Tác giả: LÊ NGỌC SƠN
Bài đã được xuất bản.: 31/03/2012 04:00 GMT+7
Những lời lẽ được cho là tục tĩu trong bài giảng của TS Lê Thẩm Dương tại một lớp học của Viện Quản trị kinh doanh FSB (trường ĐH FPT) đã gây ra những tranh luận trái chiều.
Dưới đây là cuộc trao đổi với TS Nguyễn Hữu Lam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Quản trị (CEMD), trường ĐH Kinh tế TP. HCM do Sinh viên Việt Nam thực hiện.
Ông Nguyễn Hữu Lam nhận bằng Tiến sĩ Phát triển Nguồn nhân lực tại ĐH Texas A&M, Hoa Kỳ (Học bổng Fulbright). Lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy chuyên môn của ông là: Năng lực tư duy sáng tạo, Quản lý sự thay đổi và phát triển tổ chức, Phát triển lãnh đạo, Phát triển giảng viên, Giáo dục và đào tạo trên cơ sở năng lực và Phát triển nguồn nhân lực quốc tế. Ông Lam giảng dạy và tư vấn cho nhiều tổ chức tại Việt Nam và quốc tế.
Nếu thích diễn hài, hãy đến các rạp hát!
Thưa ông, qua vụ việc trên, có lẽ sẽ phải đặt lại vấn đề xây dựng các chuẩn mực giảng dạy ở bậc đại học?
Chúng ta cần phải nhanh chóng xây dựng các chuẩn mực rõ ràng trong giảng dạy đại học làm cơ sở cho các hoạt động lành mạnh và tiến bộ trong nhà trường. Nhưng điều quan trọng không phải là tạo ra các bộ chuẩn mực, quy định trên giấy để báo cáo cấp trên hoặc trình cho các cơ quan thẩm định, mà điều quan trọng là phải biến các chuẩn mực, quy chế này thành ứng xử thường nhật của thầy và trò trong nhà trường để có một môi trường học tập đạt hiệu quả cao.
Nhưng làm thế nào để đảm bảo được những chuẩn mực đạo đức trong nhà trường?
Tháng Tư năm 2008, Bộ GD - ĐT đã ban hành Quy định về Đạo đức nhà giáo. Quy định này, nếu được triển khai và tôn trọng thì nó cũng đã tạo ra một môi trường giáo dục rất tốt. Theo tôi, để có được các chuẩn mực đạo đức cao trong nhà trường đòi hỏi các cơ quan quản lý giáo dục phải làm tốt hơn nữa vai trò kiểm tra, giám sát. Mặt khác, sinh viên cũng phải biết tự bảo vệ và phát triển sự lành mạnh của môi trường mà mình đang sống và học tập. Và tất nhiên, cả báo chí nữa. Chúng ta hãy cùng lên tiếng và ngăn chặn những hành vi phi đạo đức, phản giáo dục trong nhà trường.
Theo ông, sinh viên cần làm gì khi gặp các giảng viên nói tục trên giảng đường?
Hãy khéo léo biểu lộ thái độ của mình bằng cách không hưởng ứng, hoặc tỏ vẻ khó chịu. Hãy tế nhị góp ý với thầy cô vào giờ giải lao hoặc sau giờ học. Hãy đi ra khỏi lớp. Hãy báo cáo với những người có trách nhiệm trong nhà trường để có những điều chỉnh, sửa đổi cần thiết, phù hợp với chuẩn mực đạo đức của nhà trường. Và hãy post lên mạng những clip hoặc file ghi âm mà bạn có được khi những cách trên không đạt được mục đích.
Cần nhớ, bạn bỏ thời gian, công sức, tiền bạc đến lớp để tiếp thu tri thức và các giá trị cho bạn và cho xã hội chứ không phải để được nghe nói tục.
Có người cho rằng, những "bài giảng sexy" thường là những bài giảng lôi cuốn người học. Ông nhận xét gì về quan điểm này?
