Tác giả: KIM DUNG
Bài đã được xuất bản.: 27/02/2012 05:00 GMT+7
Trở về đất Việt. Trên chuyến bay VN 145, bay thẳng từ sân bay Gatwick về Nội Bài. Bên dưới cánh máy bay, London vẫn nắng vàng rực rỡ. Cung điện Westminster đâu đó bên bờ sông Thames có trầm tư suy nghĩ? Bỗng thấy sự già cỗi hay trẻ trung không nằm ở khái niệm lịch sử, hay thời gian sinh tồn của một quốc gia, mà nằm ở... tư duy con người.
"Thỏi nam châm" mang tên nước Anh
Như một linh tính mách bảo, tôi bừng tỉnh, ngó ra cửa sổ máy bay- trong chuyến bay từ Ireland trở về nước Anh. Và quả thật, không tin nổi ở mắt mình: Dưới cánh máy bay, là Cung điện Westminster (tòa nhà Quốc hội) nằm bên bờ sông Thames, nổi bật là Tháp chuông đồng hồ Big Ben kiều diễm, tinh tế vô cùng, như một biểu tượng của xứ sở sương mù.
Bên kia bờ sông Thames, là Vòng quay Thiên niên kỷ, một vòng quay quan sát khổng lồ cao 135 mét, còn được gọi là Mắt London. Được xây dựng vào năm 1999, Mắt London đến giờ vẫn... sáng trưng, được coi là một trong những "con mắt" quan sát cao lớn nhất thế giới.
Vội lấy chiếc máy ảnh ra chụp qua lớp kính...
Dưới kia là một nước Anh- lần thứ hai, bất ngờ tôi được quay lại để thăm và học "một sàng khôn", một nước Anh từng được mệnh danh là "tư bản già cỗi".
Khác với Dublin của Ireland đang những ngày ẩm ướt, sụt sùi mưa, thủ đô London của nước Anh vốn bị coi là ảm đạm lại đang nắng vàng lên rực rỡ, dù vẫn những ngày đông giá.
Có điều, nếu lần đến thăm trước đây là những ngày cuối thu, lá phong vàng rực như không thể vàng hơn. Thì lần này, chỉ thấy những cành phong trơ trụi, run rẩy đến nao lòng. Đông chưa tàn mà xuân cũng chưa tới...
Nhưng dù xuân chưa tới, đất nước của đồng hồ Big ben vẫn như một thỏi nam châm cực lớn, thu hút gần 25 triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Bởi không chỉ là một trong những trung tâm kinh tế, tài chính và kinh doanh thời trang hàng đầu thế giới, nước Anh còn là nơi hội tụ những di sản văn hóa khổng lồ và độc đáo.
Bởi sự quyến rũ của quần thể những lâu đài, cung điện cổ soi mình bên dòng Thames thơ mộng. Bởi Cung điện Buckingham kỳ vĩ luôn diễn ra nghi thức đổi gác trang nghiêm và ấn tượng. Bởi Lâu đài của nữ hoàng Vitoria tráng lệ, nguy nga hiển hiện trong đời, thực sự như một lâu đài truyện cổ tích.
Bởi Bảo tàng Anh (BritishMuseum) được coi là một trong những bảo tàng lớn nhất thế giới với hơn 7 triệu hiện vật của nhiều nền văn minh khác nhau: Ai Cập, Hy Lạp, La Mã, châu Âu. châu Á, châu Phi..., mà hấp dẫn nhất là các xác ướp Ai Cập.
Bởi sự kỳ lạ và bí ẩn của di tích đá Stonehenge - một trong những kỳ quan nổi tiếng thế giới. Hay bởi cây cầu tháp Tower, mang phong cách kiến trúc Gothic đặc trưng của châu Âu, kết hợp cả cầu treo và máy nâng, vắt qua dòng sông Thames như một tiền duyên.
Bởi sự kỳ lạ và bí ẩn của di tích đá Stonehenge - một trong những kỳ quan nổi tiếng thế giới. Hay bởi cây cầu tháp Tower, mang phong cách kiến trúc Gothic đặc trưng của châu Âu, kết hợp cả cầu treo và máy nâng, vắt qua dòng sông Thames như một tiền duyên.
Nước Anh hậu sinh ở thời hiện tại quả khéo biết gìn giữ, tôn vinh những di sản kiến trúc, lịch sử và văn hóa trong quá khứ, để người đời ngưỡng mộ chính trí tuệ, tài năng phi thường người Anh. Vừa là đạo lý, vừa là biết cách làm giầu từ các di sản của bậc tiền nhân.
Và còn bởi nền giáo dục nước Anh, một nền giáo dục có đẳng cấp cao, mạnh vào loại nhất, nhì thế giới- cũng là một thỏi nam châm lớn khác (trong đó, có khoảng 180 trường ĐH) với nhiều ĐH danh tiếng: Cambridge, University College London, Oxford và ĐH Hoàng gia London... , có sức hút hàng nghìn, hàng vạn nam thanh, nữ tú của khắp địa cầu, trong đó có 7000 người trẻ tuổi của Việt Nam đổ xô đến, qua con đường du học.
