Thế nhưng, do quan niệm về Tết của nhiều người chưa đúng nên đã xảy ra rất nhiều hiện tượng tiêu cực. Thiết nghĩ, nên đổi mới và cải tiến Tết Nguyên đán cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.
Nhiều người nói: "Vui như Tết". Tết đến, cảnh trí thiên nhiên thật tươi đẹp. Con trẻ có những trang phục mới, được mừng tuổi và đi chơi nhiều nơi cùng cha mẹ, bạn bè. Người già thì được sum vầy cùng con cháu, đi lễ chùa chiền. Những người công tác, làm ăn, học tập xa quê có cơ hội về thăm cha mẹ, anh em. Cán bộ, công nhân viên các cơ quan, đơn vị được mấy ngày nghỉ để sửa sang nhà cửa, thăm hỏi người thân, được thưởng Tết. Những người buôn bán và làm các dịch vụ thêm cơ hội làm giàu. Tết còn là dịp để tình yêu nảy nở, xóa đi những điều chưa tốt, chưa đẹp, chưa hay trong quan hệ giữa con người với con người. Cái ăn cái uống bây giờ không còn là nỗi khao khát đối với nhiều gia đình, mà người ta lại ham "chơi Tết" hơn "ăn Tết"; nhiều người còn đi chơi Tết ở nước ngoài.
Nhưng cũng có rất nhiều điều "buồn như Tết"! Báo chí không thiếu những bài viết với nhan đề: "Những người dị ứng với Tết", "Những người không biết Tết", "Ở nơi không có Tết", "Sao cho Tết đến mọi nhà"… Bởi nhiều nơi, bà con còn thiếu cái ăn, cái mặc, thiếu quần áo rét, nhà cửa quá đỗi tuềnh toàng. Nhiều cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân, vì những nhiệm vụ đặc biệt, phải làm việc liên tục và vất vả, thậm chí hi sinh cả tính mạng trong những ngày Tết. Rất nhiều người về hưu, lương thấp, chỉ triệu hai, triệu rưởi đồng, mà giá cả leo thang từng ngày, làm sao lo được cái Tết đơn sơ? Ngay cả với một số người nổi tiếng, mức sống khá giả, cũng không thích Tết. Giáp Tết Nguyên đán năm ngoái, tôi có đọc bài trả lời phỏng vấn về Tết của NSND Lê Khanh, chị cho biết: Mẹ chị (NSUT Lê Mai) và nhiều người khác lại không thích Tết!
Giáp Tết Tân Mão (2011), vợ chồng tôi đi mua hoa ở chợ Đằng Lâm, Đằng Hải, quận Hải An, Hải Phòng. Cô bán hoa khoảng 27, 28 tuổi cứ chép miệng: "Cháu sợ Tết lắm, cô chú ạ". Tôi bảo: "Bán được nhiều hoa thì Tết càng vui chứ, sao lại sợ Tết?". Cô nói: "Trồng hoa công phu, mất nhiều công sức. Chẳng biết người khác thế nào, chứ nhà cháu bán rẻ thế này thì chẳng được mấy đâu. Tết đến, không có tiền, vợ chồng cháu chẳng dám đi thăm họ hàng. Về quê chồng, không có quà Tết và tiền mừng tuổi, họ hàng chê cười, khinh rẻ. Mà không về, thì các cụ và họ hàng lại trách mắng. Khổ lắm!". Tôi cũng thấy nhiều cặp vợ chồng trẻ, phải nát óc tính toán việc mua quà Tết về thăm quê chỉ bằng chút tiền thưởng nhỏ nhoi. Còn rất nhiều người công tác, làm ăn xa thì khốn khổ vì nạn mua vé tàu xe… Chưa hết những cái "buồn như Tết". Theo báo cáo của Bộ Công an, những ngày giáp Tết, tội phạm kinh tế và hình sự tăng cao, công an và hải quan các địa phương phát hiện vài trăm vụ buôn lậu, sản xuất hàng giả, buôn bán hàng cấm, trốn thuế; bắt giữ hàng trăm vụ tàng trữ, vận chuyển pháo. Đó là chưa kể đến số vụ tai nạn giao thông gia tăng đột biến trong dịp Tết…
Trước Tết, không khí làm việc ở các công sở, cơ quan đã uể oải, nhiều người đi muộn, về sớm, thậm chí bỏ nhiệm sở cả ngày để lo Tết. Ấy thế mà sau những ngày nghỉ Tết nhiều công sở, trường học, doanh nghiệp vẫn vắng lạnh, quạnh hiu, rã rời; còn ở các quán nhậu, các nhà hàng, khách sạn, đền chùa, các nơi vui chơi, giải trí lại rất đông vui, nhộn nhịp, không biết ngày nào mới hết Tết?
Trong thời đại đổi mới, CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, Nhà nước cần quy định việc nghỉ Tết cho hợp lí, sao cho lành mạnh, an toàn, bảo đảm an sinh xã hội ở mức tốt nhất. Các cơ quan báo chí, các đoàn thể quần chúng và trường học cần tuyên truyền mạnh mẽ và thường xuyên về Tết tiết kiệm, song song với việc xây dựng một tâm lí mới, một quan niệm mới về Tết, sao cho giản dị mà trong sáng, vui tươi, không câu nệ về những tục lệ cổ hủ. Mỗi người Việt Nam ta cũng nên nhìn nhận Tết một cách đổi mới, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện kinh tế của chính mình, đồng thời tiếp thụ tinh hoa cái Tết ở các nước văn minh, phát triển
ĐÀO NGỌC ĐÊ
No comments:
Post a Comment