Tôi thích những bài giảng "sexy", nếu hiểu từ này là "trần trụi". Khoa học phải trung thực và thẳng thắn, phải tôn trọng sự thật, phải lột trần những lấp liếm, che đậy làm cho người học thấy rõ bản chất của sự vật, hiện tượng và vẻ đẹp, sức hấp dẫn của tri thức mà mục tiêu bài giảng nhắm tới. Một giảng viên có khả năng ngôn ngữ và chuyên môn tốt để làm cho bài giảng cô đọng hơn, trực tiếp hơn, đơn giản hơn, ít tốn thời gian hơn mà đạt tới mục tiêu thì đó là một bài giảng tốt. Tuy nhiên, nếu hiểu "sexy" là việc sử dụng những ngôn ngữ gợi dục, trần tục, thô thiển, hoặc rẻ tiền thì điều đó không được phép xảy ra trong nhà trường. Chỉ có những người yếu kém về chuyên môn mới sử dụng những câu chuyện tầm phào để câu khách và lấp đi những lỗ hổng chuyên môn của mình.
Cần nhấn mạnh, sự lôi cuốn và sức hấp dẫn của nhà trường, của giảng đường và giảng viên phải đến từ vẻ đẹp và giá trị của tri thức, của những điều cao cả, chứ không phải từ mấy trò hề. Nếu anh thích diễn hài, hãy đến các rạp hát, đừng đến trường đại học!
Đừng để bị "lòe" bởi chức danh, học vị
Hiện nay có không ít giảng viên giảng bài rất nhàm chán, khiến sinh viên đối phó bằng cách... ngủ. Ông nghĩ gì về thực trạng này?
Theo tôi, ai vào giảng đường ngủ, trước hết họ hãy tự trách mình. Thời gian, công sức, tiền bạc bạn bỏ ra để nhận được cái gì? Tôi cho rằng, thời sinh viên là thời đẹp nhất trong cuộc đời, các bạn hãy dành thời gian quý báu nhất trong cuộc đời của mình cho việc tích lũy những kiến thức, năng lực và giá trị cho cuộc đời. Hãy đòi hỏi và phải đòi bằng được nhà trường, thầy, cô giáo thực hiện đúng những sứ mạng thiêng liêng của họ. Đừng dễ dãi, chấp nhận và đối phó một cách tiêu cực.
Tôi thích những bài giảng "sexy", nếu hiểu từ này là "trần trụi". Khoa học phải trung thực và thẳng thắn, phải tôn trọng sự thật, phải lột trần những lấp liếm, che đậy làm cho người học thấy rõ bản chất của sự vật, hiện tượng và vẻ đẹp, sức hấp dẫn của tri thức mà mục tiêu bài giảng nhắm tới. Một giảng viên có khả năng ngôn ngữ và chuyên môn tốt để làm cho bài giảng cô đọng hơn, trực tiếp hơn, đơn giản hơn, ít tốn thời gian hơn mà đạt tới mục tiêu thì đó là một bài giảng tốt. Tuy nhiên, nếu hiểu "sexy" là việc sử dụng những ngôn ngữ gợi dục, trần tục, thô thiển, hoặc rẻ tiền thì điều đó không được phép xảy ra trong nhà trường.
|
Theo ông, làm thế nào để sinh viên có thể đánh giá, chọn lựa được những bài giảng bổ ích cho mình?
Theo tôi, thứ nhất sinh viên cần xác định mục đích, động cơ và nhu cầu học tập của mình. Mình phải biết mình đến trường để làm gì, tiếp nhận những gì cho tương lai và cuộc sống của mình. Thứ hai, cần nghiên cứu kỹ chương trình giảng dạy môn học và bài giảng để hiểu rõ môn học đó sẽ mang lại cho mình những lợi ích gì có phù hợp với mục tiêu của mình hay không và qua đó, mới xác định được các chiến lược và phương pháp học tập phù hợp. Thứ ba, giảng viên giảng môn học đó là ai, họ có chuyên môn sâu về lĩnh vực nào, có những kinh nghiệm nghiên cứu hoặc hoạt động trong lĩnh vực nào, bằng cấp và kinh nghiệm có phải là lĩnh vực mà họ đang giảng dạy hay không. Đừng để bị lòe bởi chức danh, học vị, hay chức vụ mà họ đảm nhận.
