Tuesday, September 20, 2011

20/09 Mỹ nên nói “có” với Palestine



07:20 | 20/09/2011
Chính quyền Palestine dự định sẽ tham dự Khóa họp thường niên lần thứ 66 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) tiến hành từ ngày 20.9 tới. Tại đây, Tổng thống Mahmoud Abbas sẽ đệ đơn yêu cầu LHQ công nhận Nhà nước Palestine độc lập. Mỹ đã tuyên bố sẽ sử dụng quyền phủ quyết của mình ở Hội đồng Bảo an và từ chối tham gia cuộc bỏ phiếu để nâng cấp vị trí của Palestine từ một “thực thể quan sát viên” lên “Nhà nước quan sát viên”. Tuy nhiên, các nhà quan sát đã chỉ ra 5 lý do để chính phủ Mỹ nên ủng hộ yêu cầu chính đáng của người Palestine.

Áp phích cổ động việc thành lập hai Nhà nước Israel và Palestine
 Nguồn: veteranstoday.com
Thứ nhất, đó là chính sách gặm nhấm của Israel. Hai thập kỷ đàm phán đã không mang lại cho người Palestine một nhà nước của riêng mình. Cả người Israel và  người Palestine đều đổ lỗi cho nhau về tình trạng bế tắc hiện nay. Thực tế là từ năm 1993, vào thời điểm Hiệp định Oslo được ký kết với hy vọng mang lại một khuôn khổ cho giải pháp hai nhà nước, chỉ có chưa đến 100.000 người Israel đến định cư tại Bờ Tây. Hiện nay con số này đã lên đến 300.000 người. Theo số liệu của tổ chức nhân quyền Israel B’Tselem, khoảng nửa triệu người Israel đang sống vượt quá đường biên giới cũ được lập nên vào năm 1967. Đây là đường biên giới được chỉ định dành cho Nhà nước Palestine trong tương lai. Vì vậy, có thể nói, mỗi ngày mà nhà nước Palestine còn chưa được công nhận một cách chính thức, lại có thêm một phần lãnh thổ của họ trở thành một phần của Israel. Một vài năm nữa có thể họ sẽ không còn gì nữa.
Thứ hai, Chính phủ của Netanyahu chưa bao giờ chấp nhận một Nhà nước Palestine độc lập. Một thập kỷ trước, ông Benjamin Netanyahu, khi chạy đua cho vị trí lãnh đạo đảng Likud, tuyên bố: “Chúng tôi không chấp nhận việc thành lập một Nhà nước của người Palestine tại bờ Tây sông Jordan”. 7 năm sau, năm 2009, dưới áp lực từ chính quyền của ông Obama, Thủ tướng Israel Netanyahu mới miễn cưỡng chấp nhận khái niệm về một Nhà nước Palestine trên nguyên tắc. Nhưng đó là một Nhà nước không có quân đội, không kiểm soát được biên giới của mình, không có thủ đô, không có quyền hồi hương cho người tị nạn Palestine và phải công nhận Israel là một “Nhà nước Do Thái”. Tất cả các điều này dường như để phủ nhận sự tồn tại của một Nhà nước Palestine thực sự.
Ngay cả nếu ông Netanyahu muốn thúc đẩy việc thành lập một Nhà nước Palestine, thì liên minh cánh hữu của ông cũng sẽ không chấp nhận điều này. Thật vậy, ngay sau bài phát biểu của ông Netanyahu vào năm 2009, những thành viên cao cấp trong đảng Likud của ông đã buộc ông phải rút lại lời tuyên bố về  khả năng thành lập một Nhà nước Palestine.
Thứ ba, Tổng thống Obama đã thất bại trong nỗ lực thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình Trung Đông. So với người tiền nhiệm của mình là cựu Tổng thống George W.Bush, ông Obama có cách tiếp cận tích cực hơn với cuộc xung đột Palestine -  Israel. Tuy nhiên, ngoài một bài diễn văn về sự đau khổ của người Palestine, ông đã không đưa ra được sự thay đổi đáng kể trong chính sách, cũng như không có các kiến nghị cụ thể nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Trung Đông diễn biến tích cực hơn. Nỗ lực đáng kể nhất của ông chỉ là buộc Israel tạm dừng xây dựng các khu định cư Do Thái trên vùng lãnh thổ chiếm đóng, cũng đã không mang lại hiệu quả. Chính quyền của ông Netanyahu thậm chí còn tiếp tục công việc đó với tiến độ nhanh hơn. Những hành động này như một lời chế nhạo của Thủ tướng Israel Netanyahu trước kế hoạch đàm phán về giải pháp hai nhà nước của ông Obama. Rõ ràng, khi Israel từ chối nghe lời Mỹ, Tổng thống Obama không nên từ chối ủng hộ Palestine.
Thứ tư, ủng hộ Palestine có thể sẽ trở thành quân bài có lợi cho cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới. Mặc dù quan điểm của công chúng Mỹ vẫn dành sự ủng hộ cho người Israel, nhưng các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số người Mỹ tin rằng nước Mỹ không nên ủng hộ bên nào trong cuộc xung đột này. Cho dù các phương tiện truyền thông đang ra sức bảo vệ hành động của Chính phủ, nhưng sự thật là sự đồng thuận về chính sách với Israel đã làm thiệt hại nghiêm trọng lợi ích và hình ảnh của Mỹ trên toàn thế giới. Theo một cuộc khảo sát năm 2008, 78% người Mỹ gốc Do Thái ủng hộ cho giải pháp hai nhà nước và 81% muốn chính phủ Mỹ tạo sức ép lên cả hai bên nhằm chấm dứt xung đột. Trong khi đó, chỉ có 8% số người Do Thái được hỏi cho rằng vấn đề Israel sẽ quyết định đến việc họ bỏ phiếu cho ai trong cuộc bầu cử Tổng thống. Điều đó cho thấy, ông Obama và đảng Dân chủ sẽ không những không gặp bất lợi gì, mà còn có thể nhận được nhiều sự ủng hộ hơn nếu không dùng đến quyền phủ quyết của mình về vấn đề công nhận Nhà nước Palestine.
Lý do cuối cùng, người Palestine đang làm chính xác những gì mà người Israel đã làm 60 năm trước. Năm 1948, sau sự đồng ý của LHQ về phân vùng lãnh thổ của người Palestine, đại diện của người Do Thái đã bỏ qua các cuộc đàm phán và đơn phương tuyên bố thành lập Nhà nước Israel. Chính quyền Mỹ sau đó ngay lập tức công nhận Nhà nước này và LHQ một năm sau mới công nhận. Chính điều này đã làm cho tình trạng bạo lực giữa người Do Thái và người Ảrập ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Chính quyền Palestine, sau những thất bại trong việc trông chờ vào nỗ lực đàm phán của các bên, đã kết luận rằng đơn phương hành động là cách duy nhất có thể đưa họ đến với một Nhà nước độc lập.
Bản thân ông Obama trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của mình cũng từng thừa nhận “không ai đau khổ hơn so với nhân dân Palestine”. Có lẽ đã đến lúc Tổng thống Obama nên đi theo niềm tin và lời hứa của mình cho nhân dân Palestine.
Nguyễn Hoàng
Theo LT

No comments:

Post a Comment