Friday, April 13, 2012

Paris tái tạo vở opéra đầu tiên về lịch sử đương đại : Nixon tại Trung Quốc


09 Tháng Tư 2012

Một cảnh trong vở opéra " Nixon in China" của John Adams - Ảnh tư liệu.
Một cảnh trong vở opéra " Nixon in China" của John Adams - Ảnh tư liệu.
DR

Mai Vân
Từ 10 -18/04/2012, nhà hát Châtelet tại Paris cho diễn vở nhạc kịch opéra "Nixon ở Trung Quốc – Nixon in China", của nhà soạn nhạc Mỹ John Adams, do đạo diễn Mỹ Peter Sellars đưa lên sân khấu lần đầu tiên tại Hoa Kỳ vào năm 1987.Nhưng vở diễn lần này do một đạo diễn người Trung Quốc dàn dựng.

'' Nixon in China ''  thường được xem là vở nhạc kịch đánh dấu một bước ngoặt mới trong loại hình nghệ thuật cổ điển này, lấy chủ đề từ lịch sử đương đại, chứ không còn giới hạn trong các đề tài cổ xưa.

Vở trong nguyên tác tiếng Anh từng được diễn tại Paris cách đây hơn 20 năm, vào năm 1991, thế nhưng lần này, vở opéra trở lại với một phiên bản hoàn toàn mới, do đạo diễn người Trung Quốc Trần Sĩ Tranh (Cheng Shi Zheng) dàn dựng. Góc nhìn về chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Richard Nixon đến Trung Quốc vào năm 1972 – chủ đề của vở nhạc kịch – do đó đã thay đổi, không còn là từ phía Mỹ mà là từ phía người Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin Pháp AFP, đạo diễn Trần Sĩ Tranh, hiện sống tại New York, đã thừa nhận rằng công việc dàn dựng vở Nixon in China đã làm trỗi dậy nơi ông rất nhiều trải nghiệm mà ông từng muốn quên đi : « Tôi lớn lên trong thời Cách mạng Văn hóa Trung Quốc. Đó là một thời kỳ rất dữ dội, đầy bạo lực, vào lúc tôi mất mẹ khi mới bốn tuổi. Trong hàng bao nhiêu năm, tôi đã cố gắng để xóa nhòa thời kỳ đó ra khỏi ký ức của tôi. Tôi không muốn nghĩ về nó nữa ».
Thế nhưng, để dàn dựng vở opéra này, Trần Sĩ Tranh đã phải làm sống lại những kỷ niệm của mình, và tìm kiếm thêm tài liệu để giải thích cho các nghệ sĩ tham gia vở diễn, vì nhiều người đôi khi không biết gì về giai đoạn lịch sử đó.
« Nixon đã biến đổi lịch sử Trung Quốc »
Về phần mình, nhà đạo diễn Trung Quốc đã tâm sự : « Chuyến công du của ông Nixon đã làm thay đổi Trung Quốc và cuộc sống của tôi ».
Trần Sĩ Tranh vừa là biên đạo múa, đạo diễn, vừa là ca sĩ, kịch sĩ. Ngay từ bé, ông đã được các bậc thầytrong ngành opéra Trung Quốc nhào nặn. Khi Tổng Thống Mỹ Nixon qua thăm Trung Quốc, ông mới chín tuổi. Ông nhớ lại :
« Tôi đã nhìn thấy một bức chân dung của Nixon. Cho đến lúc ấy, tôi chưa bao giờ thấy người Mỹ, và tôi đã bị một cú sốc khi khám phá ra rằng họ cũng là con người ». Lý do khiến cậu bé Trần Sĩ Tranh chấn động rất đơn giản : « người Mỹ thường được trình bày như là ma quỷ chứ không phải là người. »
Đối với đạo diễn Trung Quốc, vào thời điểm đó, « cú bắt tay » giữa Nixon và Mao Trạch Đông và hành động nâng ly chúc mừng Tổng Thống Mỹ « giống như một chuyện hoang đường, hư cấu ». Ông nói thêm : « Đột nhiên, người Mỹ không còn kẻ thù của chúng tôi, và cũng như thế, họ đột nhiên trở thành bạn của chúng tôi ».
Khi đã trưởng thành, Trần Sĩ Tranh quyết định du học tại Hoa Kỳ, và ông đã sống ở đó từ 20 năm nay.
Phiên bản mới của vở "Nixon tại Trung Quốc"
Nếu nguyên bản vở opéra Nixon in China do người Mỹ dàn dựng đậm tính tư liệu và châm biếm, đặc biệt đối với lối sống Mỹ (the American way of life), thì theo AFP, phiên bản của Trần Sĩ Tranh khác xa. Ông xuất phát từ "bề nổi" của sự việc, dàn dựng một màn múa hoành tráng với quần chúng đông đảo ra chào mừng Tổng Thống Nixon khi ông đến Bắc Kinh.
Theo đạo diễn Trần Sĩ Tranh, các lãnh đạo Trung Quốc đã « nỗ lực hết sức để làm hài lòng và gây ấn tượng với người Mỹ. Họ muốn phô trương một nước Trung Hoa tươi đẹp, vào lúc mà đất nước còn rất nghèo. Bản thân tôi lúc đó không có gì. Tất cả chúng tôi đều là tay trắng ».
Cách dàn dựng của Trần Sĩ Tranh nhằm giúp cho khán giả thấy được những sắc thái bạo lực tiềm ẩn cho đến khi người Mỹ chứng kiến cảnh "hỗn loạn" : « Đột nhiên, họ nhìn thấy bộ mặt thực thụ của Trung Quốc. »
Một bức tượng khổng lồ của Mao Trạch Đông được dựng trên sân khấu. Trần Sĩ Tranh giải thích : « Tôi không phán xét ông ấy. Tôi muốn nói với mọi người rằng Mao vẫn còn hiện diện. Ông ta có tượng tại nhiều thành phố Trung Quốc và có những người tôn sùng ở quê nhà. »
Từng bị cấm về Trung Quốc trong vòng 5 năm vì một vở opera của mình, đạo diễn Trần Sĩ Tranh cho rằng vở "Nixon tại Trung Quốc" không thể nào được trình diễn tại Trung Quốc. vì đất nước này chưa hoàn toàn cởi mở. Ông kết luận :
« Khi tôi còn trẻ, nghệ thuật chỉ là tuyên truyền, chứ không phải là phương thức thể hiện cá nhân. Còn bây giờ, nghệ thuật lại chỉ là một cái gì đó mang tính chất thương mại. Theo tôi, nghệ thuật (đích thực) chưa tìm thấy chỗ đứng tại Trung Quốc ».
TAGS: HOA KỲ (MỸ) - PHÁP - TRUNG QUỐC - VĂN HÓA
http://www.viet.rfi.fr/phap/20120409-paris-tai-tao-vo-opera-dau-tien-ve-lich-su-duong-dai-nixon-tai-trung-quoc

No comments:

Post a Comment