Để làm được những điều này thì sinh viên cần vào trang web của trường để tìm hiểu, từ đó, chọn môn học và chọn thầy. Cần tham khảo những anh chị lớp trước để có thêm thông tin về môn học và giảng viên. Thêm nữa, vào buổi đầu các môn học sinh viên cần đòi hỏi giảng viên cung cấp những thông tin cần thiết về môn học như mục tiêu môn học (học xong môn này tôi được cái gì), nội dung môn học (những nội dung nào sẽ được đề cập trong môn học), phương pháp giảng dạy và học tập (những cách thức tiếp cận với các nội dung để đạt tới mục tiêu), và cách đánh giá (thi cử, điểm số được đánh giá như thế nào)...
Khám phá, chinh phục những giá trị của tri thức
Từng học tập ở những trường đại học lớn của thế giới, ông có cảm nhận gì về phong cách giảng dạy của những người thầy của mình? Đâu là điểm chung ở họ?
Thứ nhất, họ uyên thâm về tri thức nhưng luôn khiêm tốn, giản dị. Thứ hai, trung thực, thẳng thắn, nghiêm túc và đòi hỏi rất cao trong khoa học nhưng lại rất nhẹ nhàng và dễ gần gũi. Thứ ba, họ đều rất ân cần, chu đáo, lịch sự, rất tôn trọng và gần gũi với sinh viên. Và thứ tư, họ là tấm gương mẫu mực trong khoa học, giáo dục cũng như trong đời sống để chúng tôi noi theo.
Theo ông thế nào là giảng hay, giảng giỏi?
Thầy, cô giáo là những người dẫn dắt những sinh viên của mình đến những chân trời mới về tri thức. Vì thế, người giảng dạy tốt, theo tôi trước hết là phải đạt được các mục tiêu: Người học phải mở rộng và phát triển được những năng lực cần thiết cho tương lai của họ. Giá trị của một bài giảng trước hết, trên hết và quan trọng nhất là những giá trị (kiến thức, kỹ năng, thái độ) mà người học nhận được cho cuộc đời của họ, giúp họ thành công hơn và hạnh phúc hơn trong tương lai - nói hàn lâm một chút đó là hàm lượng khoa học trong bài giảng, là sự đam mê, hào hứng khám phá, tìm hiểu và chinh phục những đỉnh cao của tri thức và giá trị nhân loại, là sự dũng cảm để vượt qua các khó khăn, trở ngại để đạt tới sự sáng tỏ và uyên thâm chứ không phải ở những điều khác.
Tất nhiên, ở đây, phương pháp cũng đóng phần quan trọng, vì phương pháp phù hợp sẽ có hiệu quả cao và đạt tới những điều tôi vừa nói. Nhưng phương pháp là phương tiện chứ không phải là mục đích. Đừng biến phương tiện thành mục đích, chúng ta đã phải trả giá quá nhiều vì chuyện này rồi.
Có một thực tế, là nhiều giảng viên, thay vì gây cuốn hút bằng vốn tri thức và cách diễn đạt phù hợp, họ thường muốn gây cuốn hút bằng cách gây cười cho học viên. Về mặt khoa học giáo dục, ông có ý kiến gì?
Như tôi đã nói, khi một giảng viên kém về chuyên môn thì thường hay lấp giờ giảng bằng những câu chuyện mua vui, dễ dãi với học trò và thậm chí, còn "câu khách" bằng sự dễ dãi trong đánh giá. Những người có ảnh hưởng mạnh đến sự thành công của học trò không thể là những người dễ dãi, mà thường là những người nghiêm khắc, nghiêm túc, luôn đòi hỏi cao trong khoa học và cuộc sống.
Để đi tới sự thành công - hành trình đầy chông gai và thử thách thì giảng viên cần có một năng lực quan trọng là động viên người học, chỉ ra cho người học thấy giá trị và tinh túy của tri thức để người học được truyền cảm hứng và có nhiệt huyết để theo đuổi môn học và bài học. Tất nhiên, trong những giờ học căng thẳng hoặc mệt mỏi thì khả năng hài hước cũng làm cho lớp học sinh động và vui hơn, nhưng phải nhớ rằng tất cả - từng ví dụ, từng câu chuyện, từng phép ẩn dụ, so sánh... - phải nhắm tới mục tiêu của buổi học và môn học.
Xin cảm ơn ông!
Theo SVVN
No comments:
Post a Comment