Tác giả: NGUYÊN NGỌC
Bài đã được xuất bản.: 27/01/2012 05:00 GMT+7
Ở tuổi tôi, ngày cuối năm thường gợi những kỷ niệm bâng quơ đâu đâu, chẳng ăn nhập vào bất cứ điều gì cả. Không hiểu sao mấy hôm nay tôi lại bỗng nhớ những người chị ở quê tôi, phố Hội, Hội An nhỏ bé của tôi, nơi chừng như cuộc đời mọi người đều bình yên, quá bình yên, mà hóa ra người nào cũng có những éo le nhiều khi đến quằn quại, mà thời gian, lạ vậy, lại biến thành những vết sẹo mỗi lần thức dậy vẫn non tươi, và nhìn theo một góc nào đó lại còn… đẹp nữa…
... Năm 1975, giải phóng Sài Gòn, tôi vào ở nhà 190 Công Lý, một hôm bỗng có một người mặc toàn âu phục trắng, đi giày trắng, để ria mép, tự tay lái xe đến tìm tôi, và tự giới thiệu là "Út Trà Ôn". Tôi vô cùng ngạc nhiên, từng nghe tên Út Trà Ôn là nghệ sĩ cải lương tài danh, nhưng có quen biết bao giờ đâu. Trò chuyện hồi lâu mới rõ hóa ra ông là chồng của chị Sâm, con gái bác Ba của tôi.
Tôi không nhớ bác Ba làm nghề gì, chỉ thấy ông đi Nam về Bắc rất nhiều, thỉnh thoảng ghé qua nhà tôi ở Hội An. Ông cao lớn, lần nào cũng đội một cái mũ cát thuộc địa trắng rộng vành. Đâu khoảng trước Cách mạng tháng Tám ít lâu, nhà bác xảy ra một việc làm rúng động cả đại gia đình chúng tôi: chị Sâm con gái ông bỏ nhà "đi rong". Ngày ấy người ta gọi con gái bỏ nhà biệt tích theo trai là "đi rong", và nhà có con gái đi rong thì xấu hổ lắm. Bác Ba tôi suy sụp hẳn sau vụ đó... Rồi Cách mạng, chiến tranh, chia cắt đất nước... Chuyện cũng phai dần. Bác Ba tôi mất đã lâu. Nếu thỉnh thoảng trong gia đình có ai tình cờ nhắc đến chị Sâm thì cũng coi như một người con gái đã mất tích.
Có lẽ tôi là người đầu tiên biết được sự thật về người chị ấy, qua câu chuyện của ông Út Trà Ôn. Chị Sâm bỏ nhà ra đi chỉ vì mê cải lương. Trong gia đình tôi hình như mỗi người đều có ít nhiều cái máu si mê đó, đôi khi đến liều lĩnh. Chị lang bạt theo các đoàn cải lương Sài Gòn, hình như cũng có hát đôi chút, rồi sau chuyên làm công việc quản lý, là tay hòm chìa khóa của đoàn. Chị lấy ông Út Trà Ôn khi đoàn đang ở Hongkong, không biết là vợ thứ mấy của ông. Những ngày mới giải phóng, có được một người họ hàng là sĩ quan Việt cộng là một chỗ dựa quan trọng lắm.
Không hiểu làm sao mà ông Út Trà Ôn biết được tôi đang có mặt ở Sài Gòn, tìm được đến đúng 190 Công Lý. Ông lái xe đưa tôi về nhà, ở quận 5. Chị Sâm ôm lấy tôi mà khóc. Người con gái đi rong mấy mươi năm trước nay đã là một người đàn bà tóc bạc, phúc hậu, thật lạ, vẫn chân chất qua bao nhiêu trôi nổi của cái nghề sân khấu lòe loẹt mà bạc bẽo, tôi biết chứ. Và vẫn còn phảng phất nét đẹp xưa, tôi nhớ, ngày trước, mỗi lần chị ghé qua nhà tôi, cả nhà cứ như sáng lên. Và tôi, thằng bé con phố Hội, tôi "yêu" chị bằng một tình yêu trẻ con rất khó hiểu... vẫn còn vương vấn trong tôi cho đến tận bây giờ. Cũng có thể là do tôi tưởng tượng ra vậy thôi, tôi "yêu" chị là sau khi chị đã bỏ nhà đi rong, người con gái "hư" làm khổ, làm nhục cả nhà ấy lại có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với đứa trẻ mới lớn lên là tôi ngày đó, đầy khao khát, mơ hồ...
