứng góp lời bàn thêm về chuyện bảo tồn di sản, kiến trúc sư Lê Quang Anh, người có thời gian dài học tập và nghiên cứu trong lĩnh vực bảo tồn di sản ở Ý, Nhật và cũng chính là người bị làn điệu Xoan "hạ gục" ngay phút đầu tiên cho rằng, không thể cứ nhăm nhăm đổ lỗi cho chính phủ. Đất nước là của mọi người và tất cả mọi người đều phải có trách nhiệm. Bởi lẽ, những giá trị văn hóa truyền thống tồn tại trong nhân dân và chỉ có thể được bảo vệ, gìn giữ bởi mỗi người dân. UNESCO dẫu có công nhận bao nhiêu, Chính phủ dẫu có đầu tư bao nhiêu tiền của cũng sẽ bất lực nếu như không chú ý đến việc bồi dưỡng ý thức cũng như huy động nhân dân tham gia. Điều quan trọng là, phải ý thức được rằng biện pháp huy động sức dân bảo tồn di sản chỉ có hiệu quả trên một nền tảng ý thức về giữ gìn di sản văn hóa truyền thống khác hiện nay. Có lẽ, đây chính là điều lâu nay chúng ta vẫn còn lúng túng.
Mong rằng, sau tin vui hát Xoan được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, chúng ta sẽ bình tĩnh để tìm ra một hướng bảo tồn di sản hữu hiệu hơn, để sau này con cháu không còn phải cuống cuồng lo bảo tồn khẩn cấp.
No comments:
Post a Comment