Cung điện Westminster và Mắt London ở hai bên bờ sông Thames (ảnh chụp từ trên máy bay). Ảnh: Kim Dung
|
Học để làm
Nhưng tư duy của nước Anh "tư bản già cỗi" lại rất... trẻ trung. Cứ nhìn ở trường ĐH nơi chúng tôi đến thăm và tham dự một lớp về báo chí truyền thông hiện đại, thì đủ biết
Đó là ĐH Middlesex, nằm ở phía bắc London.
Hóa ra, đây cũng là trường ĐH mà hoa hậu Việt Nam Nguyễn Thị Huyền (2005) theo học, chuyên ngành báo chí. Trường có hoa hậu học có khác. Đẹp hài hòa, cổng trường trông khá cổ điển, với kiến trúc Gothic truyền thống, và những nét hoa văn cổ tuyệt đẹp, nhưng bên trong, từ thiết kế kiến trúc đến các phương tiện kỹ thuật trang bị các khoa, đặc biệt ở Khoa Truyền thông, rất hiện đại.
Theo GS Michael Driscoll, Phó Hiệu trưởng, và TS Terry Butland- Phó Trưởng phòng Quốc tế, ĐH Middlesex là một trường ĐH năng động.
Sự năng động hiển hiện ngay ở những con số tưởng rất khô khan, nhưng thú vị. Đó là một trong những trường được sinh viên quốc tế lựa chọn (học ĐH và sau ĐH) vào loại đông nhất ở Anh. Quy mô trường có khoảng 35000 sinh viên, trong đó có hàng ngàn sinh viên quốc tế đến từ hơn 100 nước, theo học ở 130 ngành nghề khác nhau.
Với số lượng sinh viên đông như vậy, trước đây, ĐH Middlesex có tới 14 khu học xá rải khắp London. Nhưng giờ, được quy hoạch lại thành ba khu học xá lớn, đào tạo với phương châm- xã hội cần gì, nhà trường đáp ứng nấy, với chất lượng cao.
Theo bảng đánh giá quốc gia (tháng 4/2010) sinh viên của ĐH Middlesex đứng thứ tám trong top ten của nước Anh- là những trường có sinh viên tốt nghiệp kiếm được công việc tốt nhất, hiệu quả cao nhất.
"Học để làm"- chỉ ba chữ đơn giản, nhưng nó thu hút cả nguồn lực đầu tư, lẫn chương trình đào tạo công phu. Có thể thấy ở ngay Khoa Truyền thông của ĐH Middlesex này.
Phòng quay Studio của Khoa Truyền thông. Ảnh Kim Dung
|
Nói cho công bằng, với thâm niên nghề báo, người viết bài thấy nội dung giảng về báo chí và truyền thông hiện đại không quá xa lạ như: Những dự báo "cái chết" của loại hình báo giấy vào năm 2017, tính trung thực, đạo đức người làm báo, sự khác biệt giữa báo "lá cải" với không lá cải...
Nhưng thích thú nhất, là được tận mắt thăm các phòng chức năng, nghiệp vụ với kỹ thuật rất hiện đại, giúp cho người làm truyền thông những kỹ năng truyền thông "thời thượng" nhất: Phòng quay Studeo, phòng sản xuất chương trình, phòng ánh sáng và chỉnh hình, phòng dữ liệu, phòng thu phát...
Tổ chức lớp học cũng rất linh hoạt: Số học viên ít, giảng viên, học viên "đối thoại" nhau khá cởi mở, hỏi- đáp liên tục và thân thiện. Giảng viên lại từng là nhà báo, nên họ có thực tiễn, có cảm xúc và trải nghiệm của nghề.
Bất ngờ nhất, khi đến thăm lớp nhiếp ảnh, chỉ thấy hơn chục sinh viên, trên màn hình hiện ra bức ảnh nổi tiếng "Saigon Execution" của phóng viên nhiếp ảnh người Mỹ Eddie Adams (Hãng AP).
Bức ảnh chụp Nguyễn Ngọc Loan, lúc đó là Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia kiêm Giám đốc Nha An ninh quân đội của chính quyền VNCH, dí súng sát thái dương của một người đàn ông bị bắt, bóp cò, ngay trên đường phố Sài Gòn, Tết Mậu Thân 1968. Người đàn ông này, sau được xác định là chiến sĩ đặc công Bảy Lốp, tức Nguyễn Văn Lém.
Bức ảnh làm chấn động lương tâm nhân loại. Sự tàn bạo của con người với con người. Và sự tàn bạo của chiến tranh!
Bức ảnh đã khiến E. Adams đoạt Giải thưởng Pulitger ngay năm sau đó, 1969.
Đó cũng là một chấn động của truyền thông. Nó vẫn truyền từ quá khứ đến hiện tại.