Tôi còn có một người chú, tên là chú Du, làm nghề in, đã từng lo việc in báo Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng ở Huế trước năm 1945. Ngày giải phóng Đà Nẵng tôi gặp lại ông, đã trở thành một chủ nhà in lớn. Ông bị sạt nghiệp trong đợt gọi là "cải tạo tư sản" của ta sau năm 1975...
Tất cả những con người đó, ông bác có cô con gái đi rong; ông bác tôi ở Huế, nhạc công thổi cây kèn to nhất, trầm nhất của đội nhạc Tòa Khâm, từng đi biểu diễn ở hội chợ Marseille bên Tây; ông chú nhà chủ in sạt nghiệp; chị Sâm nghệ sĩ dở dang tôi từng yêu thầm vụng dại..., tất cả đã đều không còn. Họ là một mảng khác của bức tranh xã hội một thời, khác và đối lập với mảng tranh bên họ ngoại tôi. Chắc cũng để lại trong tôi, đâu đó tận đáy tiềm thức, một phần những gì làm nên số phận tôi, con đường tôi đi trong cuộc đời này... Có thể là cái thói lang bạt chăng?...
***
Tôi còn có những người chị không họ hàng nhưng rất thân thiết nữa. Vừa rồi trở về Hội An tôi có ghé thăm chị Thúy. Ở phố Hội tôi có những người chị như vậy, chị Thúy nhà gần miếu Ông Cọp, xưa ở đó, nay vẫn ở đó, chị Liễu con ông Dần bán lục tàu xá, chị Điểu con ông Đội Câu, chị Liên Hương con ông Trần Xuân Vịnh, nhà buôn ở phố Chùa Cầu... Các chị đều chỉ lớn hơn tôi vài ba tuổi, nhưng ở tuổi đó ngày xưa đã là xa lắm, tôi thật sự coi là đàn chị và các chị cũng coi tôi là em trai nhỏ. Thành phố bé tí nên người ta sống với nhau như trong một cái làng, thậm chí một gia đình, một dòng họ.
Chị Thúy vẫn nhắc: hồi trước, bữa nào nhà có nấu món gì đặc biệt, mẹ mình thường sai mình bưng lên kỉnh cô thầy Thông Quý (tức ba mẹ tôi). Nhà tôi cũng vậy, có món gì lạ, đều sai người ở bưng đi kỉnh cả phố... Chị Liễu thì mỗi sáng đi học ngang nhà tôi đều dừng lại dắt tôi, hai chị em cùng đi... Nhà nào cũng nghèo, nhưng các chị đều được học hành rất đàng hoàng, là lớp nữ trí thức của phố Hội, hầu hết đều đỗ thành chung, bây giờ già rồi, có dịp gặp nhau thường nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp... chỉ là để nhớ lại một thời xưa. Chiến tranh, các chị đều trở thành cán bộ, lăn lộn và dũng cảm, lãng mạn nữa. Và đều đẹp.
Tôi biết anh Trần Kỳ Nhẫn, thị đội trưởng Hội An thời chống Pháp, rất yêu chị Liễu. Mà chị thì cứ chập chờn, yêu không nói yêu, không cũng chẳng ra không. Có đêm đi hoạt động cùng nhau vùng ngoại ô Hội An, chỉ có hai người, bốn bên là địch, anh Nhẫn bức xúc quá rút súng ngắn ra, lên đạn, không chĩa vào ngực chị Liễu mà chĩa vào ngực mình: "Em có yêu anh không, nói hẳn ra đi nào?". Chị Liễu chỉ phá lên cười, rất to, lanh lảnh, may mà giữa bãi cát mênh mông, gió lộng, đồn địch bốn bên chẳng nghe thấy gì. Anh Nhẫn, nổi tiếng ngang tàng, đánh địch táo bạo đến liều lĩnh..., trận này lại chịu thua thôi, hậm hực nhét súng vào bao. Và hai người lại đi, chị Liễu kể lại, đêm đó cả hai loạng quạng thế nào suýt nữa đâm đầu vào một ổ phục kích của Tây...
Chị Liễu còn kể cho tôi nghe một câu chuyện nữa, rất kỳ lạ. Khoảng năm 1952 có chủ trương gửi một số cán bộ nữ có học thức ra Bắc học trường Y của bác sĩ Tôn Thất Tùng, nhằm đào tạo những người vừa có chuyên môn vừa có chính trị vững, để lãnh đạo ngành Y. Trong số được chọn đi, có chị Liễu và một chị nữa - mà tôi xin được giữ kín tên, chị X, từng học trường Đồng Khánh Huế, nơi đào tạo hầu hết nữ trí thức của miền Trung. Ở trường Y trên rừng Việt Bắc, chị X yêu một anh bạn cùng lớp, đến khi có thai rồi mới biết anh ta đã có vợ. Ngày đó người ta gọi đấy là tội "hủ hóa", bị coi là rất xấu xa, đấu đá, kỷ luật rất nặng nề. Chị X bỏ trường ra đi, vào rừng Việt Bắc mịt mùng, và mất tích luôn từ đấy...
Khoảng những năm 1960 một đơn vị bộ đội khu 5 tập kết xây dựng một nông trường ở vùng Đồn Vàng, Phú Thọ, bên kia bến phà Trung Hà. Một lần đi tìm gỗ, anh em bắt gặp một gia đình sống cô lập giữa rừng sâu, hai vợ chồng và một đàn con, anh chồng nói tiếng Bắc, nhưng chị vợ lại nói tiếng Quảng. Lân la tìm hiểu rất lâu, cuối cùng họ biết người đàn bà ấy chính là chị X. Ngày ấy, bụng mang dạ chửa, lang thang vô định một mình trong rừng, chị biết mình đi tìm cái chết. Chết vùi, cho thú rừng xé xác, cho mối đùn lên thành một nấm mộ không tên. Nhưng không chết được, chỉ vì còn cái thai. Sự sống thật ghê gớm, nó không để cho cái chết đánh bại, ôm cái bụng ngày càng to, chị lết đi từng bước, hái lá rừng mà ăn, gục xuống suối mà uống nước, đêm ngủ vùi trong bụi rậm, bao nhiêu lần gặp thú rừng, nhưng rất lạ, cứ như chúng đều tránh chị, cả thú dữ, chúng đứng sững nhìn chị ôm cái bụng nặng trĩu đi qua, mắt con thú chợt dịu đi, dường như với một cái nhìn kính trọng...
Cho đến một hôm chị gặp một người đàn ông, anh ấy làm nghề đốt than, sống một mình trong rừng. Người ấy dìu chị về căn lều của anh, cũng là một con người thật kỳ lạ, tuyệt không hỏi chị một câu nào, chỉ biết chị là "người bị nạn", bị nạn của cuộc đời, mà cuộc đời thì bạc lắm. Anh lặng lẽ đưa chị về, lặng lẽ chăm sóc, nuôi chị cho đến ngày chị sinh. Tự tay anh cắt rốn cho đứa bé. Cho đến lúc ấy, anh mới nói lời đầu tiên: "Đây là con tôi"... Và họ sống với nhau từ đấy, tự cô lập ra khỏi xã hội, một nữ cán bộ cách mạng, nữ trí thức, đã học trường Đồng Khánh đến bậc tú tài, và một người tiều phu hoàn toàn mù chữ.
Khi những người bộ đội trung đoàn 96 Đồn Vàng tìm ra họ giữa rừng sâu, thì họ đã có cùng nhau đến năm mặt con, một gia đình đầm ấm... Ban chỉ huy trung đoàn biết chuyện, tìm cách báo cáo về hội Phụ nữ trung ương, ở đấy có nhiều người là bạn cũ cùng học và cùng hoạt động với chị. Họ hoảng hốt lên tìm chị, cố thuyết phục chị về Hà Nội, trở về công tác. Chị chỉ im lặng. Chị từ chối mọi đề nghị, mọi bố trí, mọi chính sách. Lặng lẽ ở lại với rừng, với chồng, với con. Chị từng đi tìm cái chết. Chị đã tìm được sự sống. Và con người. Cả một nhân loại. Của chị. Chị có đủ cả rồi. Chị hạnh phúc...