Nhưng sẽ rất khác biệt như tiên tiến và tụt hậu, như văn minh và lạc hậu- giữa một nền giáo dục "học để làm", và một nền giáo dục "học để thi", chỉ để... làm quan.
|
Chợt nhớ tới một "chấn động truyền thông" khác của chính người viết bài:
Cách đây 5-7 năm, tôi được mời thỉnh giảng về nghiệp vụ báo chí (thể loại phỏng vấn) tại một cơ sở đào tạo. Thật khó có thể hình dung, trường ĐH mà chỉ có phấn trắng, bảng xanh, vài dãy bàn ghế nham nhở hệt một trường làng. Có gì đó như nỗi sửng sốt...
Và người viết còn sửng sốt hơn, khi phải biên tập tin, bài cho những sinh viên mới tốt nghiệp ĐH báo chí- bài viết không ra bài, tin viết không ra tin, lỗi lủng củng, từ chính tả cho tới cách diễn đạt. Không hiểu nổi bốn năm học, họ học những gì?
Hỏi: "Khi làm bài thi về các thể loại nghiệp vụ báo chí như phóng sự, điều tra, thì làm thế nào?". Họ trả lời: "Đề tài thường hỏi về lý thuyết- thế nào là phóng sự, thế nào là điều tra!".
Sau phút sững sờ, lại thấy không có gì khó hiểu. Vì đội ngũ giảng viên nghiệp vụ báo chí hiện nay ở Việt Nam, thực sự có bao nhiêu người là nhà báo, có thực tiễn, và từng viết báo?
Thế nên, người viết bài thật sự thấy vui khi gặp những gương mặt trẻ- những cử nhân, thạc sĩ tương lai: Nguyễn Khánh Linh, Hoàng Thùy Linh (ở Ireland), Ngô Hồng Vinh, Thân Ngọc Thùy Vân, Lê Văn Thắng (ở ĐH Middlesex). Và cả những thạc sĩ tương lai của trường này, đang làm...bồi bàn cho Quán Tre Việt, tại China Town (London), để kiếm tiền trang trải cho cuộc dấn thân vào sự học của mình nơi đất khách.
Vừa vui, và cũng vừa buồn. Vui vì họ là những người Việt trẻ tuổi có chí, mong muốn lập thân để khẳng định bản ngã. Nhưng buồn cho nền giáo dục Việt Nam- con trẻ phải đi học thêm từ lớp 1 tiểu học, nhưng bằng cấp cả phổ thông lẫn ĐH lại không được thế giới... công nhận.
Một nền giáo dục mà tuổi trẻ phải ồ ạt đi "tị nạn giáo dục" xứ người- như lời của một nữ nhà văn, thật xót xa. Cho dù du học, giao lưu học hỏi giữa các quốc gia vốn là chuyện bình thường, nhưng một khi du học trở thành trào lưu "tị nạn" của tuổi trẻ, thì nền giáo dục đó, quả có lỗi với tuổi trẻ, có lỗi với dân tộc.
Tháp đồng hồ Big Ben. Ảnh Kim Dung
|
Già cỗi và... trẻ trung
Mọi sự so sánh vốn khập khiễng. Đương nhiên, không thể so sánh tiềm lực kinh tế- giáo dục của một nước tư bản "già đời" 300- 400 năm hùng mạnh, với một nền kinh tế thị trường còn quá non trẻ, chỉ mới hơn 20 năm.
Nhưng sẽ rất khác biệt, như tiên tiến với tụt hậu, như văn minh với lạc hậu- giữa một nền giáo dục "học để làm", và một nền giáo dục "học để thi", chỉ để ...làm quan.
Khác biệt bởi ở tư duy và tính mục đích. Mặc dù chúng ta luôn nhắc đến bốn trụ cột giáo dục của UNESCO: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để phát triển, như một tư tưởng để hội nhập giáo dục hiện đại.
Nhưng đã hơn 65 năm đất nước độc lập, tự do, mà giáo dục Việt Nam chưa bao giờ thoát nổi cái "vòng kim cô" là một nền giáo dục ứng thí.
Từng tổ chức rất nhiều kỳ thi, ngành giáo dục vẫn rất có thể là... "học trò" yếu kém trên trường quốc tế. Bởi cái tư duy giáo dục hàn lâm, thủ cựu, già cỗi, trên cái nền kinh tế thị trường rất non trẻ
Trở về đất Việt. Trên chuyến bay VN 145, bay thẳng từ sân bay Gatwick về Nội Bài. Bên dưới cánh máy bay, London vẫn nắng vàng rực rỡ. Cung điện Westminster đâu đó bên bờ sông Thames có trầm tư suy nghĩ? Bỗng thấy sự già cỗi hay trẻ trung không nằm ở khái niệm lịch sử, hay thời gian sinh tồn của một quốc gia, mà nằm ở... tư duy con người
Chợt tự hỏi: Bao giờ tư duy giáo dục của Việt Nam cũng là một "đường bay" thẳng, trẻ trung- học để làm nhỉ?
No comments:
Post a Comment