***
Mỗi người chị Hội An của tôi đều có một số phận khác nhau, một thời kỳ oanh liệt, có thể nói vậy, và cả những éo le khắc nghiệt thường là về cuối đời mà họ gánh chịu lặng lẽ, kiên gan, càng kiên gan vì rất lặng lẽ. Các chị ấy tôi biết rõ, không ai theo đạo Thiên Chúa cả nhưng sao tôi cứ bị ám ảnh bởi hình ảnh những con người vác cây thánh giá Chúa đã trao, mỗi người một cây, kẻ nặng người nhẹ. Như chị Thúy đấy, hôm vừa rồi về Hội An tôi đến thăm chị, chị vẫn nói cười như không, lại còn gửi quà cho vợ con tôi, chị lấy sức ở đâu mà vượt qua nỗi đau của mình can trường đến vậy.
Tôi nhớ mãi cái buổi chiều 30 Tết năm 1968 chúng tôi từ trên núi xuống, xẩm tối thì đến cánh đồng La Thọ Điện Bàn, nô nức ra quân đánh vào Đà Nẵng và Hội An, tổng tấn công Mậu Thân. Tôi gặp chị Thúy ngay giữa cánh đồng rộn rịp ấy. Chị em mừng quá. Chị hỏi: "Em đi cánh Đà Nẵng hay Hội An?". Tôi trả lời đi cánh đánh vào Đà Nẵng. Chị cười to: "Rứa là em thua chị rồi, chị được đi cánh đánh vô Hội An mình, sướng quá!... Thôi, giải quyết xong Đà Nẵng, Hội An rồi, chị em mình gặp lại nhau nghe!". Chỉ kịp nói chừng ấy rồi mỗi người vội chạy một ngả, lẫn vào đoàn quân đang đổ xuống như thác...
Trận ấy ta thua, không vào được Đà Nẵng, cũng chẳng chiếm được Hội An, hy sinh rất nhiều. May mà cả hai chị em đều còn. Lại về gặp nhau bên sông Cổ Cò, địch truy đánh cho tơi bời, lại đói nữa, phải đi mò ốc sông Cổ Cò mà ăn. Vậy mà vẫn vui, vẫn tin. Thua keo này ta bày keo khác, phải không em, chị cười... Chị Thúy là cán bộ phụ nữ tỉnh, tập kết ra Bắc rồi trở về chiến trường sớm cùng với chồng là anh Phương, sĩ quan tham mưu. Anh Phương bị thương, một mảnh đạn găm vào đầu, không chết nhưng trở thành người tâm thầm nặng, càng về sau càng nặng, những năm sau này gần như điên hẳn. Hai anh chị không con cái gì.
Hơn 30 năm nay sau chiến tranh, chị về sống ở cái nhà cũ gần miếu Ông Cọp, trên đường ra Xóm Mới Hội An ngày xưa. Một mình nuôi chồng. Anh Phương điên, ngày nào cũng lên cơn, mà hễ lên cơn thì cứ vợ mà đánh. Có bữa anh cầm dao chặt đứt cả một vết sâu trên cánh tay chị. Chị tìm lá rịt vết thương, lấy vải quấn lại, ai hỏi cũng bảo có gì đâu, bữa trước sẩy chân ngã, sướt một chút thôi mà. Bà con chòm xóm bảo tôi khắp mình chị đầy những vết chém như vậy... Hôm tôi đến thăm chị, có một anh bạn cùng đi, chị nói với tôi bằng tiếng Pháp, để cho anh bạn kia không nghe được: Không sao đâu, em ạ, chị vẫn sống mà, còn hơn bao nhiêu bạn bè đã hy sinh... Chị cười.
Tôi kinh ngạc: người đàn bà đã gần 80 ấy, ngày càng teo tóp lại, lấy đâu ra được nhiều sức mạnh đến vậy? Chị cầm tay tôi bảo: "Chị vẫn nhớ cô và thầy Thông Quý, thầy cô hiền lắm, cũng mừng là tất cả chúng mình đều trưởng thành và sống cũng xứng đáng, phải không em?". Rồi chị ngồi, tẩn mẩn kể bao nhiêu chuyện về ba tôi, ra chị biết về ba tôi còn nhiều, kỹ hơn cả tôi. Chị bảo: em rất giống thầy Thông, cả nết lẫn người...
Thật ra ba tôi thương chúng tôi bằng một tình thương kín đáo và nghiêm khắc. Tôi có một câu chuyện cảm động. Hồi 11 hay 12 tuổi, bạn bè xúi giục thế nào, tôi học đòi hút thuốc. Ba tôi bắt được, đánh cho một trận nên thân, mạ tôi phải khóc can mãi tôi mới được tha... Tôi đi bộ đội, năm 1952 có chiến dịch ở bắc Quảng Nam, đánh xong tranh thủ ghé về thăm nhà tản cư ở Hưng Mỹ. Hai ba con ngồi nói chuyện một lúc, ông lặng lẽ lấy bao thuốc lá ra mời tôi. Tôi cầm lấy một điếu, ứa nước mắt, nhưng không hút. Ba tôi đã coi tôi là một người lớn, một đứa con trai đã trưởng thành... Ngay hồi tôi còn rất nhỏ - tôi là con trai trưởng - ba tôi đã xây dựng cho tôi, và sau này là các em tôi, một tủ sách gia đình.
Tôi nhớ tôi đã đọc hầu như toàn bộ văn học Việt Nam trước cách mạng, không thiếu một tác giả quan trọng nào. Về văn học Pháp, ông bắt tôi đọc trước một năm chương trình quy định của nhà trường, khổ nhất là phải đọc Victor Hugo ngay từ năm thứ hai trung học, lui cui tra từ điển đến mờ mắt để mò mẫm cho kỳ hết cái phần lê thê ông nhà văn lắm lời ấy tả nhà thờ Notre Dame de Paris. Về mặt này, tôi là một đứa trẻ chín ép, đi học sớm, so với bạn bè cùng lớp tôi nhỏ hơn một hay hai tuổi, nhưng lại bị ép đọc trước các bạn một hay hai năm. Ba tôi kiểm tra nghiêm khắc những cuốn sách tôi đọc, nhưng tôi cũng là một đứa bé ma lanh, tôi tìm đên nhà anh Châu Tường Anh và ở đấy được đọc những cuốn thuộc danh sách cấm của ba tôi: Fleurs du mal (Hoa ác) của Beaudelaire, thậm chí cả tác phẩm của Sade, và không biết sao khoảng một năm trước Cách mạng tháng Tám tôi đã đọc được cuốn Retour de l'URSS (Từ Liên Xô trở về) của André Gide, cuốn sách đầu tiên trên thế giới tố cáo sớm một cách khác thường chế độ toàn trị ở Liên Xô...
Cách đọc ấy tạo cho tôi một kiến thức tương đối rộng và sớm - quá sớm - đồng thời cũng tuôn vào đầu tôi một mớ hỗn tạp mà có lẽ rồi tôi sẽ phải lần gỡ ra suốt cả cuộc đời. Mười hai hay mười ba tuổi, tôi đã ngâm nga "Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ..." theo Vũ Hoàng Chương, và đã biết thích cái buồn "điệp điệp" của sóng trường giang Huy Cận hơn cái vồ vập ồn ào "Mau với chứ, vội vàng lên với chứ" Xuân Diệu, cái đẹp của "Hoa ác" Beaudelaire hơn cái sướt mướt Lamartine. Cũng đã biết đến Mái tây(Tây sương ký) qua bản dịch của Nhượng Tống, và kỳ lạ quá, cả Trang Tử Nam Hoa Kinh nữa, cũng qua bản dịch của ông nhà văn tài hoa này...
***
Một cậu bé với cái đầu lộn xộn như vậy đấy, đúng 14 tuổi, đã được ném vào cuộc chiến, kéo dài đến 30 năm, càng về sau càng dữ dội, tưởng sẽ đốt cháy hết mớ bòng bong ấy, không ngờ cả đến ngọn lửa chiến tranh, và cả đấu tranh nhiều phen căng thẳng nữa, vẫn không thiêu xóa được hết dấu vết, thỉnh thoảng lại thức dậy, từ tiềm thức vô hình mà thăm thẳm...
- Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
No comments:
Post